Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 1.442
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Đời thường của những cô gái anh hùng
Ngày cập nhật 11/03/2009
Các chị bên nhau trước giờ xung trận. Ảnh: Tư liệu.
Cách đây 41 năm, ngày 12/2/1968, 11 cô gái thuộc tiểu đội sông Hương ở tuổi đôi mươi đã anh dũng đập tan một trận càn vào thành nội Huế.
Ngày 9/2/2009, tiểu đội sông Hương được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Những chiến công oanh liệt của các chị vẫn còn sống mãi trong lòng người dân thành phố Huế. Sau ngày hòa bình lập lại, họ trở về với cuộc sống đời thường.
 
Ngôi nhà nhỏ nằm khuất trong hẻm sâu đường Bà Triệu (Đà Nẵng), ít ai biết mẹ Hoàng Thị Nở, một trong 11 cô gái sông Hương ngày ấy từng dọc ngang chống lại mấy tiểu đoàn lính Mỹ được trang bị vũ khí “đến tận răng”.
 
Rót ly trà nóng mời khách, mẹ Nở nhớ về một thời liệt oanh của mình và đồng đội: “Sáng sớm ngày 12/2/1968, pháo địch từ Phú Bài bắn dồn dập, khói lửa trùm lên trận địa. Sau gần một giờ bắn phá dữ dội, 10 xe bọc thép M41 và M113 nối đuôi nhau từ đường Bà Triệu rầm rập kéo vào thành nội cùng với bộ binh dàn hàng ngang đen đặc, đằng đằng sát khí. Khi địch tiến vào Xuân Phú thì rơi vào trận địa phục kích, ba chiếc xe tăng đi đầu bốc cháy, hai chiếc đi sau bị hư hỏng nặng, hơn 70 lính Mỹ - ngụy bỏ mạng tại trận địa. Bị đánh vỗ mặt, địch hỗn loạn quay đầu tháo chạy như ong vỡ tổ”. 
 
Hòa bình lập lại, mẹ trở về với cuộc sống thường nhật. Căn bệnh rối loạn tuần hoàn não đang ngày đêm hành hạ mẹ. Mẹ Nở ngậm ngùi: “Trong chiến tranh, 11 chị em trong đội chia nhau từng miếng cơm, manh áo. Giờ hòa bình mỗi người mỗi nơi, muốn gặp lại để cùng nhau ôn chuyện cũ nhưng chưa thực hiện được”.
 
Trong ngôi nhà nhỏ rách nát tại thôn Vỹ Dạ, đồng đội của mẹ Nở, mẹ Chế Thị Mừng xúc động kể: “Tuổi thanh xuân gửi lại chiến trường, hòa bình lập lại, tôi quá lứa lỡ thì. Để có người chăm sóc lúc về già, tôi đành liều “vượt rào” kiếm một đứa con. Một mình bươn chải nuôi con và người cha già yếu gần 90 tuổi trong điều kiện khó khăn vất vả, nhiều lúc tôi thấy mình kiệt sức. Nhưng rồi thương cha già, con dại nên gắng gượng vượt qua…”.
 
Còn với mẹ Nguyễn Thị Hoa, nay đã bước sang tuổi 60. Những năm tháng hoạt động cách mạng, mẹ bị nhiễm chất độc da cam và di chứng sang người con trai thứ hai tên là Lê Nguyên Hoàng Hiệp. Hồ sơ bệnh án của mẹ đã hoàn tất, có xác nhận của UBND phường, mặt trận và đồng đội, nhưng đến nay chưa được hồi âm.
 
Trao đổi với Đất Việt, đại tá Võ Đức Hưng, Chủ nhiệm chính trị, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: “Sự anh dũng chiến đấu và hy sinh của 11 cô gái sông Hương là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Để ghi nhớ công lao to lớn ấy, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế dựng bia tưởng niệm tại phường Xuân Phú, nơi gắn với những chiến công của các cô trong những ngày đánh Mỹ. Danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được Nhà nước trao tặng là niềm vinh dự cho những người đã không tiếc máu xương vì quê hương đất nước”.
 
Theo Trang Thông tin Điện tử - Tỉnh uỷ TT Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày