TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Vấn đề văn hóa trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển đất nước
Ngày cập nhật 10/08/2010

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà khoa học, kỹ thuật và công nghệ đã đem đến những biến đổi cực kỳ lớn lao cho cuộc sống của con người, trở thành động lực vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Nhưng cũng chính ở thời điểm này, nhiều vấn đề tiêu cực và khủng hoảng về xã hội đã nảy sinh trong đời sống, buộc chúng ta phải nhìn nhận lại yêu cầu phát triển bền vững với vai trò, vị trí đặc biệt của văn hóa. Vì lẽ đó, trở lại với quan điểm văn hóa trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển đất nước là một vấn đề vừa có ý nghĩa chiến lược vừa mang ý nghĩa thời sự quan trọng.

1

Hơn nửa thế kỷ trước, trong một số ghi chép ở trang cuối cùng của tập thơ “Nhật ký trong tù” lãnh tụ Hồ Chí Minh viết “ý nghĩa của văn hóa: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng, toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”. Từ nhận thức ấy, Hồ Chí Minh đưa ra khái niệm về văn hóa: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(1). Có thể nói, đây là một cách tiếp cận văn hóa từ ý nghĩa khái quát, đặc trưng nhất của nó, một định nghĩa cô đọng và chính xác về văn hóa.

Quan niệm của Hồ Chí Minh về văn hóa là xuất phát từ cách tiếp cận mác-xít và rất gần gũi với nhận thức hiện đại, khi coi văn hóa không chỉ đơn thuần là đời sống tinh thần của con người - xã hội (theo cách phân khúc rời rạc), mà từ trong bản chất của mình, nó chính là linh hồn, là hệ thần kinh của một xã hội, là sức mạnh trường tồn của cả dân tộc, là sức sống vươn lên của thời đại. Văn hóa không phải là toàn bộ đời sống con người xã hội, mà là phần cốt tử, là tinh hoa được chưng cất, kết tụ nên cái bản chất, bản sắc, tính cách của dân tộc, của thời đại. Nó được thăng hoa từ hơi thở cuộc sống, từ năng lực, trình độ và phương thức sống của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng. Và đến lượt mình, văn hóa hiện diện trong mọi hoạt động từ suy tư đến hành động thực tế, từ hoạt động cá nhân đến những vận động xã hội, từ hoạt động vật chất đến những sáng tạo tinh thần những phát minh, sáng chế, tạo ra những giá trị mới của sản xuất vật chất, khoa học - kỹ thuật - công nghệ, văn học - nghệ thuật.

Năm 1970, nghĩa là gần 30 năm sau thời điểm Hồ Chí Minh viết những lời này, tại Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hóa họp ở Vơ-ni-dơ (I-ta-li-a), UNESCO đã thừa nhận khái niệm do Ph.Mây-ơ (F. Mayor) - nguyên Tổng Giám đốc của tổ chức này đưa ra là khái niệm chung, chính thức của cộng đồng quốc tế về văn hóa: “Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động”. Nếu so sánh, có thể thấy, khái niệm này của UNESCO về văn hóa có nội dung cơ bản như nội dung khái niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cái khác nhau của hai khái niệm này là ở chỗ, khái niệm của ông Ph.Mây-ơ chỉ nhấn mạnh đến tính đặc thù của các giá trị văn hóa, tức là “cái làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác”. Còn trong khái niệm của Hồ Chí Minh về văn hóa, văn hóa không chỉ là cái tạo nên tính đặc thù của dân tộc, mà còn là những giá trị nhằm thích ứng với những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. “Nhu cầu đời sống” của con người luôn phát triển cũng như “đòi hỏi của sự sinh tồn” của xã hội loài người luôn luôn nâng cao, hoàn thiện. Cũng có nghĩa, nói đến văn hóa là nói đến giá trị, nhưng là những giá trị kết tinh lao động sáng tạo của con người trên các bình diện hoạt động nhằm cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội và cải tạo chính bản thân mình, hướng tới chân, thiện, mỹ, tức là hướng tới sự tốt đẹp, nhân văn và không ngừng hoàn thiện của nhân loại. Nói đến văn hóa không chỉ là nói đến những giá trị tĩnh, kết tinh ngưng đọng, mà còn là sự vận động, phát triển và hoàn thiện những giá trị ấy trong thời gian và không gian.

