Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 1.095
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Phê bình và tự phê bình - quy luật phát triển của Đảng
Ngày cập nhật 21/01/2010

Trong suốt quá trình xây dựng và hoạt động, Đảng ta luôn coi trọng tự phê bình và phê bình. Đảng ta khẳng định tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là thước đo trình độ sinh hoạt dân chủ trong Đảng và là ý thức trách nhiệm của Đảng với nhân dân

 

Trong sinh hoạt và hoạt động thực tiễn, mỗi con người và mỗi tổ chức đều có những ưu điểm và khuyết điểm, có mặt thuận lợi và khó khăn, có nhân tố tích cực và tiêu cực, có cái tiến bộ và cái lạc hậu. Các mặt đó luôn mâu thuẫn với nhau, tác động chi phối lẫn nhau. Quá trình phát triển của mỗi con người, mỗi tổ chức như thế nào và theo chiều hướng nào phụ thuộc chính vào cách thức giải quyết mâu thuẫn giữa các mặt tốt - xấu, thuận lợi - khó khăn, tích cực - tiêu cực đó. Mỗi người đảng viên và tổ chức đảng cũng như vậy; muốn tiến bộ và phát triển thì phải phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. Muốn sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, phải thiết thực tự phê bình và phê bình.  

Lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định: tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của các Đảng Cộng sản. Kế thừa và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình. Người coi đó là "luật phát triển" trong Đảng và được Người nâng lên tầm nghệ thuật trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.  

Quán triệt và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, trong suốt quá trình xây dựng và hoạt động, Đảng ta luôn coi trọng tự phê bình và phê bình. Đảng ta khẳng định tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là thước đo trình độ sinh hoạt dân chủ trong Đảng và là ý thức trách nhiệm của Đảng với nhân dân. Tự phê bình và phê bình là biện pháp quan trọng để giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Đảng, để giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Đảng là một tổ chức chính trị, tất yếu trong quá trình vận động, phát triển, nội bộ Đảng sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Nhưng đó không phải là mâu thuẫn đối kháng, mà là mâu thuẫn giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tiến bộ với cái lạc hậu. Đảng lấy tự phê bình và phê bình là biện pháp cơ bản để giải quyết những mâu thuẫn đó, tạo động lực cho sự vận động, phát triển của Đảng và đặt thành một chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt và hoạt động của Đảng.  

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, vấn đề tự phê bình và phê bình càng trở nên cần thiết hơn. Bởi vì, Đảng phải giải quyết nhiều nhiệm vụ nặng nề, nhiều vấn đề mới, phức tạp và luôn luôn vận động, nảy sinh. Sự nắm bắt và nhận thức của cán bộ, đảng viên không thể ngay lập tức đạt được sự sâu sắc mọi vấn đề; đồng thời càng khó tránh khỏi những khuyết điểm, sai lầm. Thông qua tự phê bình và phê bình chẳng những giúp cho tổ chức và mỗi cán bộ, đảng viên vững vàng hơn về bản lĩnh chính trị, nâng cao được đạo đức cách mạng, mà còn nâng cao được kiến thức, năng lực, trình độ, đổi mới được tác phong công tác; phẩm chất đạo đức được bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách. 

Chính nhờ có sự trung thành, quán triệt và vận dụng đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình trong xây dựng và hoạt động, Đảng ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết, mở nhiều đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong toàn đảng mà Đảng mới có đủ sức mạnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; mới có đủ bản lĩnh vượt qua những thử thách cam go, vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng ở những thời điểm hiểm nghèo, trong những giai đoạn lâm nguy, vận mệnh đất nước như "ngàn cân treo sợi tóc".  

Thực tiễn xây dựng Đảng cho thấy: Lúc nào, nơi nào việc tự phê bình và phê bình không được thực hiện nghiêm túc thì lúc đó, nơi đó xuất hiện những điều kiện làm suy yếu tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ quan liêu, hách dịch, cửa quyền và ở đó luôn nảy sinh các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. 

Hiện nay, vẫn còn những biểu hiện xem nhẹ, chưa thực sự nghiêm túc tự phê bình và phê bình. ở nơi này, nơi khác, lúc này lúc khác, sinh hoạt tự phê bình và phê bình chỉ còn là hình thức. Người ta vẫn tổ chức sinh hoạt đều đặn, nhưng thực chất lại tước mất linh hồn của các buổi sinh hoạt, vấn đề tự phê bình và phê bình lại bị biến thành vũ khí cầu lợi cá nhân…  

Ngày nay, bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, chứa đựng những yếu tố khó lường. Đảng lãnh đạo nhân dân ta thực hiện sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiệm vụ của Đảng rất nặng nề. Phạm vi, quy mô lãnh đạo ngày càng mở rộng, đối tượng lãnh đạo đa dạng phức tạp; vai trò lãnh đạo của Đảng tăng lên, đòi hỏi Đảng phải luôn luôn và thực sự trong sạch vững mạnh.  

Trong khi đó, cuộc sống sinh hoạt của cán bộ, đảng viên chịu nhiều chi phối, tác động của nhiều yếu tố, cả tích cực và tiêu cực. Do những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường, sự du nhập lối sống ngoại lai và các tệ nạn xã hội… đã tác động, làm nhiều người thay đổi về quan niệm thang giá trị đạo đức xã hội, làm xói mòn các giá trị truyền thống tốt đẹp. Đó là những nguy cơ đe dọa sự trong sạch của đảng và của cả hệ thống chính trị. 

