Tết đến mang theo niềm hy vọng về một năm sung túc, thành đạt để quên đi những điều không may mắn ở năm cũ. Vì vậy, trước thời khắc giao thừa, với người Huế, những chuyện chưa làm xong đều phải hoàn thành. Nếu có nợ nần tiền bạc thì phải trả hết, vương vấn việc gì chưa làm phải làm cho xong. Nếu có giận hờn thì dằn lòng, nhủ rằng phải hỷ xả, vị tha cho năm mới toàn là điều vui vẻ. Dân gian truyền miệng: “Giận gần chết, ngày Tết cũng thôi”.
Bước sang năm mới thì phải giũ bỏ những gì còn sót lại của năm cũ, không được để một việc dù nhỏ phải làm đến năm sau, nhất là phải sạch sẽ, tinh tươm đón mừng năm mới. Tất cả áo quần bẩn được gom lại mà giặt giũ trước giao thừa.
Gần Tết, Huế thường rất lạnh và dù có bận bịu thì phải nhớ tắm gội sạch sẽ, tóc tai, móng tay, móng chân được cắt tỉa gọn gàng trước thời khắc giao thừa. Nhà cửa được sơn mới hoặc chùi rửa, vườn tược được chăm sóc cẩn thận, đồ đạc trong nhà được dọn dẹp ngăn nắp. Những ngày cuối năm, không khí chuẩn bị Tết rất tất bật, rộn ràng. Đến chơi nhà người Huế trong ngày ba mươi thì thấy tất cả đã sạch sẽ, tinh tươm như được thay áo mới.
|
Cúng cuối năm ở Huế - Ảnh: Đăng Tuyên
|
Một việc không thể thiếu trong dịp Tết đó là lễ cúng, đặc biệt là trong ngày cuối năm. Quan niệm tâm linh của người Huế không nặng về mê tín dị đoan, tin vào những điều siêu nhiên, huyền bí mà thường hướng về tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Những ngày kỵ giỗ, lễ tết hoặc có sự kiện trọng đại trong gia đình thì đều báo cáo và mời ông bà về tham dự.
Người Huế xem những người đã khuất như đang hiện diện trên cõi đời, bên cạnh con cháu. Từ đó, việc cúng bái dù có phần đa lễ, đầy đủ nghi thức, song cách sắm sửa thì giảm tiện, không cầu kỳ mâm cao, cổ đầy mà tùy vào gia cảnh, thói quen ăn uống của từng nhà để bày biện.
Chiều ba mươi Tết, mỗi gia đình thường có một mâm cúng cuối năm. Đây là lễ cúng có đầy đủ các món mặn, thịt heo, gà, xôi, chè... để mời ông bà về cùng ăn Tết. Cũng có thể xem là buổi tiệc cuối năm, hay là tất niên mừng đoàn tụ gia đình. Vì những ngày du xuân sắp tới, bận bịu thăm viếng lẫn nhau, việc ăn uống sẽ thất thường nên ai nấy đều thấy ngon miệng, vui vẻ, giòn giã những với món ăn khoái khẩu quen thuộc.
Ngày cuối năm, gia đình thường quây quần bên nhau tất bật. Phụ nữ lo nấu nướng, làm bánh, mứt, đồ ăn, thức uống cho ba ngày Tết, đàn ông lo quét dọn nhà cửa, soạn sửa bàn thờ, chuẩn bị lễ vật để cúng bái, đón xuân. Con cái được ba, mẹ sai phụ việc nhằm chỉ dạy những tục lệ, truyền thống, lễ nghi. Buổi tối, Huế ít có người đi ra ngoài đường mà ấm cúng, rộn ràng bên nồi bánh chưng, bánh tét. Tiếng cười nói râm ran như Tết đã đến rồi.
|
Phụ nữ cần mẫn bên nồi mứt - Ảnh: Đăng Tuyên |
Tính người Huế làm việc gì cũng nghĩ tới, nghĩ lui, thành ra ngại bị mang tiếng “đạp đất” - xông đất đầu năm, mà theo quan niệm là mang lại phúc, họa cho năm mới cho gia chủ. Tối giao thừa ngại đi ra đường cũng vì vậy. Cạnh đó, có một lý do khác là vào tối ba mươi, còn phải dành thời gian cho việc cúng rước ông Táo về lúc đầu đêm và cúng giao thừa.
Bàn thờ cúng giao thừa được lập ở ngoài trời, với đầy đủ bát nhang, hương đèn, hoa, mâm ngũ quả và giấy vàng bạc, đồ mã. Nhà nào sáng mồng một Tết có tục lệ ăn chay thì tối ba mươi không cúng mặn, chỉ có một mâm xôi, chè đơn giản để dành cho ngày đầu năm không phải nổi lửa. Không kiêng cữ thì có thêm con gà, với niềm tin con gà sẽ gọi mặt trời chiếu sáng đầy đủ cả năm.
Đồ mã thì phải đầy đủ bộ áo quần, hia, mão cho thiên binh, giấy tờ vàng bạc để đốt lên gửi người đã khuất. Từ quan niệm cúng tối ba mươi là đưa tiễn các quan nhà trời năm cũ và đón người mới xuống cai quản trần gian, áo giấy có màu vàng tượng trưng cho trang phục của Đại Vương, khác với đồ hàng mã cúng đất, cúng tất niên có màu đỏ là màu chủ đạo. Đúng 0g, chủ nhà thắp ba nén nhang khấn lạy, rước thần năm mới vào nhà.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước, những nét truyền thống nơi vùng đất cố đô cũng ít nhiều thay đổi. Đêm ba mươi, thay cho tiếng pháo ngày xưa, nhà nước ta tổ chức bắn pháo hoa hai bên bờ sông Hương. Không khí lễ hội khiến nhiều người dân Huế từ bỏ thói quen đón giao thừa ở nhà mà đổ ra đường chào đón năm mới. Những người trẻ tuổi thì rủ nhau đi chơi qua khỏi giao thừa, không còn ngại mang tiếng “đạp đất”. Trong gia đình chỉ còn những người lớn tuổi lo chuyện cúng bái. Vì vậy, giới trẻ cũng ít hiểu được ý nghĩa của những nghi lễ trong đêm giao thừa.