TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Ý thức toàn cầu và vai trò của triết học trong việc xây dựng ý thức toàn cầu
Ngày cập nhật 15/04/2009

Toàn cầu hoá là một xu thế tất yếu, khách quan, nó vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực đặt ra cho tất cả các quốc gia, dân tộc cả những vận hội lẫn những thách thức. Việc nhận thức những vấn đề toàn cầu đòi hỏi phải có ý thức toàn cầu.

Ý thức toàn cầu, theo tác giả, có các đặc trưng:

  1. Phản ánh uy thế của các giá trị toàn nhân loại,
  2. Nó phải được chỉnh lý một cách căn bản trong sự tự ý thức của từng dân tộc cũng như của từng cá nhân,
  3. Có tính khoa học cao, để xây dựng ý thức toàn cầu, triết học đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Vai trò này thể hiện ở hai chức năng cơ bản của nó: chức năng thế giới quan và chức năng phương pháp luận.

 

Ngày nay, tốc độ phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật, tính đa phương trong sự giao tiếp của các nền văn hoá ngày càng được hệ thống hoá, sự phát triển ngày càng mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng đã làm giảm đáng kể những hạn chế trong giao tiếp về không gian và thời gian. Tất thảy các nhân tố đó và những nhân tố khác đã làm xuất hiện một loạt vấn đề toàn cầu, đến lượt mình, những vấn đề này đã làm biến đổi một cách căn bản hoàn cảnh sống của nhân loại. Đó là những vấn đề nảy sinh từ những mâu thuẫn của bình thức vận động xã hội, cũng như từ những điều kiện tồn tại toàn vẹn của chúng trong một chỉnh thể thống nhất về không gian và thời gian. Nhận thức những vấn đề toàn cầu với tư cách hệ quả nảy sinh do sự tác động của những mâu thuẫn chính trị, kinh tế và văn hoá - xã hội đòi hỏi phải có ý thức toàn cầu - sự phản ánh những đặc trưng riêng của loài người về tồn tại xã hội. Để có được ý thức toàn cầu như là quan niệm và nhận thức mới về thế giới ở trình độ hệ tư tưởng, đòi hỏi phải có những nỗ lực lớn của từng quốc gia, khu vực và toàn thế giới.

Ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, có thể nói, ngày càng rõ rệt đặt ra cả những mặt tích cực lẫn tiêu cực, cả thuận lợi lẫn thách thức. Để nhận thức đúng đắn quá trình đó, các nước cần phải điều chỉnh ý thức cá nhân, cũng như ý thức xã hội của dân tộc mình, trước hết là ý thức chính trị, thậm chí phải cải tạo cả những thể chế chính trị của mình ở khả năng và phạm vi có thể cho phù hợp với đòi hỏi của xu thế toàn cầu hoá, hình thành nên những quan điểm mới về an ninh quốc tế và chủ quyền quốc gia, áp dụng một cách uyển chuyển các chuẩn mực luật pháp quốc tế vào đời sống xã hội. Việt Nam cũng cần phải chủ động xây dựng cho mình ý thức toàn cầu để khi tham gia vào quá trình toàn cầu hoá, con người Việt Nam có đủ năng lực ứng xử và cùng nhân dân thế giới giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề toàn cầu đã, đang và sẽ tiếp tục nảy sinh.

Ý thức là trạng thái của đời sống tâm lý con người, nó được biểu hiện trong trải nghiệm chủ quan về các sự kiện của thế giới bên ngoài và của đời sống từng cá nhân. Triết học cận đại đã xác định ý thức như là tự ý thức, tức là quá trình mà ở đó, cái Tôi nhận ra sự liên đới trực tiếp của mình với tri thức về thế giới. Nói cách khác, khi con người tiếp cận được với cả thế giới bên ngoài lẫn bản thân nó trong ý thức, thì ý thức đó được gọi là tự ý thức. Các nghiên cứu về ý thức hiện đại trong lĩnh vực triết học, trong tâm lý học cũng như trong các khoa học khác về con người đã chỉ ra rằng, "cái Tôi cá nhân là sản phẩm văn hoá - lịch sử và vì thế, sự thống nhất của ý thức mà cái Tôi đó tạo ra không phải là thứ sẵn có từ trước. Không phải sinh học, không phải những đặc thù về hoạt động của bộ não, cũng không phải trạng thái tâm lý quy định sự thống nhất của ý thức. Sự thống nhất đó bị quy định bởi cái Tôi với tư cách chủ thể có trách nhiệm trước hoạt động và hành vi của mình. Vì vậy, sự thống nhất của ý thức với cái Tôi được xây dựng trong những điều kiện văn hoá - lịch sử cụ thể. Tình hình văn hoá và xã hội hiện nay là mối hiểm hoạ đối với sự thống nhất của cái Tôi và ý thức".

