Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.877.263
Truy câp hiện tại 229
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Bản lĩnh chính trị của Đảng cầm quyền trước những khó khăn về kinh tế của đất nước
Ngày cập nhật 04/03/2009

Gần tám thập kỷ qua, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng, đội tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc và phải trải qua rất nhiều hy sinh, khó khăn, thử thách, thể hiện cao bản lĩnh chính trị của Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền.

 

 

Một đảng chính trị lãnh đạo và cầm quyền nếu không thường xuyên rèn luyện và nâng cao bản lĩnh chính trị thì không thể đứng vững và lãnh đạo thành công trước những khó khăn, thách thức. Đảng Cộng sản Việt Nam được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng nên đã có đủ bản lĩnh để vượt qua muôn vàn thách thức hiểm nghèo. Từ cao trào cách mạng những năm 1930 – 1931 khi Đảng vừa mới ra đời cho tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, rồi tiếp đến sự nghiệp chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là cuộc Tổng tấn công và năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bản lĩnh chính trị của Đảng ngày càng được tôi luyện, vững vàng hơn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.

 Sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, cùng với những thuận lợi, đất nước đã phải trải qua những khó khăn, thử thách nặng nề: phải chống chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây – Nam và biên giới phía Bắc; đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; vượt qua diễn biến phức tạp của sự biến động lớn của thế giới với sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô; vượt qua khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở khu vực và trên thế giới những năm 1997 – 1998… Với đường lối đổi mới đúng đắn và kinh nghiệm của một Đảng cách mạng từng trải, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân vượt qua những khó khăn, thử thách lớn đó, giành được những thắng lợi, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới hơn 20 năm qua.

 Mỗi lần vượt qua khó khăn, thách thức là một lần thể hiện bản lĩnh chính trị của đội tiền phong lãnh đạo. Chính từ trong thách thức, khó khăn mà tôi luyện Đảng về mọi mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và rèn luyện, nâng cao hơn về bản lĩnh chính trị.

 Bản lĩnh chính trị của một Đảng cách mạng chân chính trước hết thể hiện ở sự kiên định mục tiêu, con đường cách mạng đã lựa chọn và vững tin ở sự lựa chọn đúng đắn đó. Mục tiêu và con đường cách mạng Việt Nam là đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất hoàn toàn và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội – một chế độ xã hội tốt đẹp bảo đảm cho nhân dân được tự do, hạnh phúc. Mục tiêu và con đường đó là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn của Đảng và Bác Hồ đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kiên định mục tiêu, con đường đó là đưa cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam phát triển theo đúng quy luật vận động khách quan của lịch sử, của thời đại, đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, đồng thời là nguyên tắc phấn đấu, định hướng trong tư duy lý luận và chỉ đạo hoạt động chính trị - thực tiễn của Đảng.

 Một trong những biểu hiện nổi bật của bản lĩnh chính trị của Đảng lãnh đạo và cầm quyền là tinh thần độc lập tự chủ và sáng tạo, là phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường của dân tộc, nội lực của đất nước. Độc lập, tự chủ và sáng tạo là bài học lớn của trong suốt quá trình lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, là truyền thống vẻ vang làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam và cũng là bản lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kinh nghiệm lịch sử đã cho thấy, sự tác động của các mối quan hệ quốc tế là hết sức phức tạp, một Đảng lãnh đạo nếu không thật sự có bản lĩnh, không giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ sẽ phạm vào chủ nghĩa giáo điều, vận dụng kinh nghiệm của nước ngoài một cách máy móc và khộng tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác-Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác-Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn đặc điểm của nước ta. Có như thế chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”. “Không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều”(1).