Từ nhận thức khái quát về văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra một cách cụ thể về nội dung, yêu cầu xây dựng nền văn hóa dân tộc. Người viết tiếp: “Năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc.

1. Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường.

2. Xây dựng luận lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.

3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội.

4. Xây dựng chính trị: dân quyền.

5. Xây dựng kinh tế”(2)

Việc chỉ ra những điểm lớn trên chứng tỏ rằng, khi phân định nội hàm khái niệm văn hóa, Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ rằng, xây dựng nền văn hóa dân tộc phải đặt trong mối quan hệ qua lại với các mặt khác của đời sống dân tộc như: “tâm lý”, “luận lý”, “xã hội”, “chính trị”, “kinh tế”. Xây dựng văn hóa phải gắn liền với từng bình diện ấy, làm cho văn hóa trở thành phẩm chất tốt đẹp, đặc trưng riêng có và ý nghĩa tích cực của những lĩnh vực đời sống đó.

Tóm lại, có thể nói rằng, ngay từ năm 1943, quan điểm về văn hóa và nền văn hóa dân tộc của Hồ Chí Minh đã tỏ rõ tính hiện đại. Quan điểm này thể hiện tầm chiến lược thiên tài của Người trong việc xác định vai trò, vị trí và những tiêu chí cơ bản nhằm định hướng phát triển nền văn hóa Việt Nam làm cơ sở cho sự phát triển toàn diện của xã hội Việt Nam tương lai.

 

2

Hồ Chí Minh quan niệm, xây dựng về “tâm lý” là xây dựng “Tinh thần độc lập tự cường”, cũng có nghĩa là sự giáo dục, định hướng để hun đúc nên tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí tự chủ, tự cường. Đó chính là cơ sở nền tảng bảo đảm cho sự đoàn kết, đồng thuận dân tộc, điều kiện để tạo nên sức mạnh bảo vệ độc lập dân tộc, chống lại mọi sự xâm lược, phá hoại từ bên ngoài. Lịch sử tồn tại, phát triển của dân tộc Việt Nam đã là minh chứng hiển nhiên về bài học xương máu đó. Đối với các dân tộc khác trên thế giới, muốn tồn tại, vượt qua những nguy cơ xâm lược, đồng hóa hay chèn ép, xung đột để phát triển đều phải khẳng định một sức mạnh tinh thần to lớn từ độc lập tự cường. Chỉ có điều, biểu hiện của tinh thần độc lập tự cường ấy ở mỗi nước, tùy theo những điều kiện đặc điểm khác nhau mà thể hiện một cách sinh động, đa dạng. Đó cũng chính là một đặc tính văn hóa, một “cái làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác”.

Có thể nói, quan điểm xây dựng văn hóa về “tâm lý” với nội dung là “tinh thần độc lập tự cường” là xuyên suốt và nhất quán trong nhận thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã tìm đến chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Người nhận ra rằng, đó chính là con đường giải phóng dân tộc khỏi áp bức, lầm than. Sau này, cho dù trong những thời điểm thử thách khắc nghiệt nhất đối với quan điểm chính trị của mình hay trong thực tiễn cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước, Hồ Chí Minh luôn kiên định quan điểm về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người khẳng định: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(3). Và chân lý nổi tiếng mà Hồ Chí Minh đã tổng kết từ thực tiễn lịch sử của thế giới và từ chính những bài học xương máu của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là “không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Càng nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của vấn đề dân tộc trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh càng thấu hiểu hơn ý nghĩa của chủ nghĩa quốc tế vô sản. Chính vì thế, Người đã khẳng định, một trong số bài học lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga là: “Kết hợp chặt chẽ lòng yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong thời đại ngày nay, cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản trong phạm vi toàn thế giới; cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”(4).

Cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu hiện sinh động, là tấm gương sáng rõ nhất về sự kết hợp hài hòa giữa những giá trị dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữa lòng yêu nước nồng nàn và chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Người đã đi khắp năm châu, bốn biển, hoạt động như một chiến sỹ quốc tế nhưng tình yêu nước, thương nòi cùng những bản sắc con người Việt Nam của Người không những không phai nhạt đi mà càng sâu sắc, đậm đà hơn lên. Trong khi tận tâm, tận lực vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Người cũng ý thức rất sâu sắc về chủ nghĩa quốc tế vô sản, về sự đoàn kết của phong trào công nhân, cộng sản thế giới và đã xử lý vô cùng khéo léo, có trách nhiệm mối quan hệ giữa các đảng cộng sản, các quốc gia và dân tộc khác trên thế giới.

Từ nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rút ra bài học sâu sắc về quan hệ gắn bó giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, coi đó như một trong những điều kiện hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nhưng trở lại yêu cầu về xây dựng văn hóa theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì vấn đề đặt ra là phải giáo dục, quán triệt nhận thức đó, bài học đó thành tư tưởng, tình cảm, thành hành vi, lối sống của mỗi con người, thành một giá trị xã hội của Việt Nam. Đó cũng chính là một kết quả, hướng tới của sự phát triển con người Việt Nam, đồng thời là một điều kiện sống còn bảo đảm cho sự thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

 

3

Xây dựng văn hóa về mặt “luận lý”, theo cách hiểu của Hồ Chí Minh, chính là sự hình thành và không ngừng hoàn thiện về tư tưởng, lối sống mà nội dung trung tâm, quan trọng nhất của nó là “biết hy sinh làm lợi cho quần chúng”. Đó cũng chính là nội dung quan trọng nhất của những chuẩn mực đạo đức xã hội mà con người chúng ta nói chung hay mỗi cán bộ cách mạng nói riêng cần hướng tới. Tiêu chuẩn con người cán bộ “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” chính là sự phát triển đầy đủ hơn từ tiêu chí xây dựng văn hóa này. Đây cũng chính là yêu cầu sống còn về xây dựng chủ nghĩa xã hội, bởi vì như sau này Hồ Chí Minh đã nhắc lại rất nhiều lần rằng, “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa” mà yêu cầu đầu tiên, quyết định của con người xã hội chủ nghĩa phải “đi đến hoàn toàn không có chủ nghĩa cá nhân"(5). Trong bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, nhân dịp kỷ niệm 39 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3-2-1969, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa... Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật... Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”. Chính vì thế, Người yêu cầu: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật” (6).

Nói cách khác, xây dựng văn hóa về “luận lý” chính là xây dựng văn hóa sống của con người. Trong các chế độ xã hội dựa trên nền tảng của chế độ tư hữu thì chính quan hệ bóc lột, bất công bằng giữa người với người tạo thành những yếu tố, điều kiện một cách tự nhiên, thúc đẩy con người đi tới chủ nghĩa cá nhân, hình thành lối sống vụ lợi, ích kỷ. Sự thắng thế của quan hệ nhân đạo, của chủ nghĩa nhân văn, của sự hy sinh, xả thân cho lợi ích cộng đồng, đồng loại chỉ có ý nghĩa nhất thời, gắn với các giá trị yêu nước, dân tộc và về tổng thể, luôn chỉ giữ thế yếu so với sự vụ lợi, với chủ nghĩa cá nhân.

Nếu chủ nghĩa xã hội là một cuộc cách mạng thì ý nghĩa cách mạng sâu sắc nhất, cũng là gay gắt nhất chính là sự biến đổi trong văn hóa sống của con người, là sự giải thoát con người khỏi chủ nghĩa cá nhân để hình thành và dần dần hoàn thiện văn hóa sống nhân văn cao cả, đặt lợi ích của dân tộc, đất nước và của chế độ lên trên hết, đặt lợi ích cá nhân trong sự hài hòa với lợi ích của tập thể. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Phải đánh bạt những tư tưởng công thần, địa vị, danh lợi của chủ nghĩa cá nhân, làm cho tư tưởng của chủ nghĩa tập thể thắng lợi, tức là phát huy tinh thần cần kiệm xây dựng của nghĩa xã hội, bảo vệ của công, chống tham ô, lãng phí”(7). Đó cũng chính là cốt lõi văn hóa của con người mà chủ nghĩa xã hội hướng tới, là điều kiện, cơ sở cho sự phát triển của chế độ xã hội chủ nghĩa. ý nghĩa cách mạng vô cùng sâu sắc của sự biến đổi này chính là do sự phức tạp, gay cấn trong cuộc đấu tranh tư tưởng của mỗi cá nhân con người cũng như cả xã hội để vượt qua những tập quán sống đã hình thành, khắc sâu vào lối sống xã hội con người trong suốt chiều dài lịch sử đã qua, để hình thành và dần hoàn thiện một thang giá trị mới mẻ trong mỗi con người và trong cả cộng đồng xã hội. Đến lượt nó, chính sự hình thành văn hóa sống trở thành tiêu chí để đánh giá những kết quả của cách mạng, thành điều kiện của sự phát triển của chế độ xã hội chủ nghĩa.

