Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.861.433
Truy câp hiện tại 690
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Đại tướng huyền thoại của Việt Nam còn là một nhà lập pháp
Ngày cập nhật 10/10/2013
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đại biểu đoàn Bình Trị Thiên

 Toàn dân, toàn quân đều biết Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa I (1946 - 1960) đến hết khóa VII (1981 - 1987). Khóa I, Đại tướng ứng cử tại tỉnh Nghệ An; các khóa II, III, IV ứng cử tại Quảng Bình; khóa V, VI và VII ứng cử tại tỉnh Bình Trị Thiên (nay là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên-Huế). Khóa VI, Đại tướng là thành viên Ủy ban Dự thảo Hiến pháp.

 Tuy nhiên, không phải đến khi Đại tướng hoạt động trong Quốc hội, chúng ta mới biết tư duy lập pháp của ông. Như chúng ta đã biết, người đi đón Bác từ Pắc Bó (Cao Bằng) qua Chợ Đồn (Bắc Cạn) về Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang chính là đồng chí Võ Nguyên Giáp. Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa I, những người trực tiếp làm việc với Bác để chuẩn bị nội dung cho Quốc dân Đại hội Tân Trào là các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp. Cuối tháng 7-1945, giữa lúc tình hình trong nước cũng như thế giới đang tiến triển có lợi cho cách mạng thì Bác ốm nặng do cuộc sống quá kham khổ nơi rừng thiêng, nước độc, công việc lại căng thẳng, vắt sức. Thời gian đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp làm việc dưới làng Tân Lập, hằng ngày đều đặn lên lán Nà Lừa báo cáo công việc với Bác. Có đêm Bác yếu quá, đồng chí đã xin phép được ở lại với Bác. Đêm khuya khi tỉnh lại sau cơn sốt, Bác đã nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp khá nhiều công việc, chuẩn bị cho Quốc dân Đại hội, cho cuộc Tổng khởi nghĩa... 
 
Tại Đại hội, đồng chí Trường Chinh đã báo cáo, phân tích tình hình trong nước và thế giới, nói rõ quân đồng minh đang thắng lớn và ngày thất bại của quân phát xít đã đến rất gần. Báo cáo nêu rõ yêu cầu cấp bách phải thành lập ngay Ủy ban dân tộc giải phóng để sau khi giành được chính quyền sẽ trở thành Chính phủ cách mạng lâm thời. Tiếp đó Đại hội được nghe các báo cáo về tình hình công nhân; tình hình nông dân; văn hóa, trí thức; phong trào cách mạng ở Hà Nội... Đại hội đã thảo luận sôi nổi và nhất trí cao với chủ trương khởi nghĩa trong cả nước để giành chính quyền... Sau này, vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Quốc hội Việt Nam, trong một cuộc hội thảo, nhiều ý kiến nói rằng, chương trình nghị sự kỳ họp Quốc hội bây giờ chẳng khác là bao so với chương trình Quốc dân Đại hội Tân Trào; nghĩa là cũng nghe báo cáo về các lĩnh vực, đại biểu thảo luận và biểu quyết theo đa số... Tình cờ bài tham luận hội thảo của Đại tướng đã khẳng định điều đó, Đại tướng nói, “Quốc dân Đại hội Tân Trào có ý nghĩa là một Quốc hội lâm thời, hay một tiền Quốc hội bởi vì cách mạng chưa thành công. Quốc dân Đại hội Tân trào tạo căn cứ pháp lý cho sự ra đời của chế độ cộng hòa dân chủ của nước ta, cho một Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khi cách mạng đã thành công” (1). Thì ra ngay từ khi chưa có chính quyền, Đảng, Bác Hồ, các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp... đã hình dung rất rõ ràng trình tự có tính nguyên tắc của việc thành lập bộ máy nhà nước. Trước hết phải có Quốc hội; có Quốc hội rồi mới thành lập được Chính phủ và cơ quan Tư pháp...