 Cũng như trong toàn bộ tiến trình dựng nước và giữ nước, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam đã phải trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Trong những điều kiện như thế, bản lĩnh chính trị của Đảng lãnh đạo thể hiện ở sự chủ động, thống nhất ý chí và hành động, không hoang mang, dao động, bình tĩnh vượt lên khó khăn đưa cách mạng, đất nước tiếp tục phát triển. Sự nghiệp cách mạng không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, không phải lúc nào cũng thênh thang, thẳng tắp như đại lộ Népxki như Lênin từng nói. Cách mạng và đất nước cũng phải trải qua nhiều khúc quanh, có lúc phải chịu những tổn thất, những bước thụt lùi tạm thời. Những lúc như thế, càng đòi hỏi Đảng lãnh đạo và mỗi người rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, vững tin ở thắng lợi cuối cùng. Bác Hồ dạy, thắng không kiêu, bại không nản, “gian nan rèn luyện mới thành công”. Lênin từng nhấn mạnh: “Chỉ giai cấp nào đi theo con đường của mình mà không do dự, không chán nản và không sa vào tuyệt vọng trong những bước ngoặt khó khăn nhất, gay go nhất và nguy hiểm nhất, thì mới có thể lãnh đạo được những quần chúng lao động và bị bóc lột. Chúng ta không cần những sự hăm hở điên cuồng. Điều cần thiết cho chúng ta, chính là bước đi nhịp nhàng của những đoàn quân vững như gang thép của giai cấp vô sản”(2).

 Quá trình lãnh đạo cách mang, Đảng có nhiều thành công và ưu điểm, nhưng cũng có những sai lầm, khuyết điểm. Thái độ của Đảng trước sai lầm, khuyết điểm và cách thức, quyết tâm sửa chữa cũng thể hiện bản lĩnh chính trị của Đảng. Một Đảng có bản lĩnh là dũng cảm tự phê bình về những sai lầm, khuyết điểm của mình và tìm mọi cách để sửa chữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn chân chính”(3). Mỗi lần Đảng Cộng sản Việt Nam mắc sai lầm, khuyết điểm, Đảng đã tự phê bình và sửa chữa thành công. Vì vậy, chẳng những Đảng được chỉnh đốn, củng cố về mọi mặt mà còn nâng cao được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tạo nên sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội.

 Trong phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Đảng cần phải giữ vững nguyên tắc, song lại rất cần sự nhạy cảm về chính trị, nắm bắt cái mới, mềm dẻo về sách lược và phương pháp. Đó là yêu cầu rất cao trong khoa học, nghệ thuật lãnh đạo và cầm quyền và cũng là bản lĩnh chính trị của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở và thực hành theo quan điểm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong một thế gới đầy những biến động khó lường và vô cùng phức tạp càng đòi hỏi sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị để đặt ra kịp thời và thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ và yêu cầu bức thiết trước mắt đồng thời có tầm nhìn xa và năng lực dự báo.

 Từ cuối năm 2007, đặc biệt từ đầu năm 2008 đến nay đã và đang diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ nước Mỹ. Nhiều nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức,… đã gánh chịu hậu quả nặng nề của khủng hoảng đó dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu. Tình hình kinh tế, tài chính của thế giới năm 2009 sẽ còn nhiều khó khăn, phức tạp. Thử thách nặng nề của kinh tế thế giới đã tác động mạnh tới nền kinh tế Việt Nam, khi hội nhập kinh tế ngày càng phát triển.

 Trước những khó khăn, thách thức mới, một lần nữa đặt ra đối với Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trách nhiệm nặng nề, từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa đất nước thoát ra khỏi khó khăn, thách thức.

 Đầu năm 2008, khủng hoảng tài chính thế giới tác động mạnh tới Việt Nam làm cho lạm phát gia tăng, giá cả leo thang. Chỉ số tăng giá tiêu dùng năm 2008 lên tới 22,97% ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân. Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã kịp thời phân tích, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội của đất nước và có Kết luận số 22 ngày 4-4-2008. Trên cơ sở Kết luận và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã kịp thời đề ra 8 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ và các ngành ở Trung ương đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường biện pháp thúc đẩy sản xuất phát triển, thắt chặt chính sách tiền tệ gắn liền với hỗ trợ sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội. Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá X họp tháng 7-2008 đã giành thời gian thích đáng bàn về những chủ trương lớn khắc phục khủng hoảng tài chính và Bộ Chính trị đã có Kết luận số 25. Đó là những chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng.

