TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
65 năm thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
Ngày cập nhật 17/08/2010

Những thành quả về dân chủ của nước Việt Nam độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong 65 năm qua là rất to lớn, thể hiện sự biến đổi về chất của xã hội, của thiết chế chính trị của Nhà nước cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Ở Việt Nam, không tồn tại chủ nghĩa đa nguyên chính trị và chế độ đa đảng đối lập, song nền dân chủ vẫn không ngừng phát triển hoàn thiện và thực chất, hướng tới vì nhân dân, vì con người

  Sau Cách mạng Tháng Tám, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ"(1). Để thực hành dân chủ thật sự theo mục tiêu phấn đấu của Nhà nước Việt Nam mới là ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng đã nêu lên những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

  - Tiến hành ngay việc chống giặc ngoại xâm và chống nạn đói, nạn dốt. Phải làm cho nhân dân có ăn "Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống". Hơn 90% dân ta mù chữ, phải mở chiến dịch chống nạn mù chữ vì "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu".

  - Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái từ mười tám tuổi trở lên đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống. Soạn thảo bản Hiến pháp dân chủ.

  - Bài bỏ các thứ thuế vô lý, thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết. Giáo dục nhân dân từ bỏ những thói xấu như lười biếng, gian giảo, tham ô, hút thuốc phiện, làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.

Nhà nước Cộng hoà dân chủ còn non trẻ do Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo phải tổ chức toàn dân, vừa kháng chiến vừa kiến quốc nhưng đã thực hiện những chính sách và biện pháp dân chủ rất căn bản.

 

 

Đã tổ chức bầu cử Quốc hội khóa I (6-1-1946) thật sự dân chủ. Cử tri cả nước đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội tiêu biểu cho ý kiến, lợi ích của nhân dân. Ngày 2-3-1946, Quốc hội khóa I kỳ họp đầu tiên đã thành lập Chính phủ chính thức do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Ngày 9-11-1946 tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã thông qua và ban hành Hiến pháp dân chủ đầu tiên ở Việt Nam với 7 chương, 70 điều, khẳng định Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam (Điều 1). Tinh thần dân chủ và pháp quyền thể hiện rõ trong Hiến pháp. Pháp quyền để bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân và dân chủ trên cơ sở pháp quyền. Đó là quyền dân chủ quan trọng nhất về chính trị. Bộ máy Nhà nước cũng là hình ảnh đoàn kết dân tộc và dân chủ, Chính phủ bao gồm những chiến sĩ cộng sản kiên cường đồng thời còn có nhiều nhân sĩ, trí thức tham gia, đại biểu cho trí tuệ toàn dân tộc.

  Chính phủ ban hành nhiều chính sách bảo đảm tự do, dân chủ trong phát triển kinh tế. Khuyến khích các công thương gia sản xuất, kinh doanh làm giàu cho gia đình và đất nước. Có chính sách khuyến nông thúc đẩy tăng gia sản xuất, phát triển nông nghiệp, ra sắc lệnh giảm tô 25%. Khuyến khích giao lưu hàng hoá, buôn bán trong nước và với nước ngoài. Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên toàn dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, bởi người dân chỉ hiểu hết giá trị của độc lập tự do khi được ấm no, hạnh phúc.

  Chính phủ có chính sách đúng đắn để mở mang, phát triển văn hoá, giáo dục. Nâng cao dân trí mới có điều kiện thực hiện dân chủ thực chất. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi mọi người dân đi học và Chính phủ tạo mọi điều kiện có thể để ai cũng được học hành, quyết tâm xoá nạn mù chữ, chống nạn thất học. Chính phủ cũng coi trọng xây dựng nền văn hoá mới theo nguyên tắc Đảng đã đề ra: dân tộc, khoa học, đại chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm lo gây đời sống mới, tạo dựng đời sống văn hoá, tinh thần văn minh, lành mạnh. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong khó khăn, kháng chiến càng cần phải thực hành đời sống mới là cần, kiệm, liêm, chính. Phải chăm lo việc ăn, mặc, ở, đi lại. Đó cũng là nội dung dân chủ, dân sinh rất cụ thể, thiết thực.

