TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Chuyện kể dưới tán rừng thiêng (Bài 3)
Ngày cập nhật 21/12/2009

Bài 3: Phai Khắt trận đầu

Nà Ngần, tiếng dân tộc nghĩa là “ruộng bạc”, cùng với Phai Khắt đã trở thành hai địa danh gắn với những chiến thắng đầu tiên của quân đội ta, chiến thắng ngay sau ngày thành lập, mở ra chuỗi chiến công “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”. Hơn thế, những trận thắng cuối năm còn mở ra một quy luật độc đáo của quân đội ta đã từng được nhiều tướng lĩnh đúc kết: Mùa khô, cũng là mùa mở màn của những cuộc tiến công, những trận thắng lớn... 65 năm trôi qua, chúng tôi đã tìm về nơi diễn ra trận thắng đầu tiên – Phai Khắt…

Ông chủ nhiệm Việt Minh với trận đánh vào... nhà mình

Trong một cuốn sách của tác giả Pháp Philippe Devilliers,  đánh giá của chính quyền Pháp về trận Phai Khắt như sau: "Cuộc tấn công được thực hiện một cách hết sức khéo léo. Điều này cho thấy các chỉ huy của họ có sự hiểu biết sâu sắc về chiến tranh du kích và quân lính thì hết sức kỉ luật và bình tĩnh".

Ngược với hình dung của chúng tôi, đồn Phai Khắt, chứ không phải Phay Khắt như nhiều tài liệu đã viết, không phải là một đồn bốt kiên cố mà chỉ là một nhà nhỏ, mái ngói âm dương, nằm lặng lẽ trên đỉnh một quả đồi nhỏ. Ngôi nhà này nay không còn là “đồn” mà đã trở thành di tích lịch sử, một bảo tàng nhỏ để trưng bày nay trở thành Nhà trưng bày chiến thắng Phai Khắt năm xưa…

Nhắc đến “trận đầu”, không thể không nói đến đồng chí Nông Văn Lạc, Chủ nhiệm Việt Minh liên huyện Nguyên Bình – Ngân Sơn, chính là chủ nhân của ngôi nhà ở Phai Khắt,  từng là cơ sở cách mạng, nơi nuôi giấu nhiều cán bộ của ta, sau bị địch chiếm làm đồn. Nông Văn Lạc không phải là đội viên của Đội nhưng là người có nhiều công lao to lớn đối với việc thành lập Đội cũng như việc chuẩn bị cho trận thắng đầu tiên. Trong tài liệu của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam ghi: “Nông Văn Lạc - người được coi là cánh tay phải của đồng chí Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) trong việc tổ chức, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Từ tháng 11-1944, khi chuẩn bị cho trận đánh đầu tiên theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, vấn đề số một đã được bàn thảo là “đánh vào đâu”, đánh đồn nào? Chính đồng chí Nông Văn Lạc đã được giao nhiệm vụ cùng với các đồng chí Hồng Quân, Đức Long đi điều tra, tìm hiểu tình hình địch ở cả 3 đồn Nà Bao, Nà Ngần, Phai Khắt. Qua phân tích tình hình, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã lựa chọn Phai Khắt để đánh trận đầu vì có nhiều thuận lợi hơn. Nhưng có một khó khăn đặt ra. Nhà đồng chí Lạc từng là cơ sở cách mạng, nếu ta đánh vào, địch quay lại khủng bố, rất có thể có đồng chí khai ra, chúng sẽ tàn sát cả gia đình anh. Cấp trên đã hỏi ý kiến Nông Văn Lạc về vấn đề này. Thật khảng khái, anh đã đồng ý cho ta mở trận đầu đánh vào chính… nhà mình, không ngại địch khủng bố. Anh hiểu nỗi đau nước mất, nhà tan… Theo nhiệm vụ đồng chí Võ Nguyên Giáp giao cho, anh Lạc còn vận động, tập hợp nhân dân địa phương tiếp tế cơm nước, đặt trạm canh gác báo tin cho bộ đội. Sau trận đánh, anh còn phải giúp nhân dân loan tin chiến thắng, thống nhất cách khai báo cho các gia đình thật giống nhau nếu địch trở lại khủng bố.

