TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập công đoàn việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2009): GIAI CẤP CÔNG NHÂN VIỆT NAM TRONG SỰ NGHIỆP CNH-HĐH ĐẤT NƯỚC
Ngày cập nhật 20/07/2009

Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, kể từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Ðảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp công nhân (GCCN) đã tỏ rõ vai trò tiên phong trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

 Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam vẫn là lực lượng đi đầu. Ðúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Với lý luận cách mạng tiên phong và kinh nghiệm của phong trào vô sản quốc tế, giai cấp công nhân ta đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và đáng tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam".

 Do điều kiện lịch sử ở một nước thuộc địa, GCCN Việt Nam ra đời và trưởng thành gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và đi lên xây dựng CNXH. GCCN Việt Nam có mối quan hệ tự nhiên, máu thịt với giai cấp nông dân, với tầng lớp trí thức và nhân dân lao động.

 Ðó là những cơ sở để xây dựng khối liên minh công - nông - trí thức bền vững ở nước ta. Ðó cũng là cơ sở kinh tế - xã hội vững chắc bảo đảm vị trí lãnh đạo của Ðảng trong điều kiện hiện nay.

 Sau hơn hai mươi năm tiến hành đổi mới, từ một nước nông nghiệp là chủ yếu, chúng ta đang chuyển dần thành một nước công nghiệp theo xu hướng hiện đại. Tham gia vào đủ các thành phần kinh tế. GCCN Việt Nam là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HÐH đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế và đã có nhiều cố gắng để phát huy vai trò nòng cốt trong liên minh giữa GCCN với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Ðảng.

Trong những năm đổi mới, GCCN nước ta đã có những bước phát triển tích cực, mạnh mẽ, đang tăng nhanh về số lượng, ngày càng đa dạng về cơ cấu, đồng thời chất lượng đội ngũ được nâng lên, đã xuất hiện bộ phận công nhân trí thức. Cùng với các giai cấp, giai tầng xã hội khác trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, GCCN đã có đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Về mặt sản xuất, GCCN là lực lượng cơ bản, chủ yếu, có vai trò to lớn trong nền kinh tế quốc dân. Mặc dù về số lượng GCCN ở nước ta chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng số dân cư (khoảng 13%) nhưng nắm giữ những cơ sở vật chất và các phương tiện sản xuất hiện đại nhất của xã hội, quyết định phương hướng phát triển chủ yếu của nền kinh tế. GCCN là lực lượng lao động đóng góp nhiều nhất vào ngân sách nhà nước. Hằng năm GCCN đóng góp khoảng 50% tổng sản phẩm xã hội và bảo đảm hơn 60% ngân sách nhà nước.


Sự lớn mạnh của GCCN là nhân tố quan trọng để đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước. Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 (khóa X) khẳng định: "Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Ðảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Ðảng".

 Mục tiêu phấn đấu của chúng ta đến năm 2020 là đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong thời gian từ nay đến mốc thời gian đó, kinh tế thế giới chuyển mạnh sang nền kinh tế tri thức, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ cao, khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo sẽ ngày càng gia tăng. Do vậy, sự nghiệp CNH, HÐH đất nước phải đẩy mạnh hơn, CNH phải gắn với kinh tế tri thức để rút ngắn thời gian, bảo đảm kinh tế phát triển bền vững, môi trường được bảo vệ, an sinh xã hội được tăng cường, xã hội phát triển hài hòa, nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng, trình độ cao. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở nước ta, với đầy đủ những mặt tích cực và cả những mặt trái của nó đặt ra cho GCCN Việt Nam những đòi hỏi mới, những thử thách mới phải vượt qua.

Tuy vậy, việc nhận thức đúng và phát huy vai trò của giai cấp công nhân trong thời kỳ mới còn nhiều bất cập. Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 (khóa X) chỉ rõ: "Ðảng có chú trọng xây dựng giai cấp công nhân, nhưng quan tâm chưa đầy đủ, chưa ngang tầm với vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong thời kỳ mới. Nhà nước ban hành nhiều chính sách, pháp luật xây dựng giai cấp công nhân, nhưng chính sách, pháp luật này vẫn còn hạn chế..."; "tỷ lệ đảng viên và cán bộ lãnh đạo xuất thân từ công nhân còn thấp... Lợi ích một bộ phận công nhân được hưởng chưa tương xứng với những thành tựu của công cuộc đổi mới và những đóng góp của chính mình; việc làm, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân đang có nhiều khó khăn, bức xúc...". Ðịa vị chính trị của giai cấp công nhân chưa được thể hiện đầy đủ.

 Sự phát triển của giai cấp công nhân cũng chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, về cơ cấu và trình độ học vấn, về chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho sự nghiệp CNH, HÐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta vẫn còn thiếu nghiêm trọng đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động ở một bộ phận công nhân còn nhiều hạn chế; những nông dân và các tầng lớp lao động xã hội khác mới gia nhập hàng ngũ GCCN chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống.


Nhằm khắc phục những tồn tại yếu kém để xây dựng GCCN đủ sức đảm nhiệm được sứ mệnh của mình là lực lượng chủ yếu đẩy mạnh CNH, HÐH, Ðảng ta yêu cầu: Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về GCCN trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từng bước trí thức hóa GCCN; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, tính dân tộc cho công nhân; sửa đổi, bổ sung, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân; tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong xây dựng GCCN.

 Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh phải gắn kết hữu cơ với xây dựng, phát huy sức mạnh của liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Ðảng, giữa GCCN với tất cả các tầng lớp xã hội trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc - động lực chủ yếu của sự nghiệp phát triển đất nước, đồng thời tăng cường quan hệ đoàn kết, hợp tác quốc tế với GCCN trên thế giới. Chiến lược xây dựng GCCN lớn mạnh phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, CNH, HÐH đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và chăm lo xây dựng GCCN; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa công nhân và người sử dụng lao động, Nhà nước và toàn xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách đang đặt ra của GCCN.

 Giai cấp công nhân Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng. Ðể xứng đáng là lực lượng đi đầu, GCCN phải vươn lên về mọi mặt. Xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh, ngang tầm với sự nghiệp CNH, HÐH, chủ động vững bước vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hiện nay, là trách nhiệm của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị cũng như mỗi người công nhân. Cả hệ thống chính trị, nòng cốt là cấp ủy và chính quyền các cấp cùng tổ chức công đoàn cần ra sức quán triệt và thực hiện sáng tạo tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 (khóa X) để xây dựng GCCN vững mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước.

Nguồn: Báo Nhân dân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 3.452