Cuộc sống văn minh hiện đại đã làm cho người phụ nữ được phát triển về tinh thần lẫn thể chất hơn phụ nữ ngày xưa rất nhiều, khiến họ càng không muốn bị tụt hậu. Nhưng họ cũng không thể chối bỏ phần thiên chức làm mẹ, làm “ngọn lửa” sưởi ấm gia đình. Chính vì thế mà áp lực công việc, gia đình và xã hội đặt lên vai người phụ nữ có phần ngày càng thêm nặng nề.
Tận dụng mọi "sự trợ giúp"
Xã hội đương đại làm cho người phụ nữ thành công trong công việc, được tôn trọng, làm cho chồng con hài lòng, mang lại niềm vui cho mọi người. Từ đó, xây dựng nên “hình tượng” người phụ nữ hiện đại - người tích lũy cho mình một vốn trí thức phong phú, tìm được việc làm ổn định với mức lương khá và có ý thức đấu tranh để vươn tới những vị trí cao hơn.
Chính vì thế, họ muốn làm chủ chính mình và cuộc sống của mình, thích làm điều mình muốn… Đặc biệt người phụ nữ hiện đại là người có ý thức đầy đủ về bản thân, và quan trọng nhất là biết giải quyết hài hòa về mối quan hệ giữa cá nhân mình với gia đình và với xã hội.
Nhiều áp lực khiến phụ nữ đã từ bỏ tất cả những ước mơ cao đẹp của mình vì gia đình, vì con cái. Tuy nhiên, sự hy sinh, vất vả của họ nhiều khi lại không nhận được sự đền đáp xứng đáng và cả sự thấu hiểu, thông cảm của chính người chồng, con của họ.
Đôi khi áp lực nặng nề nhất mà phụ nữ cảm nhận được không phải là áp lực từ công việc mà chính là từ phía gia đình. Phần lớn phụ nữ chọn giải pháp đi làm thường cố gắng cân bằng giữa công việc và gia đình, nhưng cuối cùng họ đã không làm tốt cả hai, bởi vì những đứa trẻ luôn cần có mẹ bên cạnh, còn công việc thì luôn cần được hoàn thành. Hơn nữa, nếu không có sự chung sức của người chồng, người vợ khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ.
Sự giúp đỡ của người chồng không chỉ là nguồn động viên về tinh thần còn giúp người vợ có cơ hội học hỏi để thăng tiến cao hơn. (Ảnh minh họa)
Chúng ta thử xem hai trường hợp sau: Chị Phương là trưởng phòng quản lý các dự án của một công ty truyền thông. Chị cho biết đối với công việc của chị thì thời gian làm việc không chỉ đơn giản là 8 giờ bình thường. Khi có nhiều việc, hay dự án, mọi nhân viên đều phải làm tăng ca hay làm thêm giờ để hoàn thành công việc và rất nhiều việc cần chị quyết định.
Áp lực làm việc vì thế cũng rất nặng nề. “Ngoài giờ làm việc, tôi còn có gia đình với biết bao nhiêu việc không tên. Nhiều lúc phải làm thêm, hoặc quá căng thẳng, mệt mỏi, về nhà lại tiếp tục với công việc nhà, nên nhiều khi chẳng còn thời gian và hơi sức đâu để xem tivi, đọc báo giải trí nữa… Nếu có sự thông cảm của người chồng và giúp đỡ của người thân trong gia đình chắc chắn tôi sẽ không thể làm tốt được”.
Trong khi đó, tình cảnh của chị Nhung lại ở khía cạnh khác, chị sống cùng gia đình nhà chồng. “Nhiều khi mình cũng thấy rất ngại vì chẳng làm được việc gì cho nhà cả. Đi làm đến 5’30-6 giờ về, lo cho con cái tắm giặt ăn uống, đến khi mình ăn xong cũng cỡ 8 giờ tối. Ngồi nói chuyện cùng nhau một lát rồi ai về phòng nấy. Cả ngày chẳng hỏi han được bố mẹ chồng lấy một câu vì có lúc nào rảnh rỗi đâu cơ chứ… Nhiều khi cũng muốn giúp mẹ nấu cơm nước nhưng chịu, vì đi làm về muộn cơm nước đã xong hết rồi, các cụ lại ăn sớm, đợi mình cơm nước chắc phải đến 7’30-8 giờ tối…”.
