Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.865.228
Truy câp hiện tại 3.620
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Đạo đức Hồ Chí Minh một kiểu mẩu văn hoá đạo đức
Ngày cập nhật 13/02/2009

Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh là sự thống nhất hữu cơ, không thể tách rời giữa tư tưởng đạo đức và thực tiễn đời sống đạo đức của Người, là hiện thân sinh động, chân thực, cảm động về trí tuệ - tình cảm - tâm hồn - lối sống và nhân cách Hồ Chí Minh - con người Việt Nam đẹp nhất, là bản sắc độc đáo của văn hóa đạo đức dân tộc gắn liền với tầm cao tư tưởng đạo đức của thời đại cách mạng và tiếp biến được những tinh hoa văn hóa đạo đức của nhân loại.

Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức của một nhà tư tưởng lớn...

Đạo đức Hồ Chí Minh cần được hiểu một cách đầy đủ, đó không chỉ là tư tưởng của Người về đạo đức và đạo đức cách mạng mà còn là thực tiễn đời sống đạo đức của Người. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện qua hoạt động, hành vi và lối sống, qua các mối quan hệ với con người, với công việc, trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày. Ở đâu, lúc nào, với mọi đối tượng khác nhau, chủ thể đạo đức Hồ Chí Minh cũng là hiện thân sinh động của tính nhất quán giữa nói và làm, tính trung thực và sự khiêm tốn; tính kiên định về nguyên tắc và niềm tin gắn liền với tính linh hoạt và uyển chuyển trong phương pháp đối nhân xử thế; lòng dũng cảm, sự sáng suốt, đức hy sinh và nghị lực phi thường vượt lên mọi khó khăn, thử thách; sự ân cần, chu đáo, lòng khoan dung độ lượng đầy tính nhân ái, vị tha với con người; sự nhạy cảm và rất tinh tế của Người đối với mỗi con người, mỗi cảnh đời và những số phận khác nhau của họ. Đó là những đức tính và phẩm chất đạo đức của Người.

Đó cũng là những đặc trưng đạo đức Hồ Chí Minh mà Người thể hiện trong đời sống và mỗi chúng ta cảm nhận được bằng sự hiểu biết và kinh nghiệm sống của mình. Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức của một nhà tư tưởng lớn mang tầm vóc vĩ nhân của thời đại, danh nhân văn hóa của thế giới hiện đại, cốt cách hiền triết Á Đông và tiêu biểu cho tinh hoa đặc sắc của truyền thống dân tộc. Sự lớn lao, cao cả ấy lại biểu hiện một cách chân thực và vô cùng giản dị, rất mực gần gũi với mỗi con người bình thường trong cuộc sống đời thường, trần thế và thực tế, không gợn một chút cảm giác nào siêu thực, huyền ảo, cho dù sự vĩ đại và vô cùng cao thượng của Người được coi như huyền thoại.

Lãnh tụ Cu-ba, Phi-đen-Cat-xtơ-rô đánh giá rằng: “đồng chí Hồ Chí Minh thuộc lớp người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt...(1)”.

Ảnh hưởng rộng lớn của đạo đức Hồ Chí Minh và nhân cách Hồ Chí Minh như ai nấy đều biết, từ dân tộc đến với nhân loại, vượt qua cái hữu hạn 79 mùa xuân của cuộc đời một con người để đi vào cõi vĩnh hằng, cái vô hạn của sự sống nhân gian, của đời sống loài người trên trái đất này. Được như vậy, bởi Người đã đi trọn vẹn cuộc hành trình vì nền độc lập, đã sống toàn vẹn với cuộc đấu tranh vì tự do và dâng hiến cả cuộc đời mình cho hạnh phúc của nhân dân. Người đã thực sự hóa thân vào dân tộc mình và các dân tộc trên thế giới, dù khác màu da, tiếng nói nhưng đều giống nhau trong khát vọng giải phóng, trong tình yêu thương thuộc về nhân tính của bản chất con người.

Đạo đức Hồ Chí Minh, ấy là tình người mênh mông rộng lớn, nâng niu giá trị con người, là nghĩa thủy chung son sắt đạo lý làm người.