 

4

Bàn đến nội dung xây dựng văn hóa về “xã hội”, Hồ Chí Minh coi đó là Một sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội”. Ở bình diện này, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến cả “một sự nghiệp”. Điều ấy có thể hiểu là việc phấn đấu cho phúc lợi của nhân dân là yêu cầu quyết định, thể hiện tính bản chất của chế độ. Nó phải được phản ánh trong mục tiêu, trong mô thức xây dựng, trong cơ chế vận hành của cả chế độ. Nó đồng thời phải trở thành một thể hiện tất yếu xã hội trong mỗi thành viên, mỗi bộ phận hợp thành của chế độ xã hội. Đây cũng chính là một nhận thức nhất quán, chỉ đạo hành động trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1946, ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Người khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(8). Khi nói về chủ nghĩa xã hội, nhiều lần Hồ Chí Minh đã đặt “phúc lợi của nhân dân” như là ý nghĩa quan trọng nhất của khái niệm này. “Chủ nghĩa xã hội là mọi người dân được áo ấm cơm no, nhà ở tử tế, được học hành”(9); “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ”(10)... Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận “phúc lợi” không đơn thuần là những giá trị vất chất, đương nhiên đó là những giá trị đầu tiên không thể thiếu. Đó còn là những yêu cầu về “tư do”, “dân chủ”, “học hành”, “nghỉ ngơi”, những điều kiện cần và đủ cho con người phát triển một cách toàn diện.

Từ nhận thức về văn hóa trong nội dung xây dựng về xã hội, càng thấy rõ ý nghĩa nhân văn như là cốt cách, là bản chất, quán xuyến trong tất cả các bình diện tư tưởng của Hồ Chí Minh. Xây dựng văn hóa về nội dung xã hội cũng có nghĩa là mang lại cho xã hội ý nghĩa nhân văn cao cả ấy. Điều ấy cũng có nghĩa không đơn thuần là đạt được những kết quả về phúc lợi xã hội, mà hơn thế, bao gồm cả cách thức đạt được những phúc lợi ấy như thế nào, sử dụng những phúc lợi ấy ra sao, những phúc lợi ấy mang lại gì cho sự phát triển tốt đẹp của con người. Sinh thời, khi nói đến vấn đề phân phối hàng hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Ở đây, phương thức phân phối “công bằng” được đánh giá về tầm quan trọng cao hơn số lượng nhiều hay ít sản phẩm phân phối. Đương nhiên, nói như thế không có nghĩa là số lượng sản phẩm không quan trọng. Nhưng trong hoàn cảnh cụ thể, rõ ràng cách phân phối sẽ quyết định mối quan hệ và thái độ của những người được tham gia phân phối. Đó cũng chính là một biểu hiện cụ thể của ý nghĩa văn hóa.

Đất nước ta còn không ít khó khăn, nền kinh tế chưa phát triển đến mức đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu phúc lợi phong phú của nhân dân. Chính vì thế, việc thúc đẩy phát triển kinh tế, làm giàu, không ngừng tăng thêm phúc lợi cho nhân dân là một đòi hỏi khách quan, cấp thiết. Nhưng điều đó không cho phép chúng ta quên đi việc giáo dục về văn hóa trong phân phối, hưởng thụ các nguồn phúc lợi xã hội. Bởi chính văn hóa sẽ tạo nên chất kết dính các mối quan hệ xã hội, quy tụ và nhân lên những tiềm lực của xã hội. Việc tạo ra những của cải và mang lại những phúc lợi cho con người đã là khó khăn, đòi hỏi sự phát triển về lực lượng sản xuất, không ngừng nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu. Nhưng việc phân phối những của cải vật chất và phúc lợi ấy lại mang ý nghĩa văn hóa, mang triết lý xã hội đặc trưng, đòi hỏi một quá trình giáo dục, trải nghiệm và hoàn thiện thì càng phức tạp, khó khăn hơn. Điều ấy lý giải tại sao ngày nay, không phải cứ ở những nước giàu có nhất thì người dân cảm nhận cuộc sống hạnh phúc nhất và xã hội hòa hợp nhất.