Ý thức, trước hết, mang tính cá nhân, song trong ý thức bao giờ cũng có nội dung mà mọi người, hoặc cao hơn là các nhóm xã hội, đều có. Khi các nhu cầu, mục đích, của các cá nhân, cộng đồng xã hội nào đó định hướng vào nội dung ý thức của một chủ thể xác định thì đó là lúc bộc lộ sự đồng tâm và đồng tư tưởng giữa các chủ thể. Theo văn cảnh như vậy thì ý thức không còn mang tính cá nhân, mà mang tính xã hội.

Ý thức xã hội là yếu tố cần thiết cho sự hoạt động của các nhóm xã hội riêng biệt cũng như của toàn thể xã hội. Mặt khác, toàn bộ hệ thống xã hội chỉ có thể hoạt động một cách ổn định khi nội dung của ý thức xã hội, trên một quy mô lớn, được tái tạo thường xuyên và phù hợp với hệ thống đó. Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, ý thức của một cộng đồng xã hội xác định không thể không tái tạo, biến đổi cho phù hợp với đòi hỏi của xu thế tất yếu khách quan - sự giao lưu và hội nhập. Sự tái tạo và cấu trúc lại ý thức xã hội của một nhóm, một dân tộc tất yếu phải là sự bứt phá của ý thức xã hội đó ra khỏi phạm vi hạn hẹp trước đây để trở thành ý thức toàn cầu.

Vậy, ý thức toàn cầu có những nét đặc trưng nào?

Thứ nhất, điểm chủ yếu của ý thức toàn cầu phản ánh uy thế của các giá trị toàn nhân loại vượt lên trên các giá trị của khu vực, dân tộc và giai cấp. Ở đây, cần làm rõ nội hàm của giá trị để chỉ ra giá trị toàn nhân loại.

Theo Từ điển bách khoa thư triết học xuất bản năm 1970 của Liên Xô, tập 5, mục từ “Giá trị", thì "giá trị là khái niệm” dùng để chỉ, một là, ý nghĩa tích cực hoặc tiêu cực của một khách thể nào đó, không xét theo tính hiện sinh và mặt phẩm chất của nó, (tức là những giá trị mang tính vật thể), hai là, phương diện chuẩn mực, đánh giá mang tính định trước về các hiện tượng của ý thức xã hội (tức những giá trị chủ quan). Các giá trị vật thể gồm: cái tất và cái xấu của tự nhiên, thuộc của cải thiên nhiên và sự tàn phá tự phát, giá trị tiêu dùng của các sản phẩm lao động (nói chung là những gì cần thiết, có lợi cho cuộc sống), mặt tốt và mặt xấu của xã hội thuộc các hiện tượng xã hội, ý nghĩa tiến bộ hoặc phản động của các sự kiện lịch sử, di sản văn hoá của quá khứ biểu hiện dưới dạng tài sản của thế hệ đương đại, ý nghĩa của chân lý khoa học, cái thiện và cái ác của đạo đức trong hoạt .động của con người, những đặc trưng thẩm mỹ của các khách thể tự nhiên và xã hội cũng như của các tác phẩm nghệ thuật. Các giá trị chủ quan gồm: những thiết định xã hội, những mệnh lệnh và cấm đoán, các mục đích và dự án được phản ánh dưới hình thức các quan niệm chuẩn mực (về thiện và ác, công bằng, đẹp và xấu, về ý nghĩa của lịch sử và vai trò của con người trong việc xác định lý tưởng, chuẩn mực, nguyên tắc hành động).