Thông thường phụ nữ sẽ cảm thấy áp lực và mệt mỏi nhiều hơn phái nam, vì ngoài công việc ở công ty ra, họ còn phải làm trăm công việc không tên khác ở gia đình. Nếu người chồng khéo léo chia sẻ và biết cảm thông không những làm giảm gánh nặng lên người phụ nữ, mà còn động viên khuyến khích họ hoàn thành công việc. Bởi người phụ nữ dù thành đạt ngoài xã hội bao nhiêu vẫn là phái yếu, họ cũng cần một bờ vai để tựa và chở che.
Hãy yêu thương bản thân và tận hưởng cuộc sống!
Song cũng không hẳn là tất cả phụ nữ đều chịu nhiều áp lực và gặp bất hạnh trong cuộc sống gia đình khi thăng tiến trong nghề nghiệp hoặc làm ăn phát đạt trong kinh doanh… Với đức tính mềm mỏng, dịu dàng kết hợp với vốn kiến thức ngày càng được nâng lên khiến nhiều chị đã biết giữ thăng bằng giữa công việc và vai trò của người mẹ, người vợ trong gia đình.
Bởi dù nhận thức xã hội dành cho phái nữ đã có những bước tiến nhất định thì những thiên chức đã trở thành truyền thống của người phụ nữ không thể nào thay đổi được như làm vợ, làm mẹ và làm dâu… Chính vì lẽ đó, đòi hỏi người phụ nữ phải biết sắp xếp thời gian, công việc một cách khoa học để không chỉ sống cho công việc, chồng con mà phải thực sự sống cho bản thân mình.
Biết tận hưởng cuộc sống là cách thức để cân bằng cuộc sống. (Ảnh minh họa)
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, muốn làm được tất cả những việc gia đình, xã hội thì người phụ nữ phải lo cho mình trước, phải biết chăm sóc, làm đẹp, yêu thương chính bản thân mình và tận hưởng cuộc sống. Muốn lo cho người khác thì đầu tiên phải lo cho mình thật tốt đã. Chị em cứ phải tự tin mặc đẹp, phải chăm sóc sắc đẹp, phải khỏe cả về thể xác lẫn tinh thần. Khi mình khỏe, mình mạnh, tự lo được thì sẽ… lo được cho người khác tốt hơn.
Hơn nữa, theo lời lý giải của ThS. Bùi Trần Phương, hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen, để phụ nữ giải tỏa được áp lực không cần thiết. Cuộc sống vốn dĩ đã là áp lực rồi… Phụ nữ chúng ta cần phải giải phóng khỏi mô hình hy sinh không cần thiết, những áp lực do định kiến, đạo lý gia đình, xã hội mang lại.
Mình phải tự cho phép mình làm việc đó thì bản thân sẽ không bị áp lực. Chia sẻ với gia đình nếu đó là việc gia đình. Chia sẻ với đồng nghiệp nếu như đó là việc cơ quan. Không nên mang công việc về chia sẻ với gia đình vì đồng nghiệp mới chính là người trong cuộc và giúp chúng ta giải quyết tốt nhất.
Các nghiên cứu đã chứng minh não phụ nữ chứa nhiều dây thần kinh kết nối giữa các bán cầu. Vì thế, họ có khả năng quán xuyến nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Một số nam giới cho rằng như thế sẽ thiếu tập trung. Thật ra, chị em nên nuôi dưỡng khả năng này, vì đây chính là kỹ năng cần thiết của một nhà lãnh đạo.
Bạn có thể trở thành một người sếp giỏi, tại sao lại chọn hậu phương an toàn là nhà bếp? Hãy tìm một người giúp việc. Tất nhiên bạn không nên phó mặc hoàn toàn công việc nội trợ cho người ta. Cách này giúp bạn tiết kiệm được thời gian để thực hiện nhiều phần việc quan trọng khác nhau.
|