Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.862.107
Truy câp hiện tại 2.148
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Tác phẩm Đường Cách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày cập nhật 18/04/2012

Tác phẩm Đường Cách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, do Bộ tuyên truyền của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông ấn hành lần đầu tiên tại Quảng Châu (Trung Quốc), năm 1927. Để phục vụ việc học tập các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2012 theo Hướng dẫn 12-HD/BTGTW, Hướng dẫn 27-HD/BTGTW và Hướng dẫn 32-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương, BBT xin giới thiệu toàn văn tác phẩm của Người.

ĐƯỜNG CÁCH MỆNH

Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong - LÊNIN

BỊ ÁP BỨC DÂN TỘC LIÊN HỢP HỘI
TUYÊN TRUYỀN BỘ ẤN HÀNH

TƯ CÁCH MỘT NGƯỜI CÁCH MỆNH
Tự mình phải:
Cần kiệm.
Hoà mà không tư.
Cả quyết sửa lỗi mình.
Cẩn thận mà không nhút nhát.
Hay hỏi.
Nhẫn nại (chịu khó).
Hay nghiên cứu, xem xét.
Vị công vong tư.
Không hiếu danh, không kiêu ngạo.
Nói thì phải làm.
Giữ chủ nghĩa cho vững.
Hy sinh.
Ít lòng tham muốn về vật chất.
Bí mật.
Đối người phải:
Với từng người thì khoan thứ.
Với đoàn thể thì nghiêm.
Có lòng bày vẽ cho người.
Trực mà không táo bạo.
Hay xem xét người.
Làm việc phải:
Xem xét hoàn cảnh kỹ càng.
Quyết đoán.
Dũng cảm.
Phục tùng đoàn thể.

VÌ SAO PHẢI VIẾT SÁCH NÀY?

1. Phàm làm việc gì cũng vậy, bất kỳ lớn bé, bất kỳ khó dễ, nếu không ra sức thì chắc không thành công. Tục ngữ Tàu có câu: "Sư tử bắt thỏ tất dùng hết sức". Sư tử mạnh biết chừng nào, nếu bắt thỏ thì có khó gì, thế mà còn phải dùng hết sức, huống gì làm việc to tát như việc giải phóng gông cùm nô lệ cho đồng bào, cho nhân loại, nếu không hết sức thì làm sao được.
2. Lại nhiều người thấy khó thì ngã lòng, không hiểu rằng "nước chảy đá mòn" và "có công mài sắt, có ngày nên kim". Việc gì khó cho mấy, quyết tâm làm thì làm chắc được, ít người làm không nổi, nhiều người đồng tâm hiệp lực mà làm thì phải nổi. Đời này làm chưa xong thì đời sau nối theo làm thì phải xong.
3. Muốn đồng tâm hiệp lực, muốn bền gan thì trước ai ai cũng phải hiểu rõ vì sao mà phải làm, vì sao mà không làm không được, vì sao mà ai ai cũng phải gánh một vai, vì sao phải làm ngay không nên người này ngồi chờ người khác. Có như thế mục đích mới đồng; mục đích có đồng, chí mới đồng; chí có đồng, tâm mới đồng; tâm đã đồng, lại phải biết cách làm thì làm mới chóng.
4. Lý luận và lịch sử cách mệnh có nhiều sách lắm. Pháp nó sợ, nên cấm chúng ta học, cấm chúng ta xem, cho nên đồng bào ta đối với hai chữ cách mệnh còn lờ mờ lắm. Có người biên chép đề xướng ra một chút lại làm một cách rất hồ đồ; hoặc xúi dân bạo động mà không bày cách tổ chức; hoặc làm cho dân quen tính ỷ lại, mà quên tính tự cường.
5. Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: (1) Vì sao chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh. (2) Vì sao cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người. (3) Đem lịch sử cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. (4) Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. (5) Ai là bạn ta? Ai là thù ta? (6) Cách mệnh thì phải làm thế nào?
6. Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ. Chắc có người sẽ chê rằng văn chương cụt quằn. Vâng! Đây nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả. Hơn sáu mươi năm nay, đế quốc chủ nghĩa Pháp đạp trên đầu; hơn hai mươi triệu đồng bào hấp hối trong vòng tử địa. Phải kêu to, làm chóng để cứu lấy giống nòi, thì giờ đâu rảnh mà vẽ vời trau chuốt!  Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh.
Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh! Cách mệnh!! Cách mệnh!!!

CÁCH MỆNH
1. Cách mệnh là gì?
Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt. Thí dụ: ông Galilê (1633) là khoa học cách mệnh. Ngày xưa ai cũng tưởng rằng giời tròn đất vuông, nhân kinh nghiệm và trắc đạc1), ông ấy mới quyết rằng trái đất tròn và chạy chung quanh mặt giời.
Ông Stêphenxông (1800) là cơ khí cách mệnh. Ngày xưa chỉ đi bộ và đi xe ngựa kéo; ông ấy mới làm ra xe lửa.
Ông Đácuyn (1859) là cách vật cách mệnh2). Ngày xưa không ai hiểu rõ sự sinh hoá3) của vạn vật, ông ấy mới nghiên cứu ra vì sao mà có sự sinh hoá ấy.
Ông Các Mác là kinh tế học cách mệnh. Ông ấy nghiên cứu rõ ràng tư bản chủ nghĩa, đế quốc chủ nghĩa, giai cấp tranh đấu, vân vân ở đâu mà sinh ra; lịch sử nó thế nào, hiện tượng nó thế nào, và kết quả nó sẽ ra thế nào.
2. Cách mệnh có mấy thứ?
Ấy là tư tưởng cách mệnh, dân chúng cách mệnh thì có 3 thứ:
A- Tư bản cách mệnh.
B- Dân tộc cách mệnh.
C- Giai cấp cách mệnh.
Tư bản cách mệnh như Pháp cách mệnh năm 1789. Mỹ cách mệnh độc lập năm 1776 (đuổi Anh), Nhật cách mệnh năm 18641).
Dân tộc cách mệnh như Ytali đuổi cường quyền Áo năm 1859. Tàu đuổi Mãn Thanh năm 1911.
Giai cấp cách mệnh như công nông Nga đuổi tư bản và giành lấy quyền2) năm 1917.
3. Vì sao mà sinh ra tư bản cách mệnh?
A. Tư bản ở thành phố là tư bản mới, nó có lò máy và làm ra hàng hoá. Có lò máy thì muốn có nhiều thợ làm công cho nó. Làm ra hàng hoá thì muốn nhiều người mua của nó. Muốn nhiều người mua bán thì muốn giao thông tiện lợi.
B. Tư bản ở hương thôn là địa chủ, nó muốn giữ những chế độ phong kiến, thổ địa nhân dân; ở chỗ nào chủ quyền đều là về tay bọn quyền quý ở đấy cả; nó đối với nhân dân, nó coi như trâu, như lợn, nó bắt ở yên một chỗ để cày ruộng cho nó, nó đối với người đi buôn, thì hàng hoá nó muốn lấy thuế bao nhiêu thì lấy, không có chừng độ, tiền bạc mỗi xứ một thứ, đi lại phải xin chúng nó cho phép, nó làm nhiều cách trở ngại cho việc buôn bán mới.
Địa chủ hết sức ngăn trở tư bản mới, tư bản mới hết sức phá địa chủ, hai bên xung đột nhau làm thành ra tư bản cách mệnh.
Không bao giờ hai tụi này chống nhau kịch liệt và rõ ràng, dễ thấy bằng bên Mỹ. Năm 1861 đến 1865, mấy tỉnh phía Bắc (tư bản mới) cử binh đánh lại mấy tỉnh phía Nam (điền chủ) như 2 nước thù địch vậy3).
4. Vì sao mà sinh ra dân tộc cách mệnh?
Một nước cậy có sức mạnh đến cướp một nước yếu, lấy võ lực cai trị dân nước ấy, và giành hết cả quyền kinh tế và chính trị. Dân nước ấy đã mất cả tự do độc lập, lại làm ra được bao nhiêu thì bị cường quyền vơ vét bấy nhiêu.
Nó đã cướp hết sản vật, quyền lợi của dân rồi, khi có giặc giã, nó lại bắt dân đi lính chết thay cho nó. Như trong trận Âu chiến 1914 - 1918, Tây bắt ta đi lính, sau lại gia thuế gia sưu. Đánh được thì nó hưởng lợi quyền, thua thì mình đã chết người lại hại của.
Nói tóm lại là bọn cường quyền này bắt dân tộc kia làm nô lệ, như Pháp với An Nam. Đến khi dân nô lệ ấy chịu không nổi nữa, tỉnh ngộ lên, đoàn kết lại, biết rằng thà chết được tự do hơn sống làm nô lệ, đồng tâm hiệp lực đánh đuổi tụi áp bức mình đi; ấy là dân tộc cách mệnh.
5. Vì sao mà sinh ra giai cấp cách mệnh?
Trong thế giới có 2 giai cấp:
A. Tư bản (không làm công mà hưởng lợi).
B. Công và nông (làm khó nhọc mà chẳng được hưởng).
Như người thợ An Nam, làm ở mỏ than Hòn Gay, một ngày làm 11 giờ, đầu năm làm đến cuối, một ngày chỉ được 3 hào, ăn chẳng đủ ăn, mặc không có mặc, đau không có thuốc, chết không có hòm.
Còn anh chủ mỏ ấy không bao giờ nhúng tay đến việc gì, mà nó ăn sung mặc sướng, lên ngựa xuống xe, mỗi năm lại được mấy mươi triệu đồng lời (năm 1925 nó được 17.000.000 đồng). Thử hỏi 17 triệu ấy thằng chủ Tây làm ra hay là công nhân An Nam làm ra? Dân cày ta ruộng không có mà cày, mà tụi đồn điền Tây nó chiếm hết 122.000 mẫu ruộng tốt ở Trung Kỳ, 150.000 mẫu ở Nam Kỳ.
Dân ta nơi thì không đủ ăn, nơi thì chết đói, mà điền chủ mỗi năm nó bán gạo gần 1.000 triệu quan tiền Tây1) (năm 1925 nó bán 911.477.000 quan).
Nước ta như vậy, các nước cũng như vậy. Công nông không chịu nổi, đoàn kết nhau đánh đuổi tư bản đi, như bên Nga, ấy là giai cấp cách mệnh; nói tóm lại là giai cấp bị áp bức cách mệnh2) để đạp đổ giai cấp đi áp bức mình.
6. Cách mệnh chia làm mấy thứ?
Cách mệnh chia ra hai thứ:
A. Như An Nam đuổi Pháp, Ấn Độ đuổi Anh, Cao Ly3) đuổi Nhật, Philíppin đuổi Mỹ, Tàu đuổi các đế quốc chủ nghĩa để giành lấy quyền tự do bình đẳng của dân nước mình, ấy là dân tộc cách mệnh.
B. Tất cả dân cày, người thợ trong thế giới bất kỳ nước nào, nòi nào đều liên hợp nhau lại như anh em một nhà, để đập đổ tất cả tư bản trong thế giới, làm cho nước nào, dân nào cũng được hạnh phúc, làm cho thiên hạ đại đồng - ấy là thế giới cách mệnh.
Hai thứ cách mệnh đó tuy có khác nhau, vì dân tộc cách mệnh thì chưa phân giai cấp, nghĩa là sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền. Còn thế giới cách mệnh thì vô sản giai cấp đứng đầu đi trước. Nhưng 2 cách mệnh ấy vẫn có quan hệ với nhau. Thí dụ: An Nam dân tộc cách mệnh thành công thì tư bản Pháp yếu, tư bản Pháp yếu thì công nông Pháp làm giai cấp cách mệnh cũng dễ. Và nếu công nông Pháp cách mệnh thành công, thì dân tộc An Nam sẽ được tự do.
Vậy nên cách mệnh An Nam với cách mệnh Pháp phải liên lạc với nhau.
7. Ai là những người cách mệnh?
Vì bị áp bức mà sinh ra cách mệnh, cho nên ai mà bị áp bức càng nặng thì lòng cách mệnh càng bền, chí cách mệnh càng quyết. Khi trước tư bản bị phong kiến áp bức cho nên nó cách mệnh. Bây giờ tư bản lại đi áp bức công nông, cho nên công nông là người chủ cách mệnh1).
1. Là vì công nông bị áp bức nặng hơn,
2. Là vì công nông là đông nhất cho nên sức mạnh hơn hết,
3. Là vì công nông là tay không chân rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc. Vì những cớ ấy, nên công nông là gốc cách mệnh; còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức, song không cực khổ bằng công nông; 3 hạng ấy chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi.
8. Cách mệnh khó hay là dễ?
Sửa cái xã hội cũ đã mấy ngàn năm làm xã hội mới, ấy là rất khó. Nhưng biết cách làm, biết đồng tâm hiệp lực mà làm thì chắc làm được, thế thì không khó. Khó dễ cũng tại mình, mình quyết chí làm thì làm được. Nhưng muốn làm cách mệnh thì phải biết:
A- Tụi tư bản và đế quốc chủ nghĩa nó lấy tôn giáo và văn hoá làm cho dân ngu, lấy phép luật buộc dân lại, lấy sức mạnh làm cho dân sợ, lấy phú quý làm cho dân tham. Nó làm cho dân nghe đến 2 chữ cách mệnh thì sợ rùng mình.
Vậy cách mệnh trước phải làm cho dân giác ngộ.
B- Dân khổ quá hay làm bạo động, như dân An Nam ở Trung Kỳ kháng thuế, Hà Thành đầu độc, Nam Kỳ phá khám; không có chủ nghĩa, không có kế hoạch, đến nỗi thất bại mãi.
Vậy cách mệnh phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa1) cho dân hiểu.
C- Dân vì không hiểu tình thế trong thế giới, không biết so sánh, không có mưu chước, chưa nên làm đã làm, khi nên làm lại không làm2).
Cách mệnh phải hiểu phong triều thế giới, phải bày sách lược cho dân.
D- Dân thường chia rẽ3) phái này bọn kia, như dân ta người Nam thì nghi người Trung, người Trung thì khinh người Bắc, nên nỗi yếu sức đi, như đũa mỗi chiếc mỗi nơi.
Vậy nên sức cách mệnh phải tập trung, muốn tập trung phải có đảng cách mệnh.
9. Cách mệnh trước hết phải có cái gì?
Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam.
Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin.

