Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.862.400
Truy câp hiện tại 2.308
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Bốn mươi năm thực hiện Di chúc Bác Hồ – Cuộc chiến đấu chống những cái cũ kỹ, hư hỏng, tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi
Ngày cập nhật 31/08/2009

Thời gian càng lùi xa, suy ngẫm những lời dặn lại đồng chí, đồng bào trước lúc đi xa của Bác Hồ, đối chiếu với những gì đã và đang diễn ra trong hiện thực đời sống đất nước, thế giới... càng cảm nhận sâu sắc và thấm thía khôn cùng tầm cao tư tưởng, tầm tổng kết, dự báo, định hướng thiên tài trong Di chúc của Bác.

1. Ngày 13-5-1968, vào lúc 9 giờ sáng, khi tuổi đã cao, sức đã yếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành thời gian hiếm hoi giữa bộn bề việc dân, việc nước để xem lại tập tài liệu “Tuyệt đối bí mật” và viết thêm một đoạn về việc chăm lo hạnh phúc đối với con người(1). Sau khi căn dặn những công việc thiết yếu cần phải làm khi sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành được thắng lợi hoàn toàn, Người nhấn mạnh: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi“(2).

Thời gian càng lùi xa, suy ngẫm những lời dặn lại đồng chí, đồng bào trước lúc đi xa của Bác Hồ, đối chiếu với những gì đã và đang diễn ra trong hiện thực đời sống đất nước, thế giới... càng cảm nhận sâu sắc và thấm thía khôn cùng tầm cao tư tưởng, tầm tổng kết, dự báo, định hướng thiên tài trong Di chúc của Bác.

2. Bốn mươi năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Về thực chất, đó là quá trình đấu tranh bền bỉ để vượt lên, để xóa bỏ những tàn tích của chế độ xã hội cũ, sáng tạo, bồi đắp những nhân tố mới của chế độ xã hội mới, đồng thời cũng là quá trình tự đào thải, tự đấu tranh để khắc phục, để chiến thắng những yếu kém, khuyết tật của chính chúng ta trên con đường phát triển.

Bốn mươi năm, chúng ta đã đánh đổ hoàn toàn bộ máy chiến tranh và cai trị tàn bạo, ăn bám, mục ruỗng của chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ dựng lên ở miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước về mặt nhà nước; xây dựng, đổi mới, không ngừng hoàn thiện hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; từng bước dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội, phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân, vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Mặc dù còn nhiều yếu kém phải tiếp tục khắc phục, song trên thực tế, những đường nét cơ bản của nền dân chủ XHCN, của Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đang hình thành.

Bốn mươi năm, chúng ta đã nỗ lực xóa bỏ tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, mất cân đối nghiêm trọng của nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá nặng nề, phụ thuộc phần lớn vào nước ngoài; vượt lên cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng; đổi mới nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp, từng bước xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đồng thời tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế nước ta còn thấp, song so với những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, những thành tựu kinh tế đạt được trong 40 năm qua là phi thường, không ai có thể phủ nhận được.

Bốn mươi năm, chúng ta đã đấu tranh thủ tiêu chế độ áp bức, bóc lột, bất công trên nửa đất nước bị chia cắt; xóa bỏ chia rẽ, hận thù dân tộc; dồn sức xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội; từng bước đưa đất nước quá độ đi lên XHCN, phấn đấu theo mục tiêu cao cả: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đời sống của đại đa số nhân dân được cải thiện, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố. Trong bối cảnh đất nước chưa ra khỏi tình trạng một nước kém phát triển, tiềm lực kinh tế chưa đủ sức giải quyết đầy đủ những nhu cầu dân sinh chính đáng, và do cả những yếu kém trong quản lý, điều hành xã hội, một bộ phận nhân dân đời sống còn khó khăn, phân hóa giàu nghèo và những bức xúc xã hội có xu hướng tăng lên… Những khó khăn, bất cập và yếu kém đó là có thật, nhưng là những khó khăn của một chế độ xã hội đang vươn tới mục tiêu cao đẹp từ nghèo nàn, lạc hậu, quyết không thể lấy những hiện tượng chưa tốt, chưa vui này để xuyên tạc, bôi đen bản chất của chế độ xã hội - như các thế lực đen tối thù địch CNXH đang hò hét mỗi ngày.