Đạo đức Hồ Chí Minh mang một sức mạnh diệu kỳ của năng lực thấu hiểu và thấu cảm đối với con người và cuộc sống. Bởi thế, Người vĩ đại và cao cả bao nhiêu trong trí tuệ, tư tưởng và tâm hồn thì cũng giản dị bấy nhiêu trong ứng xử, trong cử chỉ, xiết bao gần gũi, ấp áp, thân tình. Suốt đời, Người sống một cuộc sống đạm bạc mà tao nhã vô cùng. Suốt đời, Người chỉ nói và viết những lời, những chữ mộc mạc, bình dị, đi thẳng vào lòng người, không màu mè tô vẽ như Người đã từng giải thích. Người nói ngắn, viết ngắn mà cũng chỉ nói và viết khi cần thiết, cái chủ yếu của Người là làm việc, là hành động... Với Hồ Chí Minh, đạo đức cốt ở thực hành đạo đức, nêu gương đạo đức trong lao động, trong đấu tranh cho tình thương và lẽ phải, cho cái hay, cái tốt nơi con người nảy nở như hoa mùa xuân, còn cái xấu, cái dở thì mất dần đi rồi tiến tới chỗ mất hẳn. Đó là niềm tin mãnh liệt của Người vào sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác.

Đó là những đặc điểm nổi bật của đạo đức Hồ Chí Minh xét trên cả hai bình diện: tư tưởng và thực hành đạo đức.

Tư tưởng đạo đức của Người là phần cốt yếu, chủ đạo trong tư tưởng về con người và văn hóa.

Là một nhà tư tưởng, tư tưởng đạo đức của Người là phần cốt yếu, chủ đạo trong tư tưởng về con người và văn hóa, hợp thành tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh. Trên những vấn đề này, ở Hồ Chí Minh có sự thống nhất, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư tưởng với phương pháp và phong cách, giữa lý luận với thực tiễn, giữa nhận thức và hành động. Những quan niệm và quan điểm của Người về đạo đức thường xoay quanh chủ đề đạo đức cách mạng, nhất là đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên trong mối quan hệ với quần chúng.

Đạo đức cách mạng, theo Hồ Chí Minh là đạo đức kiểu mới, chẳng những mang bản chất của giai cấp công nhân hiện đại, thực hiện sứ mệnh lịch sử giải phóng cho giai cấp mình, giải phóng cho cả xã hội, cho từng con người ra khỏi tình trạng nô lệ, bị bóc lột áp bức dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, vươn tới tự do và làm chủ mà còn kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp nhất của truyền thống đạo đức dân tộc, của tinh hoa văn hóa nhân loại. Đạo đức cách mạng, đạo đức mới là đạo đức của những con người hành động, làm cách mạng để phá hủy cái cũ lỗi thời, lạc hậu và xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa. Đó là xã hội thể hiện đầy đủ nhất nhân tính, vì sự phát triển tự do mọi năng lực sáng tạo của từng cá nhân, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người.

Đạo đức cách mạng có vai trò đặc biệt quan trọng, ví như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo, người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới đưa cách mạng tới thắng lợi.

Người nói, sức có mạnh thì mới gánh vác được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng thì mới đi đến cùng mục tiêu, lý tưởng được.

Đạo đức cách mạng nổi bật ở các chuẩn mực giá trị và các nguyên tắc ứng xử, hành động được Người diễn đạt cô đọng thành một mệnh đề quen thuộc “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. Người khai thác từ di sản tư tưởng đạo đức truyền thống của phương Đông và của dân tộc mình cái hình thức hợp lý để kế thừa và đưa vào trong đó những nội dung tư tưởng mới, hiện đại. Lý thuyết đạo đức của nhà đạo đức học mác xít Hồ Chí Minh, nếu có thể nói như vậy, thì lý thuyết đó quy tụ vào hệ giá trị đạo đức với 4 chuẩn mực: cần, kiệm, liêm, chính và 2 nguyên tắc ứng xử: chí công vô tư. Từ đó, Người đã kiến giả một cách rành mạch, giản dị mà vô cùng sâu sắc về nội dung đạo đức, nguyên tắc đạo đức và các phương pháp giáo dục, rèn luyện, thực hành đạo đức trong đời sống hằng ngày. Người nhấn mạnh: có cần, có kiệm, có liêm thì mới chính được. Đó là đối với từng người, còn đối với cả dân tộc, Người cho rằng, một dân tộc có đủ cả cần, kiệm, liêm, chính thì chẳng những sẽ giàu có về vật chất mà còn văn minh về tinh thần.

