Thói quen tặng quà và chúc tụng trong ngày 1.4 với ý nghĩa ngày đầu năm khiến lịch đổi rồi mà nhiều người đến ngày ấy vẫn hành xử như cũ gây nên nhiều hiểu lầm ngớ ngẩn và... tức cười. Và những nụ cười trong ngày 1.4 ấy đã nảy sinh ra cái thú chọc cười bằng cách... nói dối.
Nếu người ta tin vào vào cái truyền thuyết trên thì hiện tượng "Cá tháng Tư", hiểu đơn giản là tập quán mỗi năm có một ngày (1.4) được phép nói dối, đã ra đời đến nay là hơn 5 thế kỷ rưỡi. Nhân "Ngày nói dối" năm nay, tôi bèn tự phỏng vấn để làm một cuộc "nghĩ ngợi cuối tuần".
Hỏi rằng tích truyện trên mới giải thích được vì sao lại là "ngày 1 tháng Tư", thế còn vì sao lại là "cá" chứ không phải là "gà" hay "lợn" tháng Tư...?
- Cũng lại là một giả thiết thôi, điều này trên mạng website "Vietsciences" (của chị Võ Thị Diệu Hằng, Việt kiều ở Pháp, người đã rất công phu lập một website truyền bá nhiều kiến thức rất bổ ích) giải thích: Ơ bên Pháp ngày đầu năm người ta thường tặng quà là đồ ăn. Mà vào dịp ngày đầu tháng Tư những người ăn chay (theo quan niệm của Tây phương) tránh các món thịt gia súc, chỉ quen ăn cá...
Đây chỉ là một giả thiết, vì còn có nhiều giả thiết khác. Ví như, theo một vị giáo sư ở Đại học Boston (Mỹ) thì tập quán này có từ lâu hơn xuất phát từ một phút ngẫu hứng của Hoàng đế Constantine I của La Mã (vào thế kỷ thứ 3-4) cho phép chú hề Kugel của mình được phép đóng vai hoàng đế trong một ngày, và một trong những "sắc chỉ" của anh hề này ban ra là coi ngày đó hàng năm sẽ mãi mãi là một "ngày ngớ ngẩn" để mọi người được cười vui vẻ v.v...
Như vậy, trong ngày ấy, nói dối là vô hại?
- Mong muốn của mọi người là như vậy. Dù xuất phát từ nguồn gốc nào và chỉ là một cuộc chơi mang tính lễ hội (theo định kỳ mỗi năm có một lần, ở đây là 1.4) và mang sắc thái địa phương (ví như ở Scotland thì diễn ra trong 2 ngày, còn ở Ấn Độ thì lại là ngày 31 gọi là "lễ Huli"....) nên dường như người ta đón đợi và được đề phòng trước. Chính vì thế mà nhiều người động não tìm kiếm những cách gây bất ngờ không chỉ với một người mà đôi khi với cả cộng đồng rộng lớn nhờ các phương tiện thông tin ngày càng phổ biến và đa dạng.
Ở San Diego bên Mỹ, nghe nói có hẳn một Bảo tàng Trò đùa và họ đã chọn được Top 10 sự kiện nói dối nổi bật trong ngày "Cá tháng Tư" từ trước tới nay. Ví như, năm 1957, Đài BBC đưa tin trong ngày 1.4 rằng nhờ mùa đông năm nay bớt giá buốt nên loại sâu chuyên ăn mì ống (spaghetti) không sinh sản được do vậy vụ mùa này nông dân Thuỵ Sĩ bội thu... mì ống.
Tin còn được minh hoạ bởi hình ảnh nông dân đang thu hoạch những sợi mì ống kéo từ trên cây xuống. Tin phát đi tất nhiên có nhiều người cười vì biết là chuyện bịa cho vui trong ngày "Cá tháng Tư", nhưng nhà đài cho biết cũng nhận được không ít khán giả điện đến hỏi làm thế nào để kiếm được giống cây cho thu hoạch mì ống mà nông dân Thụy Sĩ đã trồng?...
Rồi người ta còn tuyển chọn những chuyện "Cá tháng Tư" gây hiệu quả mạnh nhất khiến ngay cả giới truyền thông cũng mắc lỡm khi nhận được thông báo là vào ngày 1.4.2001 sẽ có một cuộc míttinh kỷ niệm "Ngày nói dối" được tổ chức trên đại lộ số 59 ở New York. Đúng ngày giờ và địa điểm trên nhiều nhà báo đã tề tựu với lỉnh kỉnh máy móc để chờ đưa tin. Chỉ đến khi thấy xuất hiện một tấm brandrole trên đó viết: "Các bạn hãy quay phim, chụp ảnh lẫn nhau đi" thì mọi người mới vỡ lẽ rằng đó cũng là một chú "Cá tháng Tư" v.v...
Vì thế nói vô hại là không hoàn toàn đúng, có thể có người vì tin mà hỏng việc, nhưng nếu đặt lên cân thì "hại bất cập lợi". Bởi lẽ có được một cảm giác vui, một sự bất ngờ "cảm giác mạnh", bật ra được một nụ cười... cũng rất có lợi, nhất là với những ai quanh năm phải nhọc nhằn hay quá căng thẳng với công việc của mình. Nói thời thượng là "xả stress".
