TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Bài 4: Củng cố nền tảng tinh thần, xây dựng hệ giá trị quốc gia
Ngày cập nhật 30/01/2023

Xây dựng hệ giá trị quốc gia được cho là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Hệ giá trị quốc gia sẽ góp phần đoàn kết, quy tụ toàn thể nhân dân Việt Nam hướng đến những mục tiêu chung, tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp xây dựng đất nước độc lập, tự chủ, hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc.

Cần lộ trình phù hợp 

Việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa là vấn đề hệ trọng đã được Đảng, Bác Hồ nhiều lần đề cập, khẳng định và có sự tiếp nối, bổ sung, hoàn thiện từng bước trong các văn kiện, nghị quyết…

Đến Đại hội XIII của Đảng, những vấn đề này đã được nâng lên tầm nhận thức mới, được xem là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, góp phần tạo lập cơ sở vững chắc để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn lực nội sinh quan trọng của đất nước trên con đường phát triển nhanh và bền vững.

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương: Quốc gia-dân tộc nào cũng quan tâm đến xây dựng hệ giá trị của riêng mình trong lịch sử hình thành và phát triển. Hệ giá trị quốc gia luôn mang tính đặc trưng và biểu tượng, kết tinh những giá trị bền vững đã định hình từ truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước, được gìn giữ, phát huy trong hiện tại và dẫn dắt dân tộc đó tới tương lai. Hệ giá trị quốc gia phản ánh trí tuệ và tâm hồn, cốt cách và bản lĩnh của dân tộc đó để tự khẳng định, tự phát triển mình trong cộng đồng thế giới nhân loại mà mình là một thành viên.

“Hệ giá trị quốc gia là những giá trị gốc, nền tảng. Từ hệ giá trị này mà xây dựng hệ giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mang đặc trưng "dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học". Hệ giá trị văn hóa gia đình, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam cũng sẽ được xây dựng phù hợp với hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia Việt Nam” - GS.TS Hoàng Chí Bảo khẳng định.

Việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa là vấn đề hệ trọng đã được Đảng, Bác Hồ nhiều lần đề cập. 

GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, hệ giá trị quốc gia là sự tổng hợp có tầm khái quát cao nhất, tiêu biểu và mang ý nghĩa đặc trưng của quốc gia - dân tộc được đúc kết từ lịch sử, truyền thống, từ thực tiễn và có giá trị định hướng tương lai.

Kết quả nghiên cứu về hệ giá trị quốc gia chưa đáng kể vì nội dung này mới đưa vào Văn kiện Đại hội XIII năm 2021. Kết quả nghiên cứu về hệ giá trị con người Việt Nam, gia đình Việt Nam rất đáng quý, nhiều đề xuất có sự tổng kết thực tiễn, song chưa có sự thống nhất về các giá trị cụ thể, vì vậy, mới chỉ dừng lại ở công bố các kết quả đó trên sách, báo, tạp chí… mà chưa hề được công nhận, đồng thuận để tạo sự tự giác thực hiện trong xã hội.

Còn một khoảng cách quá lớn giữa nghiên cứu và triển khai trong thực tiễn. Việc xây dựng các chuẩn mực cụ thể cho từng đối tượng trở thành phong trào khá sôi nổi, đến tận làng, bản (hương ước văn hóa), song hiệu quả thực sự còn rất hạn chế. Đó là những vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới. Vì vậy, các hội thảo, thảo luận, làm việc nhóm dân chủ và có mục tiêu, định hướng là rất cần thiết.

“Để làm được các công việc trên, có lẽ, theo thiển nghĩ của mình, tôi xin kiến nghị có một bộ phận chỉ đạo và điều hành theo một dự án, một kế hoạch có thời hạn và có một nhóm các nhà khoa học, chuyên gia trên lĩnh vực này với chức năng như một Trung tâm nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu các giá trị văn hóa Việt Nam” - GS.TS Đinh Xuân Dũng đề xuất. 

