TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Những luận điểm sai lầm trong mưu toan phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng
Ngày cập nhật 10/10/2013

 Càng đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước càng phải xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh toàn diện và chúng ta càng phải nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là con đường phát triển tất yếu của đất nước, của dân tộc trên lộ trình xã hội chủ nghĩa. Nói cách khác, đi ngược lại điều đó, chắc chắn sẽ chuốc lấy thất bại không tránh khỏi!

 
Những lầm lẫn, mơ tưởng và cổ xúy...

 Khép lại thế kỷ XX, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, cách mạng nước ta đã thu được những thành quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử trọng đại trên bình diện dân tộc và quốc tế, không ai và không gì có thể phủ nhận nổi. Dư luận quốc tế đánh giá: “Những thành tựu trong việc cụ thể hóa một con đường thích hợp quá độ lên chủ nghĩa xã hội không chỉ là tài sản vô giá của những người cộng sản Việt Nam mà còn là nguồn cảm hứng và tin tưởng đối với những người cộng sản và cách mạng trên toàn thế giới”, “khẳng định một cách vững chắc tiềm năng vĩ đại và sinh động của chế độ xã hội chủ nghĩa...; đồng thời là một tấm gương và kinh nghiệm quý giá đối với các nước chậm phát triển trong việc lựa chọn con đường tiến tới phồn vinh”; và tự nó “có ý nghĩa quốc tế, có tầm quan trọng lịch sử ở mức độ góp phần quyết định tương lai của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới”. Nguồn gốc của tất cả những thành quả đó “...chứng tỏ hùng hồn khả năng của Đảng các đồng chí trong việc xử lý những đổi thay ở trong nước, trong khu vực và trên thế giới, đồng thời giữ gìn bản sắc cách mạng cả về thực tiễn và lý luận”...

Song, chính ở thời điểm nhạy cảm này, khi chúng ta chuẩn bị nhìn lại nửa nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, và khi toàn Đảng, toàn dân ta và kiều bào ta ở nước ngoài dân chủ góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, lợi dụng những hạn chế, khiếm khuyết của chúng ta, hơn nữa trước những diễn biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình thế giới và khu vực đang tác động rất mạnh và sâu vào tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ và niềm tin của cán bộ, đảng viên, các thế lực chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội tiếp tục tấn công điên cuồng và hiểm độc vào Đảng ta, mưu toan bôi nhọ sự lãnh đạo của Đảng, từ đó nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhưng, khác với các lần trước, ở thời khắc này, họ ráo riết xuyên tạc, tập trung ngón đòn phủ định không chỉ ở những vấn đề chi tiết, cụ thể của Đảng ta mà tiếp tục rắp mưu thâm độc công phá vào rất nhiều vấn đề hết sức cơ bản, quan trọng, liên quan trực tiếp đến nền tảng tư tưởng lý luận, vận mệnh học thuyết mác-xít về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam.

Người ta cho rằng, sau 27 năm đổi mới, cơ cấu xã hội Việt Nam đã thay đổi, do đó, cơ cấu giai cấp công nhân cũng thay đổi theo và ngày một “teo đi”, “tính chất giai cấp công nhân vì thế không còn nữa”(!). Người ta “khuyên răn”: Đảng phải “thay đổi tính chất giai cấp công nhân của mình đi; nếu cứ khư khư giữ tính chất này, nhất định Đảng sẽ bị cô lập, khép kín”(!). Mặt khác, người ta cố lập luận rằng, trong nền kinh tế thị trường, “vấn đề tính đảng không còn ý nghĩa gì nữa”, “không cần tính đảng nữa”. Và vì thế, “không cần tới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nữa” (!)… Nói tóm lại, theo họ, Đảng Cộng sản Việt Nam phải từ bỏ bản chất giai cấp công nhân của mình đi; trong nền kinh tế thị trường, không cần tới sự lãnh đạo của Đảng theo kiểu đó nữa; thậm chí họ huỵch toẹt: Đảng phải hạ ngọn cờ lãnh đạo đất nước xuống (!).