LỊCH SỬ CÁCH MỆNH MỸ
1. Lịch sử Mỹ thế nào?
Thế kỷ thứ 14 về trước, chưa ai biết Mỹ ở đâu. Đến năm 1492, người buôn tên là Christophe Colomb đi tàu buôn muốn qua Ấn Độ, nhưng đi lạc đường, may lại gặp châu Mỹ. Dân xứ ấy là loài da đỏ, chỉ đi săn bắn không biết buôn bán và làm nghề.
Từ lúc Colomb tìm ra châu Mỹ, thì người các nước bên Âu tràn qua đấy làm ăn. Người da trắng muốn bắt người da đỏ làm nô lệ, nhưng nó không chịu làm, thì chúng giết mòn giết mỏi người da đỏ đi, rồi bắt người da đen bên Phi qua làm cho chúng nó.
Người Âu qua Mỹ thì nước nào cũng có, nhưng đông nhất là người Anh (3.000.000 người). Vì vậy, Anh giành Mỹ làm thuộc địa.
2. Vì sao mà Mỹ làm cách mệnh?
Thổ sản Mỹ rất giàu, đồng, sắt, than, bông, lúa, trâu bò, vân vân, vật gì cũng nhiều. Anh thì tham, muốn hốt về cho mình cả, cho nên đặt ra 3 phép như sau này:
1. Có bao nhiêu thổ sản, Mỹ phải cung cấp cho Anh hết, không được bán cho các nước khác.
2. Dân Mỹ không được lập ra lò máy và hội buôn bán.
3. Các nước không được vào buôn bán với Mỹ, chỉ Anh được buôn bán mà thôi.
Vì 3 điều ấy, lại thêm thuế má nặng nề, làm cho kinh tế Mỹ rất khốn đốn, nên từ năm 1770, dân Mỹ tức mình "tẩy chay" Anh.
3. Phong triều ấy kết quả ra thế nào?
Phong triều "tẩy chay" giắc dai đến 5 năm. Anh đem lính qua dẹp, và bắt những người cầm đầu làm tội. Mỗi lần bắt một người cầm đầu, thì dân càng tức giận thêm. Đến năm 1775, khi lính Anh bắt mấy người cầm đầu nữa, dân kéo nhau ra cứu, lại bị lính Anh giết chết 9 người. Việc này như lửa rơi vào thuốc súng, dân tức quá thì nổ, sống chết cũng quyết đuổi được Chính phủ Anh mới thôi.
Cách một năm sau, đến ngày 4 tháng 7 năm 1776 thì cách mệnh được và Mỹ tuyên bố độc lập45, và nước Mỹ thành ra nước cộng hoà.
Bây giờ Mỹ có 48 tỉnh1) và 110.000.000 dân.
4. Ý nghĩa cách mệnh Mỹ với cách mệnh An Nam thế nào?
1. Chính sách Pháp đối với An Nam bây giờ xấu hơn Anh đối với Mỹ trước, vì Pháp đã vơ vét hết của cải dân ta, đã ngăn cấm dân ta làm việc này việc khác; nó lại bắt dân ta hút thuốc phiện và uống rượu. Anh chỉ ham tiền Mỹ, Pháp đã ham tiền lại muốn làm mất nòi, mất giống An Nam đi. Thế mà dân An Nam còn chưa học Mỹ mà làm cách mệnh!
2. Trong lời tuyên ngôn của Mỹ có câu rằng: "Giời sinh ra ai cũng có quyền tự do, quyền giữ tính mệnh của mình, quyền làm ăn cho sung sướng... Hễ Chính phủ nào mà có hại cho dân chúng, thì dân chúng phải đập đổ Chính phủ ấy đi, và gây lên Chính phủ khác...".
Nhưng bây giờ Chính phủ Mỹ lại không muốn cho ai nói đến cách mệnh, ai đụng đến Chính phủ!
3. Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai.
Ấy là vì cách mệnh Mỹ là cách mệnh tư bản, mà cách mệnh tư bản là chưa phải cách mệnh đến nơi1).
Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc.

CÁCH MỆNH PHÁP
1. Vì sao Pháp có phong triều cách mệnh?
Hồi thế kỷ thứ 18, vua thì kiêu xa dâm dật, quý tộc và bọn cố đạo thì hoành hành; thuế nặng dịch phiền, dân tình khốn khổ.
Phần thì Canađa và Ấn Độ, nguyên là thuộc địa Pháp, nay bị Anh vơ mất.
Phần thì những người học thức như ông Môngtexkiơ (1755), Vônte và Rútxô (1778) tuyên truyền chủ nghĩa tự do bình đẳng.
Phần thì phong triều cách mệnh Anh (ông Krômven chém vua Anh và lập Cộng hoà Chính phủ năm 1653) còn mới, và phong triều dân chủ Mỹ (1776) vừa qua.
Nhất là vì tư bản mới bị tụi phong kiến ngăn trở, dân thì bị vua, quý tộc và cố đạo áp bức. Vậy nên tư bản mới liên hiệp với học trò, dân cày và người thợ để phá phong kiến.
2. Cách mệnh Pháp khởi từ bao giờ?46
Vua thấy dân chộn rộn, thì bắt bớ những người tuyên truyền và tổ chức. Dân thấy vậy thì tức quá, đến ngày 14 tháng 7 năm 1789 kéo nhau đến phá khám lớn (Baxti). Vua đem lính về giữ kinh đô; dân lại tổ chức cách mệnh đội để phòng chống lại. Vua lui ra ở tại tỉnh Vécxây.
Ngày 5 tháng 10 năm ấy, thợ thuyền đàn bà con gái Pari kéo nhau đến Vécxây bắt vua về khai hội, và ký tờ tuyên ngôn:
1. Là bỏ chế độ phong kiến, giải phóng nông nô.
2. Là đem của các nhà thờ đạo làm của Nhà nước.
3. Là cho dân tự do làm báo, tổ chức, vân vân.
4. Là lập hiến pháp, nghĩa là vua không được chuyên quyền.
1792, vì vua cầu cứu với ngoại quốc và thông với bọn phản cách mệnh, dân mới bỏ vua mà lập ra cộng hoà.
1793, ngày 21 tháng 1 làm án vua và vợ con vua là phản quốc tặc1), rồi đem ra chém.
3. Các nước Âu châu đối với cách mệnh Pháp thế nào?
Dân các nước thì đều mừng thầm và tán thành. Nhưng vua và quý tộc các nước thì sợ dân mình bắt chước dân Pháp, cho nên bên ngoài chúng nó liên binh đánh cách mệnh mà bên trong thì giúp cho tụi phản cách mệnh.
Dân Pháp tuy lương thực ít, súng ống thiếu, nhưng chỉ nhờ gan cách mệnh mà trong dẹp nội loạn, ngoài phá cường quyền. Hồi ấy lính cách mệnh gọi là "lính không quần"2), người không có nón, kẻ không có giày, áo rách quần tua, mặt gầy bụng đói. Thế mà lính ấy đến đâu, thì lính ngoại quốc thua đấy, vì họ gan liều hy sinh quá, không ai chống nổi.
Thế thì biết: một người cách mệnh có gan, hơn một ngàn người vô chí.
4. Pháp cách mệnh đến mấy lần?
Năm 1792 đến 1804 Cộng hoà lần thứ 1. Năm 1804 Napôlêông phản cách mệnh lên làm hoàng đế.
Năm 1814 các nước đánh Napôlêông thua rồi đem dòng vua cũ lên ngôi đến 1848.
Năm 1848 lại cách mệnh lần thứ 21).
Năm 1852 cháu Napôlêông lại phản cách mệnh lên làm vua.
Năm 1870 nhân thua Đức, Napôlêông thứ 3 bỏ chạy, Pháp lại lập lên Cộng hoà lần thứ 3.
5. Pari Công xã (Commune de Paris) là gì47?
Năm 1871 vua Pháp thua chạy rồi, lính Đức tới vây kinh đô Pháp là Pari. Tư bản Pháp cắt 2 tỉnh cúng cho Đức để cầu hoà. Vì giặc giã mà chết nhiều người, hại nhiều của. Dân không bánh ăn, thợ không công làm. Ngày 18 tháng 3, thợ thuyền Pari nổi lên làm cách mệnh cộng sản (Công xã).
Vì thợ thuyền còn non nớt, tổ chức không khéo, vả lại Đức giúp cho tư bản Pháp đánh lại thợ thuyền, nên cuối tháng 5 thì cách mệnh thất bại.
6. Mục đích Công xã ấy thế nào?
Khi vừa lấy được Pari rồi, thì Công xã lập lên Chính phủ dân2) và tuyên bố rằng Công xã sẽ thực hành những việc này:
1. Bao nhiêu cơ quan sinh sản3) riêng đều đem làm của công.
2. Tất cả trẻ con trong nước, bất kỳ con trai con gái, đều phải đi học. Học phí Nhà nước phải cho.
3. Dân có quyền tự do tổ chức, làm báo, khai hội, xuất dương, v.v..
4. Bất kỳ đàn ông đàn bà, ai cũng được quyền chính trị, tuyển cử và ứng cử.
5. Chính phủ tự dân cử lên, và dân có quyền thay đổi Chính phủ.
7. Kết quả Công xã ra thế nào?
Tư bản Pháp khi ấy như nhà cháy 2 bên, bên thì Đức bắt chịu đầu, bên thì cách mệnh nổi trước mắt. Tư bản Pháp thề chịu nhục với Đức, chứ không chịu hoà với cách mệnh. Đức thấy cách mệnh cũng sợ, cho nên hết lòng giúp tư bản Pháp đánh lại cách mệnh. Lúc Pháp vừa hàng, thì Đức bắt bỏ hết lính, chỉ cho 40.000 culít1) mà thôi. Khi cách mệnh nổi lên, Đức lại cho phép tư bản Pháp thêm lên 100.000 lính để dẹp cách mệnh.
Xem vậy thì hiểu rằng: "Tư bản không có Tổ quốc".
Dẹp được cách mệnh rồi thì tư bản ra sức báo thù. Nó giết hết 30.000 người cả đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con. Nó đày 28.000 người. Nó bắt giam 650 đứa trẻ con, 850 người đàn bà, 37.000 người đàn ông.
8. Cách mệnh Pháp đối với cách mệnh An Nam thế nào?
a) Trong 3 lần cách mệnh, 1789, 1848, 1870, đều vì dân can đảm nhiều, nhưng trí thức ít, cho nên để tư bản nó lợi dụng.
b) Pari Công xã vì tổ chức không khéo và vì không liên lạc với dân cày, đến nỗi thất bại.
c) Tư bản nó dùng chữ Tự do, Bình đẳng, Đồng bào để lừa dân, xúi dân đánh đổ phong kiến. Khi dân đánh đổ phong kiến rồi, thì nó lại thay phong kiến mà áp bức dân.
d) Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục2) công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Cách mệnh An Nam nên nhớ những điều ấy.
9. Cách mệnh Pháp làm gương cho chúng ta về những việc gì?
Cách mệnh Pháp dạy cho chúng ta:
1. Dân chúng công nông là gốc cách mệnh, tư bản là hoạt đầu1), khi nó không lợi dụng được dân chúng nữa, thì nó phản cách mệnh.
2. Cách mệnh thì phải có tổ chức rất vững bền mới thành công.
3. Đàn bà trẻ con cũng giúp làm việc cách mệnh được nhiều.
4. Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại.
5. Cách mệnh Pháp hy sinh rất nhiều người mà không sợ; ta muốn làm cách mệnh thì cũng không nên sợ phải hy sinh.