GS.TS Đinh Xuân Dũng cho rằng, theo kinh nghiệm của một số quốc gia ở châu Á, châu Âu, các kết quả nghiên cứu về giá trị quốc gia, giá trị con người, ở các mức độ khác nhau, đều được cơ quan có thẩm quyền thảo luận và thông qua, trở thành một văn bản có tính định hướng giúp mọi người và toàn xã hội tự nguyện, tự giác thực hiện. Đó là một nhân tố quan trọng tạo nên một xã hội dân chủ, kỷ cương và văn hóa cao.

Hệ giá trị quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc đoàn kết, quy tụ các cộng đồng dân tộc, vùng miền, củng cố sức mạnh tổng hợp của quốc gia. 

Liên quan đến vấn đề xây dựng hệ giá trị quốc gia trong thời kỳ mới, GS.TS Trần Văn Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, có thể hiểu giá trị quốc gia là tất cả những gì mang lại ý nghĩa nhất định cho quốc gia, trở thành mục tiêu, chỗ dựa tinh thần để con người trong quốc gia và cả quốc gia khao khát, hướng tới và hành động theo.

Giá trị quốc gia vừa mang những nét riêng có của dân tộc, vừa mang những nét chung phổ biến của nhân loại cũng như khát vọng hướng tới của nhân loại. Từ đây có thể hiểu, khi nói tới giá trị quốc gia là nói tới giá trị tích cực, tiến bộ, thúc đẩy sự tiến bộ của quốc gia và nhân loại.

GS.TS Trần Văn Phòng cũng đề xuất một số giải pháp xây dựng được hệ giá trị quốc gia, đó là: Xác định rõ nội hàm của hệ giá trị quốc gia, bổ sung thành tố “hạnh phúc” vào hệ giá trị quốc gia thành “Dân giàu, hạnh phúc, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; dựa vào nhân dân xây dựng hệ giá trị quốc gia gắn với xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình; cần có lộ trình, bước đi phù hợp thực tiễn trong xây dựng hệ giá trị quốc gia; chủ động tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam… 

Trong khi đó, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, giá trị quốc gia là những giá trị cốt lõi, phản ánh những khát vọng, mong cầu, mục tiêu chung của cả quốc gia. Đó những giá trị được kết tinh từ quá khứ, phát huy vai trò trong hiện tại và có định hướng tới tương lai, làm nền tảng để điều tiết, dẫn đạo sự phát triển của đất nước.

Giá trị quốc gia thường phản ánh những mục đích thiết thân mà cả xã hội phấn đấu đạt đến, từ các cấp lãnh đạo cao nhất đến toàn thể dân chúng, từ giới tinh hoa đến những người bình thường. Chúng được giáo dục, cổ vũ, khuyến khích trong các gia đình, nhà trường và xã hội. Hệ giá trị quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc đoàn kết, quy tụ các cộng đồng dân tộc, vùng miền, củng cố sức mạnh tổng hợp của quốc gia.

Hệ giá trị quốc gia luôn luôn vận động, biến đổi, được bồi đắp, bổ sung trong quá trình phát triển phù hợp với yêu cầu của thời đại. 

Giá trị quốc gia được hình thành và củng cố trong lịch sử phát triển dài lâu, đôi khi thấm đẫm máu và nước mắt của các dân tộc. Mặc dù có nền tảng từ truyền thống, hệ giá trị quốc gia luôn luôn vận động, biến đổi, được bồi đắp, bổ sung trong quá trình phát triển phù hợp với yêu cầu của thời đại.

Thực tiễn cho thấy các quốc gia phát triển thành công, trở thành các dân tộc tiên phong trong nền văn minh nhân loại thường có một hệ giá trị quốc gia phù hợp, chuẩn xác, giúp huy động được các nguồn lực xã hội hướng đến sự hòa bình, ổn định, tiến bộ và phát triển.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Quốc Toản, chuyên gia cao cấp, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, cần thấy rõ, hệ giá trị gia đình có một vị trí đặc biệt, vì nó lưu giữ, nuôi dưỡng, phát triển các giá trị truyền thống - huyết thống - dòng họ, kết nối và góp phần phát triển với các giá trị cộng đồng, giá trị xã hội và giá trị quốc gia - dân tộc. Cũng phải nhận rõ mối quan hệ đặc biệt giữa hệ giá trị con người và hệ giá trị xã hội. Hai hệ giá trị này không là một, song có quan hệ chặt chẽ với nhau, giao thoa với nhau, làm tiền đề và điều kiện cho nhau.