Đường đã rõ, “... trăng cứ sáng và  đoàn người vẫn cứ  đi”

Sau 27 năm đổi mới toàn diện, trong sự chuyển động toàn diện và sâu sắc ấy của đất nước, cơ cấu xã hội - giai cấp cũng thay đổi đã in dấu ấn đậm nét lên sự thay đổi của giai cấp công nhân Việt Nam. Hơn nữa, sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cả về quy mô, tính chất và chiều sâu đã làm xuất hiện nhiều bộ phận lao động mới trong cơ cấu lao động xã hội. Nhất là, trong các ngành sản xuất do công nghệ mới đem lại đã làm thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc trạng thái và tính chất lao động của công nhân. Sự biến đổi đa chiều và đan xen lẫn nhau của cơ cấu xã hội - giai cấp và ngay trong cơ cấu của giai cấp công nhân, nhất là sự xuất hiện ngày càng tăng bộ phận công nhân “trí thức hóa”, sự đa dạng của các bộ phận công nhân khu vực nhà nước và ở các thành phần kinh tế khác, ranh giới giữa công nhân nông nghiệp với công nhân công nghiệp mờ dần... tất cả đã tạo nên một dung mạo mới và khuynh hướng phát triển với chất lượng mới của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Và, chính đây là vấn đề đã khiến cho những ai đó hoặc lóa mắt hoặc khiếm thị hoặc chỉ thấy bề mặt của hiện tượng ấy rồi chệnh choạng, và cho rằng, “cơ cấu của giai cấp công nhân thay đổi đã làm cho tính chất của nó không còn nữa”, do đó, đã làm cho “tính chất giai cấp công nhân của Đảng cũng thay đổi và không cần thiết nữa” (!).  

Chắc chắn mấy ai đó đều thừa hiểu một điều sơ giản là, vấn đề căn bản có tính quyết định sự khác biệt giữa đảng cộng sản chân chính khác với tất cả các chính đảng khác ở chỗ, nó mang bản chất giai cấp công nhân cách mạng, và mục tiêu tranh đấu tối cao của nó là, không ngừng đại đoàn kết đấu tranh nhằm giải phóng toàn thể nhân loại cần lao. Đây chính là bản chất của nó, là nguyên tắc bất di bất dịch đối với nó, là cương lĩnh hành động chính trị không hề giấu giếm của các đảng cộng sản và công nhân chân chính, khi nó mới ra đời, tồn tại, phát triển trong sự nghiệp tranh đấu không mệt mỏi vì lợi ích và công cuộc giải phóng của chính giai cấp công nhân cũng như toàn thể người lao động. 

Ngay từ buổi lọt lòng lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam đã mang trong mình dòng máu ấy như lẽ tự nhiên, như quy luật phát sinh, phát triển được kết tinh thành sứ mệnh cao cả và thiêng liêng mà lịch sử dân tộc và nhân dân ta giao phó: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chính điều căn bản này, qua trường kỳ cách mạng, đã tôi luyện, hun đúc nên bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, khả năng và sức mạnh chiến đấu mạnh mẽ không ngừng, là ngọn nguồn làm cho Đảng ta thực sự trở thành đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Lịch sử cách mạng nước ta, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đã chứng minh lý tưởng và khát vọng chiến đấu không mệt mỏi của Đảng trước toàn thể nhân dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế. Điều đó hoàn toàn đúng như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đảng ta là đứa con nòi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta. Và hơn 83 năm qua, Đảng vẫn đứng vững trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong vị thế là “đứa con nòi” một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Tối thiểu những điều đó cắt nghĩa vì sao, năm 1930, thuở Đảng ta vừa mới sinh thành trong cái nôi dân tộc có cơ cấu xã hội tới 95% số dân là nông dân, trong lúc giai cấp công nhân rất nhỏ bé, khoảng 22 vạn người, mà vẫn thực sự là một đảng của giai cấp công nhân chứ không phải là đảng của một giai cấp hay giai tầng nào khác đông đảo dù gấp trăm lần giai cấp công nhân. Vậy, thử hỏi, cơ cấu xã hội - giai cấp ở đây có nói lên điều gì quyết định không? Rõ ràng, không. Đội tiền phong chiến đấu của giai cấp công nhân - tức Đảng Cộng sản Việt Nam không vì thế thay đổi bản chất giai cấp của mình, khi Đảng đứng vững trên nền tảng tư tưởng chính trị là chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn nguyện và sự thật là “đứa con nòi của nhân dân lao động”, sống và chiến đấu trong lòng dân tộc, mà bất cứ ai cũng đều thấy. An-đrê Xau-va-rốt, cựu đại tá quân đội Mỹ, hiện là Giám đốc Phát triển kinh doanh Việt - Mỹ của Tập đoàn tư vấn Ma-ven-tút tại Việt Nam, đã thốt lên rằng: “Nếu biết Việt Nam trước chiến tranh, tôi chắc chắn sẽ đi theo cách mạng”.

