TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Bác Hồ: Tầm nhìn chiến lược về xây dựng con người
Ngày cập nhật 03/03/2009

Đầu những năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định hằng tháng mời các Ủy viên Bộ Chính trị đến nhà sàn trong Phủ Chủ tịch để ăn bánh, uống chè, tiến hành phê bình và tự phê bình. Người bắt đầu là Chủ tịch. Việc này chỉ làm được vài lần, vì sau các Ủy viên Bộ Chính trị... không hào hứng. Người nói, thế là mất "cả bánh" lẫn "chè ngon"!... Chuyện đã qua cả nửa thế kỷ, nhưng ngẫm lại mới thấy, để xây dựng tính kỷ luật cho lãnh đạo không phải chuyện đơn giản, nếu mỗi người không biết tự nhìn lại chính mình.

1. Ý chí triệt để chống chủ nghĩa cơ hội, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, bợ dỡ, xu nịnh, mọi thói hư tật xấu ở đời và trong mỗi con người.

Hồ Chí Minh cho rằng, một dân tộc mà có nhiều người tham ô, lãng phí, quan liêu, thì không thể nói dân tộc ấy có chủ nghĩa yêu nước. Yêu nước là không tham ô, không lãng phí, mình vì mọi người, mọi người vì mình, sống hết mình vì sự nghiệp, vì công việc, làm tròn bổn phận của người xây dựng và người bảo vệ.

Nhiều nguời miệng ra rả nói này, nói nọ, nào là phải vì dân, thương dân, phục vụ nhân dân, nhưng nếu có ai đó đụng chạm đến quyền lợi, quyền lực của mình thì lồng lên như thú dữ. Có người tìm mọi cách luồn cúi, nịnh hót đến hèn hạ để được thăng quan, tiến chức. Có người bám thủ trưởng dai như đỉa đói cho đến khi chiếm được ghế ngồi. Loại người này rất dã tâm, thể hiện ở chỗ khi thủ trưởng mất ghế ngồi, thì họ sẵn sàng quay lại thủ trưởng mà dè bỉu, chê bai.

 

Trong thực tế đã có không ít người như thế. Trong lịch sử cũng đã diễn ra cái cảnh như thế. Tô Tần đã từng than thở khi không còn làm tể tướng: "Khi làm tể tướng đời thăng/ Rập rình xe ngựa lăng nhăng mấy thằng/ Thôi làm tể tướng đời khinh/ Ngồi buồn tự hỏi chút tình còn không?".

Có người dựa vào vị trí công tác "điều hành con người" để ban phát ghế ngồi cho thiên hạ để rồi thiên hạ cũng sẽ "ban phát" lại bằng vật chất cho mình. Sự "có đi có lại" đó sẽ mang lợi lộc cho cả hai. Có người thấy được những khuyết điểm của những người chung quanh, nhưng đành phải ngậm bồ hòn, vì họ biết rằng, nếu "đụng" đến người, nhất định sẽ bị người "đụng" đến mình, nên phải "dĩ hòa vi quý" để vinh thân, cầu an.

2. Tinh thần tự phê bình và phê bình

Quan điểm của Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình nhằm cốt để tự sửa mình và giúp nhau sửa chữa những khuyết điểm, thiếu sót, bảo đảm cho công việc ngày một tốt hơn. Phê bình còn giải quyết vấn đề mất đoàn kết nội bộ, làm cho nội bộ hiểu nhau hơn, thống nhất hơn.

Người yêu cầu tự phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm, nhưng không được dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc...

Nhìn vào tình hình thực tế, khâu kiểm điểm, phê bình và tự phê bình còn rất kém, mà nguyên nhân là đấu tranh nội bộ của một bộ phận đảng viên, nhất là những đảng viên giữa cương vị lãnh đạo, thiếu dũng khí và thiếu tinh thần thẳng thắng. Có những người cộng sản Việt Nam khi đối mặt với kẻ thù, rất có dũng khí, quyết liệt, không bao giờ chịu khuất phục, nhưng khi đối mặt với đồng chí của mình, thường e dè, nể nang, hữu khuynh...

Có một sự kiện đáng ghi nhớ: Đầu những năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định hằng tháng, vào ngày 30 và ngày rằm âm lịch, mời các Ủy viên Bộ Chính trị đến nhà sàn trong Phủ Chủ tịch để ăn bánh, uống chè, và tiến hành tự phê bình, phê bình, bắt đầu từ Chủ tịch. Làm được mấy lần, nhưng sau không tiếp tục được, vì các Ủy viên Bộ Chính trị... không hào hứng.

3. Tầm nhìn chính trị và đạo đức cách mạng, tư cách người cán bộ

Đạo đức Hồ Chí Minh được xây dựng trên tầm nhìn chính trị. Đó không phải là đạo đức phong kiến, đạo đức tư sản, mà là đạo đức mang sắc thái Việt Nam. Đạo đức đó phải thể hiện ở nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm, cần, kiệm, công bằng và bình đẳng.

