TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Phát triển kinh tế vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh
Ngày cập nhật 01/09/2020

75 năm qua, từ một nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa còn non trẻ, đến nay đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu hết sức to lớn. Đó không chỉ là thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, mà còn là thắng lợi của sự nghiệp đổi mới do Đảng đề ra và lãnh đạo, đưa nước ta bước vào một thời kỳ phát triển mới.

Ngày 2/9/1945, trước hàng vạn quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, và tuyên bố với toàn thể nhân loại trên thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng đất nước thông qua các hoạt động phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đẩy mạnh phát triển mọi mặt nền kinh tế. Ảnh: Việt Hà

Khôi phục kinh tế từ đống hoang tàn

Sau khi giành được chính quyền, đất nước ta đứng trước vô vàn những khó khăn: ngân khố kiệt quệ, tài nguyên khoáng sản bị thực dân Pháp vơ vét cạn kiệt, đói nghèo tràn lan, nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu và manh mún, sản xuất công nghiệp chủ yếu tập trung vào khai thác mỏ.

Lúc này, có tới 59,2% hộ nông dân không có ruộng đất, phần lớn số ruộng đất tập trung trong tay giai cấp địa chủ phong kiến và thực dân Pháp, người nông dân phải sống chủ yếu bằng cày thuê, cuốc mướn. Do chính sách bóc lột thậm tệ, năm 1945, ở miền Bắc Việt Nam có trên 2 triệu người chết đói.

Ngay sau khi Nhà nước được thành lập, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên nhiệm vụ trước mắt của Chính phủ: Phải làm cho dân có ăn, phải làm cho dân có mặc, phải làm cho dân có chỗ ở, phải làm cho dân được học hành. Sau đó, cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành toàn quốc vào ngày 6/1/1946 đã bầu ra bộ máy điều hành đất nước. Quốc hội Khóa I đã quyết tâm khắc phục nạn đói, khôi phục đất nước, phát triển kinh tế trên tàn tích thực dân.

Nhiều biện pháp phát triển kinh tế được đưa ra và đưa vào thực tế, từ “tấc đất tấc vàng” (tận dụng mọi khoảng đất để tăng gia), trồng cây lương thực ngắn ngày để cứu đói, trưng dụng tất cả ruộng đất bỏ hoang… Nhờ đó, từ cuối tháng 9/1945, nạn đói đã bị đẩy lùi. Sản lượng lương thực năm 1946 đạt 1.155.000 tấn, gấp đôi năm 1945.

Tiếp đó, để tăng ngân khố quốc gia, Chính phủ phát động “Tuần lễ vàng” và Quỹ độc lập, đồng thời phát hành đồng tiền Việt Nam “giấy bạc cụ Hồ” – đồng tiền độc lập của một quốc gia độc lập. Bước đầu, chính phủ ta trở thành chính phủ độc lập, có ngân quỹ, có đồng tiền riêng, bước đầu ổn định được đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, chưa kịp khôi phục kinh tế, chính quyền non trẻ của ta tiếp tục phải tiến hành nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc: chống Pháp, chống Mỹ trong 30 năm tiếp theo (đến 1975). Toàn dân ta hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến của Đảng và Chính phủ, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Cũng từ đó, Đảng ta quyết định phát triển nền kinh tế kháng chiến, trong đó chú trọng đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và thủ công nghiệp kháng chiến; không ngừng động viên nông dân ra sức tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống cho nông dân, góp phần nâng cao sức chiến đấu của quân đội. Nhờ đó, ta đã đảm bảo được chủ yếu lương thực thực phẩm; sản xuất số lượng lớn vũ khí đạn dược, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ.

Sau 30 năm, từ một nền kinh tế nông nghiệp cực kỳ lạc hậu, kiệt quệ vì sự bóc lột lâu đời của đế quốc và phong kiến, ta đã tự cấp tự túc lương thực thực phẩm, vừa phát triển kinh tế vừa đánh bại những đối thủ sừng sỏ nhất thế giới, thống nhất đất nước, hoàn thành độc lập dân chủ trong cả nước.

Đường lối đổi mới tạo cú hích trong phát triển kinh tế

Khoán 10 "cởi trói" cho nền nông nghiệp nước ta. Ảnh minh họa: Vnews.

Sau chiến tranh, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới - giai đoạn cả nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đã trải qua chặng đường tìm tòi, sáng tạo, thử nghiệm, tổng kết của Đảng và nhân dân ta để xây dựng cương lĩnh cho cách mạng nước ta trong giai đoạn mới và đề ra chiến lược phát triển kinh tế lâu dài.

Đường lối đó được hình thành trên những thử nghiệm và quyết sách quan trọng: Nghị quyết Hội nghị Trung ương sáu khóa IV với những chính sách làm cho sản xuất “bung ra”; Chỉ thị 100 của Ban Bí thư khóa IV về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong HTX nông nghiệp; các Quyết định 25/CP và 26/CP của Thủ tướng Chính phủ về nhiều nguồn cân đối và ba phần kế hoạch; Đại hội V của Đảng xác định lại thứ tự ưu tiên trong phát triển kinh tế, trong đó khẳng định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu; Nghị quyết Hội nghị TW 8 khóa V về giá – lương – tiền với chủ trương xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, thực hiện cơ chế một giá…

Trước những thách thức, khó khăn hết sức nặng nề của khủng hoảng kinh tế tưởng chừng khó vượt qua do cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chính sách cào bằng; bằng việc đúc rút kinh nghiệm của các bước thử nghiệm đổi mới cơ chế quản lý, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra đường lối đổi mới trong phát triển đất nước mà nội dung quan trọng có tính quyết định là thực hiện dân chủ trong đời sống kinh tế; chuyển cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường, nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tại Đại hội VI, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, bao gồm đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức cán bộ, đổi mới phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác; Đại hội VII của Đảng thông qua Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hội nghị Trung ương 3 khóa VII của Đảng xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt.