LỊCH SỬ CÁCH MỆNH NGA
1. Nguyên do cách mệnh Nga từ đâu ra?
Nga là một nước rất rộng, nửa nằm về châu Á, nửa nằm về châu Âu. Dân Nga hơn 90 phần là dân cày, không đầy 10 phần là thợ thuyền. Khi trước theo chế độ nông nô, nghĩa là bao nhiêu đất ruộng và dân cày đều ở dưới quyền địa chủ. Địa chủ xem nông nô như súc vật, nó cho sống được sống, nó bắt chết phải chết, khi nó cần tiền, thì nó đem nông nô đi bán như bán trâu bán bò. Nông dân không được bỏ xứ này qua xứ khác.
Chừng nửa thế kỷ thứ 19, tư bản mới hơi phát đạt, nó vừa mở lò máy, nó cần người làm công, nó mới vận động bỏ chế độ nông nô để cho dân cày tới làm với nó, đến năm 1861, chế độ nông nô mới bỏ. Tư bản mới và địa chủ từ đấy mới sinh hiềm khích to, mà phong triều cách mệnh công nông cũng từ đấy mọc ra.
2. Nông nô được giải phóng rồi thì làm gì?
Được giải phóng rồi, người thì ra thành phố làm công, người thì ở lại làm ruộng.
Đi làm công thì tiền công ít, giờ làm nhiều, phải làm nô lệ cho tư bản, ở lại cày thì đất ruộng ít, trâu bò thiếu, phải chịu lòn tụi phú gia1). Dân tiếng tự do tuy được, kỳ thực cứ kiếp nô lệ: người thợ thì cực khổ, dân cày cũng chẳng sướng hơn.
Những người có lòng cách mệnh thì lập ra đảng để liên hiệp dân cày lại, nhưng mà không chú ý đến thợ thuyền.
Năm 1875 mới có đảng cách mệnh gọi là "Công nhân giải phóng”. Năm 1878 lại có một đảng mới gọi là "Công đảng".
Nhưng hai đảng ấy người ít sức hèn, lại bị Chính phủ bắt bớ nhiều, sau hoá ra đảng kịch liệt, chỉ lo đi ám sát vua và các quan.
3. Kết quả hai đảng ấy ra thế nào?
Ám sát là làm liều, và kết quả ít, vì giết thằng này còn thằng khác, giết sao cho hết? Cách mệnh thì phải đoàn kết dân chúng bị áp bức để đánh đổ cả cái giai cấp áp bức mình, chứ không phải chỉ nhờ 5, 7 người giết 2, 3 anh vua, 9, 10 anh quan mà được. Hai đảng ấy tuy hy sinh hết nhiều người, làm được nhiều sự ám sát oanh liệt, nhưng vì đi sai đường cách mệnh, không có sức dân chúng làm nền, cho nên bị Chính phủ trị mãi đến nỗi tan.
Năm 1883, ông Plêkhanốp lập nên đảng “Lao động tự do"48. Đảng này tổ chức theo cách ông Mã Khắc Tư1) dạy, nghĩa là liên hiệp cả dân cày và thợ thuyền làm cả kinh tế và chính trị cách mệnh.
4. Đảng này làm việc cách mệnh thế nào?
Đảng này lấy thợ thuyền làm cốt cách mệnh, và dân cày phụ vào.
Làm việc rất bí mật.
Ở Nga, ma tà, mật thám nhiều quá, nên cơ quan Đảng phải lập ở ngoại quốc (Luân Đôn).
Năm 1894, ông Lênin vào Đảng2).
Năm 1898, Đảng khai hội một lần trong nước49, chẳng may Chính phủ dò ra, bắt hết nhiều đảng viên. Tuy đảng viên bị bắt, nhưng lời tuyên ngôn của Đảng đã truyền khắp cả nước, cho nên phong triều cách mệnh càng ngày càng cao. Những người chưa bị bắt thì hết sức bí mật tuyên truyền và tổ chức.
Ít lâu đổi tên là "Xã hội dân chủ Đảng", sau lại đổi tên ra "Cộng sản Đảng".
Năm 1904 - 1905, Nga với Nhật đánh nhau, nhân lúc dân tình xục rục, Đảng ra sức vận động cách mệnh.
5. Sao mà biết dân tình xục rục mà vận động?
a) Trước khi đánh Nhật, vua phỉnh tư bản xuất tiền, lừa họ rằng đánh được thì kinh tế sẽ phát đạt, và tư bản sẽ được lợi to. Sau đánh thua thì tư bản mất tiền nhiều mà chẳng được gì, cho nên oán vua.
b) Thợ thuyền ghét vua đã sẵn nay vì đánh thua lại bị áp bức thêm, lại thêm ghét vua.
c) Dân cày ghét vua xưa nay, bây giờ đi lính chết chóc nhiều, vả lại thuế má nặng thêm, lòng ghét vua cũng càng ngày càng to.
Ba hạng ấy mục đích tuy khác nhau, nhưng lòng ghét vua thì như nhau. Đảng biết vậy thì vận động cách mệnh đuổi vua.
6. Lúc bấy giờ vua xử trí thế nào?
Vua biết thợ thuyền là hăng hái cách mệnh nhất, thì đặt cách làm cho tư bản, dân cày và thợ thuyền rời nhau. Nó xúi một người cố đạo ra tổ chức công hội, một là để lung lạc thợ thuyền, hai là để dò ai hăng hái thì bắt.
Ngày 9 tháng 1 năm 190550, anh cố đạo ấy (tên là Gapông) đem thợ thuyền đến chỗ vua ở thỉnh nguyện. Vì anh ta quên báo trước, và vì vua thấy đông người thì sợ bạo động, nên sai lính ra dẹp, bắn chết mất nhiều người. Gapông bỏ chạy ra ngoại quốc. Thợ thuyền các tỉnh nghe tin ấy thì bãi công và bạo động, lập ra công nhân hội nghị.
Cách mệnh chống nhau với vua và Chính phủ từ tháng 1 đến tháng 10. Vua một đường thì dùng lính dẹp cách mệnh, một đường thì giả tuyên bố lập ra nghị viện cho đại biểu dân bàn việc nước.
7. Vì sao cách mệnh 1905 thua?
1. Vì khi đầu tư bản muốn lợi dụng thợ thuyền đập đổ vua; sau nó thấy thợ thuyền hăng hái quá, nó sợ đập vua rồi lại đập cả nó, cho nên nó phản thợ thuyền mà giúp cho vua.
2. Vì thợ thuyền với dân cày không nhất trí. Khi thợ thuyền nổi lên thì dân cày không theo ngay. Thợ thuyền thua rồi, dân cày mới nổi lên, để cho vua nó trị thợ thuyền rồi nó trở qua trị dân cày.
3. Thợ thuyền chưa có kinh nghiệm nhiều, và tổ chức chưa hoàn toàn.
4. Chưa vận động lính và súng ống khí giới của dân ít quá.
8. Cách mệnh 1905 thất bại, thợ thuyền và Đảng có ngã lòng không?
Không. Trải qua lần thất bại ấy, Đảng nghiên cứu lại, phê bình lại, sai lầm ở đâu, vì sao mà thất bại? Biết rõ ràng những chỗ khuyết điểm mà sửa sang lại. Cũng như rèn một con dao, thử cắt mới biết chỗ nào sắc, chỗ nào cùn; sau cứ theo chỗ cùn mà mài, con dao mới tốt.
Nhờ chuyến thất bại 1905, thợ thuyền mới hiểu rằng: một là phải tổ chức vững vàng, hai là phải liên lạc với dân cày, ba là phải vận động lính, bốn là không tin được tụi đề huề1), năm là biết tư bản và vua cùng là một tụi, muốn đuổi vua thì phải đuổi cả tư bản.
Cách mệnh 1905 thất bại làm gương cho cách mệnh 1917 thành công.
9. Lịch sử cách mệnh 1917 thế nào?
Cách mệnh 1917 có mấy cớ sau này:
1. Khi Âu chiến1), đế quốc chủ nghĩa Anh và Pháp lợi dụng vua Nga đánh lại Đức. Nhưng vua Nga lôi thôi, tiêu hết nhiều tiền, chết hết nhiều lính, tất bị Đức đánh thua mãi. Các đế quốc chủ nghĩa ấy giận và giúp cho tư bản đẩy vua đi.
2. Tư bản giận vua chỉ tín dụng2) bọn quý tộc cầm binh quyền, bọn quý tộc lại vô tài, đánh đâu thua đó. Vả tư bản bên Nga phần nhiều là chung với tư bản Anh và Pháp; nếu Nga thua Đức, thì chẳng những tư bản Nga, mà tư bản Anh và Pháp cũng nguy; và nếu cứ để vua thì chắc thua. Vậy nên tư bản cũng muốn đẩy vua.
3. Thợ thuyền và dân cày đối với vua như đối với thù địch đã đành.
4. Bọn hoạt đầu nhân cơ hội ấy, thì lợi dụng 2 bọn này đuổi vua cho tư bản Nga và đế quốc chủ nghĩa Anh và Pháp. Tư bản và đế quốc chủ nghĩa lại lợi dụng bọn hoạt đầu.
10. Bọn hoạt đầu làm thế nào?
Nhân dịp lính chết nhiều, dân gian đói khổ, thợ thuyền thất nghiệp, Chính phủ lôi thôi; bọn hoạt đầu xúi dân rằng bây giờ cách mệnh đuổi vua đi, thì ruộng đất sẽ về dân cày, công xưởng sẽ về người thợ, nhân dân sẽ được quyền Chính phủ, chiến tranh sẽ hoá ra hoà bình.
Chẳng ngờ lúc tháng 2 đuổi vua đi rồi, tụi hoạt đầu và tụi tư bản lên cầm chính quyền, bao nhiêu lời nguyền ước chúng nó quên hết. Chúng nó cứ bắt lính đi đánh; ruộng đất cứ ở tay địa chủ, lò máy cứ ở tay nhà giàu; công nông cũng không được dự vào Chính phủ.
11. Sao Đảng Cộng sản không ra tay làm?
Khi cách mệnh đuổi vua, Đảng Cộng sản vẫn đứng đầu dân chúng. Nhưng lúc ấy đảng viên hẵng còn ít, và hoàn cảnh chưa đến, nên chưa giựt lấy chính quyền.
Cách mệnh xong lúc tháng 2. Từ tháng 2 đến tháng 4, dân nhiều người còn tưởng rằng Chính phủ mới chưa kịp thi hành những việc lợi dân, vì chưa có thì giờ.
Đến tháng 4 thì ông Lênin và nhiều đồng chí ở ngoại quốc về. Từ tháng 4 đến tháng 11, Chính phủ mới thì mỗi ngày mỗi lộ mặt phản cách mệnh ra. Còn đảng viên cộng sản phần thì đi tuyên truyền cho dân rằng: "Đấy, các anh xem đấy, tụi hoạt đầu là thầy tớ của tư bản và đế quốc chủ nghĩa, chúng nó chẳng hơn gì vua...”, làm cho ai cũng oán Chính phủ mới, phần thì lòn vào nông, công, binh, tổ chức bí mật để thực hành cộng sản cách mệnh.
12. Cộng sản cách mệnh thành công bao giờ?
Cuối tháng 10, đâu cũng có tổ chức cả rồi, ai cũng muốn cử sự. Nhưng ông Lênin bảo: "Khoan đã! Chờ ít bữa nữa cho ai ai cũng phản đối Chính phủ, lúc ấy sẽ cử sự". Đến ngày 5 tháng 11, Chính phủ khai hội để ban bố phép luật mới, mà phép luật ấy thì lợi cho tư bản mà hại cho công, nông. Ông Lênin nói với đảng viên rằng: Mồng 6 cử sự thì sớm quá, vì dân chưa biết hết luật lệ xấu ấy, mà chưa biết luật lệ ấy thì chưa ghét Chính phủ lắm. Mồng 8 cử sự thì muộn quá vì khi ấy thì Chính phủ đã biết rằng dân oán và đã phòng bị nghiêm ngặt rồi.
Quả nhiên ngày mồng 7 Đảng Cộng sản hạ lịnh cách mệnh, thì thợ thuyền ào đến vây Chính phủ, dân cày ào đến đuổi địa chủ. Chính phủ phái lính ra dẹp, thì lính ùa theo thợ thuyền mà trở lại đánh Chính phủ.
Từ bữa ấy, Chính phủ hoạt đầu bỏ chạy, Đảng Cộng sản cầm quyền, tổ chức ra Chính phủ công, nông, binh, phát đất ruộng cho dân cày, giao công xưởng cho thợ thuyền, không bắt dân đi chết cho tư bản và đế quốc chủ nghĩa nữa, ra sức tổ chức kinh tế mới, để thực hành chủ nghĩa thế giới đại đồng1).
13. Cách mệnh Nga đối với cách mệnh An Nam thế nào?
Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi2), nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa3) làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới.
Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng4) (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin.