Bốn mươi năm, chúng ta kiên trì đấu tranh đẩy lùi những tàn tích phi văn hóa, phản văn hóa của phong kiến, thực dân và của xã hội tiểu nông còn rơi rớt lại; đấu tranh với những nọc độc giả danh văn hóa từ bên ngoài, theo nhiều ngả đường toàn cầu hóa và xa lộ thông tin, đang xâm nhập, kể cả xâm lăng nước ta từng ngày, từng giờ để gìn giữ di sản văn hóa truyền thống, dung nạp những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nền văn hóa ấy, dù đang trong quá trình hình thành, dù gặp muôn vàn thách thức, bốn mươi năm qua vẫn được gieo trồng trong từng gia đình, trong từng khu dân cư, đang và nhất định sẽ trở thành nền tảng tinh thần của xã hội ta.

Bốn mươi năm, tuân theo di huấn của Bác Hồ “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”, toàn Đảng đã phấn đấu tự đổi mới về tư duy, phong cách, tổ chức và cán bộ, đấu tranh khắc phục những sai lầm, chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều dập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời, dai dẳng(3), phấn đấu xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động, của toàn dân tộc. Cho dù công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt được yêu cầu như chúng ta mong muốn; cho dù tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn là lực lượng chính trị duy nhất có đủ năng lực và uy tín lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội.

Điểm lại một cách rất tổng quát chặng đường 40 năm để khẳng định một sự thật, những tư tưởng, những lời căn dặn của Bác Hồ trong bản Di chúc lịch sử, nói riêng, trong toàn bộ di sản quí báu của Người, nói chung, đã trở thành ngọn cờ dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh chống lại những cái cũ kỹ, lạc hậu, hư hỏng, từng bước sáng tạo, bồi đắp những nhân tố mới mẻ, đầy sức sống của một xã hội mới theo lý tưởng cao đẹp của Người.

3. Sinh thời, Bác Hồ nhắc nhở: “Thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó khăn hơn nhiều”(4), trong Di chúc, ở đoạn viết thêm tháng 5-1968, hai lần Người nhấn mạnh, công việc kiến thiết đất nước sau chiến tranh, tiến hành đấu tranh xóa bỏ cái cũ, xây dựng cái mới là một công việc cực kỳ to lớn, nặng nề, phức tạp và khó khăn(5). Thực tiễn 40 năm qua cho thấy, con đường xây dựng đất nước thật không bằng phẳng, tuyến tính, dễ dàng, mà gập ghềnh, quanh co, nhiều rủi ro, bất trắc; cũng không phải chỉ có thuận buồm xuôi gió mà phải trải qua không ít vấp váp, sai lầm, và không phải trên con đường đi đến mục tiêu, lẽ phải và cái mới bao giờ cũng chiến thắng, nhiều khi phải chấp nhận thất bại tạm thời hoặc trả giá bằng cay đắng.

Vì lẽ đó, nhìn lại chặng đường 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, cùng với niềm vui thắng lợi, niềm tin về những nhân tố mới mẻ, tốt tươi đang ngày càng nở rộ, chúng ta còn ân hận vì nhiều việc chưa làm tròn theo lời Bác căn dặn, nhiều điều cũ kỹ, hư hỏng vẫn đang tác oai tác quái trong đời sống thường ngày.

