|
Thống kê truy cập Tổng truy câp 9.862.830 Truy câp hiện tại 2.509
|
|
| |
Những bài thơ về Đảng Ngày cập nhật 02/02/2009 Thơ viết về Đảng là đề tài tập hợp được nhiều tầng lớp thi sĩ. Có thơ của những chiến sĩ cách mạng, những lãnh tụ, như thơ của Bác Hồ, Hoàng Văn Thụ, Hồ Tùng Mậu, Sóng Hồng, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy... Thơ viết về Đảng là đề tài tập hợp được nhiều tầng lớp thi sĩ. Có thơ của những chiến sĩ cách mạng, những lãnh tụ, như thơ của Bác Hồ, Hoàng Vǎn Thụ, Hồ Tùng Mậu, Sóng Hồng, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy... Có thơ của những người không chuyên cầm bút: nhiều bài thơ không rõ tác giả hoặc mang một cái tên không là ai cả: dân tộc Khmer, dân tộc Ca Tu... Có những cái tên còn nguyên vị dân dã, tên riêng mà lẫn vào đời chung: bà cụ Hai chòm Gấm, ông Nǎm xóm Chùa... Đông đảo phong phú nhất, cố nhiên, là thơ của các nhà thơ, các thế hệ nhà thơ. Đó là Tố Hữu, nhà thơ cách mạng, ngay từ những bài thơ đầu tay, nǎm 16 tuổi giữa cao trào thơ lãng mạn, đã mang tính đảng sâu sắc. Đó là Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Anh Thơ, Lưu Trọng Lư... lớp thi sĩ "tiền chiến" đã từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui. Đó là Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Thanh Hải, Giang Nam, Thu Bồn, Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, Tạ Hữu Yên... và một loạt các nhà thơ xuất hiện sau nǎm 1975.
Chưa đi vào nội dung thơ, chỉ với một nhận xét về đội ngũ tác giả cũng đủ thấy vị trí của Đảng trong tình cảm, trong suy nghĩ của dân ta.
Tên của Đảng sáng cùng tên của nước. Viết về Đảng, vì vậy, cũng chính là viết về đất nước, đất nước ở một chặng lịch sử đấu tranh gian khổ và phức tạp, thắng ngoại xâm rồi lại phải thắng cả "nội xâm". Cảm xúc chủ đạo của những bài thơ về Đảng là niềm tự hào, là lòng biết ơn và một tình thương thấm thía:
Ôi người yêu, yêu hơn cả ái tình
Người rất mực xa xanh và đỏ thắm
Người gần gũi và bao la vạn dặm
Người một người và ức triệu con người
Những câu thơ say đắm bộc lộ này là của Xuân Diệu, chúng ta dễ dàng nhận ra cái giọng nồng nhiệt của nhà thơ tình yêu. Ngoài lòng biết ơn công dân, ông muốn giãi bày một khía cạnh ân nghĩa của riêng mình:
Trong đời cũ trái tim ngoài ngực
Tôi thoi thóp đêm ngày đau nhức
Cái gì nuôi, cái gì quật hố chôn
Đảng dạy tôi phân biệt tự nguồn
Đảng đã cho tôi xương sống của tâm hồn.
Phải nhớ lại tình cảnh đất nước và tâm trạng những trí thức yêu nước hồi chưa có Đảng, khi phong trào yêu nước của các sĩ phu phong kiến hưởng ứng hịch Cần Vương không mang lại kết quả, khi các cuộc bạo động dưới ảnh hưởng của các "tân thư" đã bị dìm trong máu, khi lòng yêu nước ngùn ngụt nghĩa khí: Vạch trời thét một tiếng vang/Cho thân tan với giang san nước nhà (Phạm Tất Đắc) nhưng bế tắc về đường lối, mới hiểu được những dòng tâm sự đó. Từ lòng yêu nước, Bác Hồ ra đi từ bến Nhà Rồng và với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Bác đã trở về từ biên giới phía bắc. Bác Hồ về, Đảng Cộng sản thành lập, một đáp ứng lịch sử cho phong trào yêu nước. Với mọi người Việt Nam từ người dân mất nước thành người làm chủ vận mệnh mình là một đổi thay kỳ diệu, đây cũng là lý do chủ yếu tạo nên lòng tin son sắt của toàn dân đối với Đảng của mình. Với những nhà thơ, sự thay đổi của cảm xúc, của thơ cũng thật sự quan trọng. Vào cái lúc Với tôi tất cả như vô nghĩa, Chế Lan Viên đã gặp Đảng. Quá trình đến với Đảng của ông là quá trình phấn đấu của thơ, để từ Điêu tàn đến với ánh sáng và phù sa. Có thể nói cả lớp nhà thơ lãng mạn trước cách mạng đều có một nhận thức Đảng gắn liền với sự tìm đường tới một nền nghệ thuật lớn, ở đó, nói như Chế Lan Viên: Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ và Xuân Diệu thì Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi. Cái con người mà mới mấy nǎm trước đó đã viết Ta là một, là riêng, là thứ nhất/Không có chi bè bạn nổi cùng ta nay thấy mình gắn với cộng đồng dân tộc. Đó là một sự giác ngộ nâng cao hồn người, nâng cao nên thơ. Lý tưởng cộng sản và nhiệm vụ giải phóng dân tộc đã nâng cao nhân cách các nhà thơ và mở rộng chủ nghĩa nhân đạo cho thơ. Nếu quan sát thực tiễn thơ trong hai cuộc kháng chiến, còn có thể nhận thấy: đây là những nǎm thơ có người đọc đông đảo hơn cả, thơ thành hành trang của người đánh giặc. Người viết lẫn người đọc thấm thía biết ơn đường lối vǎn nghệ mang lý tưởng giải phóng dân tộc của Đảng.
