Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.864.138
Truy câp hiện tại 3.093
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Giữ tuồng truyền thống thời hội nhập
Ngày cập nhật 12/01/2009
Hoa hậu Mai Phương Thuý với Mặt nạ tuồng

Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành nghệ thuật biểu diễn, công chúng đến với nghệ thuật tuồng ngày càng thưa vắng. Bài toán về khó khăn trong việc bảo tồn, phát triển bộ môn nghệ thuật này sẽ không giải được nếu thiếu đi ngọn lửa tâm huyết của chính các nghệ sĩ.

 Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch) và Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc vừa tổ chức một hội thảo khoa học về việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng truyền thống.
Nhiều cái khó... bó nghề

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, các buổi diễn của các đoàn ở các thành phố, trung tâm văn hoá lớn thì khán giả rất dửng dưng. Chỉ khi về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và biểu diễn miễn phí, thì tuồng mới thu hút đông đảo người tới xem. Không có khán giả- đó là căn bệnh trầm kha, là vấn đề nan giải đối với những người làm nghệ thuật tuồng hiện nay.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, có ý kiến cho rằng nghệ thuật tuồng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Có ý kiến lại cho rằng do lớp trẻ ngày nay ít có người thông tuệ hiểu văn phong tuồng, trình thức tuồng, đặc biệt là tuồng truyền thống. Theo Nhà viết kịch bản tuồng Văn Sử, thì những vở tuồng nặng tính giáo huấn, tiết tấu chậm cũng không phù hợp với những đề tài hiện đại: "Tuồng có những trình thức cực kỳ khuôn mẫu. Đến hôm nay chúng ta thể hiện những đề tài hiện đại thì những hình thức nghệ thuật ấy không đáp ứng được nhu cầu của nghệ thuật nữa. Ví dụ viết vở kịch về công nhân, trí thức hôm nay thì chúng ta chưa tìm được ra những động tác tuồng, trình thức tuồng có thể thể hiện những vai đó trên sân khấu. Nếu chúng ta thể hiện những nội dung hiện đại mà lại trình thức cũ như tuồng cổ thì khán giả người ta thấy phù hợp và không xem nữa.

Nhưng theo Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng, thì khán giả thờ ơ với sân khấu tuồng ngày nay vì còn ở chính cách diễn thiếu sinh khí của các nghệ sĩ. Nghệ sĩ đang làm việc của một công chức, ít có chất lửa nhiệt huyết. "Một lối diễn thiếu khí lực, thiếu công phu, chỉ còn là sự sao chép lạnh nhạt không cảm hứng những mẫu hình truyền thống. Người xem cảm thấy ở lối diễn này không phải là thiếu tài năng, mà nguy hiểm hơn là sự mất tình yêu, mất niềm tin vào môn nghệ thuật mình làm. Diễn không hấp dẫn thì khán giả rời xa. Khán giả càng rời xa, thì người nghệ sĩ tuồng càng không tin vào khả năng tồn tại của nghề tổ"- Giáo sư Trần Bảng nói.

Tuồng là bộ môn nghệ thuật đặc thù, với những nguyên tắc cách điệu, ước lệ vô cùng nghiêm ngặt từ trong cấu trúc kịch bản, đến sắp xếp làn điệu, từ câu hát, đến âm nhạc, đặt biệt là phương pháp biểu diễn tổng hợp. Phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa hát và múa, giữa trình thức và võ thuật dân tộc, giữa nhập vai và thoát vai. Người đạo diễn nào không tuân thủ những nguyên tắc nghệ thuật ấy, thì vở diễn sẽ thành "kịch tuồng". Vì thiếu đạo diễn, nên trong những năm qua, nhiều đơn vị đã "phá tuồng" khi mời đạo diễn kịch nói không có kiến thức về nghệ thuật tuồng đạo diễn các vở tuồng. Ông Lê Ngọc Cường- Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch) cũng thẳng thắn nhận định: Nhiều đơn vị đã có hướng tìm tòi mới, nhưng không làm đến cùng và không hiệu quả. Các đơn vị nghệ thuật vẫn chưa thực sự dám bứt phá, vẫn còn tình trạng "trên đợi dưới, dưới chờ trên".

Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ- Thứ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch cho rằng một trong những nguyên nhân làm cho nghệ thuật tuồng nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung chưa thu hút được khán giả còn ở sự yếu kém trong khâu quảng bá: "Các đơn vị nghệ thuật truyền thống triệt tiêu vì quảng bá, sợ không có khán giả nên chỉ dựng vở, biểu diễn theo kế hoạch. Khi các đơn vị nghệ thuật là tự chủ kinh phí thì lại càng ít dành kinh phí cho việc quảng bá.Hầu như rất ít các nghệ sĩ của ngành nghệ thuật biểu diễn  này được công chúng biết đến".

