Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.862.442
Truy câp hiện tại 2.331
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
HỒ CHÍ MINH VÀ QUAN ĐIỂM VỀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
Ngày cập nhật 02/11/2016

Tư tưởng Hồ Chí Minh bao trùm lên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó tư tưởng về giáo dục mang những giá trị nhân văn cao cả, đặt nền móng cho việc xây dựng nền giáo dục dân chủ mới ở nước ta. Quan điểm về các phương pháp giáo dục của Người có ý nghĩa sâu sắc về lý luận và thực tiễn, ảnh hưởng sâu rộng tới sự nghiệp cách mạng Việt Nam và việc đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phục vụ cho quá trình đổi mới, hội nhập hiện nay.

Mục đích giáo dục trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ bó hẹp trong việc dạy tri thức, nâng cao trình độ học vấn, mà còn nhằm đào tạo những con người phát triển toàn diện về tri thức, nhân cách. Vì vậy, trong quá trình giáo dục, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến phương pháp giáo dục sao cho có hiệu quả, khoa học, phong phú, đa dạng và mẫu mực.

Người quan niệm phương pháp giáo dục phải căn cứ vào đối tượng, hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, phải ra sức làm nhưng không được vội, phải có kế hoạch từng bước. Trong quá trình lãnh đạo cuộc cách mạng Việt Nam nói chung cũng như các vấn đề liên quan đến giáo dục nói riêng, Người luôn xác định nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, coi đây là nguyên tắc cơ bản cho việc xây dựng các phương pháp về giáo dục. Nguyên tắc này được Người vận dụng xuyên suốt trong việc giáo dục cán bộ, đảng viên, công nhân, nông dân, bộ đội, trí thức, học sinh, sinh viên, phụ nữ, thanh thiếu niên nhi đồng... Đưa lý luận vào cuộc sống là con đường ngắn nhất để khắc phục bệnh kinh viện, sách vở trong giáo dục. Gắn lý luận với thực tiễn, rồi từ thực tiễn sinh động củng cố, bổ sung, hoàn thiện việc nhận thức những lý luận mới để có nhận thức đúng đắn hơn.

Các phương pháp giáo dục chỉ đạt hiệu quả khi phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng giáo dục. Vào năm 1955, trong thư gửi học sinh, cán bộ thanh niên, nhi đồng, Người đã nêu rõ nhiệm vụ của mỗi cấp học: với bậc đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta; bậc trung học thì cần đảm bảo học sinh học những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, phù hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà; học sinh tiểu học thì cần được giáo dục lòng yêu nước, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học và trọng của công. Như vậy, trong tư tưởng, Hồ Chí Minh đã đề cao việc lấy người học làm trung tâm để lựa chọn nội dung phương pháp, giáo dục cho phù hợp. Có như vậy mới thúc đẩy giáo dục phát triển, thỏa mãn nhu cầu học tập của từng đối tượng.

Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều quan điểm về phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng, từng tầng lớp trong xã hội như cán bộ, chiến sĩ, quần chúng nhân dân, phụ nữ, thanh thiếu niên..., kết hợp và vận dụng một cách nhuần nhuyễn các phương pháp để tác động hiệu quả tới mọi đối tượng giáo dục. Giáo dục bằng cách giảng giải, thuyết phục được Người coi làm cơ sở để thực hiện các phương pháp giáo dục khác. Giải pháp thuyết phục là quá trình hoạt động có ý thức, có mục đích, có kế hoạch bằng lý lẽ và việc làm mẫu mực để người khác hiểu được mục đích của vấn đề, tin và làm theo. Phương pháp giáo dục phải dựa trên “nguyên tắc tự nguyện, tự giác, giải thích, bàn bạc, thuyết phục, chứ không gò bó" (1), để mọi người thấy được cái hay, cái đúng, cái có lợi thì sẽ tự giác làm theo. Phương pháp giáo dục phải nhẹ nhàng, không gò ép, phải chú trọng bồi dưỡng phương pháp tự phát huy nội lực, tư duy biện chứng, lý luận và sự sáng tạo cho người học.

Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc thuyết phục người khác bằng phương pháp nêu gương. Đây là phương pháp có tác dụng tốt, phù hợp với truyền thống, đặc điểm tâm lý của các dân tộc phương Đông và của người Việt Nam: "Các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họmột tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"(2). Người quan tâm đến việc xây dựng những gương người tốt, việc tốt trong phong trào cách mạng và cổ vũ, động viên, khuyến khích mọi người noi theo. Để phát huy tác dụng của nêu gương trong giáo dục đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh đã phát động phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng trong toàn xã hội, lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục cách mạng, xây dựng con người và cuộc sống mới.

