TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Tìm hiểu Hội nghị Trung ương 9 (Phần 3)
Ngày cập nhật 25/02/2009

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 đã họp và quyết định nhiều vấn đề về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng từ nay cho đến hết nhiệm kỳ Đại hội X, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XI. 

2.2. Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến Đại hội XI

a. Về dự báo tình hình sắp tới

Dự báo lần này cũng là một điểm nhấn. Trung ương rất quan tâm, coi trọng việc dự báo tình hình khu vực và trên thế giới, đưa ra một nhận định tổng quát, tình hình khu vực và thế giới sắp tới còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cụ thể:

Một là, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp mà hậu quả của nó còn kéo dài, tiếp tục tác động đến đất nước ta khi chúng ta đã hội nhập sâu vào đời sống kinh tế quốc tế. Hội nghị Davos cuối tháng 01/2009 ở Thuỵ Sỹ tập trung phân tích cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã cho rằng, cuộc khủng hoảng chưa tới đáy. Thế giới chỉ có khả năng thoát ra khỏi khủng hoảng sớm nhất vào năm 2010. Các chuyên gia dự Hội nghị cũng đánh giá là, trong 3 năm tới, hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế này còn tiếp tục tác động đến các nước, tốc độ tăng trưởng bình quân của thế giới là 2,5%. Năm 2009, tốc độ tăng trưởng tụt xuống còn 0,5%. Hội nghị dự báo, khu vực châu Á, sức chịu đựng có khá hơn các nước châu Âu, châu Mỹ, nhưng tác động của cuộc khủng hoảng và suy thoái đến các nước châu Á cũng khá mạnh, nên bức tranh tổng thế năm 2009 của khu vực châu Á là tiếp tục tục khó khăn và suy giảm. Ở châu Á có bốn nền kinh tế lớn: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc sẽ tiếp tục bị thu hẹp trong năm 2009.

Hai là, sau cuộc khủng hoảng tài chính này, thì trọng lượng uy tín, vai trò và sức mạnh của Mỹ đang sụt giảm mạnh, điều đó kích thích xu hướng đa cực hoá trật tự thế giới. Trong những năm tới, cuộc chạy đua để mở rộng ảnh hưởng sẽ diễn ra một cách gay gắt. Bên cạnh những lực lượng như Mỹ, EU, Nhật bản... thì đang xuất hiện những quốc gia trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin và các nước Ả rập. Đó là xu hướng đa cực. Cuộc cạnh tranh quyền lực để chi phối thế giới sẽ tác động đến đời sống chính trị, kinh tế của các nước.

Ba là, cuộc chạy đua, cạnh tranh quyết liệt để tranh giành năng lượng, nguyên liệu, vốn đầu tư, thị trường xuất khẩu sẽ cực kỳ gay gắt. Đó là chưa nói đến cuộc cạnh tranh các địa bàn chiến lược. Địa bàn chiến lược ở đây không chỉ đơn thuần là địa bàn chiến lược về quân sự, mà còn là địa bàn chiến lược về năng lượng. Trong Hội nghị Davos và Hội thảo quốc tế rất lớn đầu tháng 01/2009 ở Pháp, với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia, các chuyên gia kinh tế hàng đầu của thế giới, có chủ đề “Thế giới mới, chủ nghĩa tư bản mới”, có chuyên gia nói: Cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế là một sự kiện chấn động của chủ nghĩa tư bản, nhưng còn những cuộc khủng hoảng khác gay gắt hơn, dai dẳng hơn, quyết liệt hơn phải quan tâm là khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng thị trường. Cho nên các địa bàn nhạy cảm, trong đó có biển Đông, những năm tới sẽ có những diễn biến rất phức tạp, rất gay gắt.

Bốn là, ở trong nước, vừa có mặt khó, vừa có mặt thuận. Cái khó là tình hình suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính của khu vực và thế giới tiếp tục tác động đến kinh tế nước ta.

- Thứ nhất, Trung ương dự báo, năm 2009 và một số năm tiếp theo còn khó khăn hơn năm 2008. Điều này sẽ tác động hàng ngày đến sản xuất, kinh doanh, thu nhập ngân sách nhà nước, đến việc làm, đến đời sống nhân dân. Năm 2008, toàn thế giới có 200 triệu người thất nghiệp. Dự báo năm 2009 có thêm 50 triệu người thất nghiệp. Số người mất việc, thiếu việc làm ở nước ta sẽ gay gắt hơn.

