TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng miền Nam: Chuyện về những người lính bảo vệ
Ngày cập nhật 28/04/2014

 Mỗi dịp tháng tư về, cán bộ chiến sĩ Đoàn 180 An ninh vũ trang miền Nam lại tề tựu để nhắc nhớ những ký ức không quên của một thời gian khổ ác liệt nhưng vô cùng nghĩa tình. Ra đời năm 1961, đoàn mang nhiều phiên hiệu khác nhau như C260, U25, Đoàn 70 ATK và sau cùng là Đoàn 180 An ninh vũ trang miền Nam. Nhận trọng trách bảo vệ cơ quan đầu não Trung ương Cục, bảo vệ căn cứ Dương Minh Châu - “vùng đất thánh của Việt cộng”, nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo cao cấp: Nguyễn Văn Linh (Bí thư TWC 1961-1964), Nguyễn Chí Thanh (Bí thư TWC 1964-1967), Phạm Hùng (Bí thư TWC 1967-1976) và các đồng chí ủy viên Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt, Hoàng Văn Thái, Trần Lương, Trần Văn Quang,  Phan Văn Đáng, Phạm Thái Bường, Phạm Văn Xô. Bởi vậy, anh em trong R hồi ấy thường gọi đùa chiến sĩ Đoàn 180 là “lính nhà vua”.

 

Đại tá Nguyễn Phong Giang, Phó ban liên lạc truyền thống Đoàn 180, cho hay dù không phải là đơn vị trực tiếp chiến đấu nhưng trên những chặng đường giao liên, những chuyến đưa lãnh đạo đi công tác đường xa, khi xây dựng và bảo vệ căn cứ, cán bộ chiến sĩ Đoàn 180 luôn sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu duy nhất là hoàn thành nhiệm vụ, đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. 

Sống và chiến đấu theo phương châm “chỉ biết còn Đảng, còn mình”, chiến sĩ Đoàn 180 tâm niệm việc bảo vệ căn cứ, bảo vệ thủ trưởng và hàng tấn tài liệu quan trọng của Đảng phải tuyệt đối an toàn. Anh em Tiểu đoàn 1 nhớ mãi lần đưa đồng chí Phạm Hùng đi công tác. Thời điểm tháng 5-1972 địch đánh phá rất ác liệt, đường về cứ phải đi trên sông, có đoạn vượt qua nhiều bãi trống gần như phơi lưng cho địch phát hiện. Trời chập choạng tối, chiếc ghe lướt ngon lành giữa sông Mê Kông. 

Dù căng thẳng nhưng Năm Ngọc, rồi Tám Bé bỗng hứng chí bất tử ca vài câu vọng cổ. Đồng chí Phạm Hùng bật cười: “Các ông mà ở đội văn nghệ ca cải lương kiểu này thì khối cô chết mê chết mệt”. Thầy trò cười vang cả mặt sông. 


Bỗng tiếng máy bay ì ì, trên trời xuất hiện chiếc AC 130 nghiêng ngó, phát hiện chiếc ghe giữa sông liền xả đạn chiu chíu. Phút chốc yên bình bị lửa đạn chiến tranh tàn phá dữ dội. Tổ bảo vệ hết sức bình tĩnh, khéo léo cho ghe chạy khi nhanh khi chậm theo vòng lượn của máy bay, luồn lách vào bờ. Ghe vừa cập bến, sáu thầy trò ào lên. Đồng chí Trượng choàng tay thủ trưởng qua vai mình, Năm Ngọc và Tám Bé cũng áp sát cùng dìu nhau chạy nhưng thực ra đây là cách lấy thân mình che đạn cho lãnh đạo. Bất cứ ai ở Đoàn 180 gặp trường hợp như thế cũng làm vậy, hễ gặp địch đánh phá bất ngờ là anh em nằm vây lấy cán bộ để che mảnh bom đạn, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ cấp trên. 

Ở chiến trường, hành trang của người chiến sĩ không gì hơn ngoài chiếc ba lô và vài bộ quân phục, những chiến lợi phẩm thắt lưng, bi đông, khăn dù... anh em thu của địch tự trang bị làm vật dụng cá nhân theo suốt cuộc trường chinh đánh Mỹ và trở thành ký ức oai hùng mãi mãi tuổi đôi mươi. Ở Đại đội 1, Tiểu đoàn 2, Lê Minh Nhựt và Nguyễn Văn Thành kết đôi bạn thân từ thuở mới vào chiến khu. Cuộc sống anh bộ đội đã rèn luyện Thành từ một công tử con gia đình thương gia xứ Chùa Tháp thành tiểu đội trưởng tả xung hữu đột với danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe tăng. Những ngày rừng núi yên tĩnh, bộ đội ta tranh thủ nghỉ ngơi. Tốp đun nước pha trà, tốp đánh tú lơ khơ giải trí, đôi bạn Nhựt - Thành mắc võng đung đưa bàn về những ước mơ cháy bỏng. 

