PV: Xin Phó Thủ tướng cho biết bối cảnh và mục đích của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này?
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 14 (HNCC 14) diễn ra trong lúc các nền kinh tế trong khu vực đang chịu những tác động sâu sắc của khủng hoảng tài chính thế giới. Vì vậy, đây cũng chính là một trong những chủ đề trọng tâm của Hội nghị.
Tuy Đông Nam Á ít bị tác động hơn các khu vực khác và đã bước đầu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng cuộc khủng hoảng vẫn còn diễn biến rất phức tạp, nhất là các tác động làm suy giảm xuất khẩu và tốc độ phát triển kinh tế, giảm lòng tin của các nhà đầu tư...
Bên cạnh đó, sự đình trệ trong sản xuất và thương mại cũng gây tác động tiêu cực đối với an sinh xã hội của nhiều quốc gia trong khu vực. Để vượt qua những khó khăn trên, các nước ASEAN cần quyết tâm tăng cường hợp tác để ngăn chặn khủng hoảng trầm trọng thêm, vực dậy nền kinh tế khu vực, duy trì ổn định xã hội và lấy lại đà tăng trưởng kinh tế.
Đây là thời điểm đánh dấu bước chuyển mới của ASEAN khi mà Hiến chương ASEAN vừa có hiệu lực và cả Hiệp hội đang quyết tâm đưa Hiến chương đi vào cuộc sống, đẩy mạnh quá trình liên kết và xây dựng Cộng đồng ASEAN. Chính vì thế, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 14 có tầm quan trọng đặc biệt.
Là Hội nghị cấp cao đầu tiên sau khi Hiến chương ASEAN bắt đầu có hiệu lực, HNCC 14 đã khởi động các cơ chế mới theo quy định trong Hiến chương ASEAN, thông qua lộ trình và các kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN; đồng thời, các nhà lãnh đạo còn dành nhiều thời gian bàn các biện pháp hợp tác xử lý những thách thức có tính toàn cầu nhưng cũng rất thời sự hiện nay.
Với chủ đề “Hiến chương ASEAN vì người dân ASEAN”, Hội nghị tập trung trao đổi về những định hướng, biện pháp lớn nhằm đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, nâng cao khả năng của khu vực trong việc đối phó với các thách thức toàn cầu, nhất là cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, và những vấn đề toàn cầu như an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, thiên tai…; tiếp tục các biện pháp tăng cường quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài trong khi tiếp tục duy trì được vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc và tiến trình hợp tác khu vực.
Trong bối cảnh đó, thành công của HNCC lần này là một thông điệp mạnh mẽ thể hiện quyết tâm của Hiệp hội ASEAN đoàn kết và tiếp tục vững bước đi lên, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra và quyết tâm xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN 2015.
PV: Xin Phó Thủ tướng cho biết, Hội nghị Cấp cao ASEAN 14 đã có thỏa thuận gì để thúc đẩy triển khai Hiến chương và xây dựng Cộng đồng ASEAN ?
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận các biện pháp triển khai đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống và phát huy tác dụng trong thực tiễn hoạt động của ASEAN thời gian tới. Ngay trước khi diễn ra Hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã tổ chức phiên họp đầu tiên của Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) và các Bộ trưởng Kinh tế cũng tổ chức phiên họp đầu tiên của Hội đồng cộng đồng kinh tế (Hội đồng AEC) để chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao và trao đổi về định hướng, quy chế hoạt động trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thảo luận phương hướng hoàn thiện tổ chức, bộ máy và phương thức hoạt động của ASEAN theo các quy định mới của Hiến chương, đặc biệt đã chỉ đạo việc sớm đưa Ủy ban Đại diện thường trực của các nước ASEAN (CPR) tại Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a) vào hoạt động; quy định chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan mới như Cơ quan nhân quyền ASEAN; chỉ đạo công tác xây dựng các văn kiện pháp lý quy định tư cách pháp nhân của ASEAN, cơ chế giải quyết tranh chấp trong ASEAN;
Về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Hội nghị đã ra Tuyên bố Cha Am- Hủa Hin về Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, thông qua các Kế hoạch tổng thể xây dựng 3 Cộng đồng trụ cột là Chính trị - An ninh, Kinh tế, và Văn hóa - xã hội.
Hội nghị cũng thông qua Kế hoạch hành động Sáng kiến liên kết ASEAN giai đoạn 2 nhằm tăng cường thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên; thỏa thuận một số biện pháp nhằm tăng cường tính tự cường khu vực, như hợp tác về tài chính, an ninh lương thực, an ninh năng lượng…
Trong thời gian Hội nghị, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN đã ký Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Nghị định thư thực hiện gói cam kết thứ 7 của ASEAN về dịch vụ.
Các Bộ trưởng ASEAN cũng đã ký hiệp định về an ninh dầu khí khu vực. Đây là các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường liên kết kinh tế ASEAN và hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN. Ngoài ra, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cùng các Bộ trưởng Thương mại Ô-xtrây-lia và Niu Di-lân cũng ký Hiệp định thành lập Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Ô-xtrây-lia - Niu Di-lân.
PV: Xin Phó Thủ tướng cho biết các nước ASEAN đã có thỏa thuận gì để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính hiện nay?
