TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Phát biểu của đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIV
Ngày cập nhật 07/09/2010

“ Vấn đề quan trọng là Đảng bộ tỉnh phải có quyết tâm chính trị cao, giải pháp đồng bộ, khả thi...”

Dưới đây là toàn văn bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên  Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIV

 Thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội,

 Thưa các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân,
 Thưa các đồng chí đại biểu và toàn thể Đại hội,

 

Hôm nay, trong không khí hào hùng của những ngày tháng 9 lịch sử, giữa thành phố Huế Anh hùng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 chính thức khai mạc. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, tôi nhiệt liệt chào mừng 349 đồng chí đại biểu ưu tú, đại diện cho hơn 35.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ; chào mừng các đồng chí đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ, cùng toàn thể các vị khách quý về dự Đại hội và xin gửi tới Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Anh hùng lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng nồng nhiệt nhất, chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

 Thưa các đồng chí,
 Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế được Bộ Chính trị đồng ý cho tiến hành Đại hội vào những ngày đầu tháng 9, là đại hội cấp tỉnh, thành phố và đảng bộ trực thuộc Trung ương được tiến hành sớm nhất trong cả nước. Qua theo dõi tình hình của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trình ra Đại hội.
 5 năm qua, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Thừa Thiên Huế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, như : suy giảm kinh tế, lạm phát tăng cao, thiên tai, dịch bệnh, nhưng Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đã đoàn kết một lòng, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu quan trọng, có bước phát triển tương đối nhanh và toàn diện, đưa Thừa Thiên Huế ra khỏi tình trạng một tỉnh nghèo, kém phát triển; đang trở thành một tỉnh phát triển trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung và của cả nước; tạo ra vị thế mới, tiền đề quan trọng để xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị.
 

Thành tựu nổi bật của Thừa Thiên Huế trong 5 năm qua là kinh tế có mức tăng trưởng khá cao và ổn định (GDP bình quân trong 5 năm đạt trên 12%/năm). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực (giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ - du lịch). GDP bình quân đầu người đạt trên 1.150 USD. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng nhanh, từ 900 tỉ đồng (năm 2004) lên hơn 3.000 tỉ đồng (năm 2010). Du lịch phát triển cả về quy mô và chất lượng, đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hạ tầng được đầu tư đồng bộ; hệ thống đô thị Thừa Thiên Huế phát triển đúng theo quy hoạch. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt.
 Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến. Chương trình xoá đói, giảm nghèo, xoá nhà tạm được đẩy mạnh và thu được kết quả tích cực. Các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng thường xuyên được quan tâm. Đặc biệt, đã hoàn thành chương trình xoá nhà tạm cho đồng bào 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, chương trình tái định cư cho nhân dân vùng thủy diện, vùng đầm phá, nhất là dân vạn đò sông Hương. Đó là một nỗ lực lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo có bước phát triển, trình độ dân trí được nâng lên. Đại học Huế tiếp tục khẳng định vị thế của một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Bệnh viện Trung ương Huế được xếp hạng là bệnh viện đặc biệt, phát triển theo hướng chuyên sâu, kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong khu vực. Thành công của các kỳ Festival Huế đã góp phần nâng cao vị thế của văn hoá Việt Nam và bản sắc văn hoá của cố đô Huế, làm tăng sức hấp dẫn và ngưỡng mộ đối với các nước, mở ra triển vọng mới trong hội nhập và phát triển.
 
Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên được nâng lên; hệ thống chính trị được kiện toàn. Đặc biệt là Đảng bộ tỉnh đã đoàn kết, nhất trí về tư tưởng và hành động, trước hết là trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh uỷ; biết tranh thủ ý kiến đóng góp xây dựng của các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ, tạo được sự đồng thuận trong xã hội; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy tinh thần trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Tổ chức thực hiện có hiệu quả, sáng tạo cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm". Đó là nguyên nhân cơ bản để Thừa Thiên Huế đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, cần được khẳng định tại Đại hội này, đồng thời phải làm cho cán bộ, đảng viên trong tỉnh nhận thức sâu sắc để phát huy tốt hơn nữa bài học kinh nghiệm về sự đoàn kết quý báu đó, nhằm tạo động lực mạnh mẽ từ trong nội bộ Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ tới.
 Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về những thành tựu quan trọng đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, góp phần tích cực vào thành tựu chung của cả nước.
 Thưa tất cả các đồng chí,
 Thành tựu đạt được là rất đáng trân trọng, cần được khẳng định, nhằm tăng thêm niềm phấn khởi, tự hào và niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Đồng thời, với trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, Đại hội cần nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng tình hình : cho đến thời điểm này, trình độ phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế vẫn còn thấp. Tăng trưởng kinh tế còn dựa vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm phát triển theo chiều sâu. Một số chỉ tiêu cơ bản chưa đạt; kinh tế phát triển chưa thật sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh có rừng, đồng bằng, biển, có cả đường bộ, đường sắt, hàng không, có đủ nông nghiệp, thuỷ sản. Thành phố Huế có di sản văn hoá thế giới nhưng chưa tạo được bước phát triển đột phá về du lịch, dịch vụ. Công nghiệp còn nhỏ bé. Tỉ trọng các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao còn thấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng yêu cầu. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn có lúc, có nơi vẫn còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Những nhân tố gây mất ổn định an ninh chính trị cần phải thường xuyên lưu ý. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên một số mặt kết quả còn hạn chế. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng chưa thật sự ngang tầm với nhiệm vụ. Thừa Thiên Huế là địa phương nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên bị thiên tai uy hiếp, mỗi một trận bão lũ có thể xoá đi những thành quả của nhiều năm xây dựng và phát triển, nhưng các giải pháp đề ra chưa đủ mạnh để hạn chế tối đa thiệt hại. Đây là những vấn đề Đại hội chúng ta cần tập trung thảo luận để có giải pháp khắc phục trong nhiệm kỳ tới.
 Thưa các đồng chí,
 Nhiệm kỳ 2010 - 2015 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là nhiệm kỳ đầu tiên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, với mục tiêu "Phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, đồng thuận, dân chủ, kỷ cương; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau".
 

Quang cảnh đại hội.
 