QUỐC TẾ
1. Quốc tế là gì?
Quốc tế nghĩa là người trong thế giới, bất kỳ nước nào, dân tộc nào, có một mục đích như nhau, hợp sức nhau để làm cho đến mục đích ấy. Như các đế quốc chủ nghĩa liên lạc nhau, để đè nén các dân hèn yếu (Pháp liên lạc Tây Ban Nha để đánh lấy An Nam, liên lạc Nhật để giữ An Nam, v.v.), các tư bản liên lạc nhau để tước bác1) thợ thuyền (tư bản Anh, Mỹ, Pháp liên lạc tư bản Đức để tước lục thợ thuyền Đức). Thợ thuyền các nước liên lạc nhau để chống lại tư bản (như Hội Công nhân Quốc tế). Chúng ta cách mệnh thì cũng phải liên lạc tất cả những đảng cách mệnh trong thế giới để chống lại tư bản và đế quốc chủ nghĩa (như Đệ tam quốc tế).
2. Đệ tam quốc tế là gì?
Muốn biết Đệ tam2) quốc tế là gì thì trước phải biết Đệ nhất3) và Đệ nhị4) quốc tế đã.
Từ thế kỷ thứ 18 trở xuống, tư bản phát đạt rất thịnh, áp bức thợ thuyền rất nghiệt. Thợ thuyền bị áp bức thì tính cách phản đối, như tổ chức công hội, bãi công bạo động. Nhưng hầu hết tỉnh nào biết tỉnh nấy, nước nào biết nước nấy mà thôi, cho nên sức không mạnh lắm.
Năm 1840, thợ thuyền Đức lập ra một hội tên là Nhân quyền hội51. Khẩu hiệu hội ấy là "Trong thế giới ai cũng là anh em". Khẩu hiệu ấy tuy rất hay, nhưng không đúng; vì bọn tư bản đế quốc chủ nghĩa và phản cách mệnh là thù địch dân, gọi chúng là anh em sao được?
Năm 1847, hội ấy sửa lại gọi là: "Toàn thế giới vô sản giai cấp liên hợp hội" - ông Mã Khắc Tư và Ăngghen vào hội ấy. Nhờ hai ông ấy sửa chương trình lại, và khẩu hiệu hội là: Đập đổ tư bản chủ nghĩa - thợ thuyền giành lấy chính quyền - làm cho thế giới đại đồng.
3. Hai hội ấy có phải Đệ nhất và Đệ nhị quốc tế không?
Không phải. Trong hai hội tuy là có thợ thuyền Đức và Pháp vào, nhưng hội viên có ít, sức lực còn yếu chưa làm được gì. Chẳng qua là biểu hiện rằng thợ thuyền các nước phải giúp đỡ lẫn nhau và bắc cầu cho Đệ nhất quốc tế đi.
Năm 1862 ở Kinh đô Anh (Luân Đôn) mở hội đấu xảo; tư bản các nước phái công nhân qua xem xét các máy móc. Công nhân lại gặp những người cách mệnh Nga, Đức, Pháp và các nước khác trốn ở đấy. Hai bên bàn bạc lập một hội cách mệnh thế giới.
Năm 1864, (ngày 28 tháng 2) mới lập thành Đệ nhất quốc tế.
4. Đệ nhất quốc tế làm được những việc gì?
Hội ấy tuy có nhiều người cầm đầu thợ thuyền các nước vào, nhưng vì:
1. Người còn ít,
2. Các công hội trong các nước còn yếu,
3. Không thống nhất cho nên chỉ tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản mà chưa làm được việc gì lớn.
Không thống nhất là vì ba chủ nghĩa chống nhau:
1. Chủ nghĩa Pruđông (Pháp);
2. Chủ nghĩa Bacunin (Nga);
3. Chủ nghĩa Mã Khắc Tư (Đức) (xem đoạn chủ nghĩa cách mệnh thì biết).
Sau lúc Pari Công xã thất bại, nhiều hội viên bị chết, bị bắt, nên hội tiêu điều dần, đến 1874 thì giải tán.
Đệ nhất quốc tế tuy chỉ đứng được 10 năm, nhưng khẩu hiệu "Toàn thế giới vô sản giai cấp liên hợp lại!" và tinh thần cách mệnh vẫn truyền đến bây giờ. Tuy không làm được nhiều việc, nhưng cái công dạy cho thợ thuyền trong thế giới cách mệnh thì rất to.
5. Đệ nhị quốc tế lập ra bao giờ?
Đệ nhất quốc tế tan rồi, vừa lúc tư bản phát đạt lắm, công nhân vận động cũng phát đạt. Trong khoảng 15 năm ấy (từ 1874 đến 1889)52 trong các nước nhiều công đảng mới lập lên, và đảng nào cũng hiểu rằng thợ thuyền các nước không giùm giúp lẫn nhau không được.
Năm 1889, đại biểu các công đảng hội nhau tại Pari, lập nên Đệ nhị quốc tế.
Từ khi lập ra, đến ngày Âu chiến, khai hội chín lần bàn bạc và nghị định:
1. Nước nào cũng phải lập ra công đảng;
2. Mỗi năm đến ngày 1 tháng 5 thợ thuyền cả thế giới đều bãi công và thỉnh nguyện;
3. Tất cả công nhân trong thế giới ra sức đòi chỉ làm công mỗi ngày 8 giờ mà thôi;
4. Phản đối đế quốc chủ nghĩa;
5. Các công đảng không được đề huề với tư bản;
6. Đảng viên không được ra làm quan với tư bản;
7. Nếu các đế quốc chủ nghĩa có sự chiến tranh, thì thợ thuyền các nước đều bãi công và kiếm phương thế cách mệnh để giành lấy chính quyền. Vấn đề thứ 7, thì trong 9 lần đại hội đều có bàn đến cả.
6. Vì sao Đệ nhị quốc tế lại hay bàn đến việc chiến tranh?
Vì đương lúc ấy, tư bản đã hoá ra đế quốc chủ nghĩa, và đế quốc chủ nghĩa, hoặc thường đánh nhau để giành thuộc địa, hoặc đi cướp nước hèn yếu làm thuộc địa. Như:
Năm 1894, Nhật đánh với Tàu;
1895, Anh đánh với Êgýptơ1);
1896, Pháp đánh với Mađagátxca;
1898, Mỹ đánh với Tây Ban Nha để giành Philíppin;
1900, Anh đánh với Nam Phi châu;
1904, Nga đánh với Nhật;
1912, các nước Bancăng2) đánh nhau, vân vân.
Thợ thuyền thấy vậy, thì biết rằng các đế quốc chủ nghĩa sẽ có trận đánh nhau lớn. Vậy nên kiếm cách dè trước đi. Ngờ đâu đến 1914 các nước đánh nhau, thì phần nhiều hội viên Đệ nhị quốc tế đều giúp cho đế quốc chủ nghĩa, công đảng nước nào cũng khuyên dân đi đánh.
7. Đệ tam quốc tế lập ra từ bao giờ?
Vì bọn hoạt đầu trong Đệ nhị quốc tế đã phản mục đích hội mà hoá ra chó săn cho tư bản và đế quốc chủ nghĩa, hoá ra phản cách mệnh; những người chân chính cách mệnh như ông Lênin, ông Các Lípnếch, Rôda Luyxămbua, vân v., cho Quốc tế ấy như chết rồi, phải lập ra Quốc tế khác. Năm 1915 và 1916, những người cách mệnh hội nhau tại nước Suít (Thụy Sĩ) sắp sửa lập Đệ tam quốc tế, để nối theo chủ nghĩa Đệ nhất quốc tế 1) mà làm cộng sản cách mệnh.
Năm 1917, Nga cách mệnh cộng sản thành công.
Năm 1919, Đệ tam quốc tế thành lập tại Kinh đô Nga là Mosku (ngày 6 tháng 3). Khi khai hội lần đầu, có đại biểu đảng cộng sản trong 24 nước dự hội.
Trong lời tuyên ngôn Đệ tam quốc tế xướng rõ ràng rằng:
1. Thế nào cũng đập đổ tư bản chủ nghĩa nhất thiết không đề huề như Đệ nhị quốc tế;
2. Thế nào cũng quyết làm cho chính quyền về tay công nông.
8. Từ khi lập ra đến giờ (đầu năm 1927) Đệ tam quốc tế khai hội mấy lần?
Năm 1920 khai Đại hội lần thứ II53, có 31 nước dự hội. Tụi hoạt đầu Đệ nhị quốc tế thấy hội này mạnh, muốn xen vào để "theo đóm ăn tàn", cho nên Đại hội đặt ra cách tổ chức rất nghiêm; ai thừa nhận theo 21 điều quy tắc mới được vào. (Xem sau cùng đoạn này).
Năm 1921, Đại hội lần thứ III54. Từ lúc có Đệ tam quốc tế, thợ thuyền các nước chia ra hai phái, phái theo cộng sản (Đệ tam quốc tế), phái theo đề huề (Đệ nhị quốc tế). Vì vậy mà sức kém đi; cho nên Đại hội định rằng khi phấn đấu với tư bản thì hai phái phải hợp sức nhau lại không được chia hai. Năm 1922, Đại hội lần thứ IV55. Nhân cách mệnh phong triều trong các nước rầm rộ, tư bản chủ nghĩa toan cùng đường, chúng nó lập ra đảng fasity2) phản đối cách mệnh tợn lắm. Đại hội định cách đối đãi đảng ấy.
Năm 1924, Đại hội lần thứ V, có đến 61 nước dự hội. Vì nhiều người lầm tưởng rằng tư bản lại tới hồi thịnh vượng như trước khi Âu chiến. Đại hội đem chứng rõ ràng rằng thịnh vượng ấy là thịnh vượng giả; kỳ thực tư bản trong thế giới gần đến mạt lộ1), và công nông cách mệnh phải sắp sửa ra tay.
9. Đệ tam quốc tế tổ chức thế nào?
a) Mỗi năm hay cách vài năm, đại hội một lần. Đại hội có quyền đoán định tất cả các việc các đảng trong các nước.
b) Đại hội cử một Hội Trung ương 24 người. Hội này thay mặt đại hội. Các đảng trong các nước đều phải theo mệnh lịnh Trung ương.
c) Có Thanh niên bộ, để xem về việc vận động thanh niên; Phụ nữ bộ, xem việc vận động phụ nữ; Á - Đông bộ xem về việc cách mệnh các thuộc địa bên Á - Đông. Tuyên truyền, tổ chức, cứu tế, v.v., đều có một bộ riêng.
d) Đệ tam quốc tế là một Đảng Cộng sản thế giới. Các đảng các nước là như chi bộ, đều phải nghe theo kế hoạch và quy tắc chung. Việc gì chưa có mệnh lịnh và kế hoạch Đệ tam quốc tế thì các đảng không được
làm.
10. Đệ nhất quốc tế và Đệ tam quốc tế giống nhau cái gì? khác nhau cái gì?
Đệ nhất quốc tế với Đệ tam quốc tế khác nhau.
a) Đệ nhất quốc tế nhỏ, Đệ tam quốc tế to;
b) Đệ nhất quốc tế chỉ lý luận, Đệ tam quốc tế đã thực hành;
c) Đệ nhất quốc tế không thống nhất, Đệ tam quốc tế chỉ huy tất cả các đảng cộng sản trong các nước phải theo;
d) Đệ nhất quốc tế chỉ nói: "Thế giới vô sản giai cấp liên hợp"; Đệ tam quốc tế nói thêm "Vô sản giai cấp và dân tộc bị áp bức trong thế giới liên hợp lại". Đệ nhất quốc tế không bắt hội viên giúp dân thuộc địa chống lại đế quốc chủ nghĩa như Đệ tam quốc tế.
Ấy là vì hoàn cảnh hai Quốc tế ấy khác nhau. Như việc dân tộc bị áp bức, Đệ nhất quốc tế nói đến ít, vì lúc ấy đế quốc chủ nghĩa chưa phát đạt mấy. Vả lại, Đệ tam quốc tế sinh ra sau thì có nhiều kinh nghiệm hơn Đệ nhất quốc tế.
Đến như chủ nghĩa làm cách mệnh cho đến nơi, làm cho thế giới đại đồng, thì hai Quốc tế vẫn như nhau; chẳng qua Đệ nhất quốc tế làm không đến nơi, mà Đệ tam quốc tế chắc là làm được, nhờ nay Nga cách mệnh đã thành công để làm nền cho cách mệnh thế giới.
11. Đệ nhị quốc tế và Đệ tam quốc tế khác nhau cái gì?
Đệ nhị quốc tế trước vẫn là cách mệnh, nhưng vì kỷ luật không nghiêm, tổ chức không khéo, để tụi hoạt đầu xen vào nhiều quá; sau hoá ra phản cách mệnh. Hai Quốc tế ấy khác nhau những điều sau này:
Đệ tam quốc tế chủ trương đập đổ tư bản làm thế giới cách mệnh.
Đệ nhị quốc tế chủ trương đề huề với tư bản.
Đệ tam quốc tế giúp dân thuộc địa chống lại đế quốc chủ nghĩa.
Đệ nhị quốc tế giúp đế quốc chủ nghĩa đè nén dân thuộc địa (Toàn quyền Varen là hội viên Đệ nhị quốc tế).
Đệ tam quốc tế dạy cho vô sản giai cấp trong thế giới - bất kỳ nòi giống nào, nghề nghiệp gì, tôn giáo gì - hợp sức làm cách mệnh.
Đệ nhị quốc tế xui dân nước này chống dân nước kia, nghề nghiệp này chống nghề nghiệp khác.
12. Đệ tam quốc tế đối với cách mệnh An Nam thế nào?
Xem trong cách tổ chức Đệ tam quốc tế, có đặt ra một bộ riêng, chuyên nghiên cứu và giúp đỡ cho cách mệnh bên Á - Đông.
Xem khẩu hiệu Đệ tam quốc tế, chẳng những rằng "vô sản giai cấp" mà lại thêm câu "... và dân tộc bị áp bức trong thế giới liên hợp lại".
Xem quy tắc Đệ tam quốc tế trong 21 điều, điều thứ 8 nói rằng: "Các đảng cộng sản, nhất là Đảng Cộng sản Pháp... phải hết sức giúp dân thuộc địa làm cách mệnh".
Xem đương lúc Pháp đánh Marốc và Xyri, vì giúp hai nước ấy mà Đảng Cộng sản Pháp hy sinh mấy mươi đảng viên bị bắt, bị tù, Đảng bị phạt hơn 100 vạn đồng bạc.
Xem cách mệnh Nga giúp cho cách mệnh Tàu, Thổ Nhĩ Kỳ, Pécsia1), Mông Cổ.
Lại xem kế hoạch về vấn đề thuộc địa là tự tay ông Lênin làm ra.
Xem những việc ấy thì đủ biết rằng An Nam muốn cách mệnh thành công, thì tất phải nhờ Đệ tam quốc tế.

PHỤ NỮ QUỐC TẾ
1. Vì sao lập ra Phụ nữ Quốc tế?
Ông Các Mác nói rằng: "Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tấn bộ ra thế nào?".
Ông Lênin nói: "Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công".
Những lời ấy không phải câu nói lông bông. Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia. Cách mệnh Pháp có những người như cô học trò Sáclốt Coócđây rút dao đâm chết người Tể tướng hung bạo, như bà Luy Misen ra giúp tổ chức Pari Công xã. Khi Nga cách mệnh, đàn bà ra tình nguyện đi lính; sau tính lại lính cách mệnh đàn bà chết hết 1.854 người. Nay cách mệnh Nga thành công mau như thế, đứng vững như thế, cũng vì đàn bà con gái hết sức giùm vào. Vậy nên muốn thế giới cách mệnh thành công, thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước.
Vì vậy Đệ tam quốc tế tổ chức Phụ nữ Quốc tế.
2. Lịch sử Phụ nữ Quốc tế thế nào?
Năm 1910, bà Clara Détkin (cộng sản Đức) đề nghị trong Đại hội Đệ nhị quốc tế rằng: Mỗi năm đến ngày 8 tháng 3 thì làm một ngày phụ nữ vận động gọi là "Ngày đàn bà con gái”56. Sau ngày ấy đổi ra một tuần. Khẩu hiệu tuần ấy là: "Đòi quyền tuyển cử cho nữ giới".
Năm 1917, ngày 23 tháng 2, đàn bà ở Kinh đô Nga nổi lên "đòi bánh cho con" và đòi "giả chồng chúng tôi lại cho chúng tôi" (vì chồng phải đi đánh). Sự bạo động này làm ngòi cho cách mệnh Nga57.
Mồng 8 tháng 3 năm 1920, Đệ tam quốc tế phái bà Détkin tổ chức Phụ nữ Quốc tế. Khẩu hiệu là: "Đàn bà con gái công nông phải liên hợp với Đệ tam quốc tế, để làm thế giới cách mệnh".
Năm 1923, nữ giới Nga ăn mừng "ngày 8 tháng 3" thì mở 66 nhà nuôi trẻ con, 36 ấu trĩ viên, 18 nhà nuôi đồng tử, 22 nhà thương và nhà nghỉ, 15 nhà nuôi đàn bà sinh cữ, 15 nhà ăn chung cho 10.000 người; 27 nhà hiệp tác xã dùng đến 1.300 người đàn bà làm công, 11 cái công viên có nhà nghỉ cho những người có bệnh.
3 Cách tổ chức của Phụ nữ Quốc tế ra thế nào?
Quy tắc và chương trình thì đại khái cũng như Đệ tam quốc tế. Nhưng bên này thì chỉ chuyên trách về mặt tuyên truyền, tổ chức và huấn luyện đàn bà con gái, và giúp về đường giáo dục trẻ con công nông.
Mỗi đảng cộng sản phải có một bộ phụ nữ, trực tiếp thuộc về Phụ nữ Quốc tế. Nhưng đảng viên đàn bà trong các đảng phải theo mệnh lịnh Quốc tế, khi phái để làm việc gì dẫu khó nhọc, nguy hiểm mấy cũng phải làm. Thí dụ: Đảng viên A không phải là làm thợ, nhưng khi Quốc tế bảo phải xin vào làm việc trong lò máy nào để vận động phụ nữ trong ấy, thì tất phải bỏ nghề cũ mà vào làm trong lò máy.
Nói tóm lại là quy tắc rất nghiêm, hành động rất thống nhất, và việc làm cũng rất khó. Vì phần nhiều đàn bà con gái còn có tư tưởng thủ cựu. Tuy vậy, ai cũng hết lòng, cho nên tiến bộ mau. Nhờ Phụ nữ Quốc tế mà các đảng cộng sản mới lập ra như đảng ở Java1), đảng viên đàn bà mỗi ngày một thêm nhiều.
An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công, mà nữ giới An Nam muốn cách mệnh thì phải theo Phụ nữ Quốc tế chỉ bảo.

