Tu dưỡng đạo đức suốt đời
Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ cách mạng muốn có đạo đức trong sáng thì phải kiên trì tu dưỡng, rèn luyện suốt đời. Người đã từng khẳng định: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong"1. Nếu người cán bộ cách mạng không làm được như vậy, thì ở thời kỳ này giữ được đạo đức trong sáng, nhưng đến thời kỳ khác lại có thể thoái hoá, biến chất, hư hỏng. Trong giáo dục đạo đức cho cán bộ, Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh tu dưỡng đạo đức là một quá trình đấu tranh quyết liệt, lâu dài trong nội tâm của mỗi con người. Vì thế, việc rèn luyện đạo đức đòi hỏi mỗi cán bộ phải có dũng khí đấu tranh với chính mình và phải kiên trì bền bỉ, nỗ lực tu dưỡng suốt đời. Hồ Chí Minh chỉ dẫn một cách sâu sắc về cuộc đấu tranh phức tạp, lâu dài này. Trong bài nói tại Lớp chỉnh Đảng Trung ương khóa 2 (tháng 3-1953) Bác ví trong bản thân mỗi con người đều có “hai phe: một phe thiện và một phe ác. Hai phe cùng đấu tranh với nhau. Nếu đấu tranh để phe thiện thắng thì phe ác phải bại. Nếu không đấu tranh mà để cho phe thiện bại, thì là hỏng”.
Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức
Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ, không ở lĩnh vực nào mà sự đòi hỏi lời nói phải đi đôi với việc làm lại đặt ra như ở trong lĩnh vực đạo đức. Chính vì vậy, nguyên tắc này là nguyên tắc quan trọng nhất trong tu dưỡng đạo đức của người cán bộ cách mạng.
Bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào, Hồ Chí Minh cũng luôn quan tâm giáo dục, nhắc nhở đội ngũ cán bộ phải thực hiện lời nói đi đôi với việc làm. Bởi vì, có nhất quán giữa lời nói và việc làm thì người cán bộ mới chiếm được niềm tin của quần chúng. Nếu người cán bộ nói nhiều làm ít, nói mà không làm, hoặc nói một đằng làm một nẻo, thì nhất định sẽ mất uy tín trước nhân dân. Chính vì thế, sự thống nhất giữa nói và làm còn là yêu cầu khách quan của phẩm chất người cán bộ cách mạng.
Bàn về mối quan hệ giữa nói và làm, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ, đó là sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa quyết tâm và thực hiện. Bởi vì, chỉ có sự thống nhất ấy, thì "cái tinh thần" mới biến thành lực lượng vật chất, mới tạo nên sức mạnh làm biến đổi hiện thực. Huấn thị cho bộ đội và dân công tham gia chiến dịch đường số 18 (tháng 5-1951), Người khẳng định: "Tư tưởng và hành động có thống nhất mới đánh thắng được giặc"2. Người thường xuyên nhắc nhở đội ngũ cán bộ phải có quyết tâm cao trong sản xuất, chiến đấu, công tác; và khi đã hứa quyết tâm thì "phải làm cho kỳ được". Đã nhiều lần Người chỉ rõ: "Quyết tâm không phải ở hội trường, ở lời nói, mà phải quyết tâm trong công tác, trong hành động"3.
Trong lĩnh vực học tập, Hồ Chí Minh luôn giáo dục cho đội ngũ cán bộ là, học để làm việc, để nâng cao phẩm chất đạo đức, học phải gắn với hành. Người luôn chỉ giáo: Học lý luận không phải để nói mép. Học là để áp dụng vào việc làm.
Trong giáo dục đạo đức, cả V.I.Lê-nin và Hồ Chí Minh đều đã từng nêu một nguyên tắc rất cơ bản là: Một trăm bài diễn thuyết hay, không bằng một tấm gương sống. Và, Hồ Chí Minh đã đưa ra một luận điểm quan trọng: "Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước"4. Với tinh thần ấy, Người luôn yêu cầu đội ngũ cán bộ phải nêu gương về đạo đức, nêu gương cả trong thực hiện nhiệm vụ, cả trong sinh hoạt đời thường.
Xây đi đôi với chống
Theo Hồ Chí Minh, trong đời sống hàng ngày, những hiện tượng tốt - xấu, đúng - sai, chính - tà, thiện - ác, cái đạo đức và cái vô đạo đức luôn đan xen nhau, đối chọi nhau, thúc đẩy hoặc kìm hãm lẫn nhau. Vì vậy, muốn xây dựng đạo đức mới, muốn bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ và nhân dân, thì nhất định phải chống lại những hiện tượng vô đạo đức, những tật xấu, thói hư, những tàn dư của các kiểu đạo đức cũ.
Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, "Xây" có nghĩa là, phải bồi dưỡng những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức mới, nêu những tấm gương đạo đức trong sáng trong cuộc sống và khơi dậy ý thức đạo đức lành mạnh để mọi người tự giác về trách nhiệm đạo đức của mình. Trên cơ sở đó, mỗi người tiếp nhận sự giáo dục đạo đức của từng tổ chức, từng cộng đồng và toàn xã hội. Đồng thời, mỗi người còn phải chủ động tự giáo dục, tự tu dưỡng đạo đức của mình."Chống" là phải loại bỏ cái xấu, cái sai, cái ác, cái tà, cái vô đạo đức. Điều quan trọng là, phải sớm phát hiện được những biểu hiện của cái ác, cái xấu ấy, để hướng mọi người vào cuộc đấu tranh cho sự lành mạnh, trong sạch về đạo đức.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Người đã căn cứ vào từng đối tượng cán bộ, từng giai đoạn cách mạng để xác định cái xây, cái chống một cách cụ thể thích hợp. Ngay từ đầu năm 1948, khi bàn về tư cách của người chỉ huy quân sự, Hồ Chí Minh đã xác định, phải xây dựng tình thương yêu chiến sĩ gắn liền với chống thói quan liêu, quân phiệt. Với đội ngũ cán bộ các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, Người chỉ rõ, phải xây dựng ý thức cần kiệm, gắn liền với chống tham ô, lãng phí. Với cán bộ trong các cơ quan hành chính nhà nước, Người chỉ thị, phải xây dựng tinh thần trọng tâm, "Hiếu với dân"; đồng thời phải kiên quyết chống thái độ "Vác mặt làm quan cách mạng".
Những nguyên tắc rèn luyện đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh nêu trên là một hệ thống đồng bộ, toàn diện, nên trong quá trình thực hiện đội ngũ cán bộ không được coi nhẹ nguyên tắc nào. Có thể nói, nội dung các nguyên tắc rất dễ nhớ, dễ thuộc, nhưng trong quá trình thực hiện lại rất dễ bị vi phạm. Do vậy, mỗi cán bộ cần luôn tự giác, kiên trì, bền bỉ thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi, nghiêm túc thực hiện suốt đời.
Để thực hiện tốt các nguyên tắc rèn luyện đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi người cán bộ còn cần phải xây dựng kế hoạch rèn luyện, phấn đấu cụ thể từng tuần, từng tháng, từng năm và kế hoạch dài hạn. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, phải gắn với các thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước và yêu cầu tu dưỡng, rèn luyện cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) của Đảng, thì việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc những nguyên tắc rèn luyện đạo đức này của Người, lại càng quan trọng và cấp thiết đối với mỗi người cán bộ.
--------------------
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2002, tập 9, tr.293.
(2,3) Hồ Chí Minh với lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb.Quân đội nhân dân, H.1975, tr.157, 220.
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2002, tập 5, tr.552.
PGS. TS Hà Huy Thông