Đối với Thừa Thiên Huế, 5 năm tới là thời kỳ có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng, thời kỳ mà Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh phải phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, với tinh thần cách mạng tiến công quyết liệt hơn nữa để thực hiện mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp, phát triển nhanh và bền vững, đưa tỉnh nhà thành thành phố trực thuộc Trung ương. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIII trình Đại hội đã thể hiện quyết tâm chính trị và khát vọng chân chính lớn lao đó của Đảng bộ, nhân dân Thừa Thiên Huế.
 Mục tiêu, phương hướng và bước đi của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 5 năm tới, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIII cũng đã nêu rõ. Vấn đề quan trọng là Đảng bộ tỉnh phải có quyết tâm chính trị cao, giải pháp đồng bộ, khả thi và phải tổ chức thực hiện thật tốt, biến mục tiêu thành hiện thực, đưa chủ trương, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. Trên tinh thần đó, tôi đề nghị Đại hội cần tập trung thảo luận kỹ hơn một số vấn đề sau đây :
 Thứ nhất, để xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương, vấn đề quan tâm hàng đầu là phát triển đô thị. Đô thị Thừa Thiên Huế hàm chứa sự đa dạng về địa hình - sông núi, gò đồi, đầm phá, biển và cảnh quan thiên nhiên hết sức phong phú. Đặc biệt, phải tạo cho Huế có hình ảnh riêng biệt, có sự hài hoà thống nhất giữa cái cũ và cái mới. Làm cho con người Huế tự hào về đô thị của mình, một nét riêng mà chỉ "đô thị mình" mới có. Sự phát triển của đô thị Thừa Thiên Huế có đặc điểm khác với các thành phố khác trong cả nước, đó là hình thành và phát triển theo chùm đô thị, trong đó, thành phố Huế là đô thị hạt nhân. Vì vậy, cần tập trung xây dựng đô thị Huế xứng tầm là đô thị hạt nhân, đô thị động lực, trung tâm tỉnh lỵ, là trung tâm du lịch, y tế, văn hoá, đào tạo, thành phố Festival, tạo nền tảng để thúc đẩy phát triển chuỗi đô thị trong tỉnh : đô thị Chân Mây - Lăng Cô, các thị xã Hương Thuỷ, Hương Trà, Thuận An,... và các thị trấn, thị tứ gắn với các khu công nghiệp, khu du lịch. Làm tốt công tác quy hoạch, nhất là các quy hoạch đô thị, xác định sự phát triển hợp lý của đô thị theo từng giai đoạn và định hướng phát triển lâu dài cho đô thị cả về mặt tổ chức sản xuất, tổ chức đời sống, kết cấu không gian kiến trúc, đặc biệt là cảnh quan môi trường. Việc quy hoạch sử dụng đất là vấn đề hết sức quan trọng để phát triển đô thị. Quy hoạch phát triển đô thị ở Thừa Thiên Huế phải gắn kết với phát triển nông thôn ven đô, gắn bó hài hoà giữa đô thị với các vùng nông nghiệp, nông thôn mới, những làng quê mang đặc thù của Thừa Thiên Huế.
 Thứ hai, tập trung hoàn chỉnh và hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng. Nâng cấp các tuyến giao thông gắn kết các trung tâm phát triển kinh tế của tỉnh với hệ thống giao thông đối ngoại. Tổ chức lại không gian phát triển kinh tế, gắn các khu vực tập trung phát triển kinh tế của tỉnh với hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia; tích cực mở rộng liên kết với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các nước nằm trong khu vực hành lang kinh tế Đông - Tây. Tập trung xây dựng hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải, cấp điện, hệ thống giao thông, thuỷ lợi, các khu công nghiệp; hiện đại hoá hệ thống thông tin liên lạc.
 Thứ ba, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm và các doanh nghiệp để phát triển nhanh và bền vững. Gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá - xã hội và bảo vệ bền vững môi trường. Đồng thời, thường xuyên chăm lo công tác xoá đói, giảm nghèo, khắc phục tình trạng phân hoá giàu nghèo quá mức giữa các nhóm xã hội; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; cải thiện đời sống nhân dân, nhất là ở hai huyện miền núi A Lưới và Nam Đông. Mặt khác, phải có kế hoạch để triển khai đồng bộ, khai thác triệt để lợi thế của vùng kinh tế Tam Giang - Cầu Hai; phải xây dựng vùng Tam Giang - Cầu Hai thành một vùng kinh tế tổng hợp, năng động, gắn với bảo tồn, dự trữ sinh quyển, xây dựng trung tâm kinh tế mạnh.
 Thứ tư, xuất phát từ tiềm năng, thế mạnh của vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử văn hoá đặc sắc để tập trung xây dựng ba trung tâm, đó là :
 Xây dựng trung tâm văn hoá - du lịch đặc sắc của Việt Nam, với trọng tâm là xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá truyền thống, nhất là hai di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá vật thể và Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Tập trung nghiên cứu, từng bước hoàn thiện bản sắc, đặc trưng văn hoá Huế để xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hoá đặc sắc; xem đây là lợi thế so sánh lâu dài để phát triển Huế, làm cho Huế ngày càng độc đáo, thúc đẩy các ngành du lịch, dịch vụ phát triển.
 Xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghệ cao của khu vực miền Trung và cả nước, là hướng đột phá để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước góp phần hình thành nền kinh tế tri thức. Đại học Huế với bề dày lịch sử trên 50 năm, là trung tâm đại học của khu vực miền Trung và của cả nước, gắn liền với truyền thống giáo dục - đào tạo, truyền thống văn hoá - lịch sử của vùng đất Cố đô Huế cần phải được xây dựng và phát triển thành một trong những trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; phấn đấu trở thành Đại học quốc gia và từng bước hình thành đại học có tầm cỡ trong khu vực Đông Nam Á.