Đến lần kỷ niệm 60 năm Quốc hội Việt Nam, trong cuộc gặp mặt ngày 04-01-2006 tại Hà Nội (khi ấy Đại tướng đã sang tuổi 96, trong lời phát biểu (vo) mà chúng tôi ghi âm lại được, Đại tướng nói:“Chúng ta có Quốc hội ngày nay đương nhiên phải nhớ đến tư tưởng, đường lối chỉ đạo của Bác Hồ kính yêu. Người hẳn đã có sẵn một kế hoạch từ trước, tôi nghĩ như vậy, cho nên trong lán Nà Lừa một ngày tháng 7 năm 1945, Người đã nói: nhất định phải họp Đại hội Tân Trào, có đại biểu ba kỳ, dù thiếu một vài người cũng họp bởi vì thời cơ đến. Tiếp đó thành lập Chính phủ lâm thời, Bác cùng Bộ Chính trị thảo luận và thành lập Chính phủ chính thức. Sau khi lập Chính phủ chính thức, ngay trước kỳ họp đầu tiên, ngày 3 tháng 9, Bác đã nói: “Chúng ta đã có đại biểu của ba kỳ, chúng ta có Quốc dân Đại hội, có Tuyên ngôn độc lập, nước ta là nước độc lập nhưng chưa do toàn dân bầu lên. Vì vậy cho nên, về sức mạnh pháp lý của Quốc hội có thể với quốc tế vì lý do này, lý do kia chưa được thừa nhận”. Và chúng ta thực hiện Tổng tuyển cử trong lúc bắt đầu chiến tranh ở phía Nam, đó là một quyết định cực kỳ sáng suốt, cực kỳ dũng cảm. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã diễn ra trong một không khí sôi sục mà nước mới được tuyên bố độc lập mấy ngày nhưng toàn thể đồng bào nước ta từ Nam chí Bắc đều đi bỏ phiếu bầu ra Quốc hội đầu tiên cho đến mấy khóa sau”(2). Hai lần được nghe Đại tướng nói, chúng tôi rất khâm phục trí tuệ lập pháp uyên bác của Đại tướng; sau này mới được biết Đại tướng đã nhận bằng cử nhân Luật từ năm 1937 (Licence en Droit).

Khi tham gia làm Văn kiện Quốc hội toàn tập, có dịp đọc lại toàn bộ các văn bản tại các kỳ họp của Quốc hội từ năm 1946 đến nay, chúng tôi bắt gặp khá nhiều văn bản hoặc bài phát biểu của Đại tướng tại “nghị trường”, nhưng tuyệt nhiên không hề thấy một dòng hoặc một lời nào Đại tướng thể hiện về bản thân mình, mà bao giờ cũng là nhân dân, là Đảng, là Bác Hồ, là Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Ngay cả một bài hồi ký, có độ dài 22 trang in về việc làm đại biểu Quốc hội khóa I, Đại tướng cũng chỉ nói về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, việc xây dựng nhà nước sau Cách mạng Tháng Tám và lồng vào đó là sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và trí tuệ anh minh của Bác. Đại tướng viết: “Bác hiểu rằng, việc xây dựng nhà nước mới không chỉ bằng những lời kêu gọi. Việc giáo dục phải đi đôi với những biện pháp về tổ chức, cơ chế. Và Bác Hồ, với tầm hiểu biết về mọi mặt của mình, qua kinh nghiệm của các nước, đã cùng với Đảng bắt tay vào đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng mô hình một Nhà nước cộng hòa non trẻ. Mô hình đó như thế nào? Đó thực sự là một quá trình trăn trở, tìm tòi, vừa học, vừa làm, vừa bổ sung ngày một hoàn chỉnh”(3). Ngay cả sáng kiến pháp luật của Đại tướng đề xuất và chỉ đạo soạn thảo các đạo luật quan trọng như Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1960; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1962 và sửa đổi, bổ sung năm 1965; Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1982 và Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1982, Đại tướng cũng chỉ nói đó là sự quyết đoán của Quốc hội, của Ban Soạn thảo các dự án luật. Quả thực Đại tướng là một nhân cách lớn, khiêm tốn, hết mực khiêm tốn, cực kỳ khiêm tốn.

Bây giờ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Song hơn 34 năm về trước, Đại tướng cũng đã rất lưu tâm đến công cuộc hữu ích này rồi. Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VI, ngày 28-5-1979, trên diễn đàn Quốc hội, khi trình bày ý nghĩa lớn lao của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đại tướng đã kêu gọi “Chúng ta hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” (4). Lời kêu gọi đó càng có ý nghĩa cấp bách trong khi chúng ta đang học tập thiết thực và làm theo có hiệu quả tấm gương đạo đức của Bác./.

-----------------------------
Tài liệu tham khảo:

(1). Văn phòng Quốc hội, Quốc dân Đại hội Tân Trào, Hà Nội, 1995, tr.27.

(2) (2). Văn phòng Quốc hội; Kỷ yếu Gặp mặt kỷ niệm 60 năm Quốc hội Việt Nam; Hà Nội, 2006, trang 70-71.

(3). Hồi ký đại biểu Quốc hội khóa I; Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 15.

(4). Văn kiện Quốc hội toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tập 5, tr. 756.

 

TS. Bùi Ngọc ThanhNguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Tạp chí Đảng cộng sản
Các tin khác
Xem tin theo ngày