Định nghĩa này đã gây ra sự tranh luận mà mục đích của các cuộc tranh luận là nhằm làm chính xác hoá khái niệm "giá trị". Vấn đề đặt ra là: 1) Nếu giá trị mang tính hai mặt, thì giá trị toàn nhân loại là gì? 2) Có phải ý nghĩa nào cũng trở thành giá trị?

Dù đứng trên lập trường nào đi nữa thì những hiện tượng diễn ra trong đời sống xã hội, như cái ác, sự mất công bằng xã hội hoặc phản động chính trị, đều bị xem là phản giá trị. Trong đời sống xã hội, đôi khi một hiện tượng diễn ra đối với dân tộc này là ác, nhưng đối với dân tộc khác, khu vực khác lại là cái lợi, và ngược lại, khi xem xét cái thiện cũng phải đặt nó trong mối tương quan như vậy. Cho nên, việc xác định thế nào là giá trị không thể xuất phát từ cái có ý nghĩa nói chung, mà phải xét từ lợi ích toàn nhân loại, liên quan đến sự tồn tại của toàn thể loài người và sự phát triển bền vững của nó, tức là đến tiến bộ xã hội. Chúng tôi cho rằng, một định nghĩa về giá trị được chấp nhận phổ biến là định nghĩa xuất phát từ ý nghĩa tích cực, chứ không phải từ ý nghĩa mang tính nhị nguyên của giá trị. Tuy nhiên, dù bằng cách nào đi thì ý nghĩa tiêu cực vẫn tiếp tục tồn tại ý thức toàn cầu, hơn bao giờ hết, phải trách nhiệm định hướng giá trị cho nhân loại vì chính sự tồn tại của nhân loại. Giá trị toàn nhân loại là giá trị phổ biến nhất mà mỗi cá nhân con người, dân tộc trên hành tinh này phải trân trọng nó phải được đặt lên trên giá trị dân tộc khu vực.

Nếu bỏ qua điểm này thì ý thức toàn cầu sẽ mất đi giá trị của nó. Tuy nhiên, dù có tạo ra được ý thức toàn cầu đi chăng nữa thì cộng đồng thế giới vẫn là một cộng đồng đa sắc tộc và những mâu thuẫn nảy sinh tính đa sắc tộc đó không bao giờ được giải quyết một cách triệt để. Vấn đề là ở chỗ, làm thế nào để những mâu thuẫn đó không trở thành những xung đột, đe dọa cuộc sống của nhân loại trên toàn hành tinh,.

Đặt giá trị toàn nhân loại lên trên giá trị dân tộc, khu vực thể hiện lý tưởng và mục đích cao cả của cuộc sống con người. Song, thực hiện việc đó không dễ, thậm chí có vẻ là ảo tưởng trong một thế giới đầy sự phức tạp như hiện nay. Ngay cả những nước phát triển, luôn kêu gọi thực hiện những vấn đề nhân văn, nhân quyền... vẫn không tỏ ra thiện chí khi tham gia vào việc giải quyết những vấn đề toàn cầu. Thêm nữa, sự đụng độ chính trị và kinh tế giữa các cường quốc vẫn tiếp tục diễn ra, mâu thuẫn gay gắt giữa phương Bắc và phương Nam đang có nguy cơ biến thành sự xung đột nguy hiểm, căng thẳng trong quan hệ giai cấp chủng tộc ở nhiều nước, nhiều khu vực đang tồn tại. Ý thức toàn cầu không thể thủ tiêu được những mâu thuẫn khách quan đó mà cùng lắm, chỉ gạt nó sang một bên để đảm bảo sự hợp tác trên tinh thần xây dựng của tất cả các nước và các dân tộc trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu đang đe dọa toàn thể loài người.