Chỉ nhìn hẹp trong 27 năm đổi mới vừa qua, giai cấp công nhân không hề nhỏ bé đi, mà ngày càng phát triển không ngừng về số lượng theo quy mô, tốc độ ngày càng tăng và tính chất ngày càng sâu sắc của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên con đường xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, toàn bộ đội ngũ giai cấp công nhân Việt Nam có hơn 11,5 triệu người, gấp hơn 160 lần so với năm 1930; và xét về tỷ lệ cơ cấu xã hội - giai cấp, nếu năm 1930 giai cấp công nhân chiếm chưa đầy 1% số dân đương thời, thì năm 2012, tỷ lệ đó là hơn 12%. Về Đảng - đội tiền phong chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam - nếu ngày 3-2-1930, toàn Đảng chỉ có 211 đảng viên thì đến nay, Đảng ta có 3,7 triệu đảng viên, gấp 14.220 lần năm 1930. Và, chất lượng đội ngũ giai cấp công nhân nói chung, chất lượng đảng viên nói riêng, ngày càng được nâng cao trong tiến trình của công cuộc đổi mới đất nước theo hướng trí thức hóa công nhân, đến mức những người vốn thiếu thiện ý nhất đối với chúng ta cũng phải thừa nhận. Và điều quan trọng bậc nhất là, giai cấp công nhân được tổ chức hết sức chặt chẽ, thông qua các tổ chức của giai cấp công nhân, ở tất cả các thành phần kinh tế của đất nước, mà họ có mặt; ở tất cả các địa bàn đất nước và ở ngoài nước, được tập hợp thông qua các tổ chức của giai cấp công nhân, dưới ngọn cờ của đội tiền phong của chính nó, chứ không phải là sự tồn tại cục bộ, rời rạc theo kiểu tập hợp cơ học những “vô sản lưu manh”, những “công đoàn vàng” đã từng tồn tại ở nước này hay nước khác. Vậy là, vấn đề lượng hóa trong cơ cấu giai cấp - xã hội chung quanh giai cấp công nhân mà ai đó muốn tranh thảo, rõ ràng, không còn gì để bàn thêm.

Hơn nữa, tính tiên phong lãnh đạo trở thành đặc trưng của giai cấp công nhân Việt Nam được thể hiện tập trung ở đội tham mưu chiến đấu của nó là Đảng Cộng sản luôn không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn mình nhằm vươn lên ngang tầm công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đến lượt nó, giai cấp công nhân Việt Nam chủ động tôi luyện mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, dưới ngọn cờ của Đảng, qua đó lớn mạnh, và sự thật đã lớn mạnh vượt bậc và toàn diện. Và điều quan trọng nhất là, chưa khi nào chúng ta cả trong nhận thức lẫn hành động tỏ ra mơ hồ hay “lẫn lộn Đảng tức đội tiền phong của giai cấp công nhân với toàn bộ giai cấp”, như V.I. Lê-nin chỉ giáo. Nói cách khác, ai “lẫn lộn” về điều sơ giản đó, thì quả là một điều thảm hại. Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”. Đó là điều không một đảng phái nào khác trong lịch sử Việt Nam, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, có thể gánh vác nổi. Nhớ lại lịch sử, vào những năm 30 của thế kỷ XX, ở Việt Nam, có hàng loạt tổ chức đảng phái chính trị ra đời, như Hội Phục Việt (năm 1925),  Việt Nam Quốc dân đảng (năm 1927)... với rất nhiều cương lĩnh chính trị, nhằm bước lên chiếm lĩnh vũ đài lịch sử nhưng tất cả đều bị hạn chế bởi quan điểm của giai cấp tư sản và tầng lớp tiểu tư sản… nên khó thu phục được dân chúng, nên tất cả những ngọn cờ chính trị do họ giương lên đã nhanh chóng bị hạ xuống ngoài ý muốn của chính họ. Sứ mệnh lịch sử Việt Nam đã tin cậy trao trọn vẹn trọng trách lãnh đạo đất nước cho Đảng ta - “một đảng đại biểu cho vô sản giai cấp, một đảng duy nhất có thể giải quyết được các vấn đề quan hệ đến vô sản giai cấp, một đảng để lãnh đạo cho tất cả công cuộc cách mạng ở Việt Nam”.