Cách giải thích trên đây của Người hàm ý rằng, giá trị và sức mạnh đạo đức phải trải qua rèn luyện mà có; phải ở trong hành động thì tính hiện thực của đạo đức mới bộc lộ ra và nhờ thực hành đạo đức mà đạo đức mới trở thành động lực của phát triển, của tiến bộ; nhờ đó cá nhân từng người được hoàn thiện và cả cộng đồng dân tộc trở nên văn minh, cả vật chất lẫn tinh thần. Người suy ngẫm về vai trò của đạo đức, gợi cho ta suy nghĩ tới một điều quan trọng và thiết thực, đó là phải đưa sức mạnh đạo đức vào quản lý và đạo đức cần thiết vô cùng cho sự phát triển xã hội và dân tộc. Với Hồ Chí Minh, cần không chỉ là siêng năng, chăm chỉ mà còn gắn liền với ý thức tự giác, lòng tự trọng, không lười biếng, ỷ lại, biết tự lực tự chủ, có năng lực sáng tạo để làm việc có kết quả, chất lượng, năng suất lao động cao, không chỉ cho mình mà còn cho xã hội.

Kiệm là tiết kiệm, không lãng phí của cải, thời gian, sức lực. Trong sinh hoạt, tiết kiệm là tiêu dùng hợp lý chứ không bủn xỉn, keo kiệt. Việc đáng phải tiêu thì một vạn cũng không tiếc, việc không đáng tiêu thì một xu cũng không chi. Phải luôn nhớ rằng, mỗi đồng tiền bát gạo mà chúng ta tiêu dùng đều do mồ hôi nước mắt của dân làm ra. Thương dân thì phải tiết kiệm, lãng phí là không thương dân, tham ô là ăn cắp của công, là có tội với dân, tham nhũng phải được coi là một tội ác, là kẻ thù của dân, của cách mạng.

Mỗi người dân, công dân, nhất là người cách mạng phải rèn luyện cho mình đức liêm, chính. Liêm là sự liêm khiết, thanh khiết, trong sạch, biết tôn trọng, giữ gìn của công và của dân, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của nhà nước, của nhân dân. Không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham tâng bốc mình. Chỉ có một điều ham muốn, ấy là ham học, ham tiến bộ.

Chính là chính trực, ngay thẳng, đúng đắn. Với mình không tự cao tự đại, với người không nịnh trên khinh dưới, chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Liêm chính là phẩm chất của người cán bộ, công chức khi thi hành công vụ.

Chí công là biết toàn tâm toàn ý vì công việc, vì sự nghiệp chung, là công bằng công tâm trong quan hệ với người, với việc. Có “chí công” thì mới “vô tư” được, nghĩa là không có lòng riêng, thiên tư, thiên vị, tư ân, tư huệ, tư thù, tư oán, biết hy sinh cái riêng, lợi ích riêng vì sự nghiệp chung đòi hỏi khi cần thiết, “lo trước thiên hạ vui sau thiên hạ” là vì vậy.

Để thể hiện được những chuẩn mực đạo đức và những nguyên tắc ứng xử đạo đức đó, con người phải trải qua rèn luyện gian nan chứ những điều tốt đẹp đó không tự đến. Trên thực tế, đây là cuộc đấu tranh suốt đời để chống chủ nghĩa cá nhân, phải chiến thắng chủ nghĩa cá nhân thì mới xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Muốn nâng cao đạo đức cách mạng, thì phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Ý tưởng sâu sắc này được Người nói rõ trong bài báo cuối cùng mà Người viết và cho đăng trên báo Đảng cách đây gần 40 năm, giờ đây vẫn còn nguyên tính thời sự.