CÔNG NHÂN QUỐC TẾ
1. Lịch sử Công nhân Quốc tế thế nào?
Trước phải biết qua lịch sử công nhân vận động, sau sẽ nói đến lịch sử công nhân.
Lịch sử công nhân vận động chia làm 3 thời kỳ: a) trước Âu chiến, b) đương lúc Âu chiến, c) khi Âu chiến rồi.
a) Trước khi Âu chiến: Bên Âu và Mỹ có chừng 16 triệu thợ thuyền có tổ chức và có một hội gọi là "Vạn quốc công hội"58. Nhưng 16 triệu người ấy không vào "Vạn quốc công hội" cả. Những đoàn thể vào lại chia ra nhiều phái biệt:
1. Công đoàn chủ nghĩa Anh và Mỹ chỉ lo sao thợ thuyền sinh hoạt khá, mà không nói đến đánh đổ tư bản.
2. Vô chính phủ công đoàn59 các nước Latinh1), thì không muốn lập chính đảng.
3. Cải lương chủ nghĩa60 thì chủ trương công hội nên giúp chính đảng, nhưng không nên hợp với chính đảng2).
4. Trung lập chủ nghĩa61 chủ trương rằng công nhân không phải là nền cách mệnh.
5. Cộng sản chủ nghĩa, chủ trương đập đổ tư bản, công nhân là nền cách mệnh, phải có chính đảng để dắt công hội làm cách mệnh.
Vì mục đích và chủ nghĩa lộn xộn không thống nhất như thế, cho nên hội không có lực lượng.
b) Khi Âu chiến: Hội này đi theo Đệ nhị quốc tế, nghĩa là công hội nước nào giùm tư bản nước ấy.
Vả lại, tiếng là Vạn quốc nhưng chỉ có thợ thuyền Âu và Mỹ, còn thợ thuyền Á, Phi, Úc thì không vào.
c) Sau khi Âu chiến: Phần thì thợ thuyền cực khổ, phần thì phong triều cách mệnh Nga, công hội càng ngày càng to. Như:
Năm 1913 Năm 1919
Anh chỉ có 4.000.000 người 8.000.000 người
Pháp chỉ có 1.000.000 người 2.500.000 người
Tất cả các nước: 15.000.000 người 50.000.000 người
Công hội bên Á - Đông cùng rầm rầm rột rột lập lên (Tàu, Nhật, Ấn Độ, Java, Philíppin, vân v.).
2. Phong triều ấy kết quả ra thế nào?
Tư bản các nước thấy thợ thuyền thịnh thì sợ, và kiếm cách làm cho êm dịu xuống. Năm 1919 có khai đại hội bên kinh đô Mỹ, để giải quyết việc thợ thuyền trong thế giới. Trong hội ấy có đại biểu các Chính phủ, các tư bản, và các công hội các nước. Nhưng nó chỉ cho bọn Đệ nhị quốc tế đại biểu cho thợ thuyền. Nước nào công nhân thịnh đã đòi được 8 giờ (như Anh, Pháp), thì đại biểu Chính phủ nước ấy yêu cầu các nước kia cũng phải dùng 8 giờ làm lệ chung (vì sợ tư bản nước kia được lợi hơn tư bản nước nó).
Sau tư bản lập ra hội Vạn quốc, lại lập thêm một bộ công nhân, có 12 đại biểu cho các Chính phủ, 6 đại biểu cho tư bản, và 6 đại biểu cho thợ thuyền. Nó lại dắt mấy anh công tặc1) làm đại biểu thợ thuyền!
3. Tư bản làm như vậy, thợ thuyền các nước có làm gì không?
Thợ thuyền có 31 quốc tế.
29 quốc tế nghề nghiệp, nghĩa là nghề nghiệp nào có riêng quốc tế nghề nghiệp ấy; 1 quốc tế gọi là Quốc tế Amxtécđam hay là Quốc tế "vàng" và 1 Quốc tế đỏ.
Quốc tế nghề nghiệp có đã lâu, ước chừng 20.000.000 hội viên. Trong 29 quốc tế ấy, nghề sắt to hơn hết (3.000.000 người); hai là nghề than (2.500.000 người); ba là thợ làm nhà máy (2.300.000 người), vân v..
Lúc Âu chiến, các quốc tế ấy cũng tan, Âu chiến rồi lập lại, nhưng vì bọn hoạt đầu cầm quyền, nên công việc không ra gì. Như năm 1921, 1.000.000 người đào than Anh bãi công, vì người đào than Mỹ, Đức và các nước không giúp mà thua. Qua năm 1922, 500.000 thợ đào than Mỹ bãi công, cũng vì không ai giúp mà thất bại. Nói tóm lại là các quốc tế ấy có danh mà không thực.
4. Sao gọi là Quốc tế Amxtécđam hay "vàng"?
Vì Quốc tế ấy lập ra tại Amxtécđam (kinh đô Holăng1)). Trong tiếng mới, phản cách mệnh gọi là sắc vàng; cách mệnh gọi là sắc đỏ.
Năm 1919, các công hội theo Vạn quốc công hội hội nhau tại Amxtécđam lập nên quốc tế này. Khi đầu rất to, nhưng sau nhiều công hội bỏ vào Quốc tế “đỏ”, nay chỉ còn lại công hội 23 nước, tất cả 14.400.000 người.
Quốc tế này theo bọn hoạt đầu Đệ nhị quốc tế đề huề với tư bản, và làm nhiều việc phản cách mệnh như:
1. Tán thành điều ước Vécxây của đế quốc chủ nghĩa bắt Đức đền 400.000.000 đồng.
2. Đức không gánh nổi, Mỹ lại đặt ra kế hoạch (gọi là kế hoạch Đạo Uy Tư)1) bắt Đức đền 132.000.000.000 đồng. Kế hoạch ấy làm cho công nông Đức hoá ra nô lệ. Thế mà Quốc tế Amxtécđam cũng tán thành.
3. Không cho công hội Nga vào.
4. Phản đối cộng sản rất kịch liệt, mà đối đãi fasity rất hoà bình.
5. Sao gọi là Công nhân Quốc tế đỏ?
Quốc tế vàng đã đề huề với tư bản, những thợ thuyền thiệt cách mệnh kiếm cách lập ra quốc tế khác.
Năm 1920, tháng 7, chỉ có mấy người công nhân Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Nga lập ra một cơ quan tuyên truyền. Năm 1921, đã có nhiều công hội bỏ bên kia theo bên này. Ngày mồng 3 tháng 7 năm ấy, Công nhân Quốc tế đỏ lập thành.
Quốc tế đỏ theo về Đệ tam quốc tế, quyết làm giai cấp cách mệnh.
Nay đã có công hội 47 nước, 11.750.000 người vào.
Tháng 5 năm 1925 bên Á - Đông có những hội này vào:
Tàu: 450.000 người;
Java: 35.000 người;
Nhật: 32.000 người;
Cao Ly: 5.000 người;
Mông Cổ: 5.000 người;
Thổ Nhĩ Kỳ: 20.000 người;
An Nam: 000.
6. Quốc tế này đối với cách mệnh An Nam ra thế nào?
Xem trong Quốc tế vàng không có công hội Á - Đông nào, Quốc tế đỏ thì có 8 hội thuộc địa vào.
Khi thợ thuyền Java, Ấn Độ bãi công, Quốc tế đỏ hết sức giúp, còn Quốc tế vàng thì không ngó đến.
Ở Tàu, thợ thuyền Thượng Hải bãi công hơn ba tháng, Hương Cảng bãi công hơn một năm rưỡi, Quốc tế đỏ đã giúp tiền bạc, phái đại biểu qua yên ủi, lại sức công hội các nước giúp. Quốc tế vàng chỉ in vài tờtuyên ngôn rồi làm thinh.
Vậy thì biết nếu thợ thuyền An Nam biết tổ chức thì chắc Quốc tế đỏ sẽ hết lòng giúp cho mà làm cách mệnh. Nhưng muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã.

CỘNG SẢN THANH NIÊN QUỐC TẾ
1. Cộng sản Thanh niên Quốc tế là gì?
Trước kia các đảng xã hội có xã hội thanh niên. Các đảng ấy hợp lại thành Đệ nhị quốc tế. Các thanh niên ấy cũng tổ chức xã hội thanh niên quốc tế. Khi Âu chiến, phần nhiều Đệ nhị quốc tế đề huề với tư bản, phần nhiều thanh niên cũng bắt chước đề huề.
Những người thanh niên cách mệnh bỏ hội ấy cũng như ông Lênin và những người chân chính cách mệnh bỏ Đệ nhị quốc tế ra.
Đến tháng 11 năm 1919, thanh niên cách mệnh 14 nước bên Âu hội nhau tại kinh đô Đức (Béclin) lập ra Thanh niên Cộng sản Quốc tế.
Năm 1921 đã có thanh niên 43 nước theo vào.
Năm 1922 có 60 nước, 760.000 người.
Năm 1924 có hơn 1.000.000 (thanh niên Nga chưa tính).
2. Cách tổ chức ra thế nào?
Đại khái cũng theo cách tổ chức Đệ tam quốc tế. Thanh niên các nước khai đại hội, cử ra một Hội uỷ viên; Hội uỷ viên có quyền chỉ huy, và thanh niên các nước nhất thiết phải theo kế hoạch và mệnh lịnh Hội ấy.
Ước chừng 16 đến 20 tuổi thì được vào Hội. Trước lúc Hội cho vào thì phải thử, công nông binh thì 6 tháng, học trò thì một năm, làm việc được mới cho vào.
Mục đích Cộng sản Thanh niên Quốc tế là:
1. Thế giới cách mệnh;
2. Bồi dưỡng nhân tài để đem vào đảng cộng sản;
3. Chuyên môn về việc kinh tế và chính trị, có quan hệ cho bọn thanh niên;
4. Tuyên truyền tổ chức và huấn luyện bọn thợ thuyền, dân cày, học trò và lính thanh niên;
5. Phản đối mê tín và khuyên dân chúng học hành.
3. Cách họ làm việc thế nào?
Nơi thì công khai, như ở Nga, nơi thì nửa công khai, nửa bí mật, như ở các nước Âu và Mỹ. Nơi thì bí mật như ở Cao Ly, Java, vân v..
Tuyên truyền và tổ chức thì theo hoàn cảnh. Phái người lòn vào ở lính, hoặc làm thợ, hoặc đi cày, hoặc đi học để tuyên truyền và kiếm đồng chí. Khi kiếm được một ít đồng chí rồi, thì lập ra tiểu tổ chức. Hoặc lập ra hội học, hội đá bóng, hội chơi để lựa đồng chí và tuyên truyền.
Nói tóm lại là họ làm hết cách để xen vào trong dân chúng.
4. Cộng sản Thanh niên đối với đảng cộng sản thế nào?
Hai đoàn thể ấy đối với nhau theo cách dân chủ, nghĩa là khi đảng có việc gì thì có đại biểu thanh niên dự hội. Khi thanh niên có việc gì, thì đảng có đại biểu dự hội. Đường chính trị, thì thanh niên theo đảng chỉ huy, nhưng việc làm thì thanh niên độc lập. Nếu đảng và thanh niên có việc gì không đồng ý, thì có hai Quốc tế xử phân.
Thanh niên Cộng sản làm việc rất nỗ lực, rất hy sinh.
Trong năm 1921, Thanh niên Đức chỉ có 27.000 người và Mỹ chỉ có 4 chi bộ. Năm 1922 Đức đã có đến 70.000 người và Mỹ có đến 150 chi bộ.
Hồi lính Pháp đóng bên Đức, vì việc tuyên truyền, phản đối đế quốc chủ nghĩa trong quân đội, mà 120 thanh niên Pháp bị tù. Hồi Pháp đánh Marốc, cũng vì việc ấy mà hơn 3.000 thanh niên Pháp bị bắt.
Việc bãi khoá ở Tàu, vận động ở Cao Ly, bãi công ở Anh, vân v., Cộng sản Thanh niên đều đứng đầu đi trước.
Ngày nay nước nào cũng có thanh niên cộng sản.
Chỉ An Nam là chưa!1).

QUỐC TẾ GIÚP ĐỠ
1. Quốc tế giúp đỡ là gì?62
Năm 1921, nước Nga bị đại hạn mất mùa, dân chết đói nhiều. Đế quốc chủ nghĩa lợi dụng cơ hội ấy, bên thì muốn xui dân Nga nổi loạn, bên thì muốn kéo binh vào phá cách mệnh Nga. Phần thì đem các tàu bè vây biển Nga, không cho các tàu bè đi lại chở đồ ăn bán cho dân Nga.
Những người có lòng tốt như ông Nanxăn (người khoa học rất có danh tiếng nước Noócve1), ông ấy đi tàu bay qua Bắc cực), và các công hội đều có tổ chức hội cứu tế đi quyên tiền, đồ ăn, và áo quần gửi cho dân Nga. Nhưng vì tổ chức tản mát cho nên sức lực yếu.
Đệ tam quốc tế và Công nhân Quốc tế đỏ (mới tổ chức) xướng lên lập một hội Quốc tế giúp đỡ, để tập trung tất cả các hội cứu tế lại. Đệ nhị quốc tế và Công nhân Quốc tế vàng không chịu vào, lập riêng ra một hội cứu tế riêng.
Tuy vậy, Quốc tế giúp đỡ cũng lập thành. Từ cuối năm 1921, đến năm 1922, Quốc tế này quyên được hơn 5.000.000 đồng bạc, và 40.000.000 kilô đồ ăn cho dân Nga.
2. Khi Nga khỏi đói rồi, quốc tế này làm việc gì?
Nga khỏi đói rồi, Quốc tế này vẫn tiếp tục làm việc mãi. Bất kỳ xứ nào có tai nạn gì, Quốc tế này đều ra sức giúp. Như năm 1923 Ailan (Ireland) mất mùa, mấy vạn dân cơm không có ăn, áo không có mặc, nhờ Quốc tế qua giúp mà khỏi chết đói. Năm 1924, thợ thuyền Đức bãi công hơn 60 vạn người, Quốc tế này lập ra nhà ăn không mất tiền, mỗi ngày hơn 25.000 người thợ tới ăn. Lại lập ra nhà thương để nuôi những người bãi công đau ốm; lập ra nhà nuôi trẻ con của thợ thuyền, lập ra đội lữ hành đem trẻ con Đức qua gửi cho công hội các nước nuôi dạy. Lúc bãi công gần rồi mới đem về1).
Năm Nhật Bản có động đất, Tàu mắc lụt, Quốc tế này cũng chở đồ ăn, đồ mặc và đồ làm nhà qua giúp.
Nói tóm lại là ở đâu mắc nạn lớn, là Quốc tế này đều giúp cả.
3. Quốc tế giúp đỡ lấy tiền đâu?
Quốc tế này không phải là một hội làm phúc phát chẩn và bố thí như các hội của tư bản lập ra. Mục đích Quốc tế này là "thợ thuyền và dân cày trong thế giới là anh em, khi anh em xứ này rủi ro, thì anh em xứ khác phải giúp đỡ", vậy nên, khi có việc thì hội viên ra sức quyên, khi vô sự thì phải góp hội phí. Hội phí tuỳ theo hạng người như thợ thuyền làm ra đồng tiền dễ, thì đóng nhiều hơn, dân cày ít tiền thì đóng ít. Nhưng ai cũng phải đóng.
Vì Quốc tế có chi bộ khắp cả 5 châu, và hội viên rất đông, nhất là ở Nga, cho nên chỉ hội phí góp lại cũng đã khá nhiều.
Quốc tế lại đem tiền ấy làm ra hoa lợi, như mở sở cày, làm hát bóng, mở nhà buôn, sở đánh cá, vân v.. Phần nhiều những công cuộc này đều là ở Nga. Chỉ một chỗ đánh cá ở Atrakan mỗi năm đánh được 4-5 triệu kilô cá.
Tiền bán ra đều để dành để giúp đỡ cho thế giới cả.
4. Quốc tế này đối với cách mệnh có ích gì?
Như nước An Nam gặp lúc vỡ đê vừa rồi, hay những khi đại hạn và lụt. Nếu Quốc tế biết, chắc có giúp đỡ. Song:
1. Là vì dân ta chưa ai biết đến mà kêu van;
2. Là Pháp sợ Quốc tế làm cho dân ta biết cách thân ái và liên hợp của vô sản giai cấp trong thế giới;
3. Nó sợ tuyên truyền cách mệnh cho nên nó hết sức giấu dân ta không cho biết rằng trong thế giới có một hội như thế và ngăn trở Quốc tế ấy lọt vào đến An Nam.
Cái gì Pháp ghét, tất là có ích cho An Nam.
Còn như việc cách mệnh, Quốc tế này cũng giúp được nhiều. Xem như khi dân Nga đói, nhờ Quốc tế này mà không đến nỗi oán Chính phủ cách mệnh. Thợ thuyền Nhật nhờ Quốc tế này mà khôi phục được công hội lại mau. Thợ thuyền Đức nhờ Quốc tế này mà cứ việc phấn đấu, vân v., thì biết rằng Quốc tế này sẽ có ích cho cách mệnh An Nam nhiều.

