TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Thành quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng -Khởi sắc từ nội lực
Ngày cập nhật 04/07/2023

Bài 2: Công nghiệp quốc phòng vững mạnh chính là bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

 

Vua Lý Nhân Tông trước lúc lâm chung đã căn dặn: “Nên sửa sang giáo mác để phòng việc bất ngờ”. Đúc kết lịch sử dân tộc, chỉ ra kế sách giữ nước từ khi nước chưa nguy, ngay sau khi thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “đánh giặc, trước hết phải có vũ khí”. Sửa sang giáo mác, sản xuất vũ khí nhất định cần một nền công nghiệp quốc phòng mạnh. Đánh giá tính chất quan trọng của công nghiệp quốc phòng, Đại hội XIII của Đảng xác định: Phát triển nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng và củng cố các tuyến phòng thủ biên giới, biển, đảo. Những thành quả mang tính đột phá của công nghiệp quốc phòng trong nửa nhiệm kỳ đại hội XIII đã chứng minh sự đúng đắn này.

Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư; tinh thần Đại hội XIII về chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng; đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, thời gian qua, công nghiệp quốc phòng (CNQP) đã đạt được những kết quả quan trọng, sản phẩm CNQP ngày càng đa dạng, lưỡng dụng, bảo đảm chất lượng, góp phần tự chủ bảo đảm vũ khí trang bị, từng bước hiện đại hóa quân đội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng quân đội.

Những bước phát triển vững chắc của CNQP giúp chúng ta ngày càng tự chủ trong bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường.

Để hoàn thành nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đề ra đối với CNQP, trong nửa nhiệm kỳ qua, thông qua việc hoàn thiện tổ chức, bộ máy, chúng ta đang tiếp tục xây dựng các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, tiến tới thành lập tổ hợp công nghiệp quốc phòng bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại; đã xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ cho phát triển công nghiệp quốc phòng. Coi trọng kết hợp xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng trong chiến lược xây dựng, phát triển công nghiệp quốc gia. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương về phát triển công nghiệp quốc phòng. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tổ chức thực hiện có hiệu quả các hình thức hợp tác, chuyển giao công nghệ, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ.

Xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại là chủ trương nhất quán, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Trách nhiệm này là của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nhưng trước hết và chủ yếu là của cấp ủy, chỉ huy các cấp cùng cán bộ và chiến sĩ toàn quân và các ngành thuộc các bộ chủ quản như Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương… Trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về vấn đề này, từ đó đã có sự phối hợp khá nhịp nhàng, tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, thống nhất cao ý chí và hành động để phát triển công nghiệp quốc phòng gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đủ sức mạnh, tiềm lực, khả năng phục vụ có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng của đất nước trong giai đoạn mới, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, như Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Mới đây, Bộ Công Thương và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức buổi làm việc về công tác phối hợp giữa công nghiệp dân sinh và công nghiệp quốc phòng. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương khi làm việc cùng đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã khẳng định, các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương và các đơn vị, nhà máy thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng là một bộ phận hữu cơ, không tách rời của nền công nghiệp quốc gia. Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển CNQP, những năm qua, Bộ Công Thương và Bộ Quốc phòng (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) đã phối hợp triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp về phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng và đạt được một số kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Cả hai Bộ cùng quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW để xây dựng CNQP theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng của đất nước.

Chính từ sự phối hợp chặt chẽ này, trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, CNQP đạt được những kết quả quan trọng. Sản phẩm công nghiệp quốc phòng ngày càng đa dạng, chất lượng ngày càng tốt; ngày càng có nhiều sản phẩm công nghiệp quốc phòng tốt, hiện đại, đóng góp cho sự tự chủ bảo đảm vũ khí trang bị, từng bước hiện đại hóa quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; thiết thực tăng cường thực lực sức mạnh cho quân đội.