 

Sự chia sẻ, tính tiết kiệm, sự công bằng, thái độ vô tư, ý thức cộng đồng, những điều ấy ở nghĩa sâu xa của nó, chính là sự biểu hiện sâu sắc của giá trị văn hóa, sự kết tinh văn hóa trong xã hội. Nó trở thành nền tảng cho việc sử dụng của cải, phúc lợi xã hội hợp lý nhất, mang lại nhiều hạnh phúc nhất cho con người. Ngày nay, đó cũng là một đòi hỏi của sự phát triển bền vững khi nguồn tài nguyên thiên nhiên của trái đất càng ngày càng cạn kiệt và môi trường sống của con người đang bị phá hoại nghiêm trọng. Từ nhận thức ấy càng thấy ý nghĩa thực tiễn to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề xây dựng nền tảng văn hóa xã hội liên quan đến phúc lợi của nhân dân.

 

5

Về nội dung xây dựng chính trị”, theo Hồ Chí Minh, đó chính là “dân quyền”. Văn hóa chính trị chính là mang lại và bảo đảm được dân quyền”. Ở đây, dân quyền không chỉ là những quyền trên các lĩnh vực đời sống mà người dân được hưởng ngày càng đầy đủ, càng có ý nghĩa tốt đẹp cho sự phát triển toàn diện, mà còn là những quyền lợi - lợi ích mà xã hội mang lại cho nhân dân ngày càng đầy đủ hơn, ngày càng giúp cho cuộc sống của người dân hạnh phúc hơn, tiến bộ hơn. Có thể nói, toàn bộ lịch sử phát triển của xã hội loài người cũng chính là lịch sử đấu tranh, phấn đấu để mang lại cho người dân nhiều dân quyền hơn, nhiều tự do hơn. Chủ nghĩa xã hội về bản chất của nó, là chế độ xã hội bảo đảm đầy đủ nhất dân quyền”, bởi vì đó là xã hội của dân, do dân và vì dân. Nhưng việc xây dựng một chế độ như thế không thể ngày một, ngày hai, mà là cả một quá trình phức tạp với không ít khó khăn. Bởi vì, dân quyền có được không chỉ do cơ chế quyền lực, chế độ chính trị, mà còn phụ thuộc vào sự tự giác, trình độ nhận thức của người dân và những điều kiện của môi trường xã hội.

Có nghĩa là, hiểu dân quyền theo nhận thức văn hóa không chỉ là những quyền và lợi mà nền chính trị mang lại cho người dân, đó còn là cách mà những quyền đó được mang lại như thế nào và ý nghĩa của những quyền và lợi ấy ra sao, có ý nghĩa tốt đẹp đến đâu đối với xã hội. Văn hóa chính là nền tảng để phát triển, mở rộng dân quyền, đồng thời dân quyền cũng tác động trở lại, thúc đẩy sự phát triển các giá trị văn hóa của xã hội.

Trong thiết chế xã hội nói chung, một mặt, vấn đề dân quyền gắn bó chặt chẽ hữu cơ với vấn đề nhà nước, là hệ quả của nhà nước, phản ánh tính chất, đặc điểm, trình độ phát triển của nhà nước; mặt khác, dân quyền không thể tách rời những điều kiện khách quan của tồn tại xã hội như: trình độ nhận thức của người dân, những tập quán và đặc điểm văn hóa của cộng đồng, các cơ sở kinh tế, kỹ thuật của xã hội. Trong mối quan hệ thứ hai, các yếu tố quy định hay ảnh hưởng đến dân quyền là những điều kiện lịch sử, cụ thể, gắn liền với tính chất, trình độ phát triển của từng quốc gia, dân tộc. Đối với mối quan hệ thứ nhất, vấn đề thực chất chính là nội dung, nhiệm vụ của việc xây dựng nhà nước. Khẳng định tính chất nhà nước ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân, do dân và vì dân thì đương nhiên nó phải thể hiện ý chí của dân, bảo vệ các quyền và lợi ích của dân, phục vụ cho các nhu cầu xã hội của dân.