Đường lối đổi mới đúng đắn, hợp quy luật phát triển tạo nên động lực to lớn đã vực dậy nền kinh tế đang suy yếu trong khủng hoảng, giải phóng các lực lượng sản xuất, phát huy các tiềm năng của đất nước và thu được nhiều thành tựu to lớn.

Thực hiện các chỉ đạo đó, nền kinh tế của ta đã có bước phát triển vượt bậc. Kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ tăng khá cao, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Từ năm 1991 đến năm 2000, tổng sản phẩm trong nước tăng liên tục qua các năm với nhịp tăng bình quân hàng năm 7,5%. Từ năm 2001 đến 2004, tổng sản phẩm trong nước có nhịp tăng trưởng bình quân hàng năm 7,25%.

Từ những thành tựu của đất nước sau từng chặng đường, tại Đại hội VIII, Đảng ta khẳng định: “Sau 10 năm đổi mới, nước ra đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội”; Đại hội XI, Đảng ta nhận được “Nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016) đã khẳng định “Kinh tế tập thể bước đầu được đổi mới, kinh tế tư nhân tăng nhanh về số lượng, từng bước nâng cao hiệu quả kinh doanh… Sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã từng bước hình thành và phát triển, thực lực của nền kinh tế tăng lên, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng tưởng kinh tế được duy trì hợp lý và được đánh giá là thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng khá cao trên thế giới, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình”.

Ngoài ra, chúng ta cũng tích cực tham dự và tham gia hội nhập kinh tế thế giới, tham gia các tổ chức kinh tế, thương mại khu vực và thế giới, ký kết các hiệp định hợp tác kinh tế đa phương, như: đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ, ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hoá song phương với các nước và các tổ chức quốc tế.

Ta cũng đã có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Ngân hàng phát triển Á Châu, Quỹ tiền tệ thế giới, Ngân hàng thế giới, là thành viên của các tổ chức kinh tế thế giới: ASFTA, ASEM, APEC, WTO và gần đây là EVFTA…

Việt Nam ký kết nhiều hiệp định với đối tác quốc tế. Ảnh: Việt Hà

Việt Nam đang tích cực tham gia và phát huy vai trò thành viên trong các tổ chức kinh tế quốc tế, nhờ đó, vị thế của Việt Nam ngày càng tăng, ta đã và đang gặt hái được những thành tựu trong việc tự do hoá thương mại và mở cửa thị trường (Báo cáo của Văn phòng UBQG Hợp tác kinh tế quốc tế).

Những bước phát triển đó được thể hiện rất rõ trong kết quả hoạt động kinh tế đất nước trong năm 2019. Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của Chính phủ cho thấy, Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong khu vực, toàn cầu. Cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn; các ngành, lĩnh vực chủ yếu vẫn phát triển ổn định, tích cực trong bối cảnh khó khăn. Nước ta xếp thứ 8 trong các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư, tăng 15 bậc so với năm 2018.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6%-6,8%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 ước tính xuất siêu 9,9 tỷ USD, mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu. Hoạt động thương mại, dịch vụ năm 2019 diễn ra sôi động, hoạt động du lịch đạt kỳ tích, thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2020 là một năm cực kỳ khó khăn của nền kinh tế thế giới, nhiều quốc gia hầu như đã không thể chống chọi được với sự duy thoái kinh tế do dịch bệnh, đang đứng trên bờ vực tan vỡ. Nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm sáng đáng lạc quan. Báo cáo “Một số vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới và Việt Nam tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020” của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho thấy 6 tháng đầu năm, GDP của ta tăng trưởng gần 2% và dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 Việt Nam có khả năng đạt hơn 5% bởi lý do, sau làn sóng thứ nhất của dịch COVID-19, các hoạt động kinh tế được phép khởi động trở lại và thích ứng với diễn biến mới của dịch bệnh nhờ những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đúng hướng. Điều này giúp chúng ta hoàn toàn hy vọng chúng ta có thể đứng vững trong mọi hoàn cảnh khó khăn nhất.

75 năm qua, từ một nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa còn non trẻ, đến nay đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu hết sức to lớn. Đó không chỉ là thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, mà còn là thắng lợi của sự nghiệp đổi mới do Đảng đề ra và lãnh đạo, đưa nước ta bước vào một thời kỳ phát triển mới. Những thành tựu đáng tự hào đó thể hiện con đường đi đúng đắn của chủ nghĩa xã hội, thể hiện tính ưu việt một xã hội của con người, vì con người.

Chặng đường 75 năm không quá dài, nhưng đủ để khẳng định nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là hoàn toàn có cơ sở “Có thể nói rằng đất nước Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay. Chúng ta có thể tự hào và tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta nhất định sẽ đi lên sánh vai cùng bạn bè các nước trên thế giới”. Tất cả những nỗ lực, những cố gắng đó đều thể hiện một ý chí quyết tâm của mỗi người dân Việt Nam - đi theo theo con đường Bác Hồ đã chọn - con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội./.

 

Thương Huyền (Nguồn: http:dangcongsan.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 10.009.215
Truy câp hiện tại 658