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Đối phó với các thách thức của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu hiện nay là chủ đề được Hội nghị lần này hết sức quan tâm. Tuy nền kinh tế của các nước ASEAN nói chung dự kiến vẫn đạt tăng trưởng trung bình dương trong năm 2009 (không rơi vào suy thoái), nhưng vẫn chịu nhiều tác động tiêu cực và phát sinh nhiều vấn đề an sinh xã hội.
Để khẳng định quyết tâm chính trị trong việc khắc phục những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ra tuyên bố, nhất trí sẽ có các biện pháp khôi phục lòng tin, khuyến khích các chính sách vĩ mô hỗ trợ thị trường như tăng chi tiêu ngân sách, nới lỏng tiền tệ, nhất là tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo vệ việc làm... nhằm kích cầu.
ASEAN khẳng định tiếp tục tự do hóa thương mại và đầu tư, phản đối chủ nghĩa bảo hộ, cam kết không dựng các hàng rào mới; khẳng định quyết tâm thực hiện nhanh chóng thỏa thuận của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 vừa qua tại Phu-ket (Thái Lan), trong đó có quyết định tăng quy mô vốn của Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiêng Mai (CMIM) từ 80 tỉ USD lên 120 tỉ USD.
ASEAN cũng thúc đẩy thực hiện Sáng kiến thị trường Trái phiếu Châu Á, kêu gọi Hội nghị G20 tại Luân-đôn sắp tới sẽ có các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô giữa các quốc gia, và cải tổ các thể chế tài chính toàn cầu theo hướng toàn diện, cân bằng và bao quát hơn, phản ánh đầy đủ hơn lợi ích của các nước đang phát triển.
PV: Xin Phó Thủ tướng cho biết những đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị lần này?
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Việt Nam luôn coi trọng hợp tác ASEAN. Một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, có vị thế ở khu vực và quốc tế là lợi ích cơ bản của Việt Nam. Với nhận thức đó, Đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm vào các hoạt động của Hội nghị nhằm thúc đẩy đoàn kết và hợp tác ASEAN vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Chúng ta đã chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam và cùng trao đổi để thống nhất các biện pháp hợp tác khu vực nhằm ứng phó với khủng hoảng tài chính như các biện pháp hỗ trợ thị trường, khôi phục lòng tin các nhà đầu tư, tránh những tín hiệu sai làm xáo trộn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý đi đôi với an sinh xã hội...
Trong tất cả các cuộc họp, chúng ta đều tích cực đóng góp cho việc xây dựng các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác, liên kết ASEAN để ASEAN vừa phát triển vừa bảo đảm duy trì được nguyên tắc cơ bản trong Hiến chương ASEAN. Trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị, chúng ta đã tích cực đóng góp vào việc soạn thảo các văn bản pháp lý và quy chế của các cơ quan mới của ASEAN.
Việc Việt Nam sớm phê chuẩn Hiến chương và cử Đại sứ, lập Cơ quan đại diện thường trực của Việt Nam tại ASEAN, là đóng góp rất cụ thể để đưa Hiến chương ASEAN đi vào cuộc sống. Các đóng góp của Đoàn Việt Nam đã được nước chủ nhà Thái lan, các nước ASEAN khác và Hội nghị đánh giá cao.
PV: Năm 2010, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Xin Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam cần có sự chuẩn bị thế nào cho sự kiện này?
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2010, đúng dịp kỷ niệm 15 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự và cơ hội đối với chúng ta, theo đó chúng ta cần phải thể hiện được dấu ấn Việt Nam, đóng góp cho sự đoàn kết và phát triển chung của ASEAN.
Ngay trong năm 2009, trong quá trình chuẩn bị cho các hoạt động của Việt Nam sau khi Hiến chương có hiệu lực, chúng ta đã tiến hành các công tác chuẩn bị cả về tư tưởng, xây dựng đội ngũ và cơ chế hoạt động để bảo đảm thực hiện thành công nhiệm vụ quan trọng này.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế phối hợp giữa các bộ/ngành và cơ quan tham gia hợp tác ASEAN đồng thời yêu cầu từng bộ/ngành và cơ quan phải xây dựng chương trình hành động cụ thể và bố trí lực lượng theo dõi và tham gia mảng hoạt động này.
Để chuẩn bị đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN, Bộ Ngoại giao đã xây dựng các kế hoạch và lộ trình cụ thể, có sự phối hợp và tham khảo ý kiến với các bộ/ngành trong nước đồng thời cũng tranh thủ kinh nghiệm của các nước ASEAN và các nước đối tác có liên quan.
Thời gian không còn nhiều, các Bộ/ngành của ta cần thể hiện tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm cao trong việc chuẩn bị chu đáo cả về tổ chức bộ máy và nội dung để có thể tham gia đóng góp cho hàng loạt hoạt động đối ngoại rất lớn và kéo dài trong suốt cả năm 2010. Tôi tin tưởng với sự quyết tâm và nỗ lực lớn, với kinh nghiệm tham gia hợp tác ASEAN 15 năm qua, chúng ta sẽ làm tốt trọng trách này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn phó Thủ tướng!
Theo VOVNews