Trong hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết rất rõ về làng Phai Khắt và đồn Phai Khắt. Làng “thuộc xã Tam Lộng, có khoảng mươi nóc nhà, nằm bên cạnh một con suối, phía trước là cánh đồng rộng, sau lưng là những núi đồi lúp xúp. Địch đã chiếm nhà đồng chí Lạc để đóng quân. Bọn địch đóng ở trong làng nên từ ngoài vào đồn, phải qua hai lần rào. Vòng ngoài, địch bắt nhân dân thay phiên canh gác. Vòng trong là hàng rào của chính đồn địch, do binh lính canh gác. Địch có tại đây gần hai chục tên, đặt dưới quyền chỉ huy của một tên đồn trưởng người Pháp”. Nguyên cớ dẫn đến sự ra đời đồn Phai Khắt bắt nguồn từ âm mưu dồn làng lập bốt của hai viên công sứ Cao Bằng, Bắc Kạn, thực hiện từ tháng 4-1944. Với việc đóng thêm các đồn Phai Khắt, Nà Ngần và tăng lính cho đồn Ben-le, chúng đã có thể khống chế  toàn bộ các xã Tam Lọng, Kim Mã và Hoa Thám, chặn con đường Nam tiến của ta qua đèo Khau Giáng,  khống chế phía nam khu rừng Trần Hưng Đạo.

Cuộc tập kích đầy kịch tính

Đêm 25-12-1944, một đêm mùa đông lạnh giá, cái lạnh đã tràn xuống thung lũng với những ruộng lúa còn vàng rơm sau vụ gặt. Một tốp lính dõng lặng lẽ đi từ trong rừng ra, giở cơm nắm ra ăn. Lạ thay, tốp lính không đi tuần ngay mà ngả lưng ngay trên những thảm rơm rạ ngủ ngon lành. Mãi đến nửa đêm, tốp lính mới ngủ dậy, kéo nhau tiến lên một quả núi phía sau đồn Phai Khắt chừng nửa cây số. Từ đó đến tận chiều hôm sau, “tốp lính” vẫn mai phục trên quả núi. Xa xa, tại các ngã ba đường, thi thoảng có những người dân đi đi lại lại. Những người dân ngày thường vẫn lên núi kiếm củi, nay hầu như không “bén mảng”.

5 giờ chiều, lính trong đồn đã lục tục kéo nhau đi ăn cơm. Từ trên đỉnh núi, tốp “lính dõng” đêm qua bất chợt xuống núi, đi thẳng vào làng. Dẫn đầu là hai viên đội xếp có vẻ oai vệ. Đến cổng làng, tên lính gác khúm núm đón xem “Giấy đi tuần” dấu mực còn đỏ tươi. Tốp lính chia làm ba toán, tiến thẳng vào đồn Phai Khắt. Một viên đội sếp xách súng nghênh ngang đến chỗ tên lính gác đồn, oang oang hỏi:

- Quan Tây có nhà không? Chúng tao đi tuần!

Tên gác chưa kịp xem giấy đi tuần thì viên đội sếp đã gạt hắn sang một bên, dẫn tốp lính đi thẳng vào đồn. Nhưng lạ quá, tuần gì chẳng rõ, một toán lính tiến thẳng vào kho, nhặt sạch sành sanh súng ống. Một toán khác nhanh chóng bao vây kín các khu nhà. Bọn lính đang ăn cơm trong nhà đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì bỗng nghe tiếng quát to:

- Rátsămmăng! (tiếng Pháp nghĩa là “Tập hợp!”)

Tưởng có quan châu mới về, 18 tên quan lính trong đồn lục tục chạy ra tập hợp để đón. Khi  chúng hàng ngũ đầy đủ, thình lình viên đội sếp vừa hô tập hợp ban nãy chĩa ngay khẩu tiểu liên vào… chúng, quát to:

- Chúng tôi là quân cách mạng, anh em giơ tay đầu hàng sẽ không giết ai hết, giơ tay lên!

Phía ngoài, tất cả các nòng súng của tốp lính dõng đều chĩa vào hàng quân lính trong đồn. Tên nào tên ấy mặt tái mét, không ngờ Việt Minh xuất quỷ nhập thần, dồn chúng vào thế không kịp trở tay, tất cả run rẩy giơ tay đầu hàng.