Khi nói về tổ chức Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Để thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng, Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân, để phát huy tính tích cực và sức sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc Nhà nước, ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”(11). Ở đây, “quyền dân chủ” gắn với “sinh hoạt chính trị của toàn dân” là yêu cầu đặt ra với Nhà nước như một đòi hỏi khách quan về quyền công dân. Nhưng đến lượt nó, “quyền dân chủ” và “sinh hoạt chính trị của toàn dân” lại trở thành điều kiện cho Nhà nước hoàn thành nhiệm vụ của mình với việc làm cho nhân dân tham gia tích cực giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn của Nhà nước. Từ bình diện văn hóa, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, sự phát triển dân quyền vừa có ý nghĩa như đòi hỏi, điều kiện cho sự phát triển văn hóa, vừa thể hiện mục đích phục vụ cho con người công dân và sự phát triển toàn diện con người.

Hơn thế nữa, có thể nhận thấy rất rõ rằng, quán xuyến trong toàn bộ tư tưởng cũng như trong hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chủ nghĩa trọng dân, ý thức tôn trọng, yêu thương, bảo vệ nhân dân. Đó cũng chính là lý tưởng, hoài bão, là mục đích sống của Hồ Chí Minh - Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng nhân dân khỏi áp bức, bóc lột, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Đó cũng chính là cốt lõi văn hóa sống Hồ Chí Minh. Vấn đề dân quyền chỉ là một bình diện của tư tưởng ấy, một điều kiện để thực hiện mục đích phục vụ nhân dân, một thể hiện của văn hóa sống nhân văn cao cả của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Trở lại mối quan hệ thứ hai, tức là xem xét các yếu tố quy định hay ảnh hưởng đến dân quyền như: điều kiện lịch sử, cụ thể, gắn liền với tính chất, trình độ phát triển của từng quốc gia, dân tộc. Nói cách khác, nội dung, mức độ, hình thức và khả năng thực thi dân quyền không thể tách rời các điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa và truyền thống của các cộng đồng người, các dân tộc trong các thời đoạn lịch sử. Điều ấy cũng có nghĩa là, cùng với việc Nhà nước mang lại ngày càng nhiều quyền cho nhân dân thì cũng đồng thời phải tiến hành giáo dục, nâng cao nhận thức, không ngừng cải thiện môi trường xã hội cho nhân dân. Văn hóa chính là một yếu tố tạo nên môi trường xã hội. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng, “trình độ văn hóa của cán bộ và nhân dân còn thấp, do đó, còn hạn chế nhiều kết quả trong công tác, trong sản xuất” và nhiệm vụ đặt ra là “nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân”(12). Khi trình độ văn hóa của nhân dân được nâng lên thì những điều kiện cho dân quyền cũng được cải thiện. Việc này đồng nghĩa với việc không được áp đặt vô điều kiện những nội dung dân quyền mà không tính đến những dị biệt về trình độ, tính chất và năng lực của những chủ thể khác nhau.

 

6

Đối với nội dung xây dựng kinh tế”, Hồ Chí Minh không đặt ra tiêu chí định hướng như những lĩnh vực khác. Nhưng theo cách đặt vấn đề từ những điểm trước đó có thể thấy, văn hóa được Hồ Chí Minh coi là mục tiêu của xây dựng kinh tế, đồng thời văn hóa cũng là nội lực mạnh mẽ của việc xây dựng nền kinh tế đó. Truyền thống văn hóa, sức mạnh văn hóa trong nguồn nhân lực, trong trình độ tổ chức lao động sản xuất, quản lý kinh tế xã hội, văn hóa trong kinh doanh, trong quan hệ doanh nghiệp là động lực bên trong của quá trình kinh tế, của sự phát triển xã hội và con người. Một nền kinh tế phát triển tốt đẹp, bền vững chỉ khi nó gắn bó với những giá trị văn hóa, kết tinh trong nó những giá trị văn hóa, làm giàu có thêm và thúc đẩy sự phát triển của những giá trị văn hóa của dân tộc, của đất nước. ở một khía cạnh nào đó, có thể thấy tư tưởng phát triển các lĩnh vực văn hóa của Hồ Chí Minh rất gần gũi với quan điểm phát triển bền vững hiện đại.