QUỐC TẾ CỨU TẾ ĐỎ
1. Quốc tế cứu tế đỏ là gì?63
Quốc tế giúp đỡ thì cứu tế cho dân bị tai nạn, và cũng cứu tế cho những người chính trị phạm nữa. Quốc tế cứu tế đỏ thì chuyên môn giúp đỡ cho chính trị phạm mà thôi.
Bây giờ là hồi tranh đấu; vô sản thì tranh đấu với tư bản, dân bị áp bức thì tranh đấu với đế quốc chủ nghĩa. Tư bản và đế quốc chủ nghĩa về một phe, vô sản và dân bị áp bức về một phe. Hai phe ấy cũng như hai quân đội đánh nhau. Quân đội cách mệnh thì theo cờ Đệ tam quốc tế. Quân phản cách mệnh thì theo cờ bọn nhà giàu. Đánh nhau thì chắc có người phải bắt1), người bị thương, người bị chết. Quốc tế cứu tế đỏ là như cái nhà thương để săn sóc cho những người bị thương, giùm giúp cho những người bị bắt, trông nom cho cha già mẹ yếu, vợ dại con thơ của những người đã tử trận cho cách mệnh.
2. Quốc tế cứu tế đỏ lập ra bao giờ?
Năm 1923, Đệ tam quốc tế khai đại hội, có hội "bị đày chung thân" và hội "những người cộng sản già" đề nghị, và Đệ tam quốc tế tán thành lập ra Quốc tế cứu tế đỏ. Trước hết lập ra Tổng bộ tại Nga. Bây giờ nước nào cũng có Chi bộ. (Chỉ có An Nam chưa).
Nga bây giờ có 50.000 phân bộ và 9 triệu hội viên. Tất cả công nhân và nhiều dân cày vào hội ấy, hoặc vào từng người, hoặc cả đoàn thể. Tất cả các người cộng sản và cộng sản thanh niên đều phải vào hội ấy.
Khi mới lập ra, ba tháng đầu đã quyên được 300.000 đồng. Bốn tháng sau thì quyên được 4.000.000 đồng. Ở tỉnh Quảng Đông, Tàu mới lập Chi bộ được 6 tháng mà đã được 250.000 hội viên.
Xem thế thì biết Quốc tế ấy phát triển rất chóng.
3. Quốc tế giúp cách thế nào?
Khi những người cách mệnh hoặc bị đuổi, hoặc bị bắt, hoặc bị tù, hoặc bị chết, thì Quốc tế giúp đỡ:
1. Chính trị;
2. Kinh tế;
3. Vật chất;
4. Tinh thần.
a) Giúp chính trị: Như có người bị bắt, bị giam, thì Quốc tế sức1) cho các Chi bộ khai hội và tuần hành thị uy. Như vừa rồi có hai người cách mệnh Ý bị bắt tại Mỹ, toan phải án chết, Quốc tế sức chẳng những là thợ thuyền Mỹ làm như thế, mà lại nước nào, xứ nào có lĩnh sự2) Mỹ thì thợ thuyền đều khai hội tuần hành và tuyên ngôn rằng: Nếu Chính phủ giết hai người ấy, thì thợ thuyền Mỹ bãi công, và thợ thuyền thế giới sẽ tẩy chay Mỹ. Mỹ thấy vậy thì không dám làm tội hai người ấy.
b) Giúp kinh tế: Hễ bị giam thì thường ăn uống cực khổ, còn vợ con cha mẹ ở nhà thì không ai nuôi. Quốc tế gửi tiền cho để mua đồ ăn trong nhà giam và giúp cho người nhà ít nhiều để khỏi phải đói rách. Như vậythì những người bị giam cầm đã khỏi cực khổ quá, mà lại vui lòng. Hoặc Quốc tế xuất tiền thuê thầy kiện để chống án cho. Hoặc gửi áo quần sách vở cho.
c) Giúp tinh thần: Hoặc phái người hoặc gửi thơ đến thăm.
1. Người ở giam biết rằng mình tuy hy sinh cho quần chúng mà quần chúng không quên mình, thế thì trong lúc bị giam đã không buồn sau được khỏi1) lại càng hết sức.
2. Là người ta biết rằng mình tuy phải giam một nơi, nhưng công việc cách mệnh vẫn cứ phát triển, vẫn có người làm thế cho mình.
4. Cách mệnh An Nam nên theo Quốc tế này không?
Nên lắm. Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả. Đã là đồng chí, thì sung sướng cực khổ phải có nhau. Huống gì, dân An Nam là đương lúc tranh đấu với đế quốc chủ nghĩa Pháp, chắc là về sau sẽ có nhiều người cách mệnh phải hy sinh, phải khốn khổ, phải cần anh em trong thế giới giúp giùm.

CÁCH TỔ CHỨC CÔNG HỘI
1. Tổ chức công hội làm gì?
Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới.
Đi lại không phải là bữa này người A có giỗ chạp thì người B tới ăn; mai người B có cúng quảy lại mời người C tới uống rượu. Nhưng đi lại để bày vẽ cho nhau điều khôn lẽ phải, để giao hoán trí thức cho nhau.
Nghiên cứu chẳng những là giở sách vở, giở báo ra giảng; nhưng phải bàn bạc cách phấn đấu với tư bản và đế quốc chủ nghĩa1).
Sửa sang cách sinh hoạt như lập hiệp tác xã, mở hội học, hội chơi cho công nhân, vân vân.
Giữ gìn lợi quyền là khi hội đã có thế lực rồi, thì đòi thêm tiền công, bớt giờ làm, vân vân.
Giúp cho quốc dân và thế giới là đem lực lượng thợ thuyền cách mệnh làm cho ai cũng được bình đẳng tự do như thợ thuyền Nga đã làm từ năm 1917.
2. Cách tổ chức công hội thế nào?
Tổ chức có hai cách, cách nghề nghiệp và cách sản nghiệp.
Nghề nghiệp là ai làm nghề gì thì vào hội nghề ấy. Như thợ may vào hội may, thợ rèn vào hội rèn.
Sản nghiệp là bất kỳ nghề gì, hễ làm một chỗ thì vào một hội. Như việc xe lửa, người đốt than, người sơn xe, người phát vé, người coi đường, người cầm máy; tất cả nhập vào một công hội xe lửa.
Tổ chức theo cách sản nghiệp thì mạnh hơn, vì thống nhất hơn. Thí dụ khi xe lửa muốn bãi công, nếu hội là sản nghiệp thì hội viên đều phải bãi công hết, thì tư bản sợ hơn. Nếu hội là nghề nghiệp, thì có khi người đốt lửa bãi công mà người cầm máy không, hoặc người phát vé bãi công mà người làm ga không, thế thì sức bãi công yếu đi.
3. Một người công nhân có thể vào hai hội không?
Không. Nếu hội ấy là nghề nghiệp, thì chỉ những người đồng nghề nghiệp được vào; ai đã vào hội sản nghiệp rồi thì không được vào hội nghề nghiệp nữa. Thí dụ: xe lửa đã tổ chức theo sản nghiệp, mấy người thợ việc1) đã vào hội ấy rồi. Trong xứ ấy lại có một hội thợ mộc khác, những người thợ mộc trong hội xe lửa2) không được vào.
Trong một nghề hoặc một sản nghiệp cũng không được lập hai hội.
Nhưng mà một công hội có phép vào hai tổng công hội. Thí dụ: Hội xe lửa Hà Nội đã vào Tổng công hội xe lửa An Nam lại vào tổng công hội ta nào3).
Nói tóm lại là đoàn thể thì có phép vào nhiều tổng công hội mà từng người thì chỉ được vào một hội mà thôi. Nếu giới hạn này không nghiêm thì sau hay bối rối.
4. Công hội với chính đảng khác nhau thế nào?
Công hội chú trọng mặt kinh tế hơn. Đảng chú trọng mặt chính trị hơn. Ai là thợ thuyền thì được vào hội, dù tin Phật, tin đạo, tin cộng sản, tin vô chính phủ, tin gì cũng mặc, miễn là theo đúng quy tắc hội là được.
Đảng thì bất kỳ người ấy làm nghề gì, thợ thuyền hay là dân cày, học sinh hay là người buôn, miễn là người ấy tin theo chủ nghĩa đảng, phục tùng phép luật đảng1) thì được vào.
Ai vào cả đảng và hội, chính trị thì theo đảng chỉ huy, mà kinh tế thì theo công hội chỉ huy. Đảng viên ai cũng phải vào hội để mà tuyên truyền chủ nghĩa của đảng. Nhưng không phải hội viên nào cũng vào được đảng.
5. Cái gì là hệ thống của công hội?
Hệ thống là cách tổ chức ngang hay là dọc.
Ngang là như trong một tỉnh có hội thợ rèn, hội thợ may, hội thợ mộc, hội thợ nề, vân vân, tất cả các hội tổ chức thành tỉnh tổng công hội; hội nào cũng bình đẳng, bằng ngang nhau.
Dọc là như mỗi huyện có một hội thợ may, 4, 5 hội huyện tổ chức một hội thợ may tuyền tỉnh, tất cả hội thợ may trong mấy tỉnh tổ chức một hội thợ may cả nước. Ấy là dọc, nghĩa là từ dưới lên trên.
Đã ngang lại dọc, thế thì theo mệnh lịnh tổng công hội ngang hay là tổng công hội dọc? Nếu quan hệ về sản nghiệp thì theo mệnh lịnh dọc. Nếu quan hệ về địa phương thì theo mệnh lịnh ngang.
6. Muốn hội vững bền thì phải tránh những việc gì?
Đã vào công hội thì:
1. Nên bỏ giới hạn xứ sở, nghĩa là chớ phân biệt người này là Trung Kỳ, người kia là Nam Kỳ, người nọ là Bắc Kỳ. Và cũng không nên chia ra người An Nam, người Tàu hay là người nước nào. Đã một nghề, một hội tức là anh em cả, phải xem nhau như người một nhà.
2. Đàn ông, đàn bà đều phải bình đẳng.
3. Chớ có bỉ thử1) mình khéo hơn, lương cao hơn, mà khinh người vụng và ăn tiền ít.
4. Chớ cậy mình là nhiều tuổi mà muốn làm đàn anh.
5. Chớ cho bọn tư bản vào hội.
7. Phải tổ chức thế nào cho kiên cố?
Công hội là cơ quan của công nhân để chống lại tư bản và đế quốc chủ nghĩa, cho nên tổ chức phải nghiêm nhặt, chỉ huy phải mau mắn, làm việc phải kín đáo. Muốn được như thế thì phải tổ chức như quân đội.
Quân lính thì có đội ngũ.
Thợ thuyền phải có tiểu tổ, chi bộ.
Thí dụ: Trong tỉnh có 5 nhà máy dệt vải, mỗi nhà máy phải có một chi bộ. Trong mỗi chi bộ lại chia làm mấy tiểu tổ; mỗi chi bộ phải cử 3 hoặc 5 người làm uỷ viên; (phần nhiều nên cử những người làm trong lò đã lâu, thuộc tình hình nhiều) mỗi tiểu tổ phải cử tổ trưởng. Mỗi tiểu tổ không được quá 10 người.
Tiểu tổ theo mệnh lịnh chi bộ, chi bộ theo tỉnh hội, tỉnh hội theo quốc hội2). Có thứ tự như thế thì trong hội có mấy mươi vạn người chỉ huy cũng dễ, và hành động cũng nhất trí.
8. Tiểu tổ làm những việc gì?
Cây có nhiều rễ mới vững, hội có nhiều tiểu tổ mới bền. Tiểu tổ phải:
1. Huấn luyện và phê bình anh em;
2. Thi hành những việc hội đã định;
3. Bàn bạc việc hội;
4. Điều tra tình hình trong lò máy;
5. Đề nghị những việc hội nên làm;
6. Thu hội phí;
7. Báo cáo những việc làm cho chi bộ, để chi bộ báo cáo cho tỉnh bộ, vân vân.
Chi bộ nhiều người khó khai hội, khó xem xét. Tiểu tổ ít người, làm gần nhau, quen biết nhau, cho nên xem xét, huấn luyện, làm việc và khai hội dễ bí mật hơn và mau mắn hơn. Tiểu tổ là có ích như thế. Vả lại, nếu Chính phủ cấm công hội, mà tiểu tổ khéo tổ chức, thì công hội cứ tiến bộ, cứ làm việc được. Vậy cho nên người ta gọi tiểu tổ là gốc của hội.
9. Thứ tự trong công hội thế nào?
Tiểu tổ lên chi bộ.
Nếu trong tỉnh nhiều lò máy, 4, 5 chi bộ tổ chức một bộ uỷ viên (4, 5 lò ấy mỗi lò cử 1 hoặc 2 người).
Bộ uỷ viên lên tỉnh hội.
Tỉnh hội lên quốc hội.
Ấy là thứ tự tổ chức. Còn quyền bính thì về dự hội, nghĩa là tất cả hội viên khai hội bàn định. Nếu hội viên nhiều quá, khai hội không tiện thì định mấy người cử một đại biểu dự hội, ấy là đại biểu đại hội. Đại hội nghị định việc gì, thì chấp hành uỷ viên hội phải thi hành. Khi hội tan thì quyền về chấp hành uỷ viên hội.
Đại biểu đại hội trong tỉnh một tháng khai hội một lần. Đại biểu đại hội trong nước, một năm một lần.
Đại biểu nên cử công nhân làm, không nên cử những người chức việc1) trong hội. Khi khai hội, đại biểu phải báo cáo tình trạng và ý kiến của công nhân (không phải ý kiến riêng mình), đề nghị và bàn bạc các việc. Khai hội rồi, phải về báo cáo việc hội cho công nhân.
10. Có việc gì thì giải quyết thế nào?
Từ tiểu tổ đến đại hội đều theo cách dân chủ tập trung. Nghĩa là có việc gì thì ai cũng được bàn, cũng phải bàn. Khi bàn rồi thì bỏ thăm, ý kiến nào nhiều người theo hơn thì được. Ấy là dân chủ. Đã bỏ thăm rồi, thì giao cho hội uỷ viên làm, khi ấy thì tất cả hội viên phải theo mệnh lịnh hội ấy. Ấy là tập trung. Ai không nghe lời thì uỷ viên hội có quyền phạt.
Gặp việc bất thường không kịp khai hội, thì uỷ viên có quyền xử trí, sau báo cáo cho hội.
Gặp việc bất thường lắm, thì hội uỷ viên cứ phép giao quyền cho một người, người này có quyền độc đoán, việc rồi2) báo cáo với hội.
11. Sao hội viên phải nộp hội phí?
Có hội thì có phí tổn, như thuê nhà, bút mực, vân vân, ấy là thường phí, hội viên phải gánh. Lại có bất thường phí, như để dành phòng lúc bãi công hoặc giúp những hội khác bãi công, hoặc giúp đỡ những người trong hội mất việc làm, hoặc làm các việc công ích, vân vân. Nếu hội không tiền thì làm không được. Cho nên hội viên phải "góp gió làm bão".
Khi hội có tiền thừa thãi, thì nên làm những việc này:
1. Lập trường học cho công nhân;
2. Lập trường cho con cháu công nhân;
3. Lập nơi xem sách báo;
4. Lập nhà thương cho công nhân;
5. Lập nhà ngủ, nhà tắm, nhà hát;
6. Mở hiệp tác xã;
7. Tổ chức công binh1), đồng tử quân2), vân vân. Phải xem hoàn cảnh mà làm, chớ cho tư bản và đế quốc chủ nghĩa chú ý. Hội tiêu tiền phải rất phân minh, cho hội viên đều biết. Hội phí không nên thu nặng quá; phải theo sức hội viên.
12. Cách tổ chức bí mật thế nào?
Khi hội được công khai, các tiểu tổ cũng phải giữ bí mật. Khi không được công khai, thì phải mượn tiếng hợp tác xã, trường học, hoặc câu lạc bộ (nhà xéc) vân vân, che mắt người ta. Ở Tàu, ở Nhật nhiều nơi thợ thuyền lập nhà bán nước, ngoài thì bán bánh bán nước, trong thì làm việc hội. Thợ thuyền vào uống nước ăn bánh, và bàn việc; cho nên ma tà mật thám không làm gì được. Có nơi lại giả hội cúng tế hoặc hội chơi, vân vân để che cho công hội.
Lại khi mới gây dựng ra hoặc ở nơi thợ thuyền ít, phải tuỳ cơ ứng biến, không nhất định cứ theo cách thường.
Đại khái cách tổ chức công hội phải thống nhất, bí mật, nghiêm nhặt, thì hội mới vững vàng.