Sự thật, 40 năm mới là chặng đường đầu ngắn ngủi trên cuộc hành trình vạn dặm đi tới mục tiêu lý tưởng và những gì chúng ta làm được trong 4 thập niên qua cũng là còn rất ít ỏi so với yêu cầu chấn hưng đất nước, mưu cầu hạnh phúc đối với nhân dân theo tâm nguyện Bác Hồ. Nhớ lời Bác dạy, cần tỉnh táo nhận biết cho đầy đủ những khó khăn, thách thức nặng nề trên con đường đi tới để không sa vào chủ quan, nóng vội, duy ý chí, muốn xây dựng ngay, bằng mọi giá, chủ nghĩa xã hội trong một vài thập niên, hoặc nguy hiểm và tồi tệ hơn, bi quan, dao động, phai nhạt, hoài nghi, xa rời, thậm chí phản bội lý tưởng. Để phát triển, đất nước nào cũng phải trải qua nhiều thử thách, nhưng với nước ta, những thử thách đặt ra gay gắt hơn, dồn dập hơn. Trong suốt 30 năm, trước dã tâm xâm lược và ách thống trị dã man, tàn bạo của đế quốc, thực dân, dân tộc ta không còn con đường nào khác, buộc phải đứng lên cầm vũ khí chiến đấu, bảo bệ độc lập tự do, thống nhất đất nước. Cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài đã gây ra những tổn thất nặng nề về người và của, đồng thời để lại những hậu quả dai đẳng, nhiều mặt thời hậu chiến. Hòa bình lập lại, chúng ta tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh trong tình thế hiểm nghèo trước sự bao vây, cấm vận của chủ nghĩa đế quốc và sự tiến công, chống phá của các thế lực hiếu chiến, thù địch. Đối đầu với cuộc khủng hoảng nặng nề cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, Đảng và nhân dân ta đồng lòng, quyết tâm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Mới được vài năm, sự nghiệp đổi mới đang có đà thì sự sụp đổ mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã tác động trực tiếp, dữ dội đến tình hình chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh của nước ta. Vững vàng và tỉnh táo, cả dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng kiên định con đường đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giành được những thành tựu quan trọng. Đúng vào lúc đó, cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực cuối thập niên 80 lại đặt ra những thách thức mới. Một lần nữa chúng ta lại vượt lên, tạo ra những bước phát triển ấn tượng trong những năm đầu thế kỷ XXI, mở ra triển vọng về đích sớm hơn so với mục tiêu dự kiến cho năm 2010. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu hôm nay đang đặt một trở ngại lớn trên con đường phát triển của chúng ta. Bốn mươi năm, thử thách nối tiếp thử thách; khó khăn chồng lên khó khăn. Nhìn thẳng vào sự thật, đáng giá đúng sự thật để biết trân trọng, phát huy tất cả những gì mà Đảng cùng nhân dân ta đã đạt được bằng bản lĩnh Việt Nam, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam; để bình tĩnh, tỉnh táo đánh giá, xử lý những yếu kém, khuyết điểm. Phủ nhận sạch trơn, chỉ thấy khuyết điểm, sai lầm mà không thấy những thành tựu quan trọng, hay ngược lại, tuyệt đối hóa thành tựu mà không thấy những khó khăn, khuyết tật đều là không đúng với thực tế lịch sử.

Sự nghiệp đấu tranh chống cái cũ, xây dựng cái mới của chúng ta khó khăn, phức tạp còn bởi vì các thế lực thù địch chủ nghĩa xã hội do sự đối kháng không thể dung hoà giữa ý thức hệ tư sản và ý thức hệ vô sản, do tham vọng chiếm lĩnh hoặc chi phối một quốc gia có vị trí chiến lược trên bàn cờ chính trị thế giới, do cả những mặc cảm lịch sử… đã dai dẳng, quyết liệt tiến hành các âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta. Thất bại trong chiến tranh xâm lược, chuyển sang thực hiện mưu đồ bao vây, cấm vận không kết quả, những năm qua, các thế lực thù địch đã tận dụng xu thế toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế, dùng sức mạnh kinh tế để gây áp lực, chi phối, hòng đánh bại chúng ta. Chúng đặc biệt chú trọng thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá, tiến công bằng mọi mưu ma chước quỷ nhằm làm tan rã niềm tin của chúng ta vào chủ nghĩa Mác-Lênin, vào CNXH và con đường đi lên CNXH, vào vai trò lãnh đạo và đường lối cách mạng của Đảng, làm tha hoá nền văn hoá dân tộc và con người Việt Nam. Hiện nay các thế lực thù địch đang triệt để sử dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ, trước hết là công nghệ thông tin, tiến hành một cuộc chiến tranh tâm lý - thông tin vô cùng tinh vi, thâm độc, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, kích động, phân hoá nhằm đánh vào nội bộ Đảng, chia rẽ, đối lập nhân dân với Đảng, thúc đẩy quá trình tự chuyển hoá, tự diễn biến kết hợp chuẩn bị lực lượng, tiến hành bạo loạn, lật đổ chế độ của chúng ta(6). Để xây dựng một chế độ tốt đẹp, bốn mươi năm qua và những năm sắp tới chúng ta phải nhận thức cho rõ và kiên quyết đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch.