Và, trên thực tế, suốt hơn 83 năm phấn đấu và hy sinh, Đảng ta đã và luôn tỏ rõ “là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất”. Vì hơn bất cứ một lực lượng chính trị nào, Đảng ta luôn luôn và mãi mãi phấn đấu: Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo. Và trên thực tế, Đảng ta tranh đấu, không vì và không có lợi ích nào khác, ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân và của dân tộc Việt Nam... Đó là nguồn gốc sức mạnh làm nên và bảo đảm tính tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam, mà đứng đầu là Đảng ta; làm giàu và sinh động hơn tính đảng cách mạng của chính giai cấp công nhân Việt Nam. Bài học sống còn từng xảy ra ở một số đảng tại các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô trước đây và một số đảng công nhân ở các nước tư bản những năm 90 của thế kỷ XX, càng làm cho chúng ta thấm thía điều sinh tử ấy. Cùng với việc các đảng này từ bỏ bản chất giai cấp công nhân, thì đồng thời mỗi đảng viên cũng đoạn tuyệt tính tiền phong cách mạng của mình. Tất cả dẫn tới việc họ tự xa rời bản chất cách mạng của mình, tự hủy hoại một cách thảm hại vai trò lãnh đạo đã từng có trong lịch sử một cách oanh liệt của chính họ. Từ rất lâu và nhất là hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam không giấu giếm khuyết điểm, hạn chế và đang kiên quyết thực thi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng...”, nhằm xây dựng, chỉnh đốn mình ngang tầm nhiệm vụ, cũng vì lẽ đó.

Vì vậy, mấy ai đó đi từ sự thiển cận “thay đổi cơ cấu xã hội - giai cấp của giai cấp công nhân”(!) nào đó một cách hình thức, rồi vội vàng võ đoán vu vơ về cái gọi là “tính chất giai cấp công nhân thay đổi”(!), “thay đổi tính chất giai cấp của Đảng”(!), ... thì xin họ tự ghi nhớ lấy rằng, nếu đó không phải là chuyện mù mờ của những người khiếm thị, sự hoang tưởng của những người mất trí thì cũng là chung ý nghĩ với mấy vị thích làm vĩ cuồng mà thôi. 

Tính tiên phong của một đảng cộng sản và công nhân chân chính trước hết phải được thể hiện ở tính đảng mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân. Đây là vấn đề căn bản, một nhân tố bất di bất dịch, một đặc trưng bản chất của đảng cộng sản và công nhân. Là một Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng; là sản phẩm của sự kết hợp hữu cơ giữa chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; hơn nữa, lại được nhân dân Việt Nam trao cho sứ mệnh lãnh đạo cách mạng nước ta, do đó, Đảng Cộng sản Việt Nam tự nó đã mang tính tiền phong cách mạng trong bản chất như một thuộc tính tự nhiên, tự nó đã mang tính nhân dân sâu sắctính dân tộc chân chính và tính quốc tế cao cả. Qua trường kỳ lịch sử hơn 83 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trải muôn vàn bão táp, bản chất ấy, vai trò lịch sử và sứ mệnh cách mạng vĩ đại ấy của Đảng không ngừng được khẳng định và phát triển; được lịch sử Việt Nam thừa nhận như một điều sinh tử, một lô-gích phát triển tất yếu của dân tộc Việt Nam; được nâng cao không ngừng và được nhân dân kiên quyết bảo vệ, tới mức không một lực luợng nào có thể phủ nhận nổi. Đó là điều khẳng định xuyên hai thế kỷ, với hơn 83 năm qua. Và đó cũng chính là quy luật phát triển, là nguồn gốc sức mạnh của Đảng được nuôi dưỡng trên nền tảng và quyện trong đạo lý truyền thống mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam, không thể gì cắt chia, không thể ai phá vỡ. Lại cũng bởi vì, Đảng ta là “đứa con nòi của nhân dân lao động” nước ta; cho dù chịu muôn vàn hy sinh, mất mát; dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, khó khăn, gian khổ đến đâu, có thể sai lầm ở mức độ này hay khác, Đảng vẫn kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vẫn bền bỉ “đứng vững trên nền móng của một đứa con nòi” một cách xứng đáng, được cả dân tộc Việt Nam bảo vệ, bầu bạn quốc tế tôn trọng, trong vị thế là người lãnh đạo cách mạng, người đày tớ thật trung thành của nhân dân lao động Việt Nam, người chiến sĩ cao cả của bầu bạn quốc tế, như bất cứ ai có thiện chí đều thấy.