Một bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái về đạo đức lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thực dụng. Sinh ra nhiều căn bệnh nguy hiểm: cục bộ, ích kỷ, vụ lợi, ham quyền lực, ham của cải làm giàu bất chính; lối sống xa hoa, hưởng lạc. Đối với đồng chí đồng đội, họ kèn cựa, địa vị , gây mất đoàn kết; đối với nhân dân thì quan liêu, sách nhiễu, xa rời hoặc dân chủ giả tạo, ngoài mặt…Không ít cán bộ, đảng viên vì lợi ích cá nhân, mải lo lợi ích cá nhân, gia đình mà quên hết lợi ích của Đảng, của dân.  

Để khắc phục tình trạng trên, tự phê bình và phê bình phải được coi là biện pháp cơ bản, có ý nghĩa quyết định. Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình cho phép giải quyết thấu đáo các vấn đề nảy sinh về tư tưởng, đạo đức, lối sống một cách kiên quyết, ráo riết nhưng thiết thực, có lý, có tình, không rơi vào tình trạng đối kháng, đao to búa lớn, do đó mà đạt hiệu quả cao. Điều đó hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh về mục đích và tính chất của tự phê bình và phê bình trong Đảng. 

Để phát huy tác dụng của tự phê bình và phê bình, phải nhận thức rõ những đặc điểm trong khi tiến hành tự phê bình và phê bình hiện nay. Đó là tình trạng nhận thức và hành động không đúng: hoặc tập trung quan liêu, gia trưởng, độc đoán, hoặc dân chủ cực đoan. Bên cạnh đó, hiện tượng hữu khuynh né tránh, kém tính chiến đấu của không ít cán bộ, đảng viên làm ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả tự phê bình và phê bình. 

Trong giai đoạn hiện nay, việc quán triệt và đẩy mạnh tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh đang là vấn đề vừa cơ bản, lâu dài; vừa là những yêu cầu trước mắt của cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, của quá trình đổi mới và cải cách bộ máy hành chính, đổi mới cung cách làm việc của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cán bộ, đảng viên nhằm xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh, thực sự của dân, do dân, vì dân, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. 

Tự phê bình và phê bình còn là một bộ phận cấu thành văn hóa chính trị của Đảng ta, bởi vì chỉ có tự phê bình và phê bình thì Đảng mới giữ vững được danh hiệu cao quí “Đảng ta quang minh chính đại”, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, là “hiện thân của trí tuệ, lương tâm và danh dự của dân tộc”… mà truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta hun đúc nên. Tất cả những điều đó gắn liền với yêu cầu mỗi chúng ta phải không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện những tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều hơn nữa để chiến thắng cái “tôi” trong chính bản thân mình, chỉ có như thế Đảng ta mới hoàn thành được sứ mệnh lịch sử trong tình hình mới. 

Để thực hiện được điều đó, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng cần thực hiện nghiêm túc những quy định mới về tự phê bình và phê bình mà Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đã đề ra: "Mở rộng dân chủ, khuyến khích tranh luận; tôn trọng tập hợp và xem xét để tiếp thu hết ý kiến đúng đắn của các cấp ủy viên và đảng viên trước khi quyết định" và “Trong những năm tới….tiếp tục đưa việc tự phê bình và phê bình trong các cấp ủy và tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở thành nền nếp thường xuyên và theo định kỳ, không làm qua loa, chiếu lệ, hình thức; vận động nhân dân tích cực góp ý phê bình cán bộ, đảng viên”.  

Đồng thời các cấp bộ Đảng cần tập trung vào một số biện pháp chủ yếu như: tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đặc biệt là giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho cán bộ, đảng viên hiểu rõ vai trò, sự cần thiết phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, mục đích phương pháp tự phê bình và phê bình, kiên quyết duy trì, thực hiện nghiêm túc nền nếp chế độ tự phê bình và phê bình trong các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, chống mọi biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội thực dụng, cục bộ bè phái, mất đoàn kết.  

Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những tổ chức đảng, đảng viên không thực hiện tốt nghị quyết, chỉ thị của Đảng về tự phê bình và phê bình, nhất là những người có thái độ thành kiến, trù dập người phê bình; phải có biện pháp bảo vệ người phê bình đã dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; mặt khác phải có biện pháp cụ thể buộc người có khuyết điểm, bị phê bình phải sửa chữa khuyết điểm.

Trong điều kiện xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay, các nguồn thông tin, các hình thức truyền tin rất đa dạng phong phú. Một mặt nó mở ra điều kiện thuận lợi mới để thực hiện dân chủ công khai và công bằng trong xã hội. Chính nhờ các điều kiện đó mà các hình thức linh hoạt của tự phê bình và phê bình được thực hiện, nhiều trường hợp vi phạm khuyết điểm, nhiều biểu hiện vi phạm, thông qua các phương tiện thông tin mà kịp thời khắc phuc, rút kinh nghiệm chung trong toàn Đảng một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất… Đây là một vấn đề cần được nghiên cứu chu đáo để phát huy tác dụng tốt hơn nữa trong công tác xây dựng Đảng. Mặt khác, cần phải có biện pháp quản lý được tất cả các luồng, các nguồn tin, các phương tiện thông tin, có thể áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm thẩm định, điều tra, kiểm tra nhanh và chính xác các tin tức; quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin nhằm giảm thiểu, khắc phục những hạn chế góp phần cung cấp những cứ liệu thực tiễn thiết thực cho công tác xây dựng Đảng trong điều kiện mới; chỉ có như vậy mới đảm bảo cho tự phê bình và phê bình thực sự vì sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong toàn xã hội./.

ĐẶNG VĂN NGỌC- Học viện Chính trị Quân sự (Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo)
Các tin khác
Xem tin theo ngày