Vậy ý tưởng “dạy ít, học nhiều” ra đời trong hoàn cảnh nào? Một cột mốc quan trọng trong những cải cách GD gần đây ở Singapore là tầm nhìn chiến lược “Nhà trường tư duy, quốc gia học tập” (Thinking Schools, Learning Nation – TSLN) với vai trò định hướng đổi mới cho GD Singapore từ năm 1997. “Nhà trường tư duy” là mô hình trường học - nơi tư duy sáng tạo, niềm say mê học tập suốt đời và tinh thần phụng sự tổ quốc của học sinh được kích thích ngay từ tuổi nhỏ. Còn theo mô hình “Quốc gia học tập”, học tập được coi là văn hóa quốc gia, trong đó mọi tầng lớp xã hội đều dồi dào tính sáng tạo và đổi mới.
Dưới tầm nhìn TSLN, nhiều sáng kiến đa dạng đã được thực hiện trên từng khía cạnh của hệ thống GD. Năm 1997, chương trình “Giáo dục quốc gia” (National Education) bắt đầu được thực hiện với mục đích thắt chặt tinh thần dân tộc và củng cố niềm tin vào tương lai của người dân Singapore.
Cũng trong năm đó, Bộ GD Singapore khởi động kế hoạch tổng thể đưa công nghệ thông tin vào trường học, chuẩn bị cho sinh viên những kỹ năng tin học cần thiết cho công việc sau khi ra trường.
Năm 2004, trọng tâm của TSLN được chuyển thành “Cách tân và Dám nghĩ dám làm” (Innovation & Enterprise – I&E). I&E nhằm mục đích khơi gợi tinh thần học hỏi và hợp tác tập thể của sinh viên.
Thế nào là “Dạy ít, học nhiều”?
Theo chiến lược “Dạy ít, học nhiều”, GD Singapore tập trung nâng cao chất lượng học tập của sinh viên bằng cách tạo thêm nhiều “khoảng trống” trong chương trình học để giáo viên có thể thực hiện những kế hoạch giảng dạy riêng, cùng sinh viên định hình một môi trường GD riêng và bồi dưỡng nghiệp vụ.
Với mô hình “Dạy ít, học nhiều”, kiểu học vẹt, học vì thành tích và phong cách giảng dạy “dành cho với tất cả mọi người” sẽ bị loại bỏ. Thay vào đó, sinh viên sẽ chủ động hơn trong học tập, khám phá tri thức thông qua các thí nghiệm, trải nghiệm thực tế, học các kỹ năng sống và xây dựng nhân cách nhờ chiến lược đào tạo hiệu quả và sáng tạo.
Ngoài ra, sinh viên cũng có thêm nhiều cơ hội học tập và rèn luyện toàn diện để phát triển tư duy, nhân cách và những tố chất để thành công trong tương lai.
Mô hình “Dạy ít, học nhiều” đã được áp dụng ở nhiều trường học Singapore, đơn cử như Trường trung học Bedok South, học sinh được học làm phim và thiết kế poster cho Quỹ Trái tim Singapore, thiết kế bộ sạc điện thoại nhờ phần mềm máy tính…
Không chỉ thế, trường học còn tạo điều kiện để các em biến thiết kế của mình thành sản phẩm thực sự. Với những hoạt động như vậy, học sinh đã đồng thời được học nhiều môn học khác nhau: Âm nhạc, nghệ thuật, thiết kế, công nghệ.
Mô hình “Dạy ít, học nhiều” được thực hiện từng bước một chứ không phải là một bước chuyển đột ngột. Một ví dụ về việc thực hiện mô hình này là sự ra đời của chương trình “Project Work” vào năm 2000, cho phép sinh viên học cách làm việc nhóm và áp dụng kiến thức vào thực tế.
Theo Bộ GD Singapore, Project Work là một phương pháp đào tạo, theo đó các môn học sẽ được tích hợp, kết nối với nhau giúp sinh viên khám phá sự gắn kết và thống nhất giữa chúng. Project Work sẽ giúp sinh viên phát triển kỹ năng trong 4 lĩnh vực sau:
-
Áp dụng kiến thức: Sinh viên được học các kỹ năng nghiên cứu cơ bản, áp dụng và lưu chuyển kiến thức giữa các môn học khác nhau và tạo mối liên hệ giữa chúng.
-
Truyền thông: Sinh viên học cách truyền đạt ý tưởng một cách rõ ràng và hiệu quả.
-
Hợp tác: Sinh viên phát triển các kỹ năng xã hội thông qua các bài tập làm việc nhóm nhằm đạt mục tiêu chung.
-
Học tập độc lập: Sinh viên phải chịu trách nhiệm và tự quản lý sự học của mình, phát triển thái độ học tập và nghiên cứu tích cực.
Project Work được chú trọng hơn ở trường THCS, THPT. Đối với trường tiểu học, Bộ GD đưa ra chính sách “Giáo dục tích cực” (Strategies for Effective Engagement and Development – SEED), kêu gọi giáo viên xây dựng các chiến lược hiệu quả để kích thích tinh thần học tập của học sinh ngay từ khi các em mới bước chân vào trường học.
