Và vì thế thế giới có một ngày, gọi là ngày sách và bản quyền (23.4). Một ngày mà, sự tôn vinh của chúng ta dành cho những tác giả, những người viết, những người làm ra sách không chỉ bằng một dòng trên tờ lịch rồi xé đi sau 24 giờ, mà còn bằng cả sự tri ân sáng tạo cụ thể qua việc tiếp nhận sách vở, phát triển văn hóa đọc, qua các cơ chế, quy định bảo vệ sở hữu trí tuệ, trả công lao xứng đáng cho người sáng tạo.
Thường tại Việt Nam, chúng ta tham gia các hoạt động lễ lạc mang tính toàn cầu với một tâm lý rụt rè, bẽn lẽn. Chúng ta vừa thèm muốn nhiệt tình nhảy vào cuộc chơi chung với mọi người, lại vừa đặt ra một “barie” gần như mặc cảm, tự kỷ: liệu cái mà mình đang kỷ niệm hoành tráng đây có thuộc về mình? liệu những nghi lễ văn minh trọng đại này có tương phản với thực tế còn bất cập mà mình đang sống? Ví dụ: Chúng ta cũng cúp điện nhân giờ trái đất nhưng rồi lại bảo rằng, hiện nay cả nước đang ở trong tình trạng thiếu điện, nhiều địa phương phải cúp điện luân phiên theo lịch, vậy thì một giờ tắt điện, tiết giảm năng lượng bảo vệ trái đất hóa ra thừa, ngành điện nước ta đã góp phần bảo vệ trái đất quanh năm rồi còn gì? Rồi thì chúng ta quan tâm tới ngày nói dối, và lại đặt ra câu hỏi, chao ôi, cái hiện tại của chúng ta đang sống hàng ngày đây, có mấy dịp để chúng ta sống thật, nghĩ thật, nói thật mà cứ phải đợi tới cái ngày một tháng tư hàng năm mới được nói ra những điều dối trá cho khác ngày thường?
Lại nói chuyện một ngày của sách. Có vẻ ngày này ít ai quan tâm. Vì thế cái sự tự phản biện cũng ít. Người viết sách là thiểu số. Người đọc sách không nhiều, văn hóa đọc thì có lẽ cũng không phải là cao (hiện nay, chúng ta hay đổ thừa cho sự bận rộn cơm áo thời khủng hoảng!). Nên cái ngày này nó vốn dĩ hẩm hiu, lại càng hẩm hiu… Nó chỉ được một số nhà xuất bản, công ty sách nhớ đến. Rồi có vài hoạt động trong phòng đóng kín cửa, mang tính bàn tròn vài người nói, vài người nghe, thêm vài đợt tổ chức ký tác quyền hay bán sách giảm giá… Nhưng dẫu cố gắng thế nào, cũng không thu hút sự quan tâm của công chúng cho bằng một show diễn vòng sơ khảo của Vietnam Idol – cái công nghệ thi thố sẵn sàng sản xuất ra “thứ thần tượng của hơn 80 triệu dân”.
Một đất nước mà luật sở hữu trí tuệ còn “ban sơ chập chững”, nơi mà sự kiểm duyệt còn bị chi phối, áp đặt như ở ta, thì khái niệm tác quyền và tôn trọng giá trị sáng tạo của sách hẳn cũng diễn ra nhạt nhẽo. Những người tham gia những công đoạn quan trọng của xuất bản như kiểm duyệt và kinh doanh cũng chính là những người có khả năng ít tôn trọng tác quyền và giá trị sáng tạo nhất, ít biết ơn tri thức nhất. Chúng ta đang chứng kiến một thị trường sách phát triển ồ ạt nhưng còn mập mờ. Công sáng tạo của người viết bị cưỡng bức khi số lượng bản in ghi trên trang xi-nhê thông thường chỉ bằng một phần tư, một phần năm số bản in thực. Chữ nghĩa, tư duy sáng tạo tự do của người viết luôn bị soi xét dưới những đôi kính thiếu chuyên môn nhưng lại thừa sốt sắng quy chụp! Và cũng không ai khác, chính lực lượng này lại thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ sự an toàn thị trường cho cuốn sách trước tệ nạn in lậu, sao chép tràn lan.
Ở Việt Nam, không có những tác giả chọn ngày sách và tác quyền thế giới để lên tiếng về sự bóc lột giá trị sáng tạo, sự vô ơn với tri thức ngay từ cách kinh doanh giá trị sản phẩm tri thức. Vì sống lâu trong sự nhá nhem đã thành quen. Im lặng cho mọi thứ trôi chảy. Và cũng không có những nhà xuất bản, công ty sách chọn ngày này để công bố những danh sách dằng dặc những đầu sách mà họ bị in lậu, bị luộc ngay trên chính sân nhà vì họ biết chuyện này vẫn đang xảy ra như cơm bữa? Công ước Berne cũng vào đến Việt Nam hơn 5 năm vậy mà những người làm xuất bản thực thi đúng nó vẫn bị coi như những kẻ ngoan cố tuân thủ luật giao thông trong một đám kẹt xe!
Tất cả đều im lặng cảm nhận vị “ngọt” của quả bồ hòn. Câu chuyện còn dài. Và chúng ta là những người luôn làm ra vẻ có văn hóa, dĩ hòa vi quý. Tôi nhớ anh bạn dịch giả cầu toàn có lần quá chén đập bàn nói trong nước mắt: Mày biết không, không nỗi nhục nào bằng nỗi nhục đi nhận tiền lẻ nhuận bút của một cuốn sách. Một cuốn sách dịch trong ba năm chưa đủ một bữa cơm rượu với bạn bè ở nhà hàng hạng thường! Rồi thì giải tỏa bức bách bằng một câu thơ cảm thán ra đời gần thế kỷ trước: “Nhà văn An Nam khổ hơn chó!” Tôi cũng nhớ đến chị bạn làm nhà văn, có những tác phẩm đang bán chạy trên thị trường: “Cái nghề viết văn này cũng sống được!”. Chị nói và bao giờ cũng cười khẩy. Nói vậy mà hổng phải vậy.
Tôi tự hỏi, trong ngày sách và tác quyền thế giới, mình đã làm gì? Đến một vài hội thảo nghe một vài chuyện hay ho học thuật của giới viết sách, tay bắt mặt mừng với một vài người bạn làm xuất bản và nghe than thở chuyện kinh doanh thời khủng hoảng: kì kèo giảm một, hai phần trăm nhuận bút cho tác giả…
Tự dưng, rời những chốn đó, tôi trở về cái cảm giác hoang mang ngày xưa, cái cảm giác hoang mang mỗi khi gấp trang sau cùng của một cuốn sách kết thúc bỏ lửng, luôn tự hỏi: - Chắc ông tác giả này đã chết. Và ai đang là người tiếp tục công việc khổ hạnh của ông ta trên mặt đất này?