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ ban bố các chính sách tự do, dân chủ về xã hội. Các dân tộc đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau như anh em ruột thịt. Ngày 19-4-1946 trong Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plâyku, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn non sông và ủng hộ Chính phủ. Chính sách tự do tín ngưỡng được thực hiện trên cả nước. "Toàn thể, đồng bào ta, không chia lương giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, để giữ gìn non sông Tổ quốc, mà cũng để giữ gìn quyền tôn giáo tự do"(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ chăm lo đời sống các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, nhất là đối với những người nghèo, động viên đồng bào nhường áo sẻ cơm. Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt trọng dụng trí thức, tìm người tài để giúp nước. Đó là những nội dung dân chủ rất quan trọng và có ý nghĩa.

  Những nội dung dân chủ trên đây được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện có hiệu quả ngay từ những năm tháng đầu tiên của chính thể dân chủ, cộng hòa. Điều đó cắt nghĩa vì sao Chính phủ Hồ Chí Minh được toàn dân ủng hộ, nhân dân và Chính phủ kết thành một khối vững chắc. Trong những năm cả nước kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), Chính phủ kháng chiến vẫn thực hành chính sách dân chủ rộng rãi về mọi mặt Chính phủ, kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng căn cứ địa kháng chiến, vùng tự do. Xây dựng, củng cố Nhà nước dân chủ nhân dân thực hiện quyền dân chủ của nhân dân về chính trị. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển. Tiếp tục chính sách giảm tô 25% và điều chỉnh ruộng đất và đi đến cải cách ruộng đất ở cuối cuộc kháng chiến. Không ngừng củng cố đoàn kết dân tộc, giai cấp, tôn giáo. Chăm lo phát triển giáo dục, văn hoá, văn học, nghệ thuật. Không ngừng hoàn thiện chế độ dân chủ nhân dân tạo tiền đề, điều kiện cần thiết để tiến lên chủ nghĩa xã hội.

  Ở miền Bắc, những năm 1954-1975, Đảng lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhà nước dân chủ nhân dân là công cụ chủ yếu để tổ chức sự cải biến cách mạng to lớn và sâu sắc đó. Trong điều kiện mới, Đảng và Nhà nước nhấn mạnh vai trò và phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: nước ta là nước dân chủ, nghĩa là dân làm chủ. Đại hội III của Đảng (9-1960) nhấn mạnh: "Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm mọi quyền lợi của nhân dân, không ngừng mở rộng dân chủ, thi hành đúng Hiến pháp và các luật lệ đã ban hành, xây dựng Pháp chế xã hội chủ nghĩa và giáo dục mọi người tôn trọng pháp luật; phát huy tinh thần làm chủ, nâng cao trình độ chính trị, văn hoá của nhân dân"(3). Nhà nước tăng cường liên hệ với nhân dân, ra sức khắc phục tệ quan liêu, mệnh lệnh xa rời quần chúng. Tất cả cán bộ Nhà nước đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Năm 1963, Bộ Chính trị mở cuộc vận động 3 xây 3 chống, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

  Thành quả dân chủ nổi bật ở miền Bắc là tạo dựng một xã hội an dân, yên bình, lành mạnh. Thời gian xây dựng chủ nghĩa xã hội chưa nhiều, lại phải tiến hành kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dồn sức để giải phóng miền Bắc, thống nhất đất nước, song Nhà nước vẫn bảo đảm đời sống về mọi mặt của nhân dân với chế độ phân phối theo định lượng, thực hiện nền giáo dục phổ cập, bắt buộc, không mất tiền, chữa bệnh không mất tiền. Quyền làm chủ của nhân dân bước đầu được phát huy, nhân dân hăng hái xây dựng chủ nghĩa xã hội, chi viện cách mạng miền Nam. Chú trọng xây dựng con người xã hội chủ nghĩa có trình độ học vấn, sống có lý tưởng, nhân nghĩa "mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người".