Giữa lúc đó, lại một “lính dõng” phi ngựa như bay về đồn “báo cáo” với tốp lính đang “đi tuần”: Quan Tây đang trên đường về đồn!

Ngay lập tức, bọn lính trong đồn được giải đi về phía sau, súng ống đạn dược vừa thu gom ngổn ngang ngoài sân được cất đi nhanh chóng. Không khí đồn Phai Khắt trở lại yên lặng. Tên quan Tây đồn trưởng cưỡi con ngựa hồng cao lớn, đủng đỉnh đi vào. Hắn đang định xuống ngựa thì lại một tiếng quát lớn vang lên:

- Giơ tay lên!

Nhưng y chưa kịp giơ tay thì một loạt đạn bỗng nổ vang. Cả y và con ngựa đều ngã quay ra sân, chết  tại chỗ.

Nghe tiếng đạn nổ, bà con quanh vùng mới chạy đến, kinh ngạc nhận ra tốp “lính dõng” nọ không ai khác, chính là những chiến sĩ trong Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Trận đánh đầu tiên thành công rực rỡ, không ai bị thương vong. Bộ đội thu dọn chiến trường, lấy hết vũ khí. Lợn, gà, chăn màn, bát đĩa… cũng được ta thu hết làm chiến lợi phẩm, nhưng bộ đội đem phân phát hết cho đồng bào. Đội dặn dò bà con cách ứng phó nếu địch trở lại khủng bố. Riêng với mấy chục “tù binh” trong đồn, cách xử lí cũng thật linh hoạt: Ai muốn đi theo quân cách mạng sẽ được chấp nhận, ai muốn trở về quê quán sẽ cấp giấy cho về.

Bóng chiều nhập nhoạng cũng là lúc cả Đội rút khỏi đồn Phai Khắt, để lại trước cửa đồn một mảnh giấy viết bằng tiếng Pháp: “Chúng tôi đã cùng Việt Minh đi đánh Nhật rồi”…

Họ nhanh chóng rút xuống phía cánh đồng Kim Mã. Trời đã sụp tối, nhưng ở các trạm dọc đường, chị em phụ nữ vẫn gánh cơm nước đứng chờ,  gói sẵn  từng phần chia cho bộ đội. Anh em ăn ngay dọc đường rồi đi tiếp suốt đêm hôm đó sang phía Nà Ngần, chuẩn bị cho trận đánh thứ hai…

Trận đầu đã mang dáng dấp “thế trận toàn dân”

“Kịch bản” cuộc tập kích thành công đúng như dự kiến. Trước đó, khi bàn bạc lựa chọn cách đánh, đã có người đề xuất nên đánh phục kích. Nhưng bọn Pháp chỉ cho lính đi tuần mỗi tên 5-10 viên đạn, quá ít, không “đủ tầm” để ta đạt mục tiêu lấy súng đạn của địch. Phương án tập kích đã được lựa chọn. Chỉ có một điểm chưa thành công, nằm ngoài “kịch bản”. Ấy là việc đồng chí Võ Văn Luận và Nông Văn Ích đã nổ súng do quá căm thù giặc, mặc dù trước đó, khi nằm nấp dưới mái hiên, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh: “Khi nào nó vào thì tôi sẽ hô “giơ tay lên”. Nếu nó giơ tay, các đồng chí lập tức xông ra bắt sống. Có lệnh thì mới nổ súng”. Đồng chí Luận bắn chết tên quan Tây, sau đó, đồng chí Ích bắn chết con ngựa. Nhớ lại sự kiện này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Điều chúng tôi chưa dự kiến được hết là các đồng chí ta sẽ khó nén được căm thù lúc nhìn thấy quân địch”; “Kể ra nếu bắt sống tên đồn trưởng, sau khi làm công tác địch vận, giải thích kĩ lưỡng, rồi tha thì có thể gây ảnh hưởng chính trị và hạn chế một phần nào phản ứng của kẻ địch. Nhưng sự việc đã xảy ra rồi, phải tìm cách giải quyết tình hình cụ thể này”.