- Thứ hai là thiên tai dịch bệnh, sự biến đổi khí hậu toàn cầu trên địa bàn nước ta sẽ còn diễn biến phức tạp. Hai sự kiện rất đáng lưu tâm: từ năm 1984 đến nay mới có một trận mưa lụt nghiêm trọng như vừa qua trên địa bàn Hà Nội. Tình trạng triều cường diễn ra thường xuyên trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh Nam Bộ. Đồng chí Bí thư Thành uỷ Cần Thơ nói, nỗi lo rất lớn là khoảng 15 - 20 năm nữa, vùng đất Cần Thơ và một số vùng lân cận sẽ bị ngập trong nước.

- Thứ ba, sự chống phá của các thế lực thù địch sẽ ngày càng tăng. Trước các kỳ Đại hội, sự chống phá càng tăng. Nửa đầu nhiệm kỳ Đậi hội X, sự chống phá đã mạnh. Nửa sau nhiệm kỳ này sẽ còn quyết liệt hơn nữa.

- Thứ tư, những yếu kém trong quản lý kinh tế - xã hội chưa thể khắc phục ngay trong năm 2009 - 2010 chưa nói đến nếu không cẩn thận sẽ phát sinh những yếu kém mới, sẽ tác động đến quá trình ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh những khó khăn đó, chúng ta có những thuận lợi sau:

- Thứ nhất, nhờ các giải pháp quyết liệt của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã giải quyết được một bước quan trọng tình trạng lạm phát, tình trạng mất cân đối vĩ mô. Chúng ta quan tâm giải quyết tốt hơn vấn đề an sinh xã hội; duy trì được sự ổn định về kinh tế xã hội, do vậy niềm tin của nhân dân, các nhà đầu tư được củng cố. Tại Hội nghị Davos, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân có một số cuộc tiếp xúc với nguyên thủ một số quốc gia; tổ chức toạ đàm với một số tập đoàn kinh tế lớn, nhìn chung, thế giới đánh giá tình hình Việt Nam là tốt, Việt Nam có khả năng vượt lên và phát triển. Sau một thời gian trục trặc, khả năng nối lại viện trợ ODA của Nhật Bản là khả quan. Trong nhân dân, dù còn nhiều băn khoăn nhưng niềm tin vào các giải pháp của Đảng, sự điều hành của Chính phủ tăng lên. Trong kết quả điều tra về việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2008, nhân dân đánh giá tốt những giải pháp kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô: thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt; việc tăng cường quản lý và thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để ổn định giá cả...

Vấn đề áp dụng các chính sách thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, các chính sách phi thuế quan, các chính sách tiền tệ tín dụng... đã góp phần thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, giảm nhập siêu; thực hiện kiên quyết hơn việc giảm chi tiêu trong cả khu vực nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội; điều hành tỉ giá linh hoạt theo cung – cầu của thị trường để khuyến khích sản xuất, hạn chế nhập siêu; chống tình trạng đầu cơ và lũng đoạn thị trường tiền tệ; quản lý chặt chẽ việc thành lập các ngân hàng mới, bảo đảm an toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng... Trong 23 chủ trương kiềm chế lạm phát, thì 7 giải pháp trên được đánh giá có hiệu quả tốt.

- Thứ hai, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khó khăn vừa đặt ra những áp lực buộc chúng ta phải đối phó hàng ngày, đồng thời lại xuất hiện những cơ hội mới. Nếu chúng ta tỉnh táo chớp cơ hội, nắm bắt được xu thế của thời đại thì sẽ tạo ra những bứt phá mới, nhất là sau khi chúng ta đã rút được những kinh nghiệm xương máu từ nửa đầu nhiệm kỳ.

b. Về mục tiêu

Điều quan trọng nhất toát ra từ Hội nghị Trung ương 9 là: Dù khó khăn còn nhiều nhưng quyết tâm của chúng ta không thay đổi. Trung ương vẫn nêu quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội X đã đề ra. Quyết tâm này phải được quán triệt rất cao trong toàn Đảng, toàn dân.

