TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Khoa học-Công nghệ Việt Nam: Đang ở đâu?
Ngày cập nhật 04/03/2009
Niềm vui trong ngày lễ tốt nghiệp của tân khoa (Ảnh minh hoạ)

Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm và nhiều người muốn tìm câu trả lời. Không thể so sánh với những quốc gia tiên tiến về Khoa học-Công nghệ (KH-CN) trên thế giới, nhưng VN có thể so sánh với các quốc gia trong khu vực? Và đâu là thước đo cho sự so sánh này?

Vì sao phải nhìn lại?

Không phải ngẫu nhiên mà vào những ngày cuối năm 2008, Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) và Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “10 năm KH-CN Việt Nam”. Theo GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ KH-CN, vào tháng 12-1996, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ban hành Nghị quyết Trung ương 2, xác định KH-CN là “quốc sách hàng đầu, là nội dung then chốt của sự phát triển...”.

Đến hết năm 2007 là tròn 10 năm và hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết này. Đây chính là thời điểm cần thiết phải nhìn lại những gì KH-CN Việt Nam đã và chưa làm được.

Theo GS Chu Hảo, 10 năm qua, KH-CN Việt Nam đã có những tiến bộ, gặt hái được nhiều thành công; mức độ đầu tư cho KH-CN cũng đã tăng dần hằng năm.

Từ năm 2000 đến nay, KH-CN Việt Nam đã tạo ra 142 giống cây trồng mới; 100% diện tích điều, 90% diện tích lúa, 80% diện tích bắp, 60% diện tích mía dùng giống mới; tạo nhiều giống thủy sản mới như cá rô phi toàn đực, cá mè toàn cái, tôm càng xanh, cua biển, ốc hương, bào ngư; làm chủ các công nghệ bê tông dự ứng lực (đến 60m), bê tông đúc hẫng (đến 200m), đóng tàu biển 100.000 tấn; ứng dụng thành công các kỹ thuật: ghép tạng, nội soi, chữa bỏng…; nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất vaccine với 9/10 loại trong chương trình tiêm chủng mở rộng (kể cả H5N1, viêm gan B); hàng trăm tiến bộ KH-CN được chuyển giao và ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn; nhiều công trình KH-CN trong nước đã tiết kiệm cho quốc gia hàng trăm triệu USD so với công nghệ nhập ngoại...

Tuy nhiên, hầu hết ý kiến các nhà khoa học tham gia buổi tọa đàm đều cho rằng, nếu cơ chế quản lý, hoạt động KH-CN hiện nay không tiếp tục đổi mới thì khó đạt được những mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 2 (Khóa VIII) đã đặt ra. Quản lý hoạt động KH-CN hiện vẫn còn mang nặng tính hành chính, bao cấp và cơ chế xin - cho, chưa đổi mới kịp với nhu cầu xã hội và nền kinh tế.

Chính vì vậy, rất nhiều chương trình nghiên cứu KH-CN không đi vào thực tế, gây lãng phí. “Đây chính là một trong những điểm yếu nhất của nền KH-CN ở Việt Nam hiện nay”, GS Lưu Bích Hồ khẳng định.

Theo GS Hoàng Tụy, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ đối với những người làm công tác nghiên cứu KH-CN còn nhiều bất cập. Trong khi đó, GS Chu Hảo cho rằng, lực lượng nghiên cứu khoa học của Việt Nam hiện nay rất thiếu và yếu. Lý do, đào tạo, cấp bằng thạc sĩ và tiến sĩ hiện nay ở Việt Nam chủ yếu nhằm đáp ứng yêu cầu “đủ bằng cấp” để làm quản lý, lãnh đạo ở các cấp chính quyền và cơ quan nghiệp vụ, chứ không nhắm xây dựng đội ngũ nghiên cứu khoa học...

Thước đo và cách nhìn về thực tế

Theo hầu hết các nhà khoa học, thước đo tương đối chính xác cho mức độ phát triển KH-CN chính là việc công bố các kết quả nghiên cứu, số bằng sáng chế, giải pháp hữu ích của mỗi quốc gia được cộng đồng khoa học quốc tế thừa nhận.

GS Chu Hảo cho biết, năm 2005, số lượng bài báo đăng trên các tạp chí KH-CN trong nước là 12.326, số lượng đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích là 2.162. Số công bố trên quốc tế của Việt Nam mới đạt khoảng 300 bài/năm, tỷ lệ của Việt Nam trên tổng số công bố của thế giới chỉ đạt 0,02%. Trong khi đó, tỷ lệ này của một số nước, vùng lãnh thổ là: Hàn Quốc và Đài Loan: 0,77%; Singapore: 0,25%; Thái Lan: 0,11%; Malaysia: 0,08%; Philippines: 0,05%; Indonesia: 0,04%.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan quản lý nguồn nhân lực (Bộ KH-ĐT) và Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có khoảng 2,6 triệu người có trình độ đại học trở lên, trong đó có khoảng 34.000 thạc sĩ, tiến sĩ. Số lượng người làm trong các tổ chức KH-CN gần 53.000 người và cả nước có tới 1.295 tổ chức KH-CN hoạt động trên 60 lĩnh vực với trên 125 ngành nghề, gần 800 chuyên ngành khác nhau. Mỗi năm nhà nước dành 2% tổng chi ngân sách (tương đương 0,4%-0,45% GDP) và các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đầu tư khoảng 1,2%-1,3% tổng chi ngân sách (tương đương 0,3% GDP) cho hoạt động KH-CN.

So với Thái Lan, năm 2007 Việt Nam cũng có khoảng cách khá lớn. Tổng cộng, trong năm 2007, Việt Nam công bố 692 bài báo khoa học trên các tạp khí khoa học quốc tế, trong đó Viện KH-CN Việt Nam công bố 98 bài, ĐH Quốc gia TPHCM là 56, ĐH Quốc gia Hà Nội là 53, ĐH Sư phạm Hà Nội là 27 và ĐH Bách khoa Hà Nội là 26... Cùng thời gian này, ĐH Chulalongkorn và ĐH Mahidol (đều của Thái Lan) đã có 709 và 707 bài báo khoa học được công bố quốc tế. Chỉ một trường ĐH của Thái Lan thôi đã có số công bố quốc tế nhiều hơn tất cả của Việt Nam cộng lại!

Bộ trưởng Hoàng Văn Phong cũng thừa nhận, để KH-CN Việt Nam thực sự phát triển, cần có sự đầu tư lớn hơn, thỏa đáng hơn. Bên cạnh việc quyết liệt để chuyển đổi các tổ chức KH-CN sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hình thành các doanh nghiệp KH-CN, cần tăng mức đầu tư cho các trường ĐH, CĐ và tạo những cơ chế để đào tạo, thu hút và phát huy tốt hơn nữa nguồn nhân lực trí thức trẻ, nhằm tạo lực lượng trụ cột cho nền KH-CN của Việt Nam.

Đặc biệt, phải thực hiện những chính sách cụ thể, hiệu quả trong việc sử dụng và trọng dụng đội ngũ tri thức KH-CN; từng bước xóa bỏ chủ nghĩa bình quân và tư duy hành chính kéo dài nhiều năm, một trong những nguyên nhân gây giảm sút sức sáng tạo và nhiệt huyết của những nhà khoa học./.
 
(Theo: Trần Lưu/SGGP)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 9.178