  Sau ngày miền Nam được giải phóng (30-4-1975), đất nước thống nhất và cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, càng có điều kiện để thực hiện và hoàn thiện nền dân chủ, chế độ làm chủ của nhân dân trên phạm vi cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tổ chức nhân dân cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vượt qua những khó khăn, thách thức hiểm nghèo. Đảng và Nhà nước đã lắng nghe ý kiến, sáng kiến của nhân dân, của các địa phương và cơ sở để từng bước khắc phục mặt hạn chế của cơ chế quản lý tập trung quan liêu, hành chính, bao cấp - một cơ chế đã phát huy vai trò nhất định trong thời chiến và đã trở thành sự cản trở cho sự phát triển. Đảng, Nhà nước cùng với nhân dân đã từng bước khảo nghiệm để tìm con đường đổi mới.

  Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12--1986) quyết định đường lối đổi mới toàn diện, là bước ngoặt lịch sử của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội VI tổng kết một số bài học, trong đó nhấn mạnh, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc", xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động. Đại hội nêu rõ quan điểm về "thực hiện chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa", "Nhà nước phải bảo đảm quyền dân chủ thật sự của nhân dân lao động, đồng thời kiên quyết trừng trị những kẻ vi phạm quyền làm chủ của nhân dân"(4).

  Trong công cuộc đổi mới,  Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ một trong những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo đổi mới là: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.Dân chủ phải đi đôi với tập trung, với kỷ luật, pháp luật, với ý thức trách nhiệm công dân. Dân chủ phải có lãnh đạo, lãnh đạo để phát huy dân chủ đúng hướng, mặt khác phải lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ trên cơ sở phát huy dân chủ. Dân chủ với nhân dân nhưng phải nghiêm trị những kẻ phá hoại thành quả cách mạng, an ninh trật tự và an toàn xã hội.

  Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân là mục tiêu quan trọng được ghi trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, do Đại hội VII của Đảng thông qua năm 1991. Hiến pháp 1992 khẳng định tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân và thể chế hoá quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, chú trọng quyền và lợi ích của nhân dân.

Dân chủ gắn liền với công bằng xã hội phải được thực hiện trong thực tế cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội thông qua hoạt động của Nhà nước do nhân dân cử ra bằng các hình thức dân chủ trực tiếp. Dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, phải được thể chế hoá bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm. Quan điểm cơ bản đó của Cương lĩnh 1991 là bước phát triển quan trọng về dân chủ xã hội chủ nghĩa và định hướng chỉ đạo thực hiện. Trải qua gần 25 năm đổi mới và 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, nền dân chủ ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng.

  Thiết chế dân chủ từng bước hoàn thiện. Chế độ bầu cử ngày càng đổi mới nhằm phát huy quyền làm chủ, tinh thần trách nhiệm của nhân dân, công dân trong xây dựng bộ máy nhà nước thông qua hình thức dân chủ trực tiêpë. Sự đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp với những chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, việc đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách tư pháp nhằm hoàn thiện bản chất dân chủ của Nhà nước, hướng tới thực hiện tốt hơn chức năng phục vụ nhân dân. Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện Đề án 30 giảm 30% các thủ tục hành chính. Từ việc Đảng ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở, mà Nhà nước thể chế hoá hoạt động quan trọng đó. Nhân dân thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động của bộ máy chính quyền, các cơ quan nhà nước và cán bộ, đảng viên công chức nhà nước. Hiến pháp 1992, Điều 74 quy định công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào. Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan nhà nước xem xét và giải quyết trong một thời hạn pháp luật quy định. Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.

  Dân chủ về kinh tế được khẳng định trong Cương lĩnh và Hiến pháp. Phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các thành phần kinh tế phát triển bình đẳng trước pháp luật. Hiện nay 5 thành phần kinh tế: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài với 3 chế độ sở hữu: Sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân, cùng tồn tại, phát triển. Mọi người dân được tự do phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng, theo pháp luật.

  Về văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ, Nhà nước, tạo điều kiện để công dân được quyền hưởng thụ, tự do phát triển tài năng trên các lĩnh vực đó để đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Đảng và Nhà nước chủ trương xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tạo điều kiện để công dân phát triển toàn diện, giáo dục ý thức công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Khuyến khích phát triển sáng tạo trong văn học, nghệ thuật, tạo điều kiện để nhân dân được thưởng thức những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, bảo trợ để phát triển các tài năng sáng tạo văn hoá, nghệ thuật. Trong những năm đổi mới mức hưởng thụ văn hoá, nghệ thuật được nâng lên rõ rệt. Hoạt động văn hoá đa dạng, phong phú. Đảng và Nhà nước đã sớm đề ra chiến lược về phát triển giáo dục, đào tạo và chiến lược phát triển khoa học, công nghệ coi đó là chiến lược hàng đầu. Chăm lo xây dựng, đào tạo đội ngũ trí thức, tài trợ cho hoạt động khoa học và bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ.