Sau trận đánh ấy, anh Luận, anh Ích đều bị phê bình, kiểm điểm. Trong tài liệu nghiên cứu của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, có cung cấp thêm một câu chuyện thú vị về người lính “trót bắn” Võ Văn Luận, tên thật là Võ Văn Dảnh (quê ở Tuyên Hóa, Quảng Bình). Năm 1947, trở về quê sau 30 năm tha phương cầu thực, xuất hiện với một phong cách quá “lãng tử”, Võ Văn Luận lại tiếp tục gây ra chuyện hiểu lầm khi ăn mặc rất oai, cưỡi ngựa, đeo gươm, giắt súng ngắn ngang hông. Ông cho dừng ngựa ở đầu làng, rút súng bắn liền mấy phát để “chào cố hương”. Thế là ông bị bắt giam vì bị nghi là Quốc dân Đảng. Nhờ sự can thiệp của cấp trên, ông mới được minh oan và trở thành một cán bộ địa phương. Ông đã “lập công chuộc tội” bằng việc bắt tên Việt gian khét tiếng Võ Cảnh ở Chợ Đồn ngay giữa ban ngày...

Tuy là trận ra quân đầu tiên, nhưng trận đánh đã thể hiện rất rõ thế trận “hiệp đồng”, một “thế trận nhân dân” hoàn hảo. Theo nghiên cứu của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam năm 2004, để có quần áo lính dõng, ka-ki đội Tây cho Đội cải trang, bộ đội ta đã vận động nhờ cán bộ, nhân dân ở nhiều bản tìm kiếm, xin, mượn của đồng bào, trong đó có cả những người đã từng là… lính dõng. Gặp lại chúng tôi, kể về trận đầu, ông Tô Văn Cắm, năm nay đã 87 tuổi vẫn chưa quên hình ảnh thật xúc động, bà con xã Tam Kim đã xé áo làm vành mũ cho bộ đội giả lính dõng (lính người Việt, làm ở các đồn bốt giặc, đội mũ có một vòng trắng). Buổi chiều khi Đội ra quân, còn có tới 50 du kích, cán bộ địa phương làm nhiệm vụ canh gác, bảo đảm ở vòng ngoài. Buổi sáng, buổi trưa, lúc tốp “lính dõng” ẩn mình trên núi, được nhân dân mang cơm nước tiếp tế.

Ở Nguyên Bình, anh  Nông Văn Thủy, con trai đồng chí Nông Văn Xương (bé Hồng), trinh sát viên nhỏ tuổi của Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa, người đã góp công rất lớn vào những chiến thắng đầu tiên của Đội. Trên mảnh đất mà người cha đã dũng cảm trinh sát năm xưa, nay đàn bò, trâu và lợn của anh đứng đầu xã Tam Kim về số lượng. Anh tự hào kể về chiến công của cha mình: Ngày ấy, đồn Phai Khắt nằm chếch phía Tây cách nhà “bé Hồng” – cha anh chỉ  non nửa cây số. Thằng quan Tây cai đồn rất ác ôn, không chỉ đánh dân ngoài chợ mà lính trong đồn, hắn cũng nện roi không thương tiếc. Ấy vậy mà khi được cách mạng giao tiếp cận lính đồn, bé Hồng đã vượt qua nỗi sợ thường tình, làm rất tốt nhiệm vụ.  “Bé Hồng lúc ấy mới 12 tuổi, hằng ngày mang quà và rượu vào cho tên quan Tây, lợi dụng trò chuyện, xem kĩ các vị trí kho đạn, nơi để súng, lương thực, nơi ăn ngủ, canh gác, giờ giấc sinh hoạt và bố trí của địch ở trong đồn, bé Hồng đã báo cáo tỉ mỉ cho chỉ huy Đội. Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nhắc đến “bé Hồng”:  “Một đêm trời tối như mực, đi luồn trong rừng, người sau không nhìn thấy người trước, lại được lệnh không nói to, em bé Hồng đã nghĩ ra một sáng kiến, lượm một cái lá mục có lân tinh, gài vào lưng người đi trước. Sáng kiến của em được phổ biến cho toàn đội và có một tác dụng thật đặc biệt không những trong đêm đó mà còn cho các cuộc hành quân đêm về sau”.

“Trận đầu” tuy nhỏ bé nhưng ở một góc độ nào đó đã thể hiện rõ nét phương thức quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân…

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN MINH

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 2.289