TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Thành quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng – Khởi sắc từ nội lực. Bài 4
Ngày cập nhật 31/07/2023

Bài 4

Phát triển bền vững đất nước từ văn hóa và bằng văn hóa

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các chủ trương, chính sách xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã được hiện thực hóa và đi vào thực tế cuộc sống.

Nhìn lại chặng đường nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong lĩnh vực văn hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Văn hóa đã trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã trả lời phỏng vấn của Báo Quân đội nhân dân Điện tử về những thành tựu, sự phát triển trong quan điểm của Đảng về văn hóa sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phóng viên (PV): Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là một dấu mốc đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển văn hóa Việt Nam, tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm về các chủ trương, chính sách xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ông đánh giá thế nào về vai trò và tầm quan trọng của Hội nghị này?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 là một dấu mốc đặc biệt đối với sự phát triển văn hóa Việt Nam. Điều này không chỉ nằm ở dấu ấn để kỷ niệm 75 năm Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946 với thông điệp truyền cảm hứng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, mà còn ở tinh thần quan trọng của hội nghị trong việc chấn hưng văn hóa dân tộc, để văn hóa đồng hành với sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới – một bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức, mà văn hóa cần phải được đặt ở vị trí trung tâm, là hệ điều tiết sự phát triển bền vững, tạo nên sự tự tin cho dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.

Ngày 24-11-2021 chắc chắn là ngày đáng nhớ đối với những người yêu văn hóa nghệ thuật đất nước. Sau 75 năm kể từ hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 được xem là “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa để đánh giá lại quá trình phát triển văn hóa, đặc biệt là qua 35 năm đổi mới, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, huy động sự hiến kế tâm huyết, đồng tâm, đồng sức, đồng lòng của văn nghệ sĩ, những người thực hành văn hóa nghệ thuật.

PV: Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta xác định xây dựng và phát huy giá trị, sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam là một trong trong các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, theo ông, vấn đề chủ chốt cần triển khai là gì?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã rất chú trọng đến phát triển văn hóa, với mục tiêu: “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật”.

Để làm được điều đó, chắc chắn chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế. Trong đó, cần xây dựng môi trường văn hóa một cách toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp để văn hóa thực sự là động lực, đột phá phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tự hào dân tộc, tính cộng đồng và khát vọng vươn lên; đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của người lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức và đảng viên.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân được phát huy các năng lực tự do sáng tạo trong đời sống kinh tế, xã hội. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, đức tính cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, hiện đại; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Đồng thời, chúng ta cần quan tâm đầu tư đúng mức để phát triển văn hóa, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền và các giai tầng xã hội, trong đó chú ý nhiều hơn nữa đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc và di sản văn hóa. Từng bước hạn chế, tiến tới xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu.

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa cũng cần tập trung đến việc hình thành thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa, thông tin lành mạnh, góp phần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, xu hướng phát triển xã hội, đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục góp phần xây dựng xã hội an ninh, an toàn, dân chủ, tiến bộ.

Ngoài ra, tôi cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay của ngành văn hóa là nâng cao hơn nữa vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ, từ đó, bảo đảm quyền hưởng thụ, tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật của mỗi người dân và cộng đồng. Trên cơ sở, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, chúng ta hướng đến phát triển những sản phẩm, loại hình văn hóa độc đáo có sức lan tỏa để quảng bá, giới thiệu ra thế giới, tạo ra sức mạnh dân tộc Việt Nam trong giai đoạn mới.

PV: Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa trong xây dựng và phát triển đất nước. Đảng ta đã luôn đưa ra những chỉ đạo sâu sắc và kịp thời đối với từng giai đoạn phát triển của đất nước, ông đánh giá như thế nào về những thành tựu của nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong lĩnh vực văn hóa?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Thời gian qua, những người làm văn hóa rất cảm kích khi lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong các cuộc họp quan trọng của quốc gia, đều nhắc đến việc triển khai thực hiện thành công kết luận của Tổng Bí thư trong Hội nghị văn hóa toàn quốc. Quyết tâm chính trị này chắc chắn xuất phát từ nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa. Trong các kỳ họp Quốc hội, những ý kiến tâm huyết cho phát triển văn hóa đang ngày càng thể hiện rõ ràng hơn. Những lo ngại về đầu tư cho văn hóa chưa xứng tầm, sự xuống cấp đạo đức trong xã hội, vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, hay di sản văn hóa… từ các đại biểu Quốc hội là nguyện vọng lớn của cử tri cả nước đối với việc cần tạo điều kiện cho phát triển văn hóa.

