Văn hóa cảm ơn xưa...
Trở về với thời Hùng Vương dựng nước, những câu chuyện truyền miệng trong dân gian vẫn nhắc rành rọt đến chàng Lang Liêu với “bài toán” hóc búa vua ra: “Ơn tổ tiên ông bà là trọng. Nay đến gần ngày Tết, các con ai nấy phải tự tìm kiếm hoặc làm ra những món ăn đặc biệt nhất để dâng cúng tổ tiên. Món ai dâng lạ nhất, ngon nhất, ta sẽ truyền ngôi cho...”.
Trong khi các hoàng tử khác tìm kiếm đủ sơn hào hải vị từ khắp nơi mang về thì trong cung, lại có một chàng hoàng tử mồ côi mẹ - chính là Lang Liêu - nghĩ đến việc chọn gạo nếp thật ngon, tự tay mình làm nên những chiếc bánh kỳ lạ, có một không hai để dâng cúng tổ tiên. Vua hỏi sao con làm bánh này, thì Lang Liêu thưa: “Bánh này tượng trưng cho công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái. Bánh dày hình tròn, tượng trưng cho trời. Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất. Bởi công ơn cha mẹ lớn tựa trời đất, nên con tự tay làm bánh ấy như báo đáp ơn nghĩa sinh thành”.
Món bánh ấy trở thành món bánh không thể thiếu trong mỗi mùa năm hết Tết đến. Và câu chuyện của Lang Liêu chính là bài học đầu đời cho mỗi đứa trẻ ngay từ thuở nằm nôi về lòng biết ơn, về việc hết lòng tự mình báo đáp ơn mẹ cha, tổ tiên bằng những việc làm trong khả năng của mình và do sức mình.
Thực tế, lòng biết ơn được người Việt Nam trân trọng đến mức nó luôn được xếp hàng đầu, như nền tảng đầu tiên của lẽ công bằng và những gì tốt đẹp nhất ở đời, xem việc biết ơn, trả ơn như đạo làm người căn bản. Điều này được thể hiện đậm nét trong những nghi lễ, tập tục mang đậm tính lịch sử và văn hóa, được lưu truyền nhiều đời nay...
Và văn hóa cảm ơn thời nay
Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, văn hóa cảm ơn mang tính hành động vẫn được duy trì và tiếp nối. Từ trong gia đình, chúng ta vẫn giữ truyền thống tổ chức lễ mừng thượng thọ ông bà, cha mẹ. Chúng ta cũng có nhiều ngày lễ, ngày kỷ niệm để nhắc nhở và cũng là dịp để mỗi người thực hiện những việc làm thiết thực để bày tỏ lòng biết ơn của mình với thầy cô giáo đã truyền đạt tri thức (ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11), với những bác sĩ đã chữa chạy, cứu sống mình (ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2), và mở rộng ra là với những người đã hy sinh máu thịt để chúng ta có cuộc sống ngày hôm nay (ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7)...
Những bài học về lòng biết ơn như “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn” cùng với các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” vẫn được truyền đạt trong những trang sách, những kiến thức dạy cho con trẻ. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy rằng, nhịp sống công nghiệp hóa ngày nay dường như khiến người ta tất bật hơn, “ngại” nói cảm ơn với nhau, “ngại” bày tỏ lòng trân trọng, biết ơn với những người đã làm điều gì đó cho mình. Đối với trẻ em, nếu chỉ được giáo dục thuần túy trên lý thuyết mà thiếu cơ hội, thiếu những hướng dẫn để biết thực hiện những việc làm vừa sức mình, bằng sức mình để bày tỏ lòng biết ơn một cách chân thành, thì e rằng văn hóa cảm ơn khó có thể ăn sâu thành giá trị cuộc sống đích thực, giúp hình thành nên nhân cách tốt, thành nền tảng căn bản cho đạo làm người trong các em.
Đã đến lúc cha mẹ phải dành thời gian cho trẻ, hướng dẫn con tự tay mình làm một tấm thiệp tặng cô nhân ngày 20.11; rồi Tết đến biết tự tay trồng một chậu hoa, gói một món quà thật đẹp biếu ông bà. Những hành động tuy nhỏ như vậy nhưng có giá trị rất lớn để giáo dục trẻ về lòng biết ơn. Từ đó, chúng ta mới có thể hy vọng rằng lứa trẻ này lớn lên, dù là thế hệ “9X”, “10X”, “@” hiện đại thế nào thì vẫn giữ nguyên được truyền thống văn hóa dân tộc, vẫn sống có trước có sau, có tình có nghĩa như cái “đạo làm người” mà người Việt ta đã và đang gìn giữ...