Hệ giá trị quốc gia - dân tộc là sự “kết tinh”, “tích hợp” (không phải là phép cộng) các giá trị con người, giá trị gia đình, giá trị văn hóa, giá trị xã hội thành các giá trị phát triển đặc trưng của một nước trong những giai đoạn nhất định. Không có giá trị quốc gia - dân tộc nào nằm ngoài các giá trị con người, giá trị gia đình, giá trị văn hóa, giá trị chính trị - xã hội của quốc gia - dân tộc đó. Mặt khác, hệ giá trị quốc gia - dân tộc không thể không chứa đựng những giá trị tốt đẹp chung của nhân loại (ở những mức độ khác nhau, hình thức khác nhau). Nhưng, giá trị quốc gia - dân tộc sẽ là định hướng chủ đạo, điều tiết sự phát triển của các giá trị con người, giá trị gia đình, giá trị văn hóa, giá trị chính trị - xã hội của quốc gia - dân tộc.

“Như vậy, trong mối quan hệ biện chứng mang tính bản chất đó, trên thực tế, ở tầm quốc gia (dân tộc) sẽ là các giá trị tổng hợp chứa đựng cả giá trị con người, giá trị gia đình, giá trị văn hóa, giá trị xã hội đặc trưng của một quốc gia (dân tộc) trong một giai đoạn phát triển nào đó. Đối với Việt Nam hiện nay, có thể gọi đó là hệ giá trị Việt Nam đặc trưng của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững” - PGS.TS Trần Quốc Toản nhấn mạnh.

Hệ giá trị quốc gia là nền tảng để phát triển xã hội, hệ giá trị này để soi chiếu lại các hành vi về đạo đức, văn hóa ứng xử. 

Nhìn từ góc độ vĩ mô, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng, việc xây dựng những hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa góp phần soi chiếu và định ra những chiến lược phát triển của đất nước trong hiện tại và tương lai. Hệ giá trị quốc gia là nền tảng để phát triển xã hội, hệ giá trị này để soi chiếu lại các hành vi về đạo đức, văn hóa ứng xử. Qua đó để khắc phục những điểm hạn chế và tăng cường điểm mạnh để xã hội phát triển bền vững.

Tạo nên những giá trị tinh thần cao quý của dân tộc

 

Làm rõ thêm vai trò dẫn dắt của hệ giá trị quốc gia trong bối cảnh hiện nay, GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. Bởi vì, nước ta vốn là một nước nông nghiệp có xuất phát điểm thấp, hiện đang ở nhóm các quốc gia đang phát triển, mức thu nhập trung bình thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Trong khi đó Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra mục tiêu: “Đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

“Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, ngay từ bây giờ chúng ta rất cần xác định hệ giá trị quốc gia chuẩn xác, phù hợp, có sức thuyết phục để cổ vũ, dẫn dắt, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong các tầng lớp Nhân dân. Việc củng cố, xây dựng hệ giá trị quốc gia cũng rất phù hợp, giúp bồi đắp lòng yêu nước, nâng cao ý chí độc lập, tự cường, giữ vững biên cương, lãnh thổ, bảo vệ an ninh, quốc phòng”, GS.TS Từ Thị Loan bày tỏ.

Phát huy vai trò của các các thiết chế xã hội quan trọng như: gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc giáo dục, trau dồi các giá trị.

Theo GS.TS Từ Thị Loan, xây dựng và củng cố hệ giá trị quốc gia là một cuộc chiến lâu dài, khó khăn, phức tạp, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự triển khai một cách đồng bộ, căn cơ các giải pháp, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Công việc này phải được tiến hành bền bỉ, kiên trì, thường xuyên, không chạy theo hình thức, phong trào.

Theo đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức một cách thực chất, bài bản về hệ giá trị quốc gia; phát huy vai trò của các các thiết chế xã hội quan trọng như: gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc giáo dục, trau dồi các giá trị; phát huy vai trò của gia đình, chiếc nôi đầu tiên hình thành, nuôi dưỡng các giá trị; các Bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể trên cơ sở hệ giá trị quốc gia triển khai thành các chương trình hành động, phù hợp với thực tiễn ngành, giới, địa phương, đơn vị mình; phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong xây dựng hệ giá trị quốc gia; đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý và điều hành đất nước trên tất cả các lĩnh vực...

