Giải Nô-ben Hòa bình năm 2009
Ngày 10-10, tại Ô-xlô, Ủy ban Giải Nô-ben Hòa bình của Na Uy công bố Giải Nô-ben Hòa bình năm 2009 thuộc về đương kim Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma, chưa đầy một năm sau khi ông được bầu là người đứng đầu nước Mỹ. Theo Ủy ban Giải Nô-ben Hòa bình Na Uy, ông B.Ô-ba-ma được tôn vinh vì đã có những "nỗ lực đặc biệt" trong việc củng cố nền ngoại giao quốc tế và sự hợp tác giữa các dân tộc, mang lại cho thế giới hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Ủy ban đặc biệt nhấn mạnh nhãn quan cũng như việc làm của ông vì một thế giới phi hạt nhân và cho rằng, ông đã tạo ra một môi trường mới trong nền chính trị quốc tế. Theo đánh giá của Ủy ban, trong gần 9 tháng cầm quyền, ông B.Ô-ba-ma đã kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân, nỗ lực khởi động lại tiến trình hòa bình ở Trung Đông đang bị bế tắc và những cam kết về giải quyết các vấn đề môi trường.
Ông B.Ô-ba-ma sẽ chính thức nhận giải Nô-ben Hòa bình năm 2009 với phần thưởng trị giá 1,4 triệu USD tại lễ trao giải ở thủ đô Ô-xlô của Na Uy vào ngày 10-12 tới.
Năm 1895, nhà bác học người Thụy Điển An-ph-rét Bơ-hát Nô-ben (Alfred Bernhard Nô-ben) lập di chúc nêu rõ: Toàn bộ gia sản ông để lại trị giá gần 70 triệu cua-ron Thụy Điển sẽ được lập thành quỹ cho một loại giải thưởng hằng năm mang tên ông, để trao cho "những ai, trong năm trước, được đánh giá có đóng góp thiết thực nhất cho nhân loại". Sau khi A.B Nô-ben qua đời ngày 10-12-1896, theo nguyện ước của ông, Tổ chức Giải thưởng Nô-ben được thành lập năm 1900. Giải thưởng Nô-ben đầu tiên được trao vào năm 1901.
Trải qua 108 năm, giải thưởng Nô-ben đã có nhiều kỷ lục được xác lập. Kỷ lục năm nay, hay nói đúng hơn, giải thưởng Nô-ben Hòa bình năm nay nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận nhất. Nhiều ý kiến cho rằng, Tổng thống B.Ô-ba-ma đáng được nhận giải thưởng đó. Tuy nhiên, ngay tại nước Mỹ cũng có nhiều người tỏ thái độ hoài nghi. Nhiều nhà quan sát nhận định, ông Ô-ba-ma chưa đạt được thành tựu nào đáng kể về chính sách đối ngoại nói chung, cũng như trong nỗ lực giải quyết bế tắc hiện nay giữa I-xra-en và Pa-le-xtin nói riêng. Nhiều ý kiến còn cho rằng, ông B.Ô-ba-ma chưa làm được gì nhiều trong 9 tháng cầm quyền. Hiện ông còn đang sa lầy vào cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan, chưa giải quyết được tình hình xung đột ở Trung Đông và tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang cao nhất trong 26 năm qua.
Bốn ngày sau khi Giải thưởng được công bố, ngày 13-10, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma ra quyết định về việc tăng quân Mỹ đến Áp-ga-ni-xtan vào tuần tới. Việc triển khai quân mới sẽ đưa tổng số binh sĩ Mỹ lên khoảng 80.000 quân tại chiến trường này. Phát biểu trước báo giới, ông B.Ô-ba-ma cho rằng, quyết định về quân sự rất quan trọng nhưng chỉ là một phần của kế hoạch cải thiện chiến lược của Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan. Tuy nhiên, điều này cũng không làm thay đổi một thực tế, đó là cho đến nay, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan đã khiến cho hơn 800 binh sĩ Mỹ bị thiệt mạng và làm mất lòng tin của người dân Mỹ vào Chính phủ.
Những người đoạt giải thưởng Nô-ben Hòa bình trong thập kỷ năm qua
1. Giải thưởng Nô-ben Hòa bình năm 1998 được trao cho Lãnh tụ Đảng Hợp nhất Ulster, ông Đa-vít T-rim-bơ-le (David Trimble), và ông Giôn Hăm-mơ (John Hume), Lãnh tụ Đảng Lao động và Dân chủ Xã hội (SDLP) của Bắc Ai-len vì đã có công lớn trong việc kiến tạo Hiệp định hòa bình tại Bắc Ai-len, ký ngày 10-4-1998.
2. Giải thưởng Nô-ben Hòa bình năm 1999 được trao cho Tổ chức “Thầy thuốc không biên giới” của Pháp (Medecins Sans Frontieres - Doctors Without Borders) vì đã tích cực đi đầu trong các hoạt động nhân đạo ở nhiều châu lục. Ngoài những hoạt động cứu trợ nhân đạo, tổ chức này còn tích cực tham gia vào nhiều hoạt động đấu tranh chống lại bạo lực và lạm dụng quyền lực trên thế giới.
