Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.861.433
Truy câp hiện tại 132
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Tư tưởng Hồ Chí minh về Xây dựng Hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh và phát huy sức mạnh toàn dân tộc (Phần 1: Về Phát huy sức mạnh toàn dân)
Ngày cập nhật 07/05/2024

Với tinh thần nhân văn cao cả và nhãn quan chính trị sắc bén, suốt cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện một hệ thống quan điểm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực truyền bá tư tưởng đoàn kết trong toàn Đảng, các cấp chính quyền, trong các tầng lớp nhân dân.

Quan điểm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Với tinh thần nhân văn cao cả và nhãn quan chính trị sắc bén, suốt cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện một hệ thống quan điểm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực truyền bá tư tưởng đoàn kết trong toàn Đảng, các cấp chính quyền, trong các tầng lớp nhân dân. Trong các tác phẩm của mình, Bác có tới trên 400 bài nói và bài viết về đoàn kết. Tư tưởng về đoàn kết của Người được thể hiện nổi bật là: “Đoàn kết làm ra sức mạnh”[1]; “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta”[2]; “Đoàn kết là thắng lợi”[3]; “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”[4]; “... một điểm rất quan trọng, cũng là điểm mẹ. Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt: Đó là đoàn kết”[5]; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”[6].

Là vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc đoàn kết không chỉ tạo nên sức mạnh mà còn là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới việc sống còn, thành bại, được mất trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù. “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”[7]; “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”[8]...

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, sức mạnh toàn dân tộc bao gồm tất cả các giai cấp, tầng lớp, lực lượng, đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo, các cá nhân yêu nước, người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả những người đã lầm đường, lạc lối nhưng biết hối cải trở về với nhân dân. Nói cách khác, khối đại đoàn kết toàn dân tộc bao gồm: “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”. Với chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở thống nhất lợi ích quốc gia dân tộc với quyền lợi cơ bản của các giai tầng; nòng cốt khối đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh công - nông - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần giải quyết hài hòa lợi ích giữa các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, dân cư ở các vùng miền khác nhau. Phát huy mặt tương đồng, hóa giải điểm khác biệt. Mẫu số chung để đại đoàn kết toàn dân tộc là: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tự do, giàu mạnh: “Toàn dân đoàn kết nhất trí thì chúng ta nhất định xây dựng được nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tự do, giàu mạnh”. 

2. Quan điểm Hồ Chí Minh về lấy dân làm gốc để phát huy sức mạnh toàn dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin hình thành nên tư tưởng độc đáo về dân vận, chú trọng phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Dân là gốc của nước, là cơ sở của mọi thắng lợi, là lực lượng tạo ra mọi của cải vật chất, tinh thần. Người cho rằng: “Nước lấy dân làm gốc”; “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[9].

Theo Người, biểu hiện của dân là gốc là phải tin ở nhân dân, gần gũi với nhân dân, kính trọng nhân dân và biết dựa vào nhân dân, phải nhận thức rõ, dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng; “có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”[10]. Người tâm đắc với câu nói dân gian: “Dễ mười lần không dân cũng chịu/ Khó trăm lần dân liệu cũng xong”[11]. Không chỉ nhận thức rõ vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ, sức mạnh của nhân dân chỉ được phát huy đầy đủ khi có một Đảng cách mạng lãnh đạo; Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”[12]. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì trở thành sức mạnh vô địch.

 3. Những yêu cầu để phát huy sức mạnh toàn dân

Để phát huy sức mạnh toàn dân, không được phép bỏ sót bất cứ thành phần giai cấp, xã hội nào, miễn là họ có lòng yêu nước, sẵn sàng cống hiến, phục vụ quốc gia dân tộc. Và “Công, nông, trí chúng ta đoàn kết chặt chẽ, thì chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn trở ngại... Chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. 

Sức mạnh toàn dân xây dựng dựa trên nguyên tắc lấy lập trường giai cấp công nhân để giải quyết hài hòa các mối quan hệ giai cấp - dân tộc. Nguyên tắc, tin vào dân, dựa vào dân vì lợi ích của dân, Nhân dân cần được vận động, giác ngộ, tự nguyện đứng trong Mặt trận dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng...

Cần tuyên truyền, vận động nhân dân. Nội dung tuyên truyền phải đáp ứng đúng nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân và yêu cầu của thực tiễn cách mạng. Tuyên truyền, vận động phải phù hợp với từng đối tượng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Trong kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Cương lĩnh tuyên truyền phải hết sức giản đơn, ai ai cũng hiểu được, nhớ được. Đoàn kết, đánh địch, cứu nước, chỉ 6 chữ ấy thôi là đủ rồi”. 

Phải chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đảng cộng sản là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng phải đề ra được đường lối đúng đắn. Trong Đảng đoàn kết, thống nhất từ tư tưởng đến hành động; có kỷ luật, tự giác, nghiêm minh; thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng. Mỗi đảng viên phải thật sự là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. 

Về Nhà nước: Đảng phải làm cho Nhà nước thật sự là của dân, do dân, vì dân. Không ngừng cải cách bộ máy hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Nhà nước quản lý bằng pháp luật. “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đày tớ trung thành của nhân dân. Chính phủ chỉ có một mục đích là: Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. 

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là cầu nối gắn kết Đảng, Nhà nước với nhân dân. Mặt trận và các đoàn thể phải có cương lĩnh, đường lối thiết thực, rõ ràng; hình thức tổ chức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng giai cấp, tầng lớp, các ngành, các giới, các dân tộc, tôn giáo... để toàn dân tộc có thể tham gia xây dựng và thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. 

 


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011, t.1, tr.482.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.145.

[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.27, 186.

[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.27, 186.

[5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.589.

[6]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.119.

[7]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.27, 1847.

[8]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.27, 1847.

[9]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđdt. 5, tr. 501- 502, 335.

[10]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 501- 502, 335.

[11]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 280.

[12]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 453.

(Trích Chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh toàn dân; quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025”)

 

Ban Tuyên giáo ĐUK (tổng hợp)
Các tin khác
Xem tin theo ngày