Trước hết, để xây dựng quân đội hiện đại, công nghiệp quốc phòng cũng phải từng bước phát triển theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng một phần nhu cầu vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang và góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, nghiên cứu, thiết kế, làm chủ công nghệ chế tạo và sản xuất được một số loại vũ khí chiến lược cần thiết cho phòng thủ đất nước; từng bước bảo đảm đủ số lượng, nâng cao chất lượng, đáp ứng kịp thời vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biển, đảo là tiền đề rất quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Trong chuyến khảo sát toàn diện, tìm hiểu thực tế một số đơn vị tiêu biểu của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và một số đơn vị công nghệ hàng đầu của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã được chúng kiến tận mắt những thành quả, cách làm sáng tạo của các đơn vị; nhiều sản phẩm công nghiệp quốc phòng của chúng ta đạt tới trình độ khu vực và thế giới; thiết thực nâng cao sức mạnh cho quân đội; nhiều công nghệ lõi, công nghệ nền tảng phục vụ thiết thực cho các ngành kinh tế dân sinh; đóng góp chung cho sức mạnh tổng thể quốc gia.

Qua tìm hiểu thực tế đã thấy rõ, Nghị quyết Đại hội XIII đã được các đơn vị nắm chắc và triển khai linh hoạt, sáng tạo. Tại Viện Hàng không vũ trụ (HKVT) Viettel, trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, nơi được tổ chức để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các trang thiết bị kỹ thuật quân sự công nghệ cao (CNC) theo yêu cầu, nhiệm vụ Bộ Quốc phòng giao, chúng tôi thấy rõ Nghị quyết đã đi tới từng cán bộ, kỹ sư, các nghiên cứu viên.

Từ các phong trào thi đua đã tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực quốc phòng, giúp chúng ta tiết kiệm hàng triệu USD mua sắm; tiết kiệm nguồn lực của đất nước, đặc biệt là chúng ta đã từng bước vươn lên làm chủ các công nghệ hiện đại; công nghệ lõi để tạo bước tiến vững chắc làm chủ công nghiệp quốc phòng hiện đại.

Tin vui từ Viện Hàng không Vũ trụ Viettel (VTX) đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công nhiều loại trang bị kỹ thuật quân sự CNC, đặc biệt là làm chủ các công nghệ lõi trong lĩnh vực hàng không vũ trụ đã chứng minh đội ngũ sĩ quan ưu tú của QĐND Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ trong lĩnh vực CNQP CNC ở Việt Nam.

Bằng chứng sinh động nhất là việc vào tháng 5-2022, VTX chính thức được Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền cho hai công trình thuộc lĩnh vực quang điện tử và công nghiệp vật liệu. Hai sáng chế quan trọng này giúp giải quyết bài toán tự nghiên cứu, thiết kế chế tạo, giảm thiểu tối đa việc phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng vẫn đáp ứng được các điều kiện làm việc khắc nghiệt trong lĩnh vực quân sự.

Không chỉ có hai sáng kiến, số lượng các sáng chế của Viettel ngày càng tăng, bao trùm trên cả lĩnh vực quân sự, dân sự, khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực công nghệ cao của Viettel. Đến nay, Viettel đã được cấp 56 bằng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam, trong đó USPTO cấp 11 bằng bảo hộ sáng chế tại Mỹ. Các sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ đã minh chứng cho năng lực tự chủ của Viettel trong nghiên cứu, phát triển các công nghệ lõi trong sản xuất, chế tạo công nghệ cao. Tuy chỉ ít năm thành lập, nhưng VTX đã triển khai thành công nhiều dự án quan trọng, trong đó có những lĩnh vực rất mới, khó và phức tạp đối với Việt Nam cũng như trên thế giới. Nhiều dự án đã được nghiệm thu với những kết quả đột phá trong lĩnh vực hàng không, vũ trụ đưa Việt Nam trở thành một trong số rất ít các nước trên thế giới có khả năng làm chủ các trang bị kỹ thuật và sản phẩm công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở lĩnh vực này. VTX đã hoàn thành mở mới 32 nhiệm vụ khoa học công nghệ; nghiệm thu 16 nhiệm vụ khoa học công nghệ; xét công nhận và khen thưởng gần 200 ý tưởng và sáng kiến áp dụng trong sản xuất, kinh doanh, làm lợi cho quân đội nhiều tỷ đồng. VTX đã hoàn thành đăng ký bảo hộ gần 200 sáng chế, được đăng công báo sở hữu công nghệ của Cục Sở hữu trí tuệ. Mới nhất là 2 công trình thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng của Viettel cũng đã được Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh – giải thưởng nhà nước cao quý nhất về khoa học và công nghệ.