3. Giải thưởng Nô-ben Hòa bình năm 2000 được trao cho cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Tê Chung vì những đóng góp của ông cho hòa bình ở bán đảo Triều Tiên và sự hòa giải giữa Hàn Quốc và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Ông Kim Tê Chung đã có chuyến thăm chính thức Bình Nhưỡng và có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với Chủ tịch Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Châng In hồi tháng 6-2000, nhằm giảm sự căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên kéo dài gần nửa thế kỷ.
4. Giải thưởng Nô-ben Hòa bình năm 2001 được trao cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc Cô-phi An-na (Kofi Annan) và Tổ chức Liên hợp quốc vì những đóng góp lớn nhằm xây dựng một thế giới vì hòa bình, hạnh phúc, đấu tranh chống thiên tai, dịch bệnh và đói nghèo.
5. Giải thưởng Nô-ben Hòa bình năm 2002 được trao cho cựu Tổng thống Mỹ Gim-my Ca-xtơ (Jimmy Carter) vì những nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột quốc tế và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên thế giới. Trong thời gian làm Tổng thống, từ năm 1977 đến năm 1981, ông G. Ca-xtơ, đã đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được thỏa thuận tại trại Đa-vít giữa I-xra-en và Ai Cập.
6. Giải thưởng Nô-ben Hòa bình năm 2003 được trao cho bà Si-rin E-ba-đi (Shirin Ebadi) người I-ran vì những cống hiến của bà trong sự nghiệp bảo vệ quyền con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Bà E-ba-đi từng là luật sư, thẩm phán, giảng viên... và làm Chủ tịch Tòa án thành phố Tê-hê-ran từ năm 1975 đến năm 1979. Kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, bà trở thành nhà hoạt động vì nền dân chủ và quyền con người, đặc biệt là quyền phụ nữ và trẻ em.
7. Giải thưởng Nô-ben Hòa bình năm 2004 được trao cho bà Oan-ga-ri Ma-thai (Wangari Maathai) người Kê-ni-a vì những đóng góp to lớn của bà cho sự phát triển bền vững. Năm 1997, bà Ma-thai đã đứng ra thành lập Phong trào Vành đai xanh, một dự án trồng cây gây rừng lớn nhất châu Phi nhằm khắc phục tình trạng phá rừng bừa bãi đã trở thành vấn nạn của lục địa đen. Không chỉ tích cực hoạt động vì môi trường xanh, đẹp của Trái đất, bà còn là người đi đầu trong các hoạt động vì nền dân chủ và bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là quyền đối với phụ nữ và trẻ em.
8. Giải thưởng Nô-ben Hòa bình năm 2005 được trao cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và người đứng đầu cơ quan này, ông Mô-ha-mét En Ba-ra-đây (Mohamed ElBaradei), vì những cống hiến trong việc ngăn chặn sử dụng nguồn năng lượng hạt nhân vào những mục đích quân sự và bảo đảm rằng nguồn năng lượng này chỉ được dùng vào mục đích hòa bình một cách an toàn nhất. IAEA và ông En Ba-ra-đây cũng là nhân tố chính giúp giải quyết ổn thỏa vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên tại vòng 4 cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân tại Bình Nhưỡng năm 2005.
9. Giải thưởng Nô-ben Hòa bình năm 2006 được trao cho nhà kinh tế Mô-ha-mát Yu-nút (Mohamad Yunus) người Băng-la-đét và ngân hàng Grameen của ông với những khoản vay nhỏ nhưng mang lại hiệu quả cao, giúp những người nông dân nghèo của nước này. Ông được mệnh danh là “người cho vay ước mơ” và ngân hàng Grameen của ông được gọi là “thông điệp của hy vọng”.
10. Giải thưởng Nô-ben Hòa bình năm 2007 được trao cho Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) - cơ quan khoa học hàng đầu của Liên hợp quốc về vấn đề khí hậu, vì những công trình của mình, tạo cơ sở giúp các chính phủ hoạch định chính sách tầm vĩ mô trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và trao cho cựu Phó Tổng thống Mỹ An Go (Al Gore) vì những công sức nhằm phổ biến kiến thực rộng rãi về vấn đề biến đổi khí hậu mà thủ phạm chính là con người.
11. Giải thưởng Nô-ben Hòa bình năm 2008 được trao cho ông Mát-ti A-ti-xa-a-ri (Martti Ahtisaari), cựu Tổng thống Phần Lan, đồng thời là một nhà trung gian hòa giải nổi tiếng, vì những đóng góp quan trọng của ông trong hơn 3 thập kỷ qua nhằm giải quyết các cuộc xung đột quốc tế, như việc góp phần chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 3 thập kỷ giữa Chính phủ In-đô-nê-xi-a và Phong trào giải phóng A-chê làm gần 15.000 người thiệt mang, những nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận về tương lai giữa Chính phủ Xéc-bi-a và cộng đồng sắc tộc An-ba-ni, hay việc tìm ra giải pháp chấm dứt xung đột tại Bắc Ai-len, Trung Á và khu vực Sừng châu Phi...
Với việc Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma bất ngờ được nhận giải Nô-ben Hòa bình năm 2009, nhật báo "La Repubblica" (I-ta-li-a) bình luận, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, giải Nô-ben Hoà bình không phải ghi nhận cho những thành tựu đã đạt được, mà cho những ý tưởng tốt đẹp ở thời tương lai./.