TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Tuyên ngôn độc lập bất hủ và sáng mãi tư tưởng nhân văn của dân tộc Việt Nam
Ngày cập nhật 21/10/2022

Ngày 19-8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám tại Hà Nội đã giành thắng lợi. Từ khu giải phóng Việt Bắc, vào chiều ngày 25-8-1945, theo sự chỉ đạo của đồng chí Lê Văn Lương, bằng một xe bí mật đi cổng sau, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng Hồ Chí Minh đã về trú đóng tại ngôi nhà của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, tại số nhà 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội.

Sự ra đời và nội dung cao cả của bản Tuyên ngôn lịch sử

Lúc đó, mặc dù còn mệt do bệnh chưa khỏi hẳn, nhưng ngay sáng 26-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng. Trong cuộc họp này, ngoài việc bàn những vấn đề trọng yếu của quốc gia, Người cho biết sẽ chuẩn bị để biên soạn bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tại cuộc họp của Ủy ban Dân tộc giải phóng, ngày 27-8, Người được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Liên tiếp trong hai ngày 28 và 29-8, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành phần lớn thời gian để soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Ngày 30-8, Người đã mời một số đồng chí ở Trung ương Đảng đến trao đổi, góp ý kiến thêm cho bản dự thảo Tuyên ngôn độc lập. Sau khi đọc bản thảo cho mọi người nghe và hỏi ý kiến, Người nói đại ý: Trong đời, Người đã viết nhiều nhưng đến bây giờ, mới viết được một văn bản cực kỳ quan trọng là bản Tuyên ngôn độc lập cho nước nhà vừa giành độc lập.

Tiếp đó, ngày 31-8, vẫn tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Hồ Chí Minh đã bổ sung một số điểm vào bản thảo bản Tuyên ngôn độc lập; đồng thời, hỏi Ban Tổ chức về tình hình cụ thể của việc chuẩn bị ngày Lễ Độc lập sẽ diễn ra tại quảng trường Ba Đình vào chiều ngày 2-9-1945, khi nước nhà vừa giành độc lập hơn 1 tuần lễ (Nam Bộ đến 25-8-1945 mới hoàn thành việc giành chính quyền). 

Đúng 13 giờ 30 phút ngày 2-9-1945, đoàn xe chở các thành viên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi đến quảng trường Ba Đình. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị Bộ trưởng vừa bước lên lễ đài thì cả rừng người vỗ tay hoan nghênh kéo dài. Giờ chào cờ đã đến. Đội kèn đồng của Vệ quốc quân vang lên bài Quốc ca “Tiến quân ca” hùng tráng. Tiếp đó, lá cờ đỏ sao vàng được hai chiến sĩ giải phóng quân là Đàm Thị Loan và Lê Thi đã từ từ kéo lên đỉnh cao nhất của cột cờ quảng trường Ba Đình. Lúc này, một nỗi trang nghiêm đang chờ đón những thời khắc đáng nhớ nhất của dân tộc ta qua gần 100 năm kéo dài trong cảnh nô lệ, lầm than.

Và đúng 14 giờ tại Quảng trường (nay gọi là quảng trường Ba Đình) Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ tối cao của dân tộc, đã trịnh trọng đứng trên lễ đài đọc Tuyên ngôn độc lập. Người trong bộ quần áo kaki giản dị, với giọng nói ấm áp, rõ ràng, mang âm hưởng chất giọng xứ Nghệ quê hương Người đã vang lên Quảng trường. Tại bản Tuyên ngôn độc lập, Người đã nêu lên quyền dân tộc cơ bản của các dân tộc trên thế giới, khẳng định quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của nhân dân ta là quyền độc lập, tự do; và đó cũng là quyền con người mà nhân dân ta đã anh dũng đấu tranh, giành lấy từ tay phát-xít Nhật, bởi lẽ không thể có được quyền con người khi quyền độc lập của dân tộc bị chà đạp; nói cách khác, dân tộc có được độc lập thì con người mới được hưởng quyền con người một cách đích thực, hữu hiệu.

Đó là tư tưởng bất hủ của Hồ Chí Minh về sự gắn bó chặt chẽ giữa quyền dân tộc và quyền con người, khi Người nêu rõ: “Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do mưu cầu hạnh phúc. Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập; Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Tư tưởng bất hủ đó là sự kết tinh hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà hơn ai hết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấu hiểu rất rõ và sâu sắc về điều đó.

Ý nghĩa mang tính thời đại to lớn của Tuyên ngôn độc lập

1. Tuyên ngôn độc lập là bản “Thiên cổ hùng văn” kết tinh truyền thống lịch sử kiên cường, bất khuất của cả dân tộc, là bản anh hùng ca mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập tự do cho các dân tộc trên thế giới, trong đó nước ta lần đầu tiên tại Đông Nam Á đã giành được quyền độc lập và quyền tự do.

2. Tuyên ngôn độc lập bất hủ ngay từ những khổ đầu đã lấy tư tưởng cao cả của Tuyên ngôn độc lập Mỹ và Pháp, tư tưởng “Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do mưu cầu hạnh phúc”. Đó là những ý tưởng cao cả của loài người tiến bộ trong cuộc đấu tranh giành lại sự sống ấm no đi tới tự do. Vận dụng những tư tưởng lớn của loài người từ hai quốc gia Mỹ và Pháp để nhận định những lý tưởng cao đẹp, sáng ngời của ý chí độc lập, tự do mà bất cứ quốc gia nào, dân tộc nào cũng đều có quyền dành cho con người được hưởng tự do và độc lập.    

3. Tuyên ngôn đã chỉ ra một chính quyền cách mạng mới của nhân dân Việt Nam được xây dựng và trưởng thành theo đúng ý nguyện của mọi tầng lớp nhân dân và cả dân tộc. Tuyên ngôn khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi và là triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam đang phấn đấu, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

4. Bản Tuyên ngôn là sản phẩm của sự kết hợp các giá trị của truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí kiên cường vì độc lập dân tộc của Việt Nam với sứ mệnh cao cả của giai cấp vô sản được đề cập trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (năm 1848). Tuyên ngôn đã thể hiện rõ cách mạng Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của cách mạng thế giới và giai cấp vô sản Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp vô sản thế giới có sứ mệnh lịch sử cao cả và vĩ đại là giải phóng dân tộc và nhân loại.

5. Tuyên ngôn độc lập 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo và công bố trước toàn thế giới cho thấy trí tuệ sắc sảo và lỗi lạc của Người. Đây là kết quả của một quá trình tư duy khoa học độc đáo và thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó càng khẳng định rõ ràng và nhất quán một chân lý hết sức giản dị nhưng có tầm khái quát cao là tư tưởng và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như trí tuệ sắc sảo của Người đã và vẫn mãi mãi soi sáng con đường dân tộc Việt Nam.

​Phạm Bá Nhiễu (Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 10.009.215
Truy câp hiện tại 198