Để có thể đẩy nhanh hơn nữa các chương trình phát triển công nghiệp quốc phòng thì nòng cốt vẫn phải là phát triển con người. Trong suốt những năm qua, Tổng cục CNQP hay Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội luôn coi trọng xây dựng, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp quốc phòng có chất lượng cao.

Hiện nay, lãnh đạo các nhà máy, viện nghiên cứu ở những nơi này đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp quốc phòng, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học – công nghệ quân sự có trình độ cao trên các lĩnh vực trọng điểm, đặc thù, mũi nhọn, công nghệ cao; cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật giỏi, lành nghề.

Trở lại câu chuyện ở VTX, các kỹ sư ở đây đều khẳng định: Con người là yếu tố quyết định để xây dựng nền công nghiếp quốc phòng công nghệ cao. Với những chính sách trọng dụng, thu hút nhân tài, VTX đã quy tụ được nhiều chuyên gia giỏi, hàng đầu trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, với 10% quân số là tiến sĩ; trên 20% là thạc sĩ; trong đó có những nhân sự từng làm việc ở những công ty hàng không hàng đầu thế giới, như: Boeing, Airbus… Sự thành công trên của VTX đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có khả năng làm chủ các sản phẩm CNQP công nghệ cao; khẳng định trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh không một quốc gia nào muốn chia sẻ các bí quyết về công nghệ cao trong lĩnh vực quân sự.

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, các nước lớn tăng cường điều chỉnh chiến lược, cạnh tranh quyết liệt. Xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tấn công mạng diễn ra gay gắt. Sự phát triển mạnh mẽ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tác động sâu sắc đến khoa học – công nghệ quân sự; nhiều loại vũ khí mới ra đời, xu hướng chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, chiến tranh từ xa là phổ biến, đặt ra những yêu cầu mới, cấp thiết về quốc phòng và CNQP của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trước bối cảnh đó, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ta chủ trương xây dựng, phát triển nền CNQP theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại; đủ năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật có tính năng kỹ, chiến thuật cao theo yêu cầu trang bị cho lực lượng vũ trang, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng Quân đội hiện đại.

Bằng sự chủ động, nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo, CNQP đã hoàn thành các mục tiêu nghiên cứu, sản xuất trang bị kỹ thuật cho lực lượng Lục quân và góp phần quan trọng hiện đại hoá các lực lượng Hải quân, Phòng không – Không quân, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử, Trinh sát kỹ thuật, Tình báo, Tác chiến không gian mạng,… giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Đồng thời làm chủ được công nghệ lõi, nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất được nhiều chủng loại vũ khí công nghệ cao, vũ khí chiến lược, tạo bước tiến vượt bậc về năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất. Cùng với phát triển theo chiều sâu, nghiên cứu phát triển các loại vũ khí hiện đại, thông minh, sản phẩm CNQP ngày càng đa dạng, lưỡng dụng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để xây dựng, phát triển CNQP, cần có thêm các chính sách đặc thù. Đây là vấn đề lớn, bao hàm nhiều nội dung, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nên đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về nguồn nhân lực, tài chính, khoa học công nghệ. Cùng với đó, cần đẩy mạnh liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật; chú trọng hợp tác cùng nghiên cứu phát triển và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của CNQP với các đối tác trong và ngoài nước. Đồng thời, có chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp then chốt quốc gia, như: hóa chất, luyện kim, cơ khí chế tạo máy, điện tử, tin học, viễn thông,… tham gia vào chuỗi sản xuất của CNQP, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển CNQP.

Ngoài việc thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải đầu tư xây dựng có trọng điểm một số cơ sở CNQP có công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiến tới hình thành các tập đoàn, tổ hợp công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng, công nghệ cao, có nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất và bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự. Trước mắt, tập trung xây dựng và phát triển CNQP với quy mô, tổ chức, cơ chế quản lý phù hợp, phát huy vai trò, trách nhiệm tự chủ của các cơ sở CNQP; xây dựng, phát triển nền CNQP Việt Nam hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế – xã hội như đã xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

QĐND online
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 10.002.539
Truy câp hiện tại 296