 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá X họp từ ngày 2 đến ngày 4-10-2008 đã bàn và đánh giá toàn diện kinh tế nước ta năm 2008 và đề ra chỉ tiêu cho năm 2009 để đưa ra Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khoá XII thảo luận và quyết định. Với vai trò lãnh đạo và trách nhiệm của Đảng cầm quyền, những chủ trương, kết luận kịp thời của các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng đã định hướng đúng cho sự chỉ đạo, điều hành của Nhà nước và Chính phủ, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân đồng tâm hiệp lực, phát huy sáng kiến, năng động, sáng tạo để từng bước đẩy lùi khó khăn, thách thức.

Đảng, Quốc hội và Chính phủ cũng đã tự phê bình về những khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và đề ra những giải pháp để khắc phục. Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XII, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã trình bày rõ thực trạng của nền kinh tế Việt Nam năm 2008, những gì do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, những gì do chủ quan trong lãnh đạo, điều hành để tiếp tục hoàn thiện các nhóm giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Trong các phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội, có điểm mới là các đại biểu không chỉ chất vấn các thành viên Chính phủ mà chia sẻ trách nhiệm và thấy rõ trách nhiệm của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội và hướng tới bàn định, hiến kế những biện pháp. Trong sinh hoạt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ thể hiện tinh thần thẳng thắn, dám chịu trách nhiệm và quyết tâm hành động tốt hơn. Đó là thể hiện bản lĩnh chính trị của người lãnh đạo. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ cũng như các đại biểu Quốc hội cũng thấy rõ năng lực dự báo còn yếu. Lãnh đạo là phải thấy trước và dự báo cả những thuận lợi và khó khăn, cả cơ hội và nguy cơ. Rèn luyện tư duy chiến lược, tầm nhìn xa và năng lực dự báo trở thành một yêu cầu bức thiết để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ở tất cả các cấp.

 Điều dễ nhận thấy là qua khó khăn, thách thức đã có không ít các địa phương, các ngành, các doanh nghiệp phát huy tính năng động, sáng tạo để tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, tranh thủ từng cơ hội để tổ chức phát triển sản xuất. Chẳng hạn tranh thủ khi giá nguyên liệu đầu vào giảm nhiều (xăng dầu, xi măng, sắt thép,…) mà thúc đẩy sản xuất. Tranh thủ khi lãi suất cho vay của ngân hàng giảm mà đầu tư, phát triển. Đó là thể hiện bản lĩnh của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trước những biến động phức tạp của kinh tế thế giới và trong nước. Các chuyên gia kinh tế hàng đầu của đất nước đã nêu cao tinh thần trách nhiệm tham mưu cho Đảng và Nhà nước, hoạch định những chủ trương và chính sách phù hợp để từng bước cải thiện tình hình. Do tác động của lạm phát, giá cả tăng, thiên tai nghiêm trọng liên tiếp xảy ra ảnh hưởng đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân, song cũng có một thực tế là các địa phương đều nhanh chóng có biện pháp để ổn định đời sống, phát triển sản xuất và nhất là nông dân, công nhân vẫn ra sức sản xuất kể cả khi bị rủi ro, thua lỗ. Đó là những phẩm chất đáng quý của những người lao động Việt Nam mỗi khi đất nước gặp khó khăn.