Là một nhà biện chứng và nhân văn chủ nghĩa sâu sắc, Người phân biệt rất rõ giữa chủ nghĩa cá nhân và cá nhân. Người căn dặn: chống chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là dày xéo lên cá nhân. Mỗi cá nhân là một con người, phải tôn trọng nhân cách của con người. Ai cũng có những lợi ích riêng, nhu cầu, sở thích, cá tính riêng. Nếu những cái đó không trái với lợi ích chung của xã hội, không phương hại tới xã hội thì không phải là xấu, không có gì phải chống, ngược lại phải vun trồng cho nó phát triển. Chúng ta chỉ chống những cái xấu, cái ác gây hại cho dân, cho nước, cho xã hội. Điều chỉ dẫn này của Người có ý nghĩa sâu xa về quan điểm và phương pháp mà mỗi chúng ta ngày nay cần lĩnh hội để thực hành trong cuộc sống, nhất là trong quan hệ ứng xử giữa con người với con người, trong giáo dục và rèn luyện nhân cách.

Các chuẩn mực, đức tính đạo đức và các nguyên tắc ứng xử đó không dừng lại ở những ý niệm chung mà phải thể hiện sinh động trong đời sống đạo đức, trong quan hệ đạo đức, cho ta hình dung rõ nội dung đạo đức cách mạng và các nguyên tắc trong xây dựng rèn luyện đạo đức đó.

Nội dung đạo đức với nghĩa là những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam trong thời đại mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm những gì?

Một là, trung với nước, hiếu với dân, phải tận trung với nước, tận hiếu với dân. Đây là phẩm chất hàng đầu của đạo đức cách mạng. Đây không chỉ là ý thức và tình cảm mà còn phải trở thành niềm tin, lẽ sống và hành động, thành nghĩa vụ, bổn phận được thực hiện tự giác, thành nhu cầu, đạt tới sự tận tâm, tận lực, tất cả được thôi thúc từ lòng yêu dân, tin dân, kính dân, làm tất cả vì dân, vì nước.

Hai là, yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình, thấu lý đạt tình, có tình có nghĩa. Đó là lòng vị tha nhân ái bao dung, với mình thì phải nghiêm khắc, với người phải khoan hòa, độ lượng. Người còn căn dặn phải có lòng độ lượng vĩ đại. Trong Đảng phải có tình thương yêu đồng chí lẫn nhau.

Ba là, suốt đời trau dồi và thực hành cần, kiệm, liêm ,chính, chí công vô tư, đây là điều cốt lõi của đạo đức cách mạng, như đã nói ở trên, đó là sức mạnh chiến đấu và chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, là điều kiện mà cũng là thước đo của lòng trung, hiếu và tình nghĩa đối với nước, với dân, là đạo đức vì dân, vì nước.

Bốn là, tinh thần quốc tế trong sáng, biểu hiện tập trung và nổi bật ở tình đoàn kết quốc tế vì mục tiêu chung đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột, vì hòa bình, công lý và tiến bộ xã hội, gắn liền chủ nghĩa yêu nước chân chính của dân tộc với chủ nghĩa quốc tế chân chính của giai cấp công nhân.

Để thực hành những phẩm chất đạo đức đó, từng cá nhân và từng tổ chức, từ cán bộ đảng viên đến mỗi người dân cần phải ra sức rèn luyện, tự rèn luyện trong những công việc thực tế hàng ngày theo những nguyên tắc mà cũng là những phương châm.

- Nói đi đôi với làm, phải nêu gương đạo đức. Đây là sự thể hiện tính trung thực và nhất quán đạo đức. Mỗi người phải ý thức rõ ràng về sự gương mẫu, tự mình nêu gương cho người khác, nhất là cán bộ đảng viên. Thế hệ những người đi trước, cha mẹ nêu gương cho con cái, thầy giáo nêu gương cho học trò, lãnh đạo nêu gương cho cán bộ nhân viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng.

Hồ Chí Minh là một mẫu mực về sự nêu gương trong việc làm, trong lối sống. Tấm gương đạo đức của Người có sức thuyết phục, lôi cuốn, động viên cổ vũ muôn người, được dân chúng khâm phục, tin yêu, được bạn bè quốc tế vô cùng ngưỡng mộ.

- Xây đi đôi với chống. Đây là nguyên tắc, phương châm chỉ đạo mà cũng là phương pháp thực hành trong đời sống đạo đức, lấy cái tích cực, tiến bộ làm chủ đạo, làm cho nó mạnh lên, lấn át rồi xóa bỏ cái tiêu cực, lạc hậu. Vạch rõ và phê phán cái xấu cũng nhằm để khẳng định và phát triển cái tốt.

- Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời. Đây là sự vận dụng quan điểm động, biến đổi, phát triển của phép biện chứng duy vật vào việc nhìn nhận đạo đức và xây dựng đạo đức cách mạng. Phải nêu cao ý thức và bản lĩnh tự giáo dục, tự rèn luyện, đề cao tính tự phê phán của mỗi người, của mỗi tổ chức. Xây dựng Đảng về mặt đạo đức càng phải như vậy, nhất là khi Đảng đã cầm quyền.

Trong khi nhấn mạnh đạo đức và nêu gương đạo đức của cán bộ đảng viên, Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng xây dựng đạo đức cho từng đối tượng xã hội. Đây là tất cả sự công phu, tỉ mỉ và tinh tế của Người với tư cách một nhà giáo dục bậc thầy. Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức, ta thấy Người đề cập đến các mối quan hệ và xác định rõ yêu cầu đạo đức với từng đối tượng qua các mối quan hệ đó.

Với quân đội, Người đặc biệt nêu cao đạo đức của lòng trung thành, dũng cảm hy sinh vì dân vì nước “Trung với nước, hiếu với dân, khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Với cán bộ chiến sĩ công an, Người căn dặn: “Đối với tự mình, phải cần kiệm, liêm chính; đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ; đối với chính phủ, phải tuyệt đối trung thành; đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép; đối với công việc phải tận tụy; đối với địch phải cương quyết, khôn khéo.

Với thanh niên, lớp người trẻ tuổi mà Người kỳ vọng ở họ sẽ làm nên việc lớn, Người ân cần chỉ dẫn: tuổi trẻ phải có hoài bão, ý chí lớn, phải luôn luôn tự hỏi, mình đã làm gì cho Tổ quốc chứ không bao giờ đòi hỏi Tổ quốc, nhân dân đã đem lại cho mình những gì, phải biết tránh xa địa vị, danh vọng vì những cái đó dễ làm hư hỏng con người...

Có thể nói, dù có những nội dung và sắc thái khác nhau song đạo đức của các đối tượng, nghề nghiệp, lứa tuổi, thế hệ, giới tính đều cùng hướng tới đạo đức tốt đẹp của dân tộc, phát huy truyền thống dân tộc, cùng xây dựng đạo đức mới xã hội chủ nghĩa, đạo đức thực tiễn, đạo đức hành động hướng tới tiến bộ và phát triển.

Đạo đức và văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh từ những điều trình bày ở trên cho thấy sự phong phú, toàn diện, sâu sắc và thiết thực, truyền thống mà hiện đại từ nội dung đến phương pháp, từ lý luận đạo đức đến thực tiễn và thực hành đạo đức của Người.

Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh là sự thống nhất hữu cơ, không thể tách rời giữa tư tưởng đạo đức và thực tiễn đời sống đạo đức của Người, là hiện thân sinh động, chân thực, cảm động về trí tuệ - tình cảm - tâm hồn - lối sống và nhân cách Hồ Chí Minh - con người Việt Nam đẹp nhất, là bản sắc độc đáo của văn hóa đạo đức dân tộc gắn liền với tầm cao tư tưởng đạo đức của thời đại cách mạng và tiếp biến được những tinh hoa văn hóa đạo đức của nhân loại.

Đạo đức Hồ Chí Minh trở thành văn hóa đạo đức bởi Người không chỉ nêu ra triết lý (tư tưởng) đạo đức mà còn thực hành và nêu gương theo triết lý đó, bằng việc làm, hành động, lối sống đạo đức, đem đến cho chúng ta một minh chứng cụ thể, sống động đầy sức thuyết phục về văn hóa. Đó chẳng những là thước đo trình độ nhân tính trong phát triển mà còn nhu cầu, là sự thôi thúc nội tâm để hành động tự giác, thành giá trị bền vững của chủ thể, tạo ra động lực thúc đẩy đối với sự phát triển của con người và xã hội. Văn hóa đạo Hồ Chí Minh tiêu biểu cho giá trị, sức sống, tác dụng và ảnh hưởng của văn hóa đạo đức cách mạng trong cuộc hành trình lịch sử vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Hoàng Chí Bảo - GS, TS Triết học, chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương 

Nguồn Tạp chí Cộng sản số 11( 137) năm 2007

Các tin khác
Xem tin theo ngày