Chúng ta hướng tập trung vào 5 điểm sau đây:

Một là, tập trung làm tốt việc ngăn chặn suy giảm kinh tế; phòng ngừa lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững; giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Đây là trọng điểm số một cần tập trung thực hiện từ nay cho đến hết nhiệm kỳ Đại hội X và những năm tiếp theo.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nửa nhiệm kỳ còn lại phải tập trung thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 để hoàn thiện một bước thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Ba là, tiếp tục tăng cường hợp tác, chủ động hội nhập quốc tế đạt kết quả cao hơn.

Bốn là, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Năm là, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát huy dân chủ và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết.

 c. Về nhiệm vụ và giải pháp

Trong các văn bản trình Hội nghị, đã nêu ra nhiệm vụ, giải pháp lớn về kinh tế; giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, văn hoá - xã hội; quốc phòng, an ninh, đối ngoại; bảo vệ tài nguyên, môi trường; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị... Trong thực hiện chiến lược cán bộ cũng có những nhiệm vụ rất cơ bản để thực hiện chiến lược này đến năm 2020. Trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cũng nêu những giải pháp rất toàn diện trong từng mặt. Điều cần quan tâm là phải nắm vững và thực hiện tốt 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội X để kết thúc thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 tạo đà cho bước phát triển tiếp theo:

Nhóm giải pháp thứ nhất, hơn 2 năm tới tập trung hạn chế suy giảm kinh tế; phòng ngừa lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục ổn định, phát triển bền vững; bảo đảm an sinh xã hội.

Nhóm giải pháp thứ hai, phải đổi mới mạnh mẽ hơn tư duy lí luận, công tác nghiên cứu lí luận để giải quyết những vấn đề vừa bức xúc trước mắt, vừa chuẩn bị con đường phát triển lâu dài của đất nước nhân dịp chúng ta tiến hành tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991; chuẩn bị xây dựng các văn kiện trình Đại hội XI. Đây là dịp chúng ta đổi mới mạnh mẽ hơn tư duy lí luận để làm rõ hơn con đường chúng ta đi và tập trung giải quyết những vấn đề trước mắt.

Trong điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội phục vụ sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X, có câu hỏi rất tinh tế: Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hôi X, xin ông/bà/anh/chị cho biết ý kiến về 2 phương án sau đây:

Một là, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội X và các nghị quyết Trung ương?

Hai là, tiếp tục bổ sung các chủ trương, giải pháp mới có ý nghĩa đột phá để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội?

Kết quả điều tra cho thấy: Phương án 1 có 28% người được hỏi tán thành. Phương án 2 có 72% tán thành. Như vậy, cán bộ, đảng viên cũng cảm thấy chúng ta không thể vừa lòng với cách tư duy hiện nay, mà muốn có sự bứt phá mới, táo bạo hơn, quyết liệt hơn.

Về khách quan, cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay là một cơ hội để chúng ta có thể mở hướng đột phá về mặt lí luận.

Tại Hội thảo quốc tế ở Pháp do Tổng thống Pháp trực tiếp chủ trì, Thủ tướng Anh là người đứng ra tổ chức, các nguyên thủ một số nước, các nhà khoa học đạt giải Nobel về kinh tế đánh giá, mổ xẻ rất sâu về cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc khủng hoảng này không chỉ là cuộc khủng hoảng về tài chính, tiền tệ mà đây là cuộc khủng hoảng về lý thuyết, về mô hình và cuộc khủng hoảng về niềm tin. Ngay tiêu đề của Hội thảo cũng nói lên điều này: “Thế giới mới, CNTB mới”. Về lý thuyết, tại Hội thảo, có nhiều ý kiến tham luận rất đáng để chúng ta suy nghĩ. Nhiều nguyên thủ quốc gia, các nhà kinh tế phê phán kịch liệt thuyết “Tân tự do” đã tuyệt đối hóa vai trò của thị trường, coi nhà nước là bất lực, nhấn mạnh sự cần thiết phải quay trở lại đề cao vai trò của nhà nước. Tổng thống Pháp nói: Phải quay trở lại vai trò của nhà nước; vai trò nhà nước phải được tăng lên không chỉ là điều tiết, không phải chỉ là nhà nước phúc lợi mà phải là “nhà nước kinh doanh” thông qua các quỹ đầu tư của nhà nước để xây dựng “CNTB kinh doanh”, trong đó nhà nước điều tiết, dẫn dắt, tạo sự cân bằng giữa vai trò nhà nước và vai trò thị trường. Nhà nước phải bảo vệ người dân song không áp dụng theo chủ nghĩa bảo hộ…

Thủ tướng Đức phát biểu: kết hợp hài hòa kinh tế thị trường và dân chủ, trong đó nhà nước đóng vai trò người giữ gìn trật tự kinh tế và tài chính. Như vậy, thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải có sự lựa chọn một lý thuyết phát triển mới.