  Thành quả dân chủ trong công cuộc đổi mới được thể hiện ở việc thực hiện ngày càng tốt hơn các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống mọi mặt của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội trong từng chính sách và từng bước phát triển.

  Xoá đói giảm nghèo là thành công nổi bật. Việt Nam đã giảm tỷ lệ đói nghèo từ 58% năm 1993 xuống còn khoảng 11% năm 2009. Đó là mục tiêu hàng đầu trong 8 mục tiêu thiên niên kỷ mà Liên hợp quốc đề ra năm 2000. Chính phủ Việt Nam coi trọng bảo đảm an sinh xã hội bao gồm cả bảo hiểm xã hội và cứu trợ xã hội nhằm chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân. Từ năm 1998, Chính phủ đã thực hiện Chương trình 135 nhằm hỗ trợ cho 1700 xã nghèo xây dựng cơ sở vật chất về điện, trường học, đường giao thông, trạm y tế, để thúc đẩy nhanh quá trình xoá đói giảm nghèo. Năm 2010 đã hoàn thành giai đoạn hai Chương trình 135. Từ năm 2004, Chính phủ thực hiện Chương trình 134, hỗ trợ trực tiếp cho hơn 2 triệu hộ nghèo về nhà ở, đất ở, đất canh tác và nước sạch. Chính phủ cũng chỉ đạo thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới. Các chính sách về lao động, việc làm, y tế, dân số và gia đình, đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng, kháng chiến, chính sách khắc phục hậu quả của chiến tranh… đã được thực hiện có hiệu quả.

  Việt Nam là quốc gia có 54 dân tộc. Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhất quán chính sách dân tộc đúng đắn, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Có chính sách tôn giáo đúng đắn phù hợp với thực tiễn Việt Nam, bảo đảm cho mọi người dân có quyền theo hoặc không theo tôn giáo, quyền được sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Những năm qua, nhiều cơ sở thờ tự của tôn giáo (chùa, nhà thờ) được nhà nước hỗ trợ xây dựng, tu bổ, nhiều tôn giáo mới được Nhà nước công nhận và tạo điều kiện để hoạt động. Chính sách đối với đồng bào định cư ở nước ngoài từng bước được hoàn chỉnh với quan điểm người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

  Những thành quả về dân chủ của nước Việt Nam độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong 65 năm qua là rất to lớn, thể hiện sự biến đổi về chất của xã hội, của thiết chế chính trị của Nhà nước cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Ở Việt Nam, không tồn tại chủ nghĩa đa nguyên chính trị và chế độ đa đảng đối lập, song nền dân chủ vẫn không ngừng phát triển hoàn thiện và thực chất, hướng tới vì nhân dân, vì con người. Đó là sự phát triển nhận thức và thực tiễn về dân chủ ở Việt Nam.

 

 

Hiện nay Việt Nam đang xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Quá trình thực hiện tốt hơn nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không tránh khỏi những khuyết điểm, hạn chế cần khắc phục. Đó là tệ quan liêu, xa dân, độc đoán, chuyên quyền, vi phạm dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.

 Cuộc sống ngày càng đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật bảo đảm thực hiện tốt hơn nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân chủ với kỷ cương, kỷ luật, pháp luật, quan hệ giữa nhà nước thực hiện tốt hơn dân chủ với nâng cao nhận thức về nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân. Thực hiện dân chủ rộng rãi với nhân dân đồng thời kiên quyết đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để phá hoại an ninh của quốc gia và cuộc sống bình yên của nhân dân. Dân chủ phải có lãnh đạo và lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ. Làm tốt hơn những gì đã đạt được, kiên quyết khắc phục khuyết điểm sẽ không ngừng hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam./.
 

Ban Tuyen giao Trung uong
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 3.366