Trong năm 2022, Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan liên quan từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức nhiều sự kiện, hội nghị, hội thảo để tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến phát triển văn hóa. Chính phủ vừa ban hành Chương trình chấn hưng văn hóa giai đoạn 2023-2025 với nhiều kế hoạch, dự án quan trọng, mang tính dẫn dắt, đột phá cho sự phát triển văn hóa. Sự chuyển biến ở các bộ ngành cũng rất đáng lưu ý.

Bên cạnh nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang rất quyết tâm triển khai Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” và Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học”; Bộ Quốc phòng cũng ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong Quân đội… Các địa phương như Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Hà Nội… đều ban hành các nghị quyết, chính sách lớn cho văn hóa. Với sự tham gia chủ động, đồng bộ này, chúng ta có quyền hy vọng những giải pháp quan trọng nhất về cơ chế, chính sách lớn về văn hóa, khi được thảo luận tại cơ quan quyền lực tối cao của đất nước, và được thực thi ở các cấp, các ngành và địa phương, sẽ tạo điều kiện mới, xung lực mới cho sự phát triển văn hóa..

PV: Trong lĩnh vực văn học – nghệ thuật, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, giao lưu văn hóa với nước ngoài đã có những bước chuyển biến ra sao, thưa ông?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Trên lĩnh vực văn học – nghệ thuật, các hoạt động sáng tạo có bước phát triển mới, đóng góp vào quá trình dân chủ hóa xã hội và sự phong phú, đa dạng của sản phẩm văn hóa. Tính chủ động trong hoạt động và sáng tạo văn hóa, tính tích cực xã hội, của nhân dân bước đầu được phát huy; dân chủ trên các lĩnh vực đời sống văn hóa-xã hội được mở rộng. Nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống tuy gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển đổi cơ chế, nhưng vẫn được giữ gìn và phát huy. Nhiều tư liệu quý từ kho tàng văn hóa dân gian và văn hóa bác học Việt Nam được sưu tầm, công bố, tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị tư tưởng, học thuật và thẩm mỹ của dân tộc. Bên cạnh những nỗ lực bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, cải lương, quan họ, rối nước…), các loại hình nghệ thuật hiện đại (ca, múa, nhạc, kịch, xiếc, điện ảnh…) cũng có bước tiến mới; một số tác phẩm mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh đã nhận được giải thưởng cao trong nước và quốc tế; từng bước ứng dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào việc sản xuất và lưu trữ phim, bảo tồn và phát huy các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Lĩnh vực di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển bền vững đất nước. Việt Nam có gần 4 vạn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh phân bố khắp trên cả nước, cùng với đó là hơn 61.000 di sản văn hóa phi vật thể, 28 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh, 54 dân tộc với nhiều sắc thái văn hóa đa dạng. Hệ thống di sản văn hóa phong phú, cảnh quan kỳ vĩ và thơ mộng, trong đó có các di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới, là tài sản vô giá, có tiềm năng chuyển hóa thành những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế, thương mại cũng như tạo dựng thương hiệu, vị thế của văn hóa Việt Nam.

Giao lưu văn hóa với nước ngoài từng bước được mở rộng cùng với quá trình đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế của Nhà nước ta. Hoạt động giao lưu các đoàn biểu diễn nghệ thuật và trao đổi sách báo, phim ảnh, triển lãm, nghiên cứu, đào tạo… giữa nước ta với các nước trong khu vực và thế giới ngày càng được đẩy mạnh.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đời sống văn hóa – nghệ thuật nước ta có rất nhiều khởi sắc với những sự kiện nổi bật như các lễ đón nhận bằng UNESCO của thực hành then của người Tày, Nùng, Thái, hay của nghệ thuật xòe Thái, các liên hoan phim, hội diễn, triển lãm nghệ thuật… đã góp phần giúp chúng ta xóa tan không khí u ám của 2 năm dịch bệnh Covid-19, hình thành nên tinh thần phấn khởi để thực hiện thành công khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Mặc dù chúng ta vẫn còn có rất nhiều việc phải làm cho văn hóa để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, xứng tầm với sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, nhưng những gì đã làm được kể từ sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 giúp chúng ta vững niềm tin về sự phát triển bền vững đất nước từ văn hóa và bằng văn hóa.

PV: Xin cảm ơn PGS, TS!

QĐND online
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 10.002.539
Truy câp hiện tại 332