Về mô hình CNTB, tuyệt đại đa số ý kiến tại Hội thảo đều nói rằng, phải xây dựng một “CNTB mới”, trách nhiệm hơn, đạo đức hơn, đoàn kết hơn, trong đó có sự kết hợp giữa các cơ chế thị trường và sự can thiệp hiệu quả của nhà nước. Thậm chí, có người còn cho rằng: Cần phải suy nghĩ đến một mô hình khác thay cho mô hình CNTB. Bởi vì trên thực tế mô hình CNTB đã có quá nhiều bất cập và bất công.

Như vậy, không chỉ có khủng hoảng về lý thuyết phát triển mà còn khủng hoảng về mô hình, về thiết chế xã hội. Nhiều vấn đề cũng được đặt lại, trong đó có vấn đề trật tự thế giới, vấn đề toàn cầu hoá. Điều toát lên từ Hội thảo quốc tế ở Pháp là người ta nói rằng, thời kỳ độc quyền của một thế giới đơn cực đã qua. Thế giới tất yếu phải là một một thế giới đa cực, trong đó các quốc gia lâu nay đóng vai trò quyết định vận mệnh của thế giới không còn đủ sức để giữ vai trò đó nữa mà phải tính đến vai trò của các quốc gia đang trỗi dậy. Về vấn đề toàn cầu hoá, nhiều người cho rằng: ảo tưởng về một thời đại mà toàn cầu hoá mang đến cơ may, lợi ích cho mọi quốc gia, mọi gia đình, mọi con người đã qua rồi. Toàn cầu hoá hiện nay thực chất là sự chia đều nghèo khổ, bần cùng và rủi ro.

Như vậy là, lý thuyết phát triển kinh tế hiện đại đang có vấn đề. Đây là dịp để chúng ta có thể mạnh dạn đột phá về lý luận. Hội đồng Lý luận Trung ương được Bộ Chính trị và Ban Bí thư giao triển khai nghiên cứu đề tài "Chủ thuyết phát triển Việt Nam".

Sự khủng hoảng về lý thuyết trong thế giới tư bản giúp chúng ta soi lại mình, củng cố thêm niền tin, quyết tâm đi sâu hơn từ kinh nghiệm thực tế của chúng ta, từ kinh nghiệm thành công và thất bại của thế giới mà tìm con đường phát triển tốt nhất. Đương nhiên, quan điểm tăng cường vai trò, hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước; kiên trì xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà chúng ta đã và đang triển khai… là phù hợp với xu thế thời đại, cần được tiếp tục phát triển, hoàn thiện. Hội đồng Lý luận Trung ương đã xin phép Ban Bí thư đứng ra chủ trì, mời một số chuyên gia hàng đầu thế giới cùng với chúng ta bàn về lý thuyết phát triển kinh tế hiện đại.

Nhóm giải pháp thứ ba, củng cố, phát triển những nhân tố bảo đảm định hướng XHCN. Đây là nhóm giải pháp tổng hợp, hướng vào giải quyết các vấn đề giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội, an sinh xã hội.

Nhóm giải pháp thứ tư, phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ theo tư duy mới.

Nhóm nhiệm vụ và giải pháp thứ năm, tiếp tục triển khai thực hiện một cách thực chất, có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn kết với đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, khắc phục các sai phạm trong báo chí, xuất bản…

Nhóm nhiệm vụ và giải pháp thứ sáu, là thực hiện tốt hai nghị quyết quan trọng: Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) về Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Nhóm nhiệm vụ thứ bẩy là, tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, tích cực chuẩn bị một cách khoa học, bài bản, đúng thực chất nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ XI./.

Theo Tạp chí Ban Tuyên giáo TW
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 3.430