Từ năm 1953, trong bài Thường thức chính trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Trong chế độ dân chủ mới, có năm loại kinh tế khác nhau:

A - Kinh tế quốc doanh (thuộc chủ nghĩa xã hội, vì nó là của chung của nhân dân).

B - Các hợp tác xã (nó là nửa chủ nghĩa xã hội, và sẽ tiến đến chủ nghĩa xã hội).

C - Kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ (có thể tiến dần vào hợp tác xã, tức là nửa chủ nghĩa xã hội).

D - Tư bản của tư nhân.

E - Tư bản của Nhà nước (như Nhà nước hùn vốn với tư bản tư nhân để kinh doanh)”(13).

Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận từ rất sớm mô hình nền kinh tế đa thành phần sở hữu trong chế độ của chúng ta. Sự đa thành phần trong nền kinh tế tất yếu kéo theo những yếu tố văn hóa vốn có, vốn đang tồn tại cùng những mối quan hệ xã hội giữa các thành phần kinh tế đó. Vậy thì cái gì làm nên sự phân biệt giữa chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa với một chế độ xã hội phát triển kinh tế đa thành phần khác? Phải chăng đó chính là yêu cầu, đòi hỏi về xây dựng văn hóa, hướng con người tới một đời sống văn hóa cao thượng, nhân văn, một lối sống theo chủ nghĩa tập thể ở ý nghĩa tích cực của khái niệm đó.

Mục tiêu lý tưởng của chủ nghĩa xã hội là giải phóng con người, mang lại cho con người cuộc sống tự do, sự phát triển toàn diện và vì thế mà mang lại cho con người nhiều hạnh phúc nhất. Đó là một mục tiêu cao cả, nhân văn nhất. Nhưng: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hóa. Vì sao không nói phát triển văn hóa và kinh tế? Tục ngữ ta có câu: Có thực mới vực được đạo; vì thế kinh tế phải đi trước. Nhưng phát triển để làm gì? Phát triển kinh tế và văn hóa để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ta”(14). Nói cách khác, cần phải phát triển kinh tế để bảo đảm “cơm ăn”, đời sống vật chất cho nhân dân. Nhưng nền kinh tế ấy không tách rời các nội dung, ý nghĩa của việc xây dựng văn hóa và nói cho cùng thì nó phải phục vụ cho mục đích phát triển văn hóa của nhân dân. Và để thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải đấu tranh, xây dựng, phát triển, phải tiến hành một cuộc cách mạng thật sự. Trong cuộc cách mạng đó, văn hóa luôn có ý nghĩa trọng yếu, quyết định. Đó vừa là điều kiện, nền móng cho sự xây dựng, phát triển của đời sống xã hội, vừa là mục tiêu hướng tới trong quan hệ hài hòa với đời sống vật chất.

 

*

Tóm lại, có thể nói, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa có ý nghĩa sâu xa, đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước. Nó không chỉ là mục tiêu phấn đấu vươn tới những giá trị cao đẹp cho cuộc sống mà còn có vai trò nền tảng và sức mạnh động lực hết sức to lớn trong phát triển các bình diện đời sống xã hội. Văn hóa là sức sống của sự phát triển kinh tế - xã hội, là động lực thúc đẩy mọi hoạt động sống của con người. Những quan điểm về văn hóa trong chiến lược phát triển đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là “kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam”(15), mà còn có ý nghĩa thời sự, là chỗ dựa, sự chỉ dẫn cho chúng ta trong nhận thức và giải quyết những vấn đề đặt ra trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay./.
 

Nguồn: Tạp chí cộng sản số 10 (202) năm 2010

Tạ Ngọc Tấn - GS, TS, Ủy viên Trung ương Đảng
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 4.520