|
|
|
Thống kê truy cập Tổng truy câp 9.871.386 Truy câp hiện tại 4.301
|
|
| |
Tiện ích của lịch nghỉ Tết sớm Ngày cập nhật 16/12/2013 Năm nay, lịch nghỉ Tết Nguyên đán có sự thay đổi: tăng thêm hai ngày nghỉ trước Tết, từ 28 tháng Chạp đến hết ngày mồng 6 tháng Giêng (28-1 đến hết 5-2 dương lịch). Dù sự tiện lợi đầy đủ của nó còn phải chờ thực tế kiểm nghiệm, song có thể nhận thấy: lịch nghỉ này sẽ tạo thuận lợi cho nhiều phụ nữ (vừa đi làm vừa lo nội trợ) có thêm thời gian mua sắm chuẩn bị đón năm mới, nhất là góp phần giảm bớt tình trạng căng thẳng tàu xe những ngày cuối năm. Có thể đây cũng là lý do chính để các thành viên Chính phủ ủng hộ và góp ý hoàn thiện đề xuất nói trên của Bộ trưởng Giao thông vận tải.
Nhìn từ một góc độ khác, ý nghĩa của sáng kiến liên quan an toàn giao thông này là vượt qua một sự mặc định chưa chuẩn đã đương nhiên "ngự trị" lâu nay. Thời bao cấp, quy định nghỉ Tết chỉ ba ngày, cho nên thường bắt đầu từ ngày 30 tháng Chạp. Tuy nhiên, khoảng 30 năm gần đây, thời gian nghỉ Tết dài hơn, có khi chín hoặc mười ngày, song vẫn bắt đầu từ 30 Tết. Ðiều đó đã nảy sinh nhiều bất hợp lý. Năm này sang năm khác, người ta chấp nhận tình trạng mấy ngày tất niên công chức, viên chức bỏ công sở ra ngoài mua sắm hàng Tết. Nhiều người buộc phải làm việc đến ngày cuối cùng, 30 Tết vội vàng, sấp ngửa mang quà Tết lỉnh kỉnh tìm phương tiện về quê. Ðến lượt hoạt động vận tải cũng phải gồng mình thực hiện bằng được yêu cầu "không để khách nằm lại bến xe, ga tàu đêm Giao thừa", kéo theo không ít hệ lụy...
Số ngày nghỉ Tết năm nay cũng bằng năm ngoái, chỉ khác ngày bắt đầu là 28 chứ không phải 30 tháng Chạp. Ðể tiện ích của lịch nghỉ Tết mới được phát huy, cần có sự điều chỉnh về tổ chức vận tải và phần nào đó các hoạt động dịch vụ, thương mại, vui chơi, giải trí một cách phù hợp. Mặt khác, cần xác định rõ để tránh chủ quan: nghỉ Tết sớm hơn chỉ góp phần giảm mật độ giao thông mấy ngày tất niên, song các vấn đề khác vẫn còn nguyên thách thức, như tình trạng gia tăng tai nạn giao thông, luồng khách lệch: chiều đi đông, về vắng hoặc ngược lại, cầu vượt cung ở một số ngày cao điểm trên một số tuyến trọng điểm. Thực tế này đòi hỏi cần nỗ lực hơn trong việc hoàn thiện và thực hiện thật tốt các phương án vận chuyển Tết của từng ngành (đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không), từng địa phương, cũng như sự phối hợp trên phạm vi vùng, miền và cả nước, nhất là đối với nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Trong đó, cần chú trọng bảo đảm kỹ thuật phương tiện, đổi mới công tác điều hành vận tải, tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát, tập trung ngăn chặn hiệu quả một số vi phạm nguy hiểm như phóng nhanh vượt ẩu; chở quá tải; điều khiển phương tiện cơ giới trong trạng thái ngấm hơi men hoặc quá buồn ngủ, mệt mỏi; ngồi trên mô-tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm...
QUANG TUẤN Nhân dân điện tử Các tin khác
|
|
|