Cùng với việc xây dựng, củng cố các giá trị bằng biện pháp khuyến khích, giáo dục ý thức tự giác, cần phát huy vai trò của pháp luật, xử phạt nghiêm minh, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, làm trong sạch đội ngũ cán bộ đảng viên, quản lý xã hội bằng luật pháp.

Khi tất cả đều sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, không ai được đứng trên, đứng ngoài pháp luật, thì các giá trị dân chủ, công bằng, văn minh, quốc gia phồn vinh, hạnh phúc mới có cơ thực hiện. Rất cần xây dựng một nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Việc xây dựng hệ giá trị quốc gia trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi phải kế thừa các giá trị truyền thống, đồng thời phát triển lên một tầm cao mới phù hợp với điều kiện xã hội - lịch sử hiện tại. 

“Nhìn chung, việc thực hiện một số giá trị trong hệ giá trị quốc gia này không phải là mới, chúng ta đã tiến hành trong cả quá trình lâu dài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ ngày nay của chúng ta là tiếp tục giữ gìn, củng cố và phát triển hệ giá trị ấy đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới. Công cuộc này rất cần tới sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết, sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị cũng như mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội” - GS.TS Từ Thị Loan khẳng định.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kiệt, nguyên Phó Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ở Việt Nam, việc xây dựng hệ giá trị quốc gia trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi phải kế thừa các giá trị truyền thống nói chung (trong đó có các giá trị chung, có tính phổ quát cao) đã có, đồng thời phát triển lên một tầm cao mới phù hợp với điều kiện xã hội - lịch sử hiện tại. Do đó, việc xác định hệ giá trị quốc gia ở Việt Nam hiện nay cần lưu ý các nguyên tắc sau: Một là, xác định giá trị tinh thần truyền thống dân tộc quốc gia (nhất là các giá trị chung có tính phổ quát), lấy đó làm cơ sở để xây dựng hệ giá trị quốc gia. Hai là, xây dựng hệ giá trị phải tuân theo quy luật kế thừa trong sự phát triển, bảo đảm thống nhất giữa truyền thống và hiện đại. Ba là, xây dựng hệ giá trị quốc gia ở Việt Nam trên cơ sở thế giới quan, phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những quan điểm của Đảng ta về giá trị và hệ giá trị quốc gia.

Để tiếp tục từng bước nghiên cứu, xây dựng được hệ giá trị quốc gia, GS.TS Trần Văn Phòng nêu rõ, trước hết phải dựa vào Nhân dân xây dựng hệ giá trị quốc gia gắn với xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam. Bởi lẽ, bốn hệ giá trị này tự thân đã gắn bó chặt chẽ với nhau. Hơn nữa, những con người trong xã hội xã hội chủ nghĩa là Nhân dân, là chủ thể sáng tạo văn hóa cũng là chủ thể sáng tạo hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình; đồng thời là chủ thể được hưởng thụ và hướng tới xây dựng, bồi đắp hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia và hệ giá trị gia đình. Do vậy, các thành tố trong hệ giá trị quốc gia không mâu thuẫn, không loại trừ mà bổ sung cho nhau để tạo nên những giá trị tinh thần cao quý của dân tộc.

Hệ giá trị quốc gia không chỉ là những giá trị được đúc rút từ trong quá khứ dựng xây, bảo vệ và phát triển đất nước, mà còn đang được xây dựng trở thành hệ giá trị lý tưởng, phản ánh ý chí, niềm tin vào tương lai của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Với bản chất là phản ánh sức mạnh và bản sắc quốc gia, hệ giá trị quốc gia, nếu được xây dựng thành công, sẽ trở thành động lực tinh thần có ý nghĩa, để cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Chính phủ và các chủ thể quản lý xã hội, các tầng lớp cư dân… giải phóng tối đa nội lực và tiềm năng, thu hút các nguồn lực thời đại hợp lý từ cộng đồng quốc tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội của đất nước./.

Hà Vương (Nguồn: https://dangcongsan.vn/)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 10.009.215
Truy câp hiện tại 1.653