Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.861.446
Truy câp hiện tại 1.837
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Những người giữ nghề độc nhất vô nhị
Ngày cập nhật 16/03/2009
Vợ chồng nghệ nhân Kỳ Hữu Phước tại buổi ra mắt triển lãm tranh làng Sình - ảnh: B.N.L
Ở Huế, có những nghệ nhân tuổi đã xế chiều đang sở hữu những ngón nghề  độc nhất vô nhị. Trong số họ, có người sinh ra đã ở trong những cái nôi nghề truyền thống của dòng tộc, nhưng cũng có người đến với nghề bằng miếng cơm, manh áo...
 Chế màu sò điệp cho tranh dân gian

Là hậu duệ đời thứ 9 của một dòng họ có nghề làm tranh dân gian làng Sình (còn gọi là làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế), nghệ nhân Kỳ Hữu Phước là người duy nhất còn nắm giữ kỹ thuật làm giấy và pha chế màu tự nhiên từ cây vang, cây hòe..., đặc biệt từ con sò, con điệp... để phục vụ cho dòng tranh độc đáo này. 

Độc đáo tranh làng Sình

Theo gia phả của dòng họ Kỳ ở làng Sình, khoảng cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15, cùng với dòng người theo chân Chúa Nguyễn vào đất Thuận Hóa lập nghiệp, ông Kỳ Hữu Hòa đã mang theo nghề làm tranh giấy mộc bản, đến định cư ở làng Sình. Ông Hòa được coi là tổ nghề tranh của làng Sình. 

Mộc bản để in tranh làng Sình không phải ai cũng có thể làm được, chỉ có ông tổ, hoặc những nghệ nhân tài hoa nhất của làng Sình mới có thể khắc nên để giữ đúng bản sắc, và lưu truyền cho hậu bối làm nghề. Mỗi bức tranh là một khuôn gỗ hoàn chỉnh, người làm tranh dùng mực màu đen phết lên bản mộc, rồi dùng giấy dó in thành một bức tranh thô. Đem phơi tranh cho khô mực, rồi tỉ mẩn dùng các loại màu tự pha chế để vẽ họa tiết lên tranh.

Sự khác biệt của tranh làng Sình với các dòng tranh dân gian khác chính ở nét vẽ và bố cục còn rất thô sơ, hồn nhiên đậm chất làng quê. Khi sáng tác một bức tranh, bản mộc chỉ giữ vai trò làm khuôn và in màu chính (thường là màu tím chàm). Những màu sắc còn lại được nghệ nhân vẽ bằng tay. Chính vì thế không có bức nào giống bức nào. Mỗi bức đều mang trong mình tâm trạng của nghệ nhân lúc đó. Tranh làng Sình có gam màu gần giống với tranh pháp lam tại các kiến trúc kinh thành Huế: hòa sắc giữa vàng với chàm, đỏ với bích ngọc, xanh với hỏa hoàng, phỉ thúy với hổ phách... Từ xưa, tranh dân gian làng Sình có thể sánh ngang với các dòng tranh Kinh Bắc như Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống. 

Người nắm kỹ thuật pha  chế màu 

Khách tham quan tại triển lãm - ảnh: B.N.L

Hiện nay, ở làng Sình có 32 hộ đang làm tranh truyền thống. Nguồn hàng của họ chủ yếu được bán vào dịp Tết, phục vụ các lễ cúng trong dân gian. Nếu sử dụng đúng loại giấy dó và các màu truyền thống đòi hỏi phải chế tác công phu qua nhiều công đoạn, tốn kém công sức và thời gian, nên người làm tranh làng Sình đã chuyển sang sử dụng các loại màu công nghiệp và giấy in báo để hạ giá thành sản phẩm tranh. Đây chính là lý do làm cho kỹ thuật chế tác giấy dó và màu truyền thống dần mai một. Cả làng Sình hiện chỉ còn duy nhất nghệ nhân Kỳ Hữu Phước nắm giữ và biết cách làm giấy cũng như pha chế các màu truyền thống. 

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước cho biết, thời kỳ những năm sau giải phóng (1975), nghề làm tranh làng Sình gặp nhiều khó khăn. Lúc đó, những người làm tranh phục vụ việc thờ cúng bị xem là truyền bá mê tín dị đoan, các mộc bản tranh bị tịch thu chẻ làm củi. “Thời điểm đó tui cũng liều. Nghĩ đây là một nghề của cha ông để lại, nếu để mất sẽ có tội với tổ tiên, tui lén đào căn hầm và chôn toàn bộ các bản khắc gỗ xuống đất. Làm ruộng không đủ ăn, đêm đêm tui lại lén xuống hầm thắp đèn làm tranh. Tranh làm xong lấy dây buộc vào lưng rồi mặc áo quần vào đưa lên thành phố, vào các vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... để bán. Nhờ vậy mà tôi đã giữ được một bộ khuôn in mộc bản qua những năm tháng gian nan. Bộ khuôn in này sau đó tôi đã hiến tặng cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế”. 

Đất nước đổi mới, đời sống kinh tế phát triển và nhận thức cũng dần dần cởi mở hơn. Những người làm tranh làng Sình, sau những ngày mùa vụ đã giải quyết nông nhàn bằng cách khôi phục lại nghề làm tranh. Thế nhưng, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước tâm sự: “Thu nhập của nghề thấp lắm. Mỗi lao động kiếm bình quân từ 20.000 – 70.000 đồng/ngày tùy theo thời điểm. Ngày thường, người làm tranh giỏi cũng chỉ kiếm được độ 20.000 - 30.000 đồng. Tết đến, xuân về tranh bán chạy hơn, thu nhập mới lên được 60.000 - 70.000 đồng/người/ngày”. 

TS Trần Đức Anh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, một trong những người có nhiều nỗ lực để khôi phục lại dòng tranh dân gian làng Sình - cho biết: “Khoảng năm 1995, được sự hỗ trợ của nhà nghiên cứu Phạm Lan Hương từ Thụy Sĩ trở về, chúng tôi cùng với nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, Giám đốc Phân viện Nghiên cứu văn hóa thông tin tại Huế đã thực hiện một dự án khôi phục lại dòng tranh dân gian làng Sình. Chúng tôi đã vận động nghệ nhân Kỳ Hữu Phước tham gia dự án và anh đã nhiệt tình cộng tác. Anh Phước đã lặn lội xuống biển tìm bắt con sò, con điệp; lên rừng đào rễ, chặt cành, lấy vỏ các cây vang, cây hòe... để làm giấy, chế màu. Thời điểm đó, chúng tôi đã khôi phục những bộ tranh dân gian làng Sình theo đúng nguyên bản. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân khách quan, sản phẩm tranh đã không thể tìm được lối ra nên dự án đã thất bại. Các nghệ nhân phải quay lại cách làm tranh “thị trường” bằng giấy in báo và màu hóa chất công nghiệp để bán với giá thành thấp”.

TS Trần Đức Anh Sơn cũng cho biết thêm, thực ra tranh làng Sình không phải là dòng tranh thờ cúng mà là tranh trang trí. Nhưng do treo trên tường nên rất dễ bị gió bay, do vậy tính chất trang trí của tranh không được lâu bền. Các dịp lễ Tết của người Việt lại gắn liền với nhiều lễ nghi cúng kính, nên sau đó tranh này đã vô tình trở thành dòng tranh thờ cúng. Và cũng nhờ trở thành tranh thờ cúng mà nó được lưu giữ cho đến hôm nay trước bao biến thiên của lịch sử.

Bùi Ngọc Long - Minh Phương (Theo thanhnienonline)
Các tin khác
Xem tin theo ngày