Một khi trong quan niệm của mọi người về thế giới mà mình đang có mặt ở đó như là ngôi nhà chung, thì những mâu thuẫn khách quan luôn xuất hiện, tồn tại không phụ thuộc vào ý chí và ý thức của họ. Song, điều chắc chắn mà mọi người trên hành tinh này có thể làm được là cùng nhau khắc phục những mâu thuẫn đó, tìm ra sự thống nhất và tất nhất, là tìm đến tiếng nói chung trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Nguyên lý "thà cả thế giới chết hết, còn hơn để mất sự công bằng” thực tế bị tước đi ý nghĩa nhân văn, bởi vì, sự công bằng, suy cho cùng, là để cho mọi người, vì con người. Tuy nhiên, khi thế giới đang bị các mối hiểm họa đe dọa như hiện nay, việc tuân thủ nguyên lý đó lại trở thành phạm tội. Công bằng cũng như mọi phạm trù khác có mặt trong đời sống xã hội chỉ mang tính tương đối. Tuyệt đối hoá nó, đề cao nó hơn cả vận mệnh của loài người là điều phi nhân tính, phi nhân văn. Trước hết, phải cứu lấy thế giới theo đúng nghĩa của nó - có thể nó là công bằng hoặc chưa được công bằng lắm, chỗ này đẹp còn chỗ khác lại xấu. Đó chính là nhiệm vụ quan trọng mà ý thức toàn cầu phải đảm nhận. Theo nghĩa đó mà gần đây, người ta gọi ý thức toàn cầu là tư duy chính trị mới. Nói tóm lại, ý thức toàn cầu cần phải trở thành đại chúng, chứ không phải chỉ có ở các nhà chính trị chuyên nghiệp.

Thế giới là một chỉnh thể hữu cơ, vì vậy, không thể bỏ qua một hành động bất thiện dù nhỏ, giản đơn của một cá nhân tưởng chừng không ảnh hưởng gì đến người khác và rộng hơn là đến quy mô toàn cầu. Đó là hành động liên quan đến quan hệ của con người với tự nhiên, quan hệ giữa con người với xã hội, giữa các cộng đồng...

Thứ hai, ý thức toàn cầu đòi hỏi phải được chỉnh lý một cách căn bản trong sự tự ý thức của từng dân tộc và quốc gia, kể cả trong sự tự ý thức của cá nhân con người. Trạng thái tâm lý chính trị vũ trụ, cảm giác mình là công dân của thế giới vốn bị nhạo báng trước đây, thậm chí còn bị tẩy chay, thì ngày nay, đã trở thành yếu tố hữu cơ của văn hoá chính trị.

Chính vì vậy mà mối quan hệ giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể đã có một bước tiến triển mới, trở thành giá trị của văn hoá xã hội mà con người lấy nó làm cơ sở cho hoạt động thực tiễn của mình. Như vậy, ưu thế của chủ nghĩa tập thể toàn cầu ngày càng được khẳng định, nó đi ngược lại với chủ nghĩa cá nhân từng thống trị ở các quốc gia và các dân tộc. Và, điều không thể khác được là để cứu lấy thế giới, sự đoàn kết toàn cầu từ nhân tố của ý thức cần trở thành thực tiễn toàn nhân loại. Sự chuyển dịch như vậy phản ánh xu thế đồng hướng của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể. Tuy nhiên, trong xu thế đó, không thể có sự chèn ép của tập thể đối với cá nhân.

Thứ ba, ý thức toàn cầu được đặc trưng bởi tính khoa học ở trình độ cao. Điều này thể hiện ở chỗ, không thể giải quyết được các vấn đề toàn cầu chỉ giản đơn bằng cách nhờ "tư duy lành mạnh", nhờ sự né tránh một cách khéo léo những mặt trái có thể xảy ra trong việc áp dụng những thành tựu mới nhất của các ngành khoa học. Tổ hợp phức tạp các vấn đề toàn cầu chỉ có thể được giải quyết trên cơ sở sử dụng toàn bộ tổ hợp tri thức khoa họe mà ngày nay, đang kết hợp lại thành các ngành đầu mối. Cụ thể, ý thức toàn cầu cần phải sử dụng những kết luận quan trọng của các khoa học liên ngành. Về phương điện này, có thể đưa ra ba giải pháp sau đây:

