Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
Đây là bài học, kinh nghiệm được Đảng ta tổng kết, rút ra ở nhiều kỳ đại hội gần đây. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy có sự khác nhau trong cách trình bày và nhận thức của Đảng ta về vấn đề này.
Đại hội IV (12-1976) khởi xướng bài học kinh nghiệm về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và nó tiếp tục được khẳng định tại Đại hội VII (6-1991) trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đó là: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là bài học xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta”. Từ Đại hội VIII (6-1996) đến Đại hội X (4-2006), Đảng ta đều trình bày quan điểm: “Trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đại hội XI (01-2011) và Đại hội XII (01-2016), Đảng ta có sự điều chỉnh, ngoài kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thì Đại hội XI còn kiên định nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Đại hội XII mở rộng hơn khi xác định đến cả sự “kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”.
Sự khác nhau trong các cách trình bày trên cho thấy:
Một là, ở Đại hội IV, Đại hội VII của Đảng, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là bài học kinh nghiệm, là sợi chỉ đỏ trong toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam, còn các đại hội khác coi đó là bài học của quá trình đổi mới.
Hai là, ở Đại hội IV, Đại hội VII của Đảng, coi độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là “ngọn cờ” lý luận, tư tưởng có vai trò như “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” để giải quyết thành công và tạo ra sức mạnh của cách mạng. Còn các đại hội khác coi đây là mục tiêu của cách mạng và cơ sở lý luận, tư tưởng của sự kiên định mục tiêu đó là “trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Ba là, ở Đại hội IV, Đại hội VII của Đảng, coi độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là “nguồn gốc” của mọi thắng lợi, là “ngọn cờ vinh quang” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho các thế hệ Việt Nam. Còn ở các đại hội khác coi đây là vấn đề cần “giữ vững”, “kiên trì”, “kiên định”. Là “nguồn gốc”, là “ngọn cờ” có nghĩa là còn phải khai thác, vận dụng mới có đáp số, có lời giải cho yêu cầu của thực tiễn; nó chi phối mọi vấn đề của cách mạng. Còn “kiên định”, “giữ vững” là bảo vệ vững chắc, không hề lay chuyển cái đã có, đã xác định và nó chỉ nói đến một vấn đề là mục tiêu cách mạng.
Bốn là, riêng ở Đại hội XII, khi rút ra một số bài học sau 30 năm đổi mới, Đảng ta không chỉ đặt lên hàng đầu bài học về kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cũng không chỉ khẳng định cơ sở lý luận, tư tưởng của mục tiêu này là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà nó đã mở rộng ra rất nhiều. Cụ thể, Đại hội XII khẳng định: “Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”(1), bởi vì trong quá trình đổi mới nói chung cũng như trong sự nhận thức về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta không chỉ dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn có cơ sở của truyền thống, tinh hoa dân tộc, nhân loại và cả kinh nghiệm thực tiễn quốc tế.
Một điểm khác cũng cần lưu ý khi nhấn mạnh vấn đề này là việc cần phải đấu tranh mạnh mẽ, không khoan nhượng với những luận điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị về con đường, mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn cho dân tộc. Chính vì vậy, việc Đại hội XII của Đảng ta tiếp tục khẳng định bài học hàng đầu là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là minh chứng rõ ràng, dứt khoát phủ định những luận điệu chống đối, xuyên tạc về nó thời gian qua.
Xây dựng Đảng về đạo đức
Trong phần mục tiêu chung xây dựng Đảng, Đại hội XII nêu rõ: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Điểm mới ở đây là lần đầu tiên trong văn kiện đại hội, cùng với chính trị, tư tưởng, tổ chức, Đảng ta coi xây dựng Đảng về đạo đức là một nội dung trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, nói như vậy, không có nghĩa từ trước đến nay, vấn đề đạo đức trong Đảng không được quan tâm.
Thực tế, đây là vấn đề đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng cũng như trong suốt quá trình Người và Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong cuốn “Đường cách mệnh”, Người dành ngay trang đầu tiên để viết về tư cách đạo đức của người cách mạng. Sau này, đây là chủ đề trọng tâm xuyên suốt trong nhiều tác phẩm của Người như: “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), “Đạo đức cách mạng” (năm 1958), “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (năm 1969). Tổng kết 30 năm Ngày Đảng ta thành lập (03-02-1930 - 03-02-1960), Người khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”(2). Như vậy, với Người, rèn luyện cán bộ, đảng viên phải chú trọng cả đức và tài, tài là quan trọng nhưng đức là gốc, “người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Trước lúc đi xa, Người còn Di chúc: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(3).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lớp lớp cán bộ, đảng viên đã rèn luyện, phấn đấu theo những giá trị và tấm gương đạo đức cao đẹp được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra như trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Chính vì vậy, Đảng ta luôn vững vàng vượt qua mọi thử thách, được nhân dân tin yêu, lãnh đạo toàn dân làm nên những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, Đảng ta vẫn luôn khắc sâu những lời dạy đạo đức đó của Người. Nhiều nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta đã phát động phong trào đẩy mạnh nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Trong ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Đảng ta đã coi việc “kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…”(4) trong cán bộ, đảng viên là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Cũng chính trên cơ sở những “kết quả quan trọng” đạt được trong công tác xây dựng Đảng của khóa XI, cùng những mặt hạn chế, yếu kém, khuyết điểm còn tồn tại, Đại hội XII đã nêu cao nhiệm vụ “đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI” và trong 6 nhiệm vụ trọng tâm Đại hội xác định cho nhiệm kỳ mới, nhiệm vụ thứ nhất là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(5).
