Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.862.220
Truy câp hiện tại 2.203
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Để Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân
Ngày cập nhật 02/02/2012

Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó tư tưởng Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân là một nội dung có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, đặc biệt trong điều kiện Đảng cầm quyền.

Đảng ta là đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên là những người nắm giữ nhiều cương vị chủ chốt trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đó là điều kiện thuận lợi để họ đem khả năng của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Nhưng nếu Đảng không thường xuyên quan tâm giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên thì dễ dẫn đến nguy cơ quan liêu, xa rời quần chúng, đặc quyền đặc lợi, thoái hoá biến chất về đạo đức, lối sống. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thường xuyên quan tâm rèn luyện đạo đức cách mạng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(1).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Người lãnh đạo và người đày tớ luôn thống nhất với nhau trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Là người lãnh đạo, mọi đường lối, chính sách của Đảng phải thực sự đúng đắn, cách mạng và khoa học, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực sự dẫn đường chỉ lối cho nhân dân hành động. Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải thực sự tiên phong, gương mẫu đi trước nhân dân, nói  đi đôi với làm. Người cũng chỉ rõ: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(2). Theo Người, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có cái tâm, cái đức, cái trí. Đảng chỉ thực sự làm tròn vai trò người lãnh đạo khi Đảng luôn tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm, danh dự của dân tộc, đạo đức, văn minh của toàn xã hội. Đảng phải là người lãnh đạo sáng suốt của nhân dân, không “theo đuôi” quần chúng.

Đảng là người đày tớ thật trung thành của nhân dân, đây chính là điểm phát triển sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với học thuyết Mác - Lênin về xây dựng Đảng ở Việt Nam. Tư tưởng này chỉ đạo xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Khi ra đi tìm đường cứu nước, Người đã theo đuổi mục đích cao cả là đấu tranh giải phóng đồng bào khỏi đoạ đày, đau khổ. Khi trở thành lãnh tụ của Đảng, của cách mạng, Người luôn phấn đấu để cho đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Khi phải từ biệt thế giới này, Người vẫn còn nuối tiếc là không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân.

Quan điểm Đảng là người đày tớ thật trung thành của nhân dân nói lên mục đích hoạt động của Đảng là phục vụ nhân dân, chứ không nhằm mục đích nào khác. Đảng phải thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân, mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải hướng vào phục vụ lợi ích của nhân dân, phấn đấu vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đảng phải chăm lo đến đời sống hàng ngày, thậm chí quan tâm tới cả tương, cà, mắm, muối của nhân dân. Người cho rằng: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc thì Đảng không có lợi ích gì khác. Cho nên Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hóa, chính trị của nhân dân”(3).

Trong tình hình hiện nay, khi mà “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn đẩy lùi, mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”(4), ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân thì tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân càng có ý nghĩa sâu sắc. Tư tưởng ấy tiếp tục định hướng, soi sáng để Đảng ta đổi mới công tác quần chúng trong tình hình mới nhằm góp phần đưa mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và nhân dân lên một tầm cao mới, làm cho ý Đảng phù hợp với lòng dân. Để Đảng làm tròn vai trò vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân, theo chúng tôi cần phải thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm, đạo đức, danh dự của dân tộc và thời đại.
Hai là, Đảng đề ra đường lối, chính sách đúng đắn, sáng tạo, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân.
Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào cũng cần xây dựng tác phong quần chúng, phương pháp công tác phù hợp, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân để tiến hành sự nghiệp cách mạng.
Bốn là, xây dựng đội ngũ đảng viên có phẩm chất, năng lực đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, thực sự tiền phong, gương mẫu trước nhân dân, nói đi đôi với làm, không quan liêu, tham nhũng.
Đã hơn 42 năm kể từ ngày Bác đi xa, nhưng những lời Người dạy năm xưa vẫn còn nguyên giá trị, nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên và toàn Đảng ta cần phải phấn đấu để vừa là người lãnh đạo giỏi, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.
----------------------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2002, tr.510. (2) Sđd, tập 5, tr.552. (3) Sđd, tập 5, tr.250. (4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tr.173.

Phạm Văn Phong (Nguồn: TC Xây dựng Đảng)
Các tin khác
Xem tin theo ngày