Một là, không nên can thiệp vào sự phát triển của các hệ thống tổ chức phức tạp (chẳng hạn hệ thống "xã hội - tự nhiên"), tất hơn là cần phải hiểu rằng, tại sao các xu hướng của những hệ thống đó lại diễn ra một cách tự nhiên và làm thế nào để các hệ thống vận hành một cách suôn sẻ nhất. Điều này đã được phản ánh trong tư tưởng triết học của Đạo gia, rằng con người phải tôn trọng, tuân thủ một cách tuyệt đối các quy luật của tự nhiên, coi đó là mệnh lệnh tối cao. Tuy nhiên, chủ trương "vô vi" mà Đạo gia đưa ra không thể áp dụng được cho thế giới hiện đại, bởi vì, trong quá trình hoạt động thực tiễn của mình, con người đã tiến hành cải tạo tự nhiên vì lợi ích trước mắt và lâu dài. Tổng kết lại quá trình hoạt động đó, con người giờ đây đã nhận thấy cái mất nhiều hơn cái được, đặc biệt xét trong bối cảnh toàn cầu. Chính vì vậy, việc tìm hiểu tính tự tổ chức của các hệ thống là nhiệm vụ quan trọng của khoa học hiện đại, nhằm bảo đảm sự đồng hướng và đồng tiến hoá của các hệ thống tổ chức phức tạp nói trên.

Hai là, về nguyên tắc, các hệ thống phức tạp luôn có một số đối chọn con đường phát triển. Do đó, sau việc nhận thức và phản bác phương án mà sách khải huyền (Kinh Tân ước về vận mệnh của thế giới và con người, thậm chí là những tiên tri đề cập đến "ngày tận thế của thế giới") đưa ra, là khả năng nhận thức việc sử dụng các thành tựu của tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tìm cho ra phương án phát triển tiếp theo sao cho phù hợp với nhu cầu đòi hỏi của con người và không làm tổn hại đến tự nhiên. Nói cách khác, cần làm thế nào để sự phát triển được duy trì một cách bền vững.

Khác với niềm tin tôn giáo, niềm tin khoa học có cơ sở vững chắc là thực nghiệm và kinh nghiệm. Mặt khác, những thành tựu của khoa học, công nghệ hiện đại đã cho phép đưa ra các dự báo khá chính xác về nhiều lĩnh vực của các hệ thống tổ chức phức tạp, song, hệ thống đó có phát triển bền vững theo hướng có lợi cho con người và tự nhiên hay không lại đòi hỏi phải có sự điều chỉnh cách nghĩ, cách làm của con người với tư cách công dân của thế giới đứng trước những vấn đề toàn cầu đang đặt ra.

Ba là, muốn tối ưu hoá các hệ thống phức tạp và điều hành các hệ thống đó thì không nên dùng sức mạnh, mà phải kiến tạo ra những chuỗi mắt xích tác động: những tác động nhỏ tới các hệ thống phức tạp nhưng chính xác, có tổ chức lại tỏ ra có hiệu quả. Ý thức nói chung và ý thức toàn cầu nói riêng có thể góp phần vào sự tác động nhỏ, nhưng hết sức tinh tế đó ở tính vượt trước, vượt lên trên ý thức cá nhân, ý thức của cộng đồng dân tộc của nó.

Từ những nội dung cơ bản nêu trên của ý thức toàn cầu, chúng ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, vai trò của triết học trong sự hình thành ý thức toàn cầu là không nhỏ. Triết học chính là thế giới quan, là tổng hoà các quan điểm của con người về thế giới nói chung và về mối quan hệ của nó với thế giới đó nói riêng. Bản chất của triết học được thể hiện ở những suy tư về các vấn đề phổ biến trong hệ thống "Thế giới - Con người". Từ đó cho thấy, vai trò của triết học trong việc xây dựng ý thức toàn cầu hiện nay thể hiện ở hai chức năng cơ bản của nó, chức năng thế giới quan và chức năng phương pháp luận. Chức năng quan trọng nhất trong các chức năng thế giới quan là chức năng nhân văn. Triết học không chỉ giúp con người có những phản tư chính xác về chính bản thân nó, tức ý nghĩa cuộc sống của nó, và mối quan hệ của nó với thế giới xung quanh, mà còn định hướng hoạt động cho con người, cho xã hội và cho cả loài người tránh được những sai lầm trong mối quan hệ "xã hội - tự nhiên".