Thế thì với một người làm nghề viết sử như ông thì nghĩ gì về cái "sự nói dối" ấy?
- Không nên tuyệt đối quan niệm "nói dối là xấu", vấn đề là tính mục đích của hành vi. Và cũng không nên nghĩ rằng người làm sử lúc nào cũng nắm (để nói) được "sự thật". Sự thật là một nhận thức cái khách quan bằng cái năng lực chủ quan của mình. Do vậy, nó là một quá trình tiếp cận, đôi khi đảo ngược, đôi khi phải chấp nhận cả những gì tưởng chừng phi lý... Nhưng đây là câu chuỵện dài trao đổi vào một dịp khác. Trở lại với "Cá tháng Tư" thì cái mà ta gọi là "sự nói dối" ấy còn cần đuợc nhìn nhận như một nhu cầu của đời sống.
Nó giải thích về sự truyền bá hay lan toả từ một vài cộng đồng ở Châu Âu ra khắp thế giới. Có thể lúc đầu, như nhiều người giải thích là do quá trình thuộc địa hoá một thời đã khiến tập quán của một cộng đồng này đến với và trở thành của cộng đồng khác. Nhưng nói cho cùng nó đuợc chấp nhận bởi lẽ nó đáp ứng nhu cầu của con người trong quá trình hiện đại hoá và kể cả toàn cầu hoá nữa với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các phương tiện thông tin. Cái nhu cầu ấy suy cho cùng thật đơn giản, đó là con nguời cần đến cơ hội được... cười một cách vô tư. Bạn chẳng thấy bây giờ nhiều nơi người ta lập những câu lạc bộ đến gặp nhau chỉ để cười và y học khẳng định là cười có ích cho đời sống và sức khoẻ.
Vậy thì tại sao ta không ăn "Cá tháng Tư" quanh năm mà mỗi năm chỉ được phép "chén" một lần?
- Được cuời quanh năm là điều tốt, nhưng "nói dối" quanh năm thì chắc chắn không là không tốt và chẳng thể gây cười được, đôi khi phát khóc. Chuẩn mực xã hội cũng như công nghệ lại ngày càng đòi hỏi sự minh bạch và chính xác. Và trong thực tế thì cuộc sống quanh năm đòi hỏi sự cảnh giác, tỉnh táo trong việc xử lý các thông tin thì mới thành công được. Cạnh tranh khiến cho sự dối trá kể cả sự lừa lọc có nguy cơ càng trở nên phổ biến vì thế việc đấu tranh chống lại sự giả dối cũng lại là một nhu cầu của đời sống. Có lẽ cũng chính vì cái nhu cầu đề kháng với sự nói dối có hại ấy mà nẩy sinh nhu cầu có được những cơ hội và cách "nói dối" vô hại và "Cá tháng tư" đáp ứng được cái nhu cầu đó?
Liệu có thể một ngày nào đó "Cá tháng Tư" sẽ chết không?
- Chắc chắn nó sẽ không chết mà rất có thể nó ngày càng cần hơn cho cuộc sống và nó sẽ ngày càng "trí tuệ" hơn vì con người luôn có bản năng cảnh giác với sự dối trá và nhờ có sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông, nó sẽ thu hút được nhiều người quan tâm hơn và không những chỉ gây vui được chốc lát mà nó sẽ đem lại năng lực tỉnh táo hơn trong cuộc sống đầy thử thách quanh năm và dài lâu.
Nếu bạn phân tích một vụ nói dối để lừa người khác trong cuộc sống thường ngày với món "Cá tháng Tư" chẳng mấy khác nhau vì nó thuờng khai thác những điều mọi người đang quan tâm. Nhưng những điều nói dối trong ngày 1.4 thường được giải toả nhanh nếu như họ nhận ra đó là "Cá tháng Tư" và những người đưa ra những trò đùa ấy thường chủ động làm cho mọi người sớm nhận ra trước khi nó có thể gây rắc rối và đó cũng là lúc tiếng cười được cất lên.
Ta còn nhớ vào thời điểm kết thúc thế kỷ (và cũng là thiên niên kỷ trước) khi mọi người đang lo lắng trước dự báo về sự cố Y2K làm rối loạn hệ thống thông tin thì một tờ báo rất có uy tín ở Singapore (Strait Times) đã loan tin vào ngày 1.4.1999 rằng một cậu bé 14 tuổi đã thiết kế xong phần mềm để khắc phục sự cố này mang tên là "Polo Fair" và doanh thu có thể mang về cho tác giả hàng tỉ USD.
Giữa lúc mọi người đang lo lắng ứng phó với Y2K nên rất dễ tin vào câu chuyện nay, nhiều độc giả hỏi xem làm sao có thể kiếm được phần mềm ấy cho đến ngay hôm sau tờ báo cho biết tên gọi của phần mềm "Polo Fair" chỉ là sự đảo chữ của "April fool" (Cá tháng Tư)... Song điều đáng nói là sau ngày 1.4 vui vẻ này, mọi người càng thận trọng hơn khi xử lý các thông tin để phòng sự "nói dối" ác ý... ngày càng phổ biến trong đời sống... Tóm lại "Cá tháng Tư" cũng có thể gọi là "Ngày cảnh giác với sự dối trá".