Càng bước vào thời kỳ đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, chủ động ra “biển lớn” thì bản lĩnh chính trị đó, lương tâm và đạo lý đó của Đảng, hơn bao giờ hết, càng phải được giữ vững, nhân lên và trở nên mạnh mẽ không ngừng. Đó là tất yếu. 

Chúng ta phát triển kinh tế thị trường nhưng theo định hướng xã hội chủ nghĩa chứ không phải là thứ kinh tế thị trường tự do - cái mà giai cấp tư sản sử dụng nó để thao túng, lũng đoạn các xã hội tư bản, vì quyền lợi của chính nó; và để cướp đoạt giá trị thặng dư và bần cùng hóa những người lao động, như bất cứ ai cũng đều thấy. Đảng ta chủ trương phát triển kinh tế thị trường nhưng với mục đích trái lại, vì lợi ích của toàn thể nhân dân lao động, đồng thời chủ động chế ngự những mặt trái của nó nhằm bảo vệ và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Về mặt nhận thức, Đảng ta đặc biệt coi trọng sự thống nhất giữa mục tiêu và phương tiện trong tiến trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - với quyết định không hề do dự trong việc xem đây chính là  hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là, trong việc xây dựng các chính sách kinh tế, chúng ta không chỉ đơn thuần căn cứ vào mức độ thành công về kinh tế mà đồng thời luôn tính đến các phương thức thực hiện và các hệ quả của chúng đối với sự phát triển của xã hội. Việc phát triển kinh tế thị trường nhất thiết và trước hết phải được xem là một quá trình có tính chính trị và xã hội trước khi là một quá trình kinh tế và công nghệ đơn thuần, để tránh cái quy luật “cá lớn nuốt cá bé”, “kinh tế vì kinh tế”, “tiền vì tiền” một cách tàn khốc và đẫm máu như đã từng diễn ra dưới các xã hội tư bản. Đây là lợi thế so sánh tuyệt đối giữa chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, so với bất cứ một chế độ tư sản nào khác trên thế giới, cùng thực thi nền kinh tế thị trường. Con người giữ vị trí trung tâm của mọi sự phát triển, và mọi sự phát triển quay chung quanh con người, hướng tới và phục vụ con người; chứ không phải là điều ngược lại đang diễn ra ở nước này hay nước khác. Đó là bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa nước ta. Như thế, sao có thể nói một cách hồ đồ rằng, trong nền kinh tế thị trường, vấn đề tính đảng cộng sản không còn có ý nghĩa gì nữa (!), không cần đảng cộng sản nữa (!). Trái lại, hết sức cần, nếu không nói là một tất yếu khách quan, một nhu cầu nội tại trong bước phát triển của đất nước hiện nay, vì Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội, chứ không phải tạt ngang sang một chế độ chính trị nào khác; vì Việt Nam phát triển nền kinh tế thị trường nhưng theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chứ không phải kinh tế thị trường tự do. Về vấn đề này, trong bài “Những người cộng sản có cần kinh tế thị trường” trên trang web http://gazeta-pravda.ru, ông Pi-ốt Xvê-tốp đã góp phần kiến giải rất rõ ràng thay Việt Nam: Đảng Cộng sản Việt Nam trong một phần tư thế kỷ lãnh đạo công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu rõ rệt; Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang điều tiết thị trường vì lợi ích của nhân dân lao động, chứ không vì lợi ích của một nhóm các doanh nghiệp lớn hay các chủ ngân hàng. Tại khóa họp thứ 17 Hội động Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), bà M. Ca-mô-na, chuyên gia độc lập về nhân quyền và chống đói nghèo, đã hoan nghênh những bước tiến đầy ấn tượng của Việt Nam trong xóa đói, giảm nghèo, và khẳng định, Việt Nam đã bảo đảm tốt hơn các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cho người dân. Và, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông H. Ku-rô-đa, tại cuộc họp báo ngày 03-5-2011, ở Hà Nội, khẳng định: Việt Nam tiêu biểu cho bài học thành công trong phát triển và là tấm gương cho các nước đang phát triển khác trên toàn thế giới, sau một thập niên tăng trưởng nhanh và những thành tựu ấn tượng trong xóa đói, giảm nghèo.