Với Hồ Chí Minh: Người có nhân là người có tấm lòng nhân hậu, tình thương yêu, giúp đỡ đồng bào, đồng chí. Nhân là tâm và tâm là nhân.

Người có nghĩa là người có chí khí, lòng dạ ngay thẳng, không có tư tâm, tà tâm, không lắt léo, không uốn công cuộc đời, không luồn cúi, xu nịnh, xu thời. Trọng nghĩa là đức tính của con người.

Người có trí là người có đầu óc sáng suốt, trong sạch, biết xem người, biết xét việc, biết nhân tình thế thái mà liệu bề ứng xử.

Người có dũng là người dũng cảm, gan góc, có gan bảo vệ lẽ phải, có gan đấu tranh với những việc làm sai trái, không sợ khó, không sợ khổ, có gan chịu đựng để mưu cầu việc lớn.

Người có liêm là người không tham địa vị, tiền tài, sự quyến rũ mềm yếu, quan minh chính đại, sống cuộc đời liêm khiết, tử tế, đàng hoàng.

Cần là cần cù, cần mẫn trong công việc, chịu thương chịu khó, một nắng hai sương, lao động vì lợi ích chung và lợi ích riêng mình.

Kiệm là tiết kiệm, không xa hoa lãng phí, không tiêu xài bừa bãi, không lấy của công làm của riêng; tiết kiệm nhưng không bủn xỉn, cái gì đáng tiêu dù phải mất số tiền lớn cũng phải tiêu, cái gì không đáng tiêu dù chỉ là một đồng cũng không được tiêu.

Xây dựng một xã hội đạo đức, dân chủ, công bằng, văn minh, tiến bộ là lý tưởng sống của Hồ Chí Minh. Người lo sợ về một xã hội vô đạo đức, lo sợ cho một đội ngũ cán bộ vô đạo đức, thoái hóa, biến chất, vì vộ đạo đức sẽ đẻ ra biết bao tai họa mà chính Người đã được chứng kiến nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy, vấn đề đạo đức xã hội, đạo đức con người là một vấn đề mà Người suốt đời quan tâm.

Người suốt đời kêu gọi sự giải phóng cho con người trong một nước độc lập, tự do. Bài viết đầu tiên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là bàn về đạo đức. Bài viết cuối cùng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người cũng về đạo đức.

Người luận rằng: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân".

4. Xây dựng Đảng và rèn luyện cán bộ

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh nói rất nhiều đến việc xây dựng Đảng và rèn luyện cán bộ. Hiện nay, công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ của chúng ta vẫn đang còn quá nhiều việc phải bàn, phải làm.

Về cán bộ, do chưa thực sự chú trọng rèn luyện cán bộ, bố trí sai cán bộ, chen tình cảm riêng tư vào trong công tác cán bộ, nên đã gây ưu phiền cho nhiều người, nhất là những người thật sự có tài năng mà không được trọng dụng. Nhiều cán bộ không chịu học tập, không chịu nghiên cứu, nên trình độ thấp, không nhìn ra được vấn đề và nhìn ra được con người, ảnh hưởng nhiều đến việc bố trí, sử dụng cán bộ.

Hồ Chí Minh thừa nhận qua những tháng năm hoạt động, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thành công cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, Đảng cũng còn phạm nhiều khuyết điểm và "Nếu không kiến quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy cơ đến tính mệnh". Người chia khuyết điểm ra làm ba hạng: 1. "Khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan. 2. Khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi. 3. Khuyết điểm về cách nói chuyện và cách viết, tức là ba hoa".

"Đó là ba chứng bệnh rất nguy hiểm. Nếu không chữa ngay, để nó lấy ra, thì có hại vô cùng".

Hồ Chí Minh nhận xét về căn nguyên gây nên bệnh chủ quan là kém lý luận, coi khinh lý luận, lý luận suông, lý luận không gắn với thực tế.

Bệnh hẹp hòi là căn bệnh rất nguy hiểm, mà nhiều cán bộ, đảng viên còn mắc phải. Bệnh này biểu hiện ở chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủa nghĩa cá nhân, tham danh vọng, tham địa vị, dìm người tài giỏi, kẻ hèn kém lại được trọng dụng.

Bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi là căn bệnh phát sinh từ trong gan, trong tim, nó sẽ phá từ trong phá ra.

Bệnh ba hoa tuy là căn bệnh ngoài da, nhưng cũng không kém phần nguy hiểm. Bệnh này dẫn đến cách nói, cách viết cẩu thả, chụp giật, ba hoa, một tấc đến trời và coi trời bằng vung.

Để nâng cao phẩm chất tư tưởng, Hồ Chí Minh kêu gọi những cán bộ phải chữa ngay những căn bệnh trên bằng phương thuốc mầu nhiệm: tự phê bình và phê bình ráo riết trong sinh hoạt Đảng.

(Theo lanhdao.net)

PGS. TS. Đức Vượng - Hội đồng Lý luận Trung ương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 9.227