Các biện pháp nêu gương hết sức đa dạng nhưng trong đó, cách tự nêu gương được Hồ Chí Minh coi trọng, đề cao. Đối với cán bộ quân đội, Người căn dặn mỗi cán bộ chỉ huy về quân sự cũng như về chính trị phải là một tấm gương, một kiểu mẫu để mọi người học tập. Như vậy, muốn tuyên truyền, thuyết phục người khác thì mỗi cá nhân phải nghiêm khắc với bản thân, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện theo những chuẩn mực đạo đức. Sinh thời, mỗi lời nói, hành động của Người đều chuẩn mực, gương mẫu, có ý nghĩa thuyết phục sâu rộng. Cả cuộc đời Người là hiện thân của một nhân cách lớn, nhưng vô cùng gần gũi, bình dị khiến lớp lớp thế hệ người Việt Nam đều noi theo. Người đã tự răn mình phải làm gương trong anh em và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân về cả ba mặt tinh thần, vật chất và văn hóa. Cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh chính là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Trong những năm tháng giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt hoành hành, để làm gương cho toàn dân chiến thắng giặc đói, Người tự nêu gương thực hành tiết kiệm bằng cách cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa, tạo ra hũ gạo tiết kiệm để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân noi theo.

Nhấn mạnh phương pháp giáo dục bằng cách thuyết phục, Hồ Chí Minh cũng đồng thời chỉ rõ vai trò, tác dụng của phương pháp bắt buộc, xửphạt. Khi các phương pháp khác đã được sử dụng nhưng vẫn không mang lại kết quả thì xử phạt là cần thiết. Nếu không xử phạt khi có lỗi thì sẽ mất kỷ luật, mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh nếu hoàn toàn không xử phạt là không đúng, mà chút gì cũng dùng đến xửphạt cũng không đúng. Đặc biệt trong quân đội, Người thường xuyên nhắc nhở các cán bộ, chiến sĩ phải chăm lo xây dựng kỷ luật tự giác, nghiêm minh, bởi bộ đội không có kỷ luật, đánh giặc nhất định thua. Kỷ luật ấy trước hết phải xuất phát từ tính tự giác, tự nguyện của từng cá nhân và của cả tập thể.

Về phương pháp thực hành kỷ luật, Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc dùng vũ khí phê bình và tự phê bình trong việc quản lý và duy trì chấp hành kỷluật. Theo Người, bệnh tham lam, lười biếng, ba hoa, bè phái, địa phương chủ nghĩa, ham danh vị, quân phiệt, quan liêu, xa rời quần chúng, hẹp hòi, chuộng hình thức, lối làm việc bàn giấy, vô kỷ luật, ích kỷ, hủ hóa... đều xuất phát từ căn bệnh chủ nghĩa cá nhân. Để điều trị các chứng bệnh ấy không có thuốc đặc hiệu nào hơn là tự phê bình và phê bình. Người coi đây là phương pháp giáo dục đạt được hiệu quả cao, phát huy ưu điểm, khắc phục những khuyết điểm, có được điều kiện hiểu rõ nhau hơn, để đoàn kết, giúp đỡ nhau tiến bộ. Phê bình và tự phê bình theo Người là thang thuốc hay và thiết thực nhất. Do đó, một người cán bộ tốt thì phải có đạo đức cách mạng, phải biết phê bình và tự phê bình, phải biết kỷ luật. Cách thức, biện pháp phê bình và tự phê bình phải triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt, phải vạch rõ ưu điểm và khuyết điểm. Theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình luôn phải đi đôi với nhau. Mục đích là giúp mọi người học được ưu điểm của nhau và giúp nhau sửa chữa những khuyết điểm. Mục đích của phê bình trong Đảng chính là sự giúp đỡ nhau cùng sửa chữa, cùng tiến bộ, sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn, đồng thời cần đoàn kết và thống nhất nội bộ.

Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến việc khích lệ thi đua trong giáo dục. Người đánh giá cao vai trò của thi đua, vì thi đua phản ánh bản chất của chế độ mới. Thi đua là biện pháp khắc phục khó khăn, giành được nhiều thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng là biểu hiện sinh động của lòng yêu nước. Trong kháng chiến, nhờ có thi đua mà đất nước giành được thắng lợi. Từ ngày hòa bình lập lại, nhờ thi đua mà đất nước vượt qua nhiều khó khăn và thu được nhiều thành tích. Thi đua tạo ra khí thế hăng hái, không ngại vất vả, nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ với hiệu quả cao nhất. Coi thi đua thực sựlà cuộc đua tài để tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trong công việc để từ đó có tình cảm, trách nhiệm tham gia phong trào với mục đích rõ ràng, thiết thực, với tinh thần tự giác, động cơ trong sáng. Hồ Chí Minh cho rằng cần thường xuyên gắn thi đua với động viên, khen thưởng. Khen thưởng cũng là cách thức, biện pháp giáo dục có ý nghĩa cổ động, khích lệ. Khen thưởng đúng sẽ tác động tốt đến cả những người đã có thành tích lẫn những người chưa có thành tích. Khi được khen thưởng thì bộ đội, đồng bào có thành tích sẽ càng hăng hái hơn và những người chưa có thành tích sẽthi đua tích cực hơn. Tháng 1 năm 1946, Hồ Chí Minh đã ký bản Quc lnh, trong đó có ghi rõ: "Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công"(3). Người căn dặn cán bộ quân đội khi đề nghị ai được thưởng huân chương thì phải công bố ngay cho bộ đội biết. Chính phủ sẵn sàng thưởng những người có thành tích, đó là cách động viên kịp thời, có tác dụng tuyên truyền sâu sắc.

Nhất quán với phương châm học đi đôi với hành, lý luận liên hệ với thực tiễn, Hồ Chí Minh hết sức coi trọng phương pháp tự rèn luyện. Mỗi cá nhân phải có nghị lực quyết tâm rèn luyện bản thân, không ngại khó, không ngại khổ, coi gian nan, thử thách trong cuộc sống là trường học rèn luyện. Xuất phát từ quan điểm khoa học và cách mạng trong việc xem xét vai trò của giáo dục hình thành nhân cách, Người cũng chỉ rõ những người cách mạng muốn có đạo đức cách mạng thì phải được rèn luyện một cách tích cực, kiên trì trong cuộc sống hàng ngày, trong khó khăn thử thách, gian nan rèn luyện mới thành công. Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, mà do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mới có được. Đạo đức ấy phải được phát triển và củng cố thường xuyên như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.

Tuy không để lại một tác phẩm, một hệ thống lý luận về các phương pháp giáo dục, nhưng những việc làm thiết thực và trong những bài viết ngắn gọn, súc tích của Hồ Chí Minh đã hàm chứa tư tưởng về các phương pháp giáo dục khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn. Các phương pháp giáo dục của Người luôn phản ánh bản chất nhân đạo, nhân văn của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, luôn quan tâm đến sự phát triển toàn diện của mỗi người, hướng con người vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ. Việc sử dụng các phương pháp giáo dục vừa phải khoa học, vừa phải khéo léo, tế nhị. Cần phải biết dựa vào đối tượng giáo dục, hoàn cảnh cụ thể để kết hợp các phương pháp giáo dục phù hợp: giảng giải thuyết phục với nêu gương người tốt, việc tốt; tự phê bình với phê bình; thi đua với khen thưởng, bắt buộc xử phạt... Trong đó, phải lấy giáo dục thuyết phục làm cơ sở, vì mục đích giáo dục trong xã hội mới là xây dựng ý thức tự giác, tinh thần làm chủ, phát triển toàn diện ở mỗi con người. Quan điểm này hiện nay vẫn còn nguyên giá trị, đòi hỏi mỗi người từ bậc làm cha mẹ, cán bộ giáo dục đên mọi tầng lớp xã hội cần nghiên cứu, quán triệt và thực hiện triệt để nhằm tạo nên đội ngũ cán bộ vừa có đức, có tài, vừa có tầm lãnh đạo và những thế hệ công dân có trí tuệ, phẩm chất đạo đức, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

_______________

1. Hồ Chí Minh toàn tp, tập 8, Nxb Chính trị Quc gia, Hà Nội, 1996, tr.216.

2. Hồ Chí Minh toàn tp, tập 1, Nxb Chính trị Quc gia, Hà Nội, 1995, tr.263.

3. Hồ Chí Minh toàn tp, tập 4, Nxb Chính trị Quc gia, Hà Nội, 1995, tr.163.

Tác giả : Vũ Văn Cẩm

Nguồn : Tạp chí VHNT số 351, tháng 9-2013
Các tin khác
Xem tin theo ngày