Cuối thu 1969, được lệnh hỏa tốc chi viện cho đơn vị bạn bị địch tấn công ở phía tây, trung đội băng rừng vượt suối dưới làn đại bác và rốc két, nhanh chóng tiếp cận trận địa. Trước hỏa lực mạnh mẽ từ các hướng dồn dập tấn công, quân địch thương vong vô số, tháo chạy tán loạn. Chớp thời cơ, quân ta ồ ạt xung phong. Bất ngờ Nhựt khựng lại và khuỵu xuống, một viên đạn xuyên qua ngực anh. Đúng lúc ấy, có tiếng Thành vọng lại từ xa: “Nhựt ơi, Nhựt ở đâu, có quà đây này”. Khuôn mặt sạm màu khói súng, tay cầm chiếc khăn lông màu xanh, Thành chạy tới chỉ kịp nhìn thấy đôi mắt bạn chớp lên những tia lửa nhạt nhòa rồi từ từ lịm tắt. Năm sau, trên đường hành quân, Nguyễn Văn Thành cũng anh dũng hy sinh ven cánh rừng chồi sát biên giới Campuchia.

Ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, không chỉ những chàng trai can trường mà có những cô gái chọn cái chết nhẹ tựa lông hồng. Gần 50 năm trôi qua, đại tá Giang vẫn nhớ như in chuyến giao liên đưa anh qua đồng chó ngáp Tháp Mười tháng 4-1965. Đoàn 30 người luồn hết rừng tràm đến cánh đồng lau sậy sình lầy rồi ngụy trang vượt qua đồng trống. Đi được một tiếng đồng hồ thì bị máy bay L19 (đầm già) phát hiện. Tiếng ầm ầm vang mỗi lúc một gần, xe tăng địch chạy càn quét từ Kiến Văn về Mộc Hóa. Tình huống cam go ác liệt đe dọa tính mạng hàng chục con người. Sau cuộc hội ý chớp nhoáng, cả đội hình chia ra nhiều tổ để “chém vè”. Địch ngày càng tới gần, trên đầu máy bay quần thảo chỉ điểm, bắn hỏa tiễn và phát loa kêu gọi đầu hàng. Nhanh như chớp, một nữ chiến sĩ giao liên bẻ cành lau sậy, treo lá cờ đoàn, tách ra làm ám hiệu đầu hàng, ngụy trang thu hút địch về phía mình. Một chiếc xe tăng tiến đến định bắt sống liền bị cô ném thủ pháo, cả 5 tên lính trong xe đền mạng. Cô gái kiên cường dùng súng cạc bin bắn đến viên đạn cuối cùng rồi anh dũng hy sinh. Sau khi địch rút lui, chỉ huy đoàn giao liên dẫn anh em trở lại tìm xác và chôn người liệt sĩ giao liên bên cạnh thềm đìa, giữa Đồng Tháp Mười mông lung hoang vắng. Sau này mới biết tên người nữ giao liên ấy là Nguyễn Thị Thanh Vân, mới 16 tuổi đời, 1 tuổi quân, vừa kết nạp vào Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam vào chiều hôm trước!

Trận càn Gian-xơn Xi-ty thất bại, tháng 12-1967 Mỹ huy động lực lượng lấn chiếm, uy hiếp vùng căn cứ cách mạng. Một phân đội do đồng chí Nguyễn Hồng Thanh chỉ huy mật phục chặn đánh quyết liệt với địch. Trong lúc chiến đấu, đồng chí Nguyễn Hải Thủy bị gãy nát xương đùi. Quyết tâm giữ lại cái chân cho đồng đội, bác sĩ Hải ở Bệnh viện dân y Liên Cơ nghĩ ra cách lấy xương voọc ghép xương đùi cho Thủy. Cái tên Thủy “xương voọc” lan truyền trong căn cứ nêu cao tinh thần “Lương y như từ mẫu” khiến anh em nào bị thương cũng muốn được vào đây điều trị.

Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đoàn 180 nhận nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Đảng bộ Sài Gòn và đoàn cán bộ dân chính Đảng ra tiền phương. Một đơn vị ở lại bảo vệ căn cứ, kho tàng. Tiểu đoàn cơ động và Đại đội vệ binh xuất quân tiến về Sài Gòn, phối hợp với quân đội đánh chiếm và tiếp quản Tổng nha Cảnh sát quốc gia và trụ sở Cảnh sát đô thành. Quân ta trên năm hướng tiến công như vũ bão vào nội đô. Chiều 30-4, lực lượng an ninh vũ trang đã chiếm lĩnh toàn bộ các mục tiêu. Ngày 1-5, một tổ công tác đưa đồng chí Viễn Chi (Thứ trưởng Bộ Công an) cùng đồng chí Lâm Văn Thê (Ba Hương) và toàn cơ quan an ninh ở Trung ương Cục tại căn cứ R về Sài Gòn. Càng về gần thành phố bầu không khí càng tưng bừng náo nức. Một rừng cờ xen lẫn rừng hoa và những khuôn mặt hân hoan niềm vui chiến thắng. 

Ngày 12-5, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, vui mừng ôm hôn đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục và các đồng chí Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Văn Trà... Giây phút lịch sử của non sông đất nước, của miền Nam anh hùng, của quân dân cả nước hơn 21 năm trường kỳ gian khổ chiến đấu và chiến thắng.

 Thu Hiền

 
   

 

Báo điện tử Công an Thành phố Hồ Chí Minh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 10.012.997
Truy câp hiện tại 1.843