Đó là những nhận thức cơ bản trong xây dựng Đảng về đạo đức của Đại hội XII. Nó có cơ sở lý luận và thực tiễn rất sâu sắc từ tư tưởng, bài học kinh nghiệm lãnh đạo, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết
Tại Đại hội XII, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Đảng ta rút ra kinh nghiệm thứ năm là “lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm mục tiêu cao nhất”. Còn bài học thứ tư trong 5 bài học được Đảng ta rút ra khi nhìn lại 30 năm đổi mới (1986 - 2016) là: “Phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(6). Như vậy, lần đầu tiên trong tổng kết quá trình lãnh đạo nói chung, Đảng ta khẳng định “phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết” là một trong những bài học quan trọng, cùng với các bài học về “kiên định”; “dân là gốc”; “tôn trọng quy luật, thực tiễn”, “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”. Không chỉ vậy, trong phương hướng, nhiệm vụ hoạt động đối ngoại, nếu văn kiện các kỳ đại hội Đảng trước nêu: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc”(7), thì văn kiện Đại hội XII, Đảng ta đặt “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc” lên vị trí quan trọng hàng đầu. Đây là mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất, có ý nghĩa chỉ hướng, chi phối mọi hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực. Nó không chỉ “vì lợi ích quốc gia, dân tộc” mà “phải lấy lợi ích quốc gia-dân tộc” làm xuất phát điểm, làm mục tiêu, đích hướng tới để lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động đối ngoại và tham gia hội nhập quốc tế của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Những điểm chỉ ra ở trên phản ánh tư duy mới của Đảng ta về giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích quốc gia-dân tộc Việt Nam với các quốc gia trên thế giới trong tiến trình tham gia toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, xét trong tiến trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, vấn đề lợi ích quốc gia-dân tộc Việt Nam đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định từ rất sớm.
Như chúng ta đã biết, động lực chủ đạo thúc đẩy, chi phối Hồ Chí Minh trên hành trình tìm đường cứu nước và đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin chính là tinh thần dân tộc và lợi ích dân tộc. Đối với Người, quyền lợi dân tộc chưa đòi được, thì “quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(8). Vì vậy, khi thời cơ giải phóng dân tộc đến thì “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”. Bản “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1945, Người đã viết: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. Và thực tế, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, Người luôn giương cao ngọn cờ, chân lý của dân tộc và thời đại: Độc lập, tự do là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Lợi ích dân tộc, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn là cơ sở để phân biệt bạn - thù, tập hợp lực lượng: “Ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù. Đối với mình, những tư tưởng và hành động có lợi ích cho Tổ quốc, cho đồng bào là bạn. Những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc và đồng bào là kẻ thù”(9).
Có thể nói, tôn chỉ và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh là suốt đời phấn đấu vì quyền lợi dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.
Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ khi mới thành lập, trong “Chính cương vắn tắt” do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khởi thảo đã khẳng định: Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Điều đó có nghĩa, con đường cách mạng Việt Nam có hai giai đoạn với hai cuộc cách mạng: cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa, và chỉ có hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc mới có điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội và chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa mới giữ vững được thành quả cách mạng giải phóng dân tộc, mới mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân, mới có độc lập dân tộc thực sự.
Hiện nay, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Đảng ta khẳng định “phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết”. Đó không chỉ là bài học rút ra qua 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, mà còn là vấn đề có tính quy luật của quá trình nhận thức và đổi mới tư duy của Đảng ta trong lãnh đạo đất nước./.
--------------------------------------------------
(1), (5), (6) Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Báo Nhân dân, http://www.nhandan.com.vn/, Thứ Sáu, 25-03-2016
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 12, tr. 403
(3), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 15, tr.622, 614
(4) Thông báo Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.83-84
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.113
(9) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 6, tr.18
ThS. Nguyễn Văn Đạo - Học viện Chính trị khu vực II