TỔ CHỨC DÂN CÀY
1. Vì sao phải tổ chức dân cày?
Nước ta kinh tế chưa phát đạt, trong 100 người thì đến 90 người là dân cày. Mà dân cày ta rất là cực khổ, nghề không có mà làm, đất không đủ mà cày, đến nỗi cơm không đủ ăn, áo không có mặc.
Xem như Trung Kỳ, tất cả chừng 5.730.000 người dân mà chỉ có chừng 148.015 mẫu ruộng.
Trước năm 1926, Tây đồn điền đã chiếm mất 62.000 mẫu. Từ năm 1926, 175 thằng Tây đồn điền lại chiếm hết:
1.982 mẫu ở Thanh Hoá,
35.426 mẫu ở Nghệ An,
17.076 mẫu ở Nha Trang,
13.474 mẫu ở Phan Thiết,
92.000 mẫu ở Kon Tum,
67.000 mẫu ở Đồng Nai.
Như thế thì dân ta còn ruộng đâu nữa mà cày!
2. Tây đồn điền choán ruộng cách thế nào?
Chúng nó dùng nhiều cách. Như tháng 6 năm 19221), 20 thằng Tây rủ nhau xin Chính phủ Tây mỗi thằng 3.0002) mẫu trong lục tỉnh. Xin được rồi nhóm cả lại thành ra 60.000 mẫu, 19 thằng bán lại cho 1 thằng.
Tháng 8 năm 1926, nhà ngân hàng Đông - Pháp xin 30.000 mẫu, trong đám đất ấy đã có 6 làng An Nam ở. Khi nhà ngân hàng xin được rồi thì nó đuổi dân ta đi.
Nam Kỳ bị Tây đồn điền chiếm mất 150.000 mẫu ruộng tốt.
Phần thì Tây đồn điền cướp, phần thì các nhà thờ đạo chiếm. Các cố đạo chờ năm nào mất mùa, đem tiền cho dân cày vay. Chúng nó bắt dân đem văn khế ruộng cầm cho nó và ăn lời thiệt nặng. Vì lời nặng quá, đến mùa sau trả không nổi, thì các cố xiết ruộng1) ấy đem làm ruộng nhà thờ.
3. Chính phủ Pháp đãi2) dân cày An Nam thế nào?
Tư bản Tây và nhà thờ đạo đã choán gần hết đất ruộng, còn giữ được miếng nào thì Chính phủ lại đánh thuế thiệt nặng, mỗi năm mỗi tăng. Như mỗi mẫu ruộng tốt mỗi năm tất cả hoa lợi được chừng 25 đồng, Tây nó đã lấy mất 2 đồng 5 hào thuế, nghĩa là 10 phần nó lấy mất một.
Nếu tính tiền thuê trâu bò, mua phân tro, mướn làm, tiền ăn uống, thì mỗi mẫu mỗi năm đã hết chừng 30 đồng. Nghĩa là dân cày đã lỗ mất 5 đồng, mà Chính phủ lại còn kẹp3) lấy cho được 2 đồng rưỡi.
Chẳng thế mà thôi. Dân ta cày ra lúa mà không được ăn. Đến mùa thuế thì bán đổ bán tháo để nộp thuế. Tây nó biết vậy thì nó mua rẻ để nó chở đi bán các xứ, mỗi năm nó chở hết 150 vạn tấn. Nó chở đi chừng nào, thì gạo kém chừng ấy, thì dân ta chết đói nhiều chừng ấy.
4. Bây giờ nên làm thế nào?
Sự cực khổ dân cày An Nam là:
1. Ruộng bị Tây choán hết, không đủ mà cày.
2. Gạo bị nó chở hết, không đủ mà ăn.
3. Làm nhiều, được ít, thuế nặng.
4. Lại thêm nước lụt, đại hạn, vỡ đê, mất mùa.
5. Đến nỗi chết đói, hoặc bán vợ đợ con, hoặc đem thân làm nô lệ như những người nó chở đi Tân thế giới.
6. Nào là chính trị áp bức (thử hỏi dân cày ta có quyền chính trị gì?), văn hoá áp bức (dân cày ta được mấy người biết chữ, trong làng được mấy trường học?).
Nếu dân cày An Nam muốn thoát khỏi vòng cay đắng ấy, thì phải tổ chức nhau để kiếm đường giải phóng.
5. Cách tổ chức dân cày thế nào?
Cách tổ chức đại khái như sau:
1. Bất kỳ đàn ông đàn bà, từ những người tiểu điền chủ cho đến những dân cày thuê cày rẽ, từ 18 tuổi trở lên thì được vào. (Những người đại địa chủ, mật thám, cố đạo, say mê rượu chè, cờ bạc và a phiến1) thì chớ cho vào hội).
2. Ai vào phải tình nguyện giữ quy tắc hội, và phải có hội viên cũ giới thiệu.
3. Làng nào đã có 3 người tình nguyện vào hội thì tổ chức được một hội làng, 3 làng có hội thì tổ chức hội tổng, 3 tổng có hội thì tổ chức hội huyện, 3 huyện có hội thì tổ chức hội tỉnh, 3 tỉnh có hội thì tổ chức hội nước.
4. Còn cách khai hội, tổ chức các bộ làm việc, tuyển cử, đề nghị, giải quyết, báo cáo thì cũng như công hội.
6. Hội dân cày nên đặt tiểu tổ hay không?
Dân cày trong làng không xúm xít đông đúc như thợ thuyền trong lò máy, cho nên hội dân cày làng thế cho tiểu tổ; người uỷ viên thế cho tổ trưởng cũng được.
Uỷ viên bên thì chỉ huy cho hội viên làm việc, bên thì thi hành mệnh lịnh từ thượng cấp truyền đến, bên thì báo cáo việc đại hội với hội viên, bên thì báo cáo công việc hội viên với đại hội.
Các hội viên thì phải:
1. Kiếm hội viên mới;
2. Điều tra cách ăn làm và các việc trong làng;
3. Đề xướng làm các hợp tác xã;
4. Hết sức mở mang giáo dục, như lập trường, tổ chức nhà xem sách, vân vân;
5. Khuyên anh em dân cày cấm rượu, a phiến, đánh bạc;
6. Đặt hội cứu tế, vân vân.
Nói tóm lại là kiếm làm những việc có ích cho dân cày, có lợi cho nòi giống.
7. Nếu không có tiểu tổ sao giữ được bí mật?
Ấy là nói về lúc bình thường, có lẽ công khai được. Nếu lúc phải giữ bí mật, thì:
1. Phải dùng cách tiểu tổ;
2. Chớ gọi là hội dân cày, nhưng gọi là phường lợp nhà, phường đánh cá, phường chung lúa, vân vân để mà che mắt thiên hạ. Vả trong làng xã An Nam hiện bây giờ cũng có nhiều phường hội như thế, muốn tổ
chức dân cày thì nên theo hoàn cảnh mà lợi dụng những phường ấy. Cốt làm sao cho người ngoài đừng chú ý là tốt.
Khi hội đã vững, hội viên đã đông, lại nên đặt các bộ chuyên môn1) như:
Bộ tập thể thao;
Bộ cải lương nghề cày cấy2);
Bộ người cày thuê (đi cày thuê gặt mướn cho người ta, mình không có đất ruộng trâu bò gì cả);
Bộ người cày rẽ;
Bộ thủ công nghiệp (thợ thuyền trong làng tuy không cày ruộng, hoặc nửa cày nửa thợ, cũng phải cho vào hội dân cày);
Bộ thanh niên, bộ phụ nữ, bộ giáo dục, vân vân.
8. Có nông hội rồi đã khỏi những sự cực khổ nói trên chưa?
Sự tự do, bình đẳng phải cách mệnh mà lấy lại, hội nông là một cái nền cách mệnh của dân ta. Nếu thợ thuyền và dân cày trước tổ chức kiên cố, sau đồng tâm hiệp lực mà cách mệnh thì sẽ khỏi những sự cực khổ ấy. Dẫu chưa cách mệnh được ngay, có tổ chức tất là có ích lợi. Như mỗi năm Tây nó bắt dân ta hút 150 vạn kilô a phiến, nó lấy 1.500 vạn đồng lời. Nó bắt ta mua 173.000.000 lít rượu, nó lấy 1.000 triệu phrăng lời.
Nó vừa lấy lời vừa làm cho ta mất nòi mất giống. Nếu dân cày tổ chức mà khuyên nhau đừng uống rượu, đừng hút a phiến, thì đã cứu được nòi giống khỏi mòn mỏi, mỗi năm lại khỏi đem 1.000.000.000 phrăng và 15.000.000 đồng bạc cúng cho Tây. Tây nó áp bức ta vì ta không thương yêu nhau, vì ta ngu dốt. Có hội hè rồi trước là có tình thân ái, sau thì khuyên nhau học hành. Chúng ta đã biết "cách mệnh" tinh thần, "cách mệnh" kinh tế, thì "cách mệnh" chính trị cũng không xa.