Thông thường khi diễn ra khủng hoảng tài chính, kinh tế thì người chịu hậu quả nặng nề nhất là những người lao động trực tiếp như công nhân, nông dân. Để khắc phục điều đó, Đảng và Chính phủ đã đặc biệt chú trọng các biện pháp để bảo đảm ạn sinh xã hội. Hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội tiếp tục được thực hiện tốt hơn như tăng lương cho những người về hưu 15%; mở rộng bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ, có chính sách bảo hiểm thất nghiệp,… Về hệ thống chính sách hỗ trợ xã hội cũng được thực hiện có hiệu quả hơn: tiếp tục thực hiện chương trình 135, 134 để đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ về nhà ở, đất canh tác và nước sạch cho những hộ nghèo; tập trung hỗ trợ cho 61 huyện khó khăn nhất của cả nước; trợ giúp cho đồng bào vùng bị thiên tai; trợ giá xăng dầu cho ngư dân; mua hết số lương thực dư thừa trong nông dân để tăng xuất khẩu và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp,… Chú trọng hỗ trợ đời sống cho những người có thu nhập thấp, phụ cấp thêm tiền lương cho những người có mức lương dưới 3 phẩy. Những biện pháp bảo đảm an sinh xã hội trên thực tế không chỉ có ý nghĩa về chăm lo, ổn định đời sống nhân dân mà còn có ý nghĩa thúc đẩy, phát triển sản xuất đồng thời thể hiện tính ưu việt của chế độ, Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

 Năm 2008 thật sự là năm đầy khó khăn thách thức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Bởi tác động suy giảm kinh tế toàn cầu và thiên tai năng nề dồn dập. Đảng, Nhà nước và nhân dân đã chung sức, chung lòng ra sức phấn đấu theo những chủ trương và giải pháp thích hợp, do vậy đã kiềm chế được lạm phát, bình ổn được giá cả, ổn định đời sống nhân dân. Có được thành công nước đầu nhưng rất cơ bản đó thể hiện sự lãnh đạo, quản lý năng động, tự chủ của Đảng và Chính phủ; sự bình tĩnh, chủ động tháo gỡ khó khăn của các địa phương, đơn vị; nghiêm khắc trước những khuyết điểm và kịp thời sửa chữa; có được sự hưởng ứng của toàn dân, toàn xã hội. Đoàn kết, thống nhất là bản lĩnh, là ý chí của Đảng và nhân dân ta.

 Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng và lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới từ hơn 20 năm nay. Trong quá trình lãnh đạo đổi mới, Đảng đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài gần 20 năm (1979 - 1996). Sau khi ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội (1996), đất nước lại phải đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ năm 1997, 1998 với hậu quả nặng nề trong nhiều năm sau, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, đẩy lùi tác động của khủng hoảng đó đối với Việt Nam, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế và từ năm 2000 lại tiếp tục phát triển. Với kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành của 2 lần trước, lần này Đảng và Chính phủ lại tỏ rõ năng lực, bản lĩnh lãnh đạo, điều hành, bước đầu có được thành công trong việc ngăn ngừa tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với nước ta. Với sự phấn đấu ngoan cường, GDP năm 2008 vẫn đạt 6,23% (năm 2007 là 8,48%). Tổng sản phẩm trong nước đạt 90 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người đạt trên 1000 USD. Tỷ lệ đói nghèo của Việt Nam năm 2007 là 14,8%, năm 2008 giảm còn 13,1%.

 Theo dự báo, năm 2009 tình hình kinh tế thế giới sẽ còn nhiều khó khăn hơn. Với thành công bước đầu trong năm 2008, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục lãnh đạo nhân dân tập trung 5 nhóm giải pháp chống sự suy giảm kinh tế, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Bản lĩnh Việt Nam là đoàn kết, tự tin, quyết tâm sẽ dẫn tới thành công. Lần đầu tiên đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam đoạt Cúp vô địch bóng đá Đông Nam Á (ngày 28-12-2008) là một trong những minh chứng cho bản lĩnh đó. Với những quyết sách và giải pháp đúng, bước sang năm mới 2009, năm thứ 40 học tập và làm theo Di chúc của Bác Hồ, nhất định nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng ổn định và tăng trưởng bền vững./.

PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc
Nguồn Tạp chí Tuyên giáo .

Các tin khác
Xem tin theo ngày