Theo chính sách này, các trường tiểu học sẽ phải cải thiện cả chương trình giảng dạy và phương pháp đánh giá chất lượng GD. Ví dụ, Trường tiểu học Rulang đã tổ chức lại chương trình học để học sinh hào hứng và tham gia tích cực hơn vào bài giảng. Các em được học các kiến thức và kỹ năng thông qua những hoạt động vui tươi, hấp dẫn và phù hợp.
Để hỗ trợ việc đổi mới GD, Bộ GD Singapore cam kết thực hiện những thay đổi về cấu trúc chương trình học và cung cấp những nguồn lực cần thiết. Bộ sẽ tăng cường tính linh hoạt, chủ động của các trường bằng cách rút gọn chương trình giảng dạy tới 10-20% để tạo “thời gian trống”.
Giáo viên được tự do giành thời gian trống thực hiện các bài giảng do họ tự thiết kế, áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy, đánh giá đa dạng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của từng học sinh. Bộ GD giảm 2 giờ làm mỗi tuần cho mỗi giáo viên để họ có thêm thời gian lên kế hoạch giảng dạy và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn.
Về tài chính, Bộ GD giành khoảng 40 triệu đô la Singapore để xây dựng cơ sở vật chất cho trường học nhằm đảm bảo tính chủ động của giáo viên và học sinh. Các trường có thể được trang bị các lớp học đặc biệt phù hợp với cả hoạt động tập thể, hoạt động nhóm, “phố sinh thái” để học về khoa học tự nhiên, hoặc một nhà hát để học nghệ thuật biểu diễn.
Thách thức đối với mô hình “Dạy ít, học nhiều”
Hiện nay, cả giáo viên và học sinh ở Singapore đều quá bận rộn với công việc hàng ngày ở trường. Nhiều người cho rằng hệ thống GD có thể tiếp tục vận hành theo mô hình hiện tại mà vẫn đem lại kết quả tốt. Đó chính là một thách thức lớn đối với chiến lược “Dạy ít, học nhiều” bởi những cách tân theo kế hoạch của chính phủ sẽ là những thay đổi tinh tế, khó nhận thấy.
Để thực hiện thành công mô hình “Dạy ít, học nhiều”, giáo viên và những người quản lý GD phải hiểu rằng học tập tích cực là một mô hình học tập vô cùng khác biệt. Một người học tích cực là người dành toàn tâm toàn ý cho việc học tập, càng tích cực bao nhiêu thì chất lượng học tập càng tăng bấy nhiêu.
Theo kiểu GD truyền thống, giáo viên cung cấp thông tin và kiến thức để học sinh học thuộc và “nhai đi nhai lại”. Theo mô hình mới này, người học phải là người chủ động trong quá trình học; giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, khuyến khích và hỗ trợ. Mô hình học tập tích cực bao gồm 4 yếu tố sau:
-
Học sinh chịu trách nhiệm và tự quản lý việc học của mình. Họ phải xác định mục tiêu học tập rõ ràng và biết phải làm gì để thực hiện mục tiêu đó, cũng như xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng học cho riêng mình.
-
Học sinh biết đưa ra chiến lược học tập hiệu quả. Họ biết cách học, cải tiến phương pháp học và áp dụng kiến thức một cách sáng tạo.
-
Học sinh biết hợp tác với bạn bè. Họ hiểu rằng học tập là một hoạt động xã hội, rằng mỗi người có một quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề, và việc trao đổi ý kiến, chia sẻ kiến thức sẽ làm cho việc học thêm phong phú và chất lượng.
-
Học sinh luôn được khuyến khích trong suốt quá trình học. Họ thấy được niềm vui và sự hứng khởi cũng như lợi ích của việc học tập.
Bên cạnh đó, vai trò của giáo viên cũng sẽ thay đổi: Giáo viên chỉ là người hướng dẫn. Họ tạo một môi trường học tập trong đó học sinh hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề và thực hiện những nhiệm vụ thực tế. Giáo viên là người cùng học với học sinh chứ không phải người cung cấp lời giải.
Để đổi mới GD theo các chiến lược kể trên, học sinh phải có độ chín nhất định thì mới có thể tự chịu trách nhiệm về việc học của mình mà không cần giáo viên kèm cặp.
Đây không chỉ là sự thay đổi về chính sách GD mà còn là sự thay đổi căn bản về phẩm chất và tư duy của cả thầy và trò. Kế hoạch này thật sự rất khó thực hiện nếu xã hội vẫn còn quá coi trọng điểm số và thành tích.
Hiện nay, nhiều giáo viên và học sinh Singapore vẫn bị kết quả của các bài kiểm tra chi phối. Vì vậy, mặc dù than phiền rằng hệ thống GD hiện tại chứa đựng quá nhiều sức ép và không khuyến khích tư duy sáng tạo, nhiều học sinh vẫn thích “ăn sẵn” hơn là tự nghiên cứu và khám phá.
Thanh Trà – Huyền Trang (Tổng hợp từ bài nghiên cứu cứu của tác giả Park Tee Ng)
(Còn tiếp)