HỢP TÁC XÃ64
1. Lịch sử.
Hợp tác xã đầu hết1) sinh ra ở bên Anh. Năm 1761, mấy người thợ dệt vải rủ nhau lập ra một cái hội "làm vải cho tốt và bán giá trung bình trong làng xóm".
Năm 1777, một hội khác lập ra. Sau còn nhiều hội lập ra nữa, nhưng chẳng được lâu.
Năm 1864, một hội mới lại lập ra được 999 đồng vốn. Đến năm 1923, thì hội này có 5.673.245 đồng vốn và tiền buôn bán đi lại được 47.777.000 đồng, 14 chiếc tàu, và 5.000 mẫu vườn chè (trà), 6 người đại biểu làm Hạ nghị viện, 4.580.623 người hội viên.
Hợp tác xã bây giờ bên Nga lớn nhất, thứ hai đến Anh (tiêu phí hợp tác2)), thứ ba Pháp (sinh sản hợp tác3)), thứ tư Đan Mác4) (nông dân hợp tác), thứ năm Đức (ngân hàng hợp tác5)).
Ở Nhật có một hội khi mới lập chỉ có 1.840 đồng vốn cách 8 năm đã có 370.000 đồng.
2. Mục đích.
Tuy cách làm thì có khác nhau ít nhiều, nhưng mục đích thì nước nào cũng như nhau. Mục đích ấy thì trong lời tuyên ngôn của hợp tác xã Anh đã nói: "Cốt làm cho những người vô sản giai cấp hoá ra anh em. Anh em thì làm giùm nhau, nhờ lẫn nhau. Bỏ hết thói tranh cạnh. Làm sao cho ai trồng cây thì được ăn trái, ai muốn ăn trái thì giùm vào trồng cây".
Hồi bây giờ tư bản và đế quốc chủ nghĩa bá tước1) dân chẳng sót cách gì, chúng nó lấy tiền dân trở lại áp bức dân, chúng nó đã rán sành ra mỡ, lại còn "lấy gậy thầy đánh lưng thầy" cho nên hợp tác xã trước là có ích lợi cho dân, sau là bớt sức bóp nặn của tụi tư bản và đế quốc chủ nghĩa.
3. Lý luận.
Tục ngữ An Nam có những câu: "Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó" và "Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây nhóm lại thành hòn núi cao". Lý luận hợp tác xã đều ở trong những điều ấy. Nếu chúng ta đứng riêng ra, thì sức nhỏ, mà làm không nên việc. Thí dụ mỗi người mang một cái cột, một tấm tranh ở riêng mỗi người một nơi, thì lều chẳng ra lều, nhà chẳng ra nhà.
Nhóm những cột ấy, tranh ấy, sức ấy, làm ra một cái nhà rộng rãi bề thế rồi anh em ở chung với nhau. Ấy là hợp tác.
Lại thí dụ 10 người muốn ăn cơm, mỗi người riêng một nồi, nấu riêng một bếp, nấu rồi ăn riêng; ăn rồi ai nấy dọn dẹp riêng của người nấy, thế thì mất biết bao nhiêu củi, nước, công phu và thì giờ.
Hợp tác xã là "góp gạo thổi cơm chung" cho khỏi hao của, tốn công, lại có nhiều phần vui vẻ.
4. Mấy cách hợp tác xã.
Hợp tác xã có 4 cách:
1. Hợp tác xã tiền bạc2);
2. Hợp tác xã mua;
3. Hợp tác xã bán;
4. Hợp tác xã sinh sản.
Trước khi nói rõ những hợp tác ấy là thế nào, chúng ta phải biết rằng:
a) Hợp tác xã khác hội buôn, vì hội buôn lợi riêng, hợp tác xã lợi chung.
b) Hợp tác xã tuy là để giúp đỡ nhau, nhưng không giống các hội từ thiện. Vì các hội ấy có tiêu đi mà không làm ra, và giúp đỡ bất kỳ ai nhưng có ý bố thí, hợp tác xã có tiêu đi, có làm ra, chỉ giúp cho người trong hội, nhưng giúp một cách bình đẳng, một cách "cách mệnh" ai cũng giúp mà ai cũng bị giúp1).
5. Hợp tác xã tiền bạc.
Hay là ngân hàng của dân; dân cày và thợ thuyền chung vốn lập ra:
1. Hội viên thiếu vốn làm ăn (vay về tiêu xài thì không cho) thì đến vay được lời nhẹ;
2. Hội viên có dư dật ít nhiều, thì đem đến gửi, được sinh lợi.
Dân nghèo, người có mà góp thì ít, người muốn vay thì nhiều, vậy thì thế nào lập được ngân hàng? Muốn lập được phải có ba điều:
a) Tiền vốn - Nếu 1 người bỏ vào một đồng, 1.000 người đã được 1.000 đồng. Có 1.000 vốn, lưu thông khéo thì cũng bằng 10.000 đồng.
b) Lưu thông - Nếu mỗi người giữ lấy một đồng, thì 1.000 đồng ấy cũng tiêu mất. Nếu góp lại, tháng đầu cho A vay 100 hẹn 6 tháng trả; tháng 2 cho B vay 100 vân vân, chuyển đi mãi, lưu thông mãi, cả lời đến vốn, mỗi tháng mỗi nhiều, và giúp được hội viên cũng mỗi ngày một nhiều thêm.
c) Tín dụng - Làm có bề thế cho người ta tín dụng1), thì giao dịch dễ. Vậy thì vốn tuy ít mà dùng được nhiều.
6. Hợp tác xã mua.
Nhà nào cũng không làm đủ đồ dùng được, chắc phải đi mua. Mua nhiều (mua sỉ)2) thì chắc rẻ hơn mà đồ tốt hơn. Mua lẻ thì đắt mà đồ thì xấu. Nhưng thợ thuyền và dân cày lấy tiền đâu mà mua sỉ? Mua được, một nhà dùng cũng không hết. Cho nên phải chịu thua thiệt mãi.
Nếu nhiều nhà góp lại, mua sỉ về chia nhau, thì đã được rẻ, đồ lại tốt lại khỏi mất thì giờ.
Thí dụ: Mỗi thùng (dầu lửa giá 3 đồng, được 50 lít. Nhà buôn mua về kiếm cách pha phết thành ra 53 lít. Dân mỗi nhà phải có một người xách chai đi chợ mua mỗi lít phải trả một hào, dầu đã xấu, thắp lại mau hết. Tính lại nhà buôn lời:
1 cái thùng 0đ20
23 lít dầu 2đ30
Cộng cả 2đ50
53 nhà dân lỗ: 2đ50 và 53 giờ đồng hồ.
Nếu 53 nhà ấy góp nhau phái một người đi mua một thùng, thì đã khỏi mất 2đ50, lại lời được 53 giờ. Đem 53 giờ ấy làm việc khác, lại càng lời nữa.
7. Hợp tác xã bán.
Mua càng nhiều càng rẻ, bán càng nhiều càng đắt. Mua càng ít càng đắt, bán càng ít càng rẻ. Ai cũng biết như vậy. Nhưng dân nghèo có đồ đâu mà bán nhiều. Vả lại khi đã đem rổ khoai thúng lúa đi chợ, thì đắt rẻ cũng muốn bán cho xong, không lẽ mang đi mang về mãi. Phần thì sợ mất công, phần thì sợ mất thuế, phần thì sợ hao mòn. Nhà buôn biết vậy, lại càng bắt bí trả rẻ.
Lại thí dụ: 53 nhà có 53 thúng lúa, cho 53 người đem đi bán, phải nộp 53 lần thuế; đong đi đong lại đổ tháo mất 53 nắm, nhà buôn bắt bí trả rẻ mất 53 xu (mỗi thúng một xu). Giời nắng, 53 người phải uống 53 xu nước, vân v.. Tính lại, thua thiệt biết chừng nào.
Nếu 53 nhà ấy có hợp tác xã bán, thì lời biết bao nhiêu!
8. Hợp tác xã sinh sản.
Hợp tác này là để giúp nhau làm ăn. Thí dụ: Dân cày mỗi nhà có một con bò, phải có một thằng bé chăn, phải có một cái ràn1), lôi thôi biết chừng nào? Lại như những nhà không có, mùa cày phải thuê trâu. Mỗi nhà phải tự sắm lấy cày, bừa, cuốc, liềm, vân v., khi cày mẻ, cuốc cùn chưa có tiền mua thì phải ngồi chịu. Nếu chung nhau mua trâu, mua đồ cày, ai dùng đến thì phải nộp ít nhiều, như thế há chẳng hơn sao?
Lại như trồng ra bông; nhưng không có bàn đánh bông, không có đồ kéo sợi, phải đem bông bán rẻ. Nếu góp nhau làm hợp tác xã, mua đủ đồ mà làm, thì công ít mà lợi nhiều.
Nói tóm lại là hợp tác xã rất có lợi cho nên dân các nước làm nhiều lắm. Thử xem các hàng buôn sở dĩ mà giàu có, chẳng qua nó bớt ngược bớt xuôi của dân. Hợp tác xã là để cho khỏi bị hàng buôn ăn bớt.
9. Nhà buôn lấy lời.
Nhà buôn kiếm được lời là vì người làm ra đồ và người dùng đồ, người mua và người bán cách xa nhau, phải nhờ nhà buôn đứng giữa, nó đã ăn lời khi mua, lại ăn lời khi bán. Thí dụ: Ngoài Bắc là xứ trồng chè, trong Nam là hay uống chè. Nhưng dân Bắc không đem vào Nam bán, dân Nam không ra tới Bắc mua.
Mấy nhà có chè đem bán cho A, hàng chè trong tổng; A đem bán lại cho B, buôn chè trong phủ, ăn lời một lần. B lại đem bán cho phố C ở tỉnh, ăn lời 2 lần. C bán cho công ty Đ Hà Nội, ăn lời 3 lần. Công ty Đ bán cho công ty E Sài Gòn, ăn lời 4 lần. Công ty E lại bán cho nhà buôn F các tỉnh, ăn lời 5 lần. Nhà buôn F bán sỉ cho phố G các phủ, ăn lời 6 lần. G bán lẻ cho H, ăn lời 7 lần. H bán lẻ cho người uống, ăn lời 8 lần.
Thế là người làm ra chè thua thiệt, người uống chè cũng thua thiệt. Nếu có hợp tác xã thì tránh khỏi những điều ấy.
10. Cách tổ chức.
Không phải làng nào cũng phải lập mỗi làng mỗi hợp tác xã. Cũng không phải mỗi làng phải lập cả mấy hợp tác xã. Cũng không phải có hợp tác xã này thì không lập được hợp tác xã kia. Chẳng qua theo hoàn cảnh nơi nào lập được hợp tác xã nào, và có khi hai hợp tác xã - mua và bán - lập chung cũng được.
Nếu nhiều nơi đã lập thành hợp tác như nhau, thì các hợp tác xã ấy nên liên lạc với nhau, thế lực càng mạnh hơn. Hoặc khi hai hợp tác xã tính chất khác nhau, thì cũng nên liên kết, như một hợp tác xã mua và một hợp tác xã bán.
Hợp tác xã chỉ có hội viên mới được hưởng lợi, chỉ có hội viên mới có quyền, nhưng những việc kỹ thuật như tính toán, xem hàng hoá, cầm máy, vân v., thì có phép mướn người ngoài.
Đã vào hội thì bất kỳ góp nhiều góp ít, vào trước vào sau, ai cũng bình đẳng như nhau.
------------------------

1) Trích trong cuốn Làm gì? của V.I. Lênin (BT).
1) Trắc đạc: đo đạc (BT).
2) Cách vật cách mệnh: sinh vật cách mệnh (BT).
3) Sinh hoá: nảy nở và biến đổi (BT).
1) Cuộc Minh Trị duy tân từ năm 1868 (BT).
2) Giành lấy chính quyền (BT).
3) Cuộc nội chiến ở Mỹ kéo dài từ năm 1861 đến năm 1865 giữa các tập đoàn tư sản công nghiệp miền Bắc và các tập đoàn chủ nô miền Nam (BT).
1) Đồng phrăng Pháp (BT).
2) Giai cấp bị áp bức cách mệnh, tức là giai cấp bị áp bức làm cách mạng (BT).
3) Nay là nước Triều Tiên (BT).
1) Công nông là người chủ cách mệnh, tức là công nhân và nông dân là lực lượng nòng cốt, là đội quân chủ lực của cách mạng (BT).
1) Giảng giải lý luận và chủ nghĩa, tức là giảng giải lý luận cách mạng và chủ nghĩa Mác - Lênin (BT).
2) Tức là không biết nắm thời cơ cách mạng (BT).
3) Dân thường bị chia rẽ (do âm mưu của bọn thực dân là chia rẽ để dễ cai trị) (BT).
1) 48 tỉnh: 48 bang. Khi cách mạng tư sản Mỹ bùng nổ (1776), ở Mỹ có khoảng 3 triệu dân với 13 bang (BT).
1) Cách mạng tư sản là cuộc cách mạng không triệt để (BT).
1) Kẻ phản bội Tổ quốc (BT).
2) Quân đội cách mạng Pháp thành lập năm 1793, gồm phần lớn là nông dân và thợ thủ công nghèo. Họ không được trang bị quần ngắn như quân đội của bọn quý tộc (BT).
1) Chỉ cuộc cách mạng tư sản Pháp lần thứ hai, nổ ra tháng 2-1848 (BT).
2) Tức là Chính phủ của nhân dân (BT).
3) Cơ sở sản xuất (BT).
1) Culít: Cảnh sát (BT).
2) Tước đoạt (BT).
1) Kẻ theo chủ nghĩa cơ hội (BT).
1) Tức là phải chịu luồn cúi bọn nhà giàu (BT).
1) Các Mác (BT).
2) Năm 1894, V.I. Lênin tham gia vào các nhóm mácxít Nga ở Pêtécbua. Năm 1895, Người hợp nhất các nhóm mácxít đó lại thành Liên minh chiến đấu giải phóng giai cấp công nhân. Đó là bước chuẩn bị cho việc thành lập chính đảng của giai cấp công nhân Nga (BT).
1) Bọn cải lương, thoả hiệp (BT).
1) Khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) nổ ra (BT).
2) Tin dùng (BT).
1) Thực hiện chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới (BT).
2) Thành công triệt để (BT).
3) Lại ra sức giúp đỡ công nông các nước và nhân dân bị áp bức ở các thuộc địa (BT).
4) Thì phải lấy dân chúng (BT).
1) Bóc lột (BT).
2), 3), 4) Trong nguyên bản thường viết là Đệ 3, Đệ 1, Đệ 2 (BT).
1) Nước Ai Cập (BT).
2) Các nước nằm trên Bán đảo Bancăng, gồm: Anbani, Bungari, Nam Tư, Hy Lạp, một phần Thổ Nhĩ Kỳ (BT).
1) Chủ nghĩa Mác mà Quốc tế thứ nhất đi theo (BT).
2) Trong điều kiện tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản, giai cấp tư sản không đủ sức duy trì sự thống trị của chúng bằng phương pháp nghị trường được nữa, mà phải dùng đến những chính sách phát xít: độc
tài, khủng bố cùng với chính sách mị dân. Để thực hiện các chính sách đó, giai cấp tư sản ở một số nước đã lập ra những đảng phát xít (BT).
1) Đến lúc cùng đường (BT).
1) Nay là nước Iran (BT).
1) Nay là nước Inđônêxia (BT).
1) Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha - những nước nói tiếng Latinh (TG).
2) Chủ nghĩa cải lương chủ trương công hội nên giúp đỡ chính đảng nhưng không nên chịu sự lãnh đạo của chính đảng (BT).
1) Những công nhân bị bọn tư sản mua chuộc (BT).
1) Nước Hà Lan (BT).
1) Kế hoạch Đaoxơ (BT).
1) Lúc đó ở Việt Nam chưa thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản (BT).
1) Na Uy (BT).
1) Lúc bãi công gần thắng lợi rồi mới đem về (BT).
1) Bị bắt (BT).
1) Chỉ thị (BT).
2) Lãnh sự quán (BT).
1) Nên hiểu là được trả tự do (BT).
1) Câu này hiểu như sau: Nghiên cứu chẳng những là giở sách vở, giở báo ra giảng, mà còn phải bàn bạc cách đấu tranh với bọn tư bản và đế quốc chủ nghĩa (BT).
1) Công nhân các nghề trong ngành xe lửa (BT).
2) Công hội xe lửa (BT).
3) Câu này hiểu là: Hội xe lửa Hà Nội đã vào Tổng công hội xe lửa Việt Nam, còn có thể vào một tổng công hội khác (BT).
1) Điều lệ Đảng (BT).
1) So sánh, so kè (BT).
2) Công hội toàn quốc (BT).
1) Chức việc: Người có chức vị. Ở đây nên hiểu là không cử người có chức vị trong bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến (BT).
2) Xong việc rồi (BT).
1) Ở đây có thể là đội tự vệ (BT).
2) Một tổ chức của thiếu niên, nhi đồng (sau này Đảng ta đã thành lập tổ chức này vào những năm 1930-1931) (BT).
1), 2) Số này trong nguyên bản bị mờ (BT).
1) Một hình thức tước đoạt ruộng đất để trừ vào tiền cho vay (BT).
2) Đãi: đối xử với... (BT).
3) Bắt ép, bắt chẹt (BT).
1) Thuốc phiện (BT).
1) Các ban chuyên môn (BT).
2) Ban cải tiến nghề cày cấy (BT).
1) Đầu tiên (BT).
2) Hợp tác xã tiêu thụ (BT).
3) Hợp tác xã sản xuất (BT).
4) Nước Đan Mạch (BT).
5) Hợp tác xã vay mượn hay còn gọi là hợp tác xã tín dụng (BT).
1) Bóc lột (BT).
2) Hợp tác xã vay mượn hay hợp tác xã tín dụng (BT).
1) Nên hiểu là ai cũng được giúp đỡ khi khó khăn và có trách nhiệm giúp đỡ người khác (BT).
1) Tín dụng là công việc của ngân hàng về cho vay và nhận tiền gửi. Đoạn nói về tín dụng ở đây hiểu là: Cần phải làm cho có bề thế để người ta tin tưởng khi gửi tiền và vay tiền (BT).
2) Tác giả dùng từ này theo nghĩa từ địa phương mua buôn hay mua nhiều (BT).
1) Cái chuồng (BT).

Các tin khác
Xem tin theo ngày