Chức năng thứ hai trong chức năng thế giới quan là chức năng giá trị học - xã hội. Đó là chức năng xây dựng các giá trị, tức là nghiên cứu các quan niệm về giá trị, như chân, thiện, mỹ, công bằng, từ đó, đưa ra quan niệm về lý tưởng xã hội. Nguồn gốc của lý tưởng xã hội, theo P.I.Novogorodxev, một trong những người sáng lập trường phái triết học pháp quyền Mátxcơva đầu thế kỷ XX, là ở nhân cách sinh động của con người. Trong Về lý tưởng xã hội, ông viết: "Một nguyên tắc đương nhiên của nhân cách cần phải được quy về tư tưởng toàn nhân loại, về tình đoàn kết toàn thế giới... Lý tưởng xã hội có thể xem là nguyên tắc phổ quát cửa tự do". Theo chúng tôi, đây có thể được xem là quan điểm đúng đắn về vai trò mấu chốt của triết học trong sự hình thành ý thức toàn cầu.

Chức năng cơ bản tiếp theo là chức năng văn hoá - giáo dục. Đây là chức năng quan trọng trong việc hình thành nhân cách có văn hoá của con người: sự định hướng vào cái chân, cái thiện, cái mỹ. Triết học giúp con người tránh được sự hời hợt, thiển cận của loại tư duy thường nhật, hiểu được đúng hơn những mâu thuẫn và những diễn biến xảy ra trong thế giới để tìm cách giải quyết các mâu thuẫn đó một cách có hiệu quả.

Cuối cùng, một trong những chức năng thế giới quan khác cần được đề cập là chức năng phản ánh - thông tin. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của triết học là nghiên cứu thế giới quan trong sự phù hợp của nó với trình độ của khoa học hiện đại, với thực tiễn lịch sử và những đòi hỏi về mặt trí tuệ của con người. Cũng như một khoa học, triết học là một hệ thống thông tin năng động và phức tạp được thiết lập để tập hợp, phân tích và xử lý thông tin với mục đích tìm được thông tin mới.

Chức năng phương pháp luận cũng có những phương diện cơ bản liên quan đến khoa học. Đó là chức năng gợi mở, chức năng phối hợp, chức năng liên kết và chức năng logic - nhận thức luận.

Bất kỳ phương pháp nào của khoa học cũng có những khả năng lý luận nhận thức và logic của nó. Ngoài các giới hạn của những khả năng đó thì hiệu quả của nó bị suy giảm hoặc hoàn toàn bị mất. Phương pháp luận triết học theo quan hệ với các phương pháp của khoa học cụ thể, có nhiệm vụ thiết lập mối liên hệ logic giữa các nhóm phương pháp. Các khoa học cụ thể cần đến logic, nhận thức luận và các phương pháp luận chung của nhận thức. Chức năng đó do phép biện chứng với tư cách logic học đảm nhiệm. Nó tìm ra các phương tiện cho sự phản ánh một cách đầy đủ, chính xác nhất về bản chất của khách thể đang phát triển và không ngừng biến đổi.

Nói tóm lại, tương lai của loài người luôn là vấn đề thế giới quan và phương pháp luận quan trọng, còn dự báo xã hội luôn là mô hình tư tưởng về sự phát triển tiếp theo của loài người, tức là suy tư triết học về tương lai. Những luận chứng triết học là cực kỳ quan trọng về tính cần thiết của ý thức toàn cầu. Loài người đang đối mặt với những vấn đề toàn cầu bức xúc và do vậy, hơn bao giờ hết, triết học không chỉ là phương tiện đặc biệt, mà còn là sự cổ vũ tinh thần không thể thiếu để giải quyết các vấn đề đó.

Trần Nguyên Việt( Nguồn Tạp chí Triết học)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 8.558