Trên phương diện tổ chức thực tiễn, hơn 83 năm qua, nhất là 27 năm đổi mới đất nước, Đảng ta đã, đang có đầy đủ khả năng và hành động mạnh mẽ trên mọi phương diện để thực thi một tổng thể giải pháp về chính trị, kinh tế, xã hội... nhằm phát triển đúng đắn và hiệu quả nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mang bản chất giai cấp công nhân, thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, không ngừng đổi mới, lớn mạnh, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ quản lý toàn diện đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam, đang là mối quan tâm hàng đầu của cuộc đổi mới hệ thống chính trị nước ta. Sức mạnh của Nhà nước Việt Nam, hơn bao giờ hết, đang được hiện diện thông qua một tổng thể biện pháp từ kinh tế, hành chính, đến luật pháp, giáo dục, trong đó các biện pháp kinh tế và luật pháp giữ vai trò quan trọng nhất, đủ sức đáp ứng sự phát triển không ngừng cả về quy mô, tốc độ và chiều sâu vận động của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Qua đó và nhờ đó, sức mạnh, uy tín và năng lực lãnh đạo của Đảng đối với xã hội và trực tiếp đối với Nhà nước không ngừng được nhân lên. Đến lượt Nhà nước, nguyên nhân cơ bản trong mỗi bước trưởng thành của nó vì nhân dân và cho nhân dân, đều không thể thoát ly sự lãnh đạo của Đảng và đó là một bảo đảm, một nhân tố quyết định thắng lợi và lớn mạnh của chính Nhà nước trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chung quanh vấn đề này, Đài Truyền hình Cộng hòa Liên bang Đức 3 Sat nhận định, Việt Nam là một trong những nước có sự phát triển kinh tế kỳ diệu ở châu Á, là một trong các quốc gia thành công nhất trong xóa đói, giảm nghèo. Và, ông Gi. Bu-lê, Tham tán công sứ, Trưởng Ban Kinh tế và Thương mại Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam khẳng định: EU tự hào là đối tác chiến lược của Việt Nam trên tất cả các phương diện thương mại, đầu tư, kinh tế, chính trị và văn hóa.

Hơn nữa, không chỉ về mặt đối nội, trên bình diện đối ngoại, với phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, hiện nay, dưới ngọn cờ của Đảng, Nhà nước Việt Nam có mối quan hệ bang giao với hơn 170 nước, đặt mối quan hệ buôn bán với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới - một sự thật to lớn không ai không thấy. Và, Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ với hơn 200 chính đảng ở 115 nước trên khắp các châu lục, trong đó có hơn 40 đảng cầm quyền và gần 80 đảng có vị trí trong quốc hội/nghị viện các nước. Ông M. Ti-ta-ren-cô, Giám đốc Học viện Viễn Đông (Liên bang Nga) khẳng định: Công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn, giải quyết nhiều nhiệm vụ đặt ra, đặc biệt là các vấn đề xã hội; người dân được thụ hưởng nhiều thành quả của công cuộc đổi mới; và ông nhấn mạnh: Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra những quyết định mang tính bước ngoặt, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới ở Việt Nam. Chỉ nêu mấy điều sơ giản như thế là đủ, mà sao ai đó vẫn cố nhắm mắt đánh tráo sự thật, cả gan hồ đồ mà nói bừa rằng, “trong nền kinh tế thị trường, thực tế Đảng sẽ không còn tính đảng cộng sản nữa”(!) hoặc nếu cứ “nhấn mạnh tính tiên phong cách mạng của giai cấp công nhân sẽ làm cho Đảng ta bị cô lập, bị khép kín”(!)?

Vì vậy, càng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Đảng càng phải không ngừng giữ vững bản chất giai cấp công nhân, giữ vững tính đảng và vai trò tiên phong lãnh đạo xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng tăng lên như một tất yếu thép, một nhu cầu kép, xét từ cả hai phía: sự phát triển của đất nước gắn chặt với sự trưởng thành của chính bản thân Đảng và Nhà nước ta, đặt trên nền móng xây dựng và phát triển toàn diện đội ngũ công nhân Việt Nam. Chúng ta không úp mở và nỗ lực thực thi một cách kiên định và hiệu quả điều đó. 

Đến đây, có thể nói gọn mấy lời, khi những âm mưu xuyên tạc cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển của Đảng ta được ngụy trang, lấp liếm dưới vỏ bọc cái gọi là học thuật bị lột bỏ, khi những cái gọi là “luận đề chính trị” mà họ cố ra vẻ trương lên bị sụp đổ..., thì cũng là lúc họ tự lòi ra bản chất chống Đảng Cộng sản Việt Nam, là lúc tự họ phơi bày thủ đoạn phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và đi ngược lại ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam./.

Nhị Lê

Tạp chí Đảng cộng sản
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 6.557