 Xây dựng Trung tâm y tế chuyên sâu. Đầu tư hoàn thiện và đồng bộ Trung tâm y tế chuyên sâu để trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy mở rộng liên doanh, liên kết với nước ngoài, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong chẩn đoán, điều trị, trong đào tạo và chuyển giao công nghệ để vừa làm tốt sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân, vừa quảng bá thương hiệu, tiến tới hình thành ngành du lịch khám, chữa bệnh.
 Thứ năm, gắn kết nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường cảnh quan sinh thái; tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, đặc biệt là an ninh chính trị, nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, xử lý tốt các vấn đề nảy sinh bởi những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch để “diễn biến hoà bình”, nhất là “tự diễn biến”. Bảo đảm giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống tham nhũng và tệ nạn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
 Thứ sáu, Đảng bộ cần đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Phải tập trung đầu tư trí tuệ, công sức để lãnh đạo, chỉ đạo những mặt công tác đó đúng với ý nghĩa là nhiệm vụ then chốt, có vai trò quyết định để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đúng với chủ đề của Báo cáo chính trị mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa trình ra Đại hội : "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ". Công tác xây dựng Đảng phải được thực hiện đồng bộ và có chất lượng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Căn cứ vào tình hình cụ thể, Đại hội cần tập trung làm rõ các nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện, trước hết phải rất lưu ý việc nâng cao tính chủ động, tính chiến đấu, không thụ động, không ỷ lại. Cần chú trọng nâng cao chất lượng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, giữ vững kỷ cương, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, thường xuyên tự phê bình và phê bình; qua đó xây dựng sự đoàn kết, nhất trí cao trong toàn Đảng bộ, trước hết là trong các cấp uỷ đảng, ngay từ Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Tỉnh uỷ cho đến các cấp uỷ đảng cơ sở. Hết sức quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp, lựa chọn đúng những người có đức, có tài, có uy tín vào các vị trí lãnh đạo. Đẩy mạnh cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng và lãng phí.      
 Thưa tất cả các đồng chí,
 Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đại hội là bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 thật sự đoàn kết, tiêu biểu cho trí tuệ, năng lực và phẩm chất của Đảng bộ, có khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là hạt nhân lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ. Tôi đề nghị các đồng chí đại biểu Đại hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, công tâm và khách quan. Trong đó, phải nắm vững các tiêu chuẩn của cấp uỷ theo quy định của Trung ương, nhất là các tiêu chuẩn được nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở tiêu chuẩn là chính, cần có cái nhìn toàn diện giữa tiêu chuẩn và cơ cấu một cách hợp lý, để bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp uỷ trên các lĩnh vực quan trọng; chú ý cấp uỷ viên là cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ khoa học theo định hướng của Bộ Chính trị để bầu vào Ban Chấp hành mới đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới. Đồng thời, Đại hội cần xem xét lựa chọn những đồng chí xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, để bầu vào đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
 Thưa các đồng chí,
 Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hoá đặc sắc và truyền thống cách mạng hết sức vẻ vang. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, quân và dân Thừa Thiên Huế đã lập nên những chiến công hiển hách, được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và trao tặng tám chữ vàng "Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường". Đây cũng là nơi Bác Hồ, gia đình Bác đã từng sinh sống và học tập; là vùng đất địa linh, nhân kiệt, nơi sinh ra của các nhà cách mạng, các tướng lĩnh tài ba và nhiều danh nhân, trí thức nổi tiếng; có bề dày lịch sử hơn 700 năm, đang lưu giữ trong mình một kho tàng văn hoá Việt Nam và thế giới. Cốt cách của con người Thừa Thiên Huế, văn hoá Huế là lịch thiệp, thông minh và hiếu học. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang và những giá trị cao đẹp đó, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để thực hiện thắng lợi Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị, đưa Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
 Một lần nữa, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, tôi gửi tới các đồng chí đại biểu và toàn thể Đại hội và qua Đại hội gửi đến toàn thể Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc và tiến bộ. Chúc Đại hội của chúng ta thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn.
Nguồn: Thừa Thiên Huế online
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 3.535