Trong quá trình phát triển, chúng ta phải tự đấu tranh để vượt lên và chiến thắng sức ỳ và những tật bệnh từ trong Đảng, nhức nhối nhất là sự hư hỏng, thoái hoá về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên - lực cản làm cho tiến trình đi lên CNXH chậm lại và khó khăn hơn. Ngay từ năm 1958, khi miền Bắc bắt tay vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế, Bác Hồ đã cảnh báo nguy cơ tha hoá của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Người chỉ rõ: “Sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều, hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, thói quen... Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển (…). Chủ nghĩa cá nhân là một thứ gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc“(7). Trong 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, cách mạng nước ta đã trải qua nhiều bước ngoặt; từ chiến tranh chuyển sang hoà bình; từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung chuyến sang kinh tế thị trường định hướng XHCN; từ xây dựng nền kinh tế chủ yếu hướng nội chuyển sang chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Mỗi bước chuyển là một thử thách đối với Đảng, đối với từng cán bộ, đảng viên. Nhìn chung, tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên thể hiện sự vững vàng về chính trị, sự trong sạch về đạo đức, lối sống, song, một bộ phận, do không chịu rèn luyện, phấn đấu, do tác động hàng ngày của mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế… đã để cho chủ nghĩa cá nhân phát triển; trượt dài trong sự tha hóa. Chủ nghĩa cá nhân, như Bác Hồ đã chỉ rõ, đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí; người mắc bệnh cá nhân chủ nghĩa làm việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, không nghĩ gì đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân(8). Hiện nay, chủ nghĩa cá nhân được kết hợp với chủ nghĩa cơ hội càng trở nên tinh vi, gian xảo và nguy hại hơn. Nếu chúng ta không kiên quyết chặn đứng, đẩy lùi sự suy thoái đang diễn ra trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước thì sẽ dẫn đến nguy cơ làm biến chất, đe dọa sự sống còn của chế độ, độc lập và an ninh của Tổ quốc(9). Cuộc đấu tranh để chiến thắng cái cũ kỹ, hư hỏng từ trong Đảng để xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ, lâu dài, nhiều day dứt và cả đau đớn, bởi lẽ nó đang và còn sẽ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta(10).

Trong bản Di chúc bất hủ, Bác Hồ đã đúc kết những bài học kinh nghiệm sâu sắc, quý báu nhất của cách mạng nước ta, cốt lõi nhất là bài học xây dựng, bồi đắp mối quan hệ máu thịt Đảng – Nhân dân, xem đây là nền tảng tạo nên sức mạnh của cách mạng, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh xóa bỏ chế độ cũ, xây dựng chế độ xã hội mới.

Người nhấn mạnh ba điều cốt tử:

Đảng phải đoàn kết chặt chẽ, thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình trên cơ sở tình đồng chí thương yêu lẫn nhau; phải một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.

Khi đã trở thành đảng cầm quyền, Đảng phải thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân; mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Đảng phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Có thể xem ba điều cốt tử nói trên là ba trụ cột của mối quan hệ sống còn Đảng – Nhân dân, có ba trụ cột này, như Bác Hồ khẳng định, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi(11).

5. Chúng ta kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ trong bối cảnh đất nước sau hơn 20 năm đổi mới đang trên đà phát triển với thế và lực mới, đồng thời đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gay gắt trước tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu. Chưa bao giờ những lời căn dặn, đúc kết, tiên liệu của Bác Hồ lại thấm thía, sâu sắc, thiết thực đối với chúng ta như trong những ngày tháng này.

Tiếp tục thực hiện Di chúc Bác Hồ, chúng ta quyết tâm:

Chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững; tập trung giải quyết những vấn đề dân sinh bức súc, bảo đảm an sinh xã hội và những yếu tố định hướng XHCN trong phát triển kinh tếá thị trường; tăng cường quốc phòng, an ninh; thực hiện có kết quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hóa các quan hệ quốc tế vì hoà bình hợp tác, phát triển; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Đẩy mạnh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí quan liêu và những biểu hiện tiêu cực trong Đảng, trong xã hội; nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chủ Minh”, xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh; phát huy trí tuệ, tâm huyết của toàn Đảng, toàn dân, chuẩn bị thật tốt về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc tiến hành thắng lợi đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng(12).

Làm tốt những công việc này chính là bồi đắp ba trụ cột có ý nghĩa nền tảng của mối quan hệ máu thịt Đảng – Nhân dân theo tư tưởng Bác Hồ, tạo ra sức mạnh vô địch đưa đất nước ta, dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiến nhanh, tiến mạnh vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI.

Cuộc đấu tranh chống lại cái cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi trên đất nước chúng ta là một quá trình lâu dài, liên tục, mỗi thời kỳ, giai đoạn cách mạng lại mang những sắc thái mới, những yêu cầu, thách thức mới nhằm đạt được những thành tựu mới, xây những nấc thang vững chắc đi tới mục tiêu lý tưởng. Dù gian nan, phức tạp, nhiều khó khăn, thử thách, tiến theo ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất định sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh sẽ thành công. Di chúc Bác Hồ mãi mãi soi sáng đường chúng ta đi./.
 


 

Tap chi Ban Tuyen giao
Các tin khác
Xem tin theo ngày