Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.861.433
Truy câp hiện tại 370
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Giá trị lịch sử của "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến"
Ngày cập nhật 22/12/2021

Cách đây 75 năm, vào ngày 19-12-1946, Bác Hồ đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đó là một áng thiên cổ hùng văn trong thời đại mới, có giá trị lịch sử như một Cương lĩnh kháng chiến, chứa đựng những quan điểm cơ bản về đường lối chiến tranh nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, truyền thống anh hùng, bất khuất, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh… Năm tháng đã qua đi, nhưng âm hưởng hào hùng của Lời kêu gọi vẫn còn mãi với thời gian, để lại cho Đảng và sự nghiệp cách mạng nước ta những bài học hết sức quý báu, có ý nghĩa to lớn và thiết thực, nhất là bài học quy tụ và phát huy sức mạnh toàn dân trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay.

Ý Đảng, lòng dân và lời hịch cứu nước của Bác Hồ.

Thực hiện lời nguyện thề thiêng liêng trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thực sự đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Trước hành động xâm lược của thực dân Pháp, Bác Hồ đã viết Lời kêu gọi ngắn gọn, giản dị, đanh thép để hiệu triệu toàn thể nhân dân Việt Nam đứng lên chống thực dân Pháp, bảo vệ Tổ quốc.

Toàn văn Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ vẻn vẹn 197 chữ nhưng là một bản cương lĩnh kháng chiến súc tích với những nội dung hết sức quan trọng định hướng và chỉ đạo cuộc kháng chiến gian khổ của nhân dân Việt Nam. Ra đời trong thời khắc cam go của lịch sử, lời hịch cứu nước của Hồ Chí Minh đã chạm tới điều sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam, đó là lòng yêu nước và khát vọng tự do, đã thổi bùng lên ngọn lửa chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Cuộc chiến đấu mà kẻ thù buộc dân tộc Việt Nam phải bước vào, lại chính là nấm mồ chôn chủ nghĩa thực dân cũ và phế truất vai trò cường quốc quân sự của nước Pháp trên phạm vi toàn thế giới.

Vừa giành được độc lập, nhân dân ta với truyền thống nhân nghĩa, yêu hòa bình, khát vọng cháy bỏng của nhân dân Việt Nam là muốn có hòa bình để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trên thực tế, để cứu vãn hòa bình, tránh cuộc chiến tranh xảy ra, Đảng, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực hết sức, làm tất cả những gì cần thiết và có thể, kể cả nhân nhượng từng bước với giặc. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã nêu rõ: “Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”. Trước tình hình đó, không còn lựa chọn nào khác, nhân dân ta buộc phải cầm vũ khí chống xâm lược, với ý chí: “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”. Một lần nữa, ngọn lửa truyền thống, khí phách chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc ta lại bừng cháy trong những ngày toàn quốc kháng chiến.

Thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính; vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, chấn động địa cầu, mở đầu thời kỳ sụp đổ của chế độ thực dân trên toàn cầu.

Thành công của cuộc kháng chiến chống Pháp là nhân tố quan trọng, tạo tiền đề cho thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc kéo dài suốt 30 năm của quân và dân ta.

Bảy mươi lăm năm đã trôi qua, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến cùng với những sự kiện mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ 2 vẫn in đậm trong tâm khảm mỗi người Việt Nam, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh. Sự kiện đáng tự hào đó có giá trị lịch sử và giá trị hiện thực sâu sắc, để lại nhiều bài học quý cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

 

Khơi dậy và phát huy sức mạnh toàn dân trong công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

 

Sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy vậy nền kinh tế phát triển chưa bền vững, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra; các thế lực thù địch chống phá quyết liệt bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hết sức thâm độc, nguy hiểm. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta vì thế có nhiều cơ hội những cũng đứng trước nhiều thách thức.

Tình hình trên đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải đoàn kết, thống nhất, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tận dụng tốt thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Tập trung thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với quan điểm, tư tưởng chỉ đạo là kết hợp chặt chẽ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong đó, phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Nhằm đạt mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN.

Trong bối cảnh đó, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ vẹn nguyên giá trị, để lại những bài học quý báu:

Một là, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong những lúc khó khăn nhất. Cụ thể, trong tình tình dịch bệnh COVID-19 như một cơn bão gây thương vong cho hàng triệu con người và tổn thất nặng nề đối với nền kinh tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi: “Thưa đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài… Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”. Sau lời kêu gọi của Tổng Bí thư, các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị đã đoàn kết, thống nhất triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội; từng bước đạt kết quả tích cực, thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc chiến đấu chống đại dịch.

Học tập và làm theo Bác Hồ, Đảng đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp nội lực và ngoại lực để phát triển đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen, đặc biệt là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để khơi dậy trong mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Hai là, trong mọi hoàn cảnh, Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết những khó khăn của đất nước như: xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí tự cường, niềm tin, tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế… Thực sự xác định “dân làm gốc”, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo, quyền làm chủ của nhân dân ….những giá trị đó phải được thể hiện ở việc lao động sáng tạo phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Ba là, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay, quan điểm về chiến tranh nhân dân, giúp Đảng ta chủ động phát huy mọi lực lượng, quan tâm phát triển mọi mặt của đất nước, không nóng vội đốt cháy giai đoạn, chủ động phát huy nội lực, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực, tích cực tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, xây dựng phát triển hoàn thành sự nghiệp CNH, HĐH đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới. Chú trọng đổi mới đồng bộ, phù hợp giữa kinh tế với chính trị, văn hóa, xã hội, giữa đổi mới kinh tế với đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của nhân dân. Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí với những hành vi ngày càng tinh vi, gây bức xúc xã hội. Chủ động công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch. Khắc phục những mặt còn tồn tại trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng bởi lẽ nhân dân chỉ tin tưởng và theo Đảng khi Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh”.

75 năm đã đi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến nhưng âm hưởng hào hùng của quá khứ cùng những tư tưởng sâu sắc của Người trong Lời kêu gọi vẫn thức dậy trong mỗi chúng ta lòng tự hào dân tộc, khát vọng hiến dâng cho Tổ quốc và trang bị cho chúng ta những giải pháp đúng đắn để hành động vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời đại mới.

Trần Huyền
Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng
Các tin khác
Xem tin theo ngày