Tố Hữu nhận thức sâu sắc: Đảng lo cái lớn, cái muôn đời Trời cao, biển rộng bao la, nhưng cũng không quên cái cụ thể của từng người miếng cơm, manh áo, hương hoa, hồn người. Xuân Diệu dùng hình tượng gánh để nói những lo toan muôn mặt của Đảng:
Trǎm dâu đổ đầu tằm
Trǎm trách nhiệm đổ vào người trách nhiệm
Bàn ghế ở đâu xộc xệch, người ấy phải lo
Đường sá ở đâu bụi bặm, người ấy phải lo...
... Gánh mưa vừa cạn, gánh hạn đã sang
Đê mới đắp, bão rập rình muốn tới
Bác Hồ và các nhà lãnh đạo Đảng lấy dân làm mục đích phục vụ chia sẻ mọi gian khó cùng dân Mưa tám trǎm ly, Bác phải lội bùn/Hạn cháy lúa, Thủ tướng cùng dân đi tát nước. Sức mạnh của Đảng, phẩm chất ưu việt của Đảng bắt nguồn từ nơi ấy. Lòng dân tin yêu Đảng, che chở nuôi dưỡng Đảng cũng xuất phát từ đấy. Thơ đã không quên những tấm lòng sắt son với Đảng: Tố Hữu viết trong Mẹ Tơm:
Thương người cộng sản, cǎm Tây Nhật
Buồng mẹ, buồng tim giấu chúng con
Đêm đêm chó sủa làng bên động
Bóng mạ ngồi canh lẫn bóng cồn
Thơ cũng lưu giữ được những hình ảnh, những tính cách đảng viên có tên hoặc không tên hy sinh đời mình vì nước, vì dân. Một Hoàng Vǎn Thụ trong thơ Huy Cận, đất nước thân thuộc lặng thầm quấn quýt bên anh:
Ra ngoài cửa sắt mát cây cành
Không khí thơm hǎng mùi lá xanh
Phút giữa nhà lao và bãi bắn
Chút hương đất nước dịt lòng anh.
Một liệt sĩ vô danh trong thơ Thanh Hải, nhân dân thương xót ôm ấp thân anh:
Hôm qua chúng giết anh
Xác phơi đầu ngõ xóm
(...) Thằng này là cộng sản
Không được đứa nào chôn
Lũ chúng vừa quay lưng
Chiếc quan tài sơn son
Đã đưa anh về mộ
Đi theo sau hồn anh
Cả làng quê đường phố...
Ngày nay, kháng chiến giành lại đất nước đã thắng lợi. Tổ quốc trọn vẹn độc lập, tự do và thống nhất. Đảng lãnh đạo toàn dân xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Đó là một thuận lợi nhưng cũng là một thử thách ác liệt trong bối cảnh hiện nay. Quốc sách đổi mới đúng lúc và đúng cách đã tạo nên một bước chuyển vượt bậc trong đời sống, giữ niềm tin ấm nóng của lòng dân đối với lý tưởng cộng sản ngay giữa cơn tuyết giá ở ngoài đời như lời thơ Tố Hữu:
Từ đổ nát ta xây dựng mới
Rũ bùn dơ, mặt đất sẽ thanh tân
Không sức nào ngǎn nổi sức nhân dân
Ngày mai sẽ là ngày mai cộng sản
Báo Nhân dân, ngày 6/5/2001 Vũ Quần Phương (Nguồn Báo Nhân dân) Các tin khác
|
|