Một khó khăn nữa của ngành tuồng là việc đào tạo đội ngũ kế cận. Nghệ sĩ trẻ tâm huyết với nghệ thuật tuồng truyền thống bây giờ không nhiều. Nghệ sĩ ưu tú Hương Thơm- Phó Trưởng đoàn biểu diễn của Nhà hát Tuồng VN cho biết về những khó khăn trong khâu tuyển chọn diễn viên tuồng hiện nay: "Nhà hát chúng tôi phải về từng xã, từng làng, đến từng thôn tuyển lấy các lớp học sinh. Khi nói đến ngành tuồng thì rất ít các cháu trẻ muốn đi. Tuyển chọn được rồi, đưa các cháu về học ở trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh, nhà hát tham gia đào tạo. Rồi khi các cháu tốt nghiệp về nhà hát, chúng tôi lại trực tiếp đào tạo, tập cho các cháu những vở truyền thống với mục đích là làm thế nào liên tục có các thế hệ, kế tục sự nghiệp. Nếu không thế thì tuồng không có người nối nghiệp". Kỳ công đào tạo là thế, nhưng những gương mặt trẻ trụ lại với sân khấu tuồng rất hiếm hoi. Nhiều người "nửa đường đứt gánh" vì nỗi lo mưu sinh, hoặc vì sự cám dỗ của các lĩnh vực khác.

 

Để tuồng "sống" trong thời hội nhập

"Hãy trở về với nghệ thuật truyền thống. Ưu tiên dàn kịch mục gốc, đồng thời quan tâm việc dàn dựng những kịch mục mới những đề tài lịch sử, dã sử và truyền thuyết VN"- Đó là kiến nghị của Giáo sư, Nghệ sĩ nhân dân Trần Bảng. Cũng theo vị giáo sư đầu đàn của ngành tuồng này, nhà hát tuồng cần tạo nên không khí gợi cổ, trang nghiêm, nghi lễ. Soi sáng phòng khán giả là những chiếc đèn lồng, những cây đèn cổ. Điêu khắc và hoa văn trang trí trong phòng đều mang tính ước lệ cao phù hợp với vẻ đẹp của những hình thức độc đáo trên sàn diễn, để khán giả khi vào rạp xem như được bước vào thế giới của những nhân vật tuồng.

Một số đại biểu tham gia hội thảo cho rằng: cần chú trọng đầu tư để có các kịch bản đậm chất tuồng và đào tạo các đạo diễn hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật tuồng. Đối với diễn viên tuồng cũng nên trở lại phương pháp đào tạo truyền thống, cha truyền con nối và phương pháp học ngay tại đơn vị biểu diễn, với sự phân công dìu dắt của các nghệ sĩ giỏi nghề, giàu kinh nghiệm. Tránh tình trạng để các thầy chưa từng diễn trên sân khấu bao giờ lại dạy người ta làm diễn viên, làm đạo điễn.

Điều quan trọng hơn hết chính là ở sự tự nỗ lực của mỗi đơn vị nghệ thuật, sự say mê, tâm huyết của tập thể các nghệ sĩ, diễn viên đang theo đuổi bộ môn nghệ thuật này. Kinh nghiệm mà ông Vũ Tiến Thêm- Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Khánh Hoà nêu ra sau đây cho thấy nghệ thuật tuồng vẫn có nhiều cách thức tồn tại trong thời kỳ hội nhập hiện nay. "Bí quyết của chúng tôi chính là trả lại tuồng truyền thống cho nhân dân. Chúng tôi vùng ven biển có lễ hội quanh năm và có lễ hội kéo dài 3-4 ngày thì người ta cũng chỉ xem tuồng thôi. Chúng tôi đưa những pho tuồng truyền thống, đầu tư bài bản để diễn tại các lễ hội này và tuồng tuyền thống sống mãi".

Chính sách hỗ trợ các nhà hát tuồng, khuyến khích các nghệ sĩ trẻ đến với nghệ thuật tuồng; đưa nghệ thuật tuồng vào giảng dạy trong trường phổ thông cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Việc lập ra những câu lạc bộ theo kiểu "Những người bạn của nhà hát" để lập mạng lưới khán giả thường xuyên trong nước là cần thiết. Đồng thời tăng cường giới thiệu, quảng bá các giá trị của nghệ thuật tuồng trên các phương tiện thông tin đại chúng; kết hợp giới thiệu các bộ môn nghệ thuật truyền thống trong các tour du lịch; tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế, đưa nghệ thuật tuồng giới thiệu ở nước ngoài.

Chúng ta có quyền tự hào về nghệ thuật Tuồng giống như người Trung Quốc tự hào về Kinh Kịch, người Nhật Bản tự hào về kịch Noh. Nhưng nếu thiếu đi sự ngọn lửa nhiệt huyết, trân trọng với nghề của các nghệ sĩ, diễn viên ngành tuồng, thì các giá trị độc đáo của nghệ thuật tuồng khó có thể được bảo tồn và phát huy. "Làm gì cũng vậy "sinh ư nghệ, tử ư nghệ", sống chết với nghề, phải phấn đấu diễn điêu luyện hơn, hát hay hơn, diễn bằng cả trái tim nhiệt huyết của mình, luôn luôn sáng tạo để làm sáng lên nghề tổ"- Thứ trưởng Lê Tiến Thọ mong muốn ở các nghệ sĩ trẻ./.

Theo Tạp chi Ban Tuyên giáo
Các tin khác
Xem tin theo ngày