Thực trạng bảo đảm an ninh con người, an ninh xã hội, an toàn xã hội trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ở Việt Nam hiện nay
Nhận diện những mối đe dọa và tác động tiêu cực đến từ an ninh phi truyền thống đối với an ninh con người, an ninh xã hội, an toàn xã hội
Trong bối cảnh hiện nay, có nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống đe dọa và tác động tiêu cực đến an ninh con người (ANCN), an ninh xã hội (ANXH), an toàn xã hội (ATXH), trong đó có thể nhận diện một số vấn đề an ninh phi truyền thống có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường tự nhiên, môi trường sống của con người và sức khỏe, tính mạng, sinh kế của người dân:
Một là, Việt Nam là một trong 4 nước ở khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu trong hai thập niên gần đây. Thống kê hai mươi năm qua cho thấy, thảm họa thiên nhiên, thiên tai, thời tiết cực đoan ở Việt Nam diễn biến bất thường, trái quy luật, có xu hướng gia tăng cả về tần suất, quy mô và cường độ, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Hai là, ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam. Ô nhiễm môi trường nước (bao gồm cả nước mặt, nước ngầm và cả môi trường nước biển) diễn ra ở nhiều nơi, nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở các khu công nghiệp có liên quan đến hoạt động xả thải; ô nhiễm môi trường đất do việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, diệt côn trùng; ô nhiễm không khí do các nguồn tại chỗ và do các nguồn xuyên biên giới; suy giảm các hệ sinh thái, như suy giảm hệ sinh thái rừng, bao gồm cả rừng đầu nguồn và rừng ngập mặn; suy giảm hệ sinh thái biển,... Ngoài ra, thảm họa thiên nhiên cũng cướp đi sinh mạng nhiều người dân, phá hủy môi trường sinh thái và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống con người và xã hội.
Ba là, dịch bệnh, đại dịch, nhất là đại dịch mới (đại dịch COVID-19) đang xuất hiện ngày càng nhiều và có xu hướng lan rộng toàn cầu, gây tử vong, đe dọa nghiêm trọng đời sống con người, nhất là tạo ra những thách thức về y tế, chăm sóc sức khỏe, việc làm, thu nhập, giáo dục, phân hóa giàu - nghèo.
Những vấn đề an ninh phi truyền thống nêu trên tác động bất lợi, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến hệ thống an sinh xã hội, quản lý phát triển xã hội và thực hiện chính sách xã hội ở Việt Nam. Cụ thể:
Một là, tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là người nghèo, phụ nữ, trẻ em và người già; làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế, hệ thống an sinh xã hội.
Biến đổi khí hậu với các đợt nắng nóng kéo dài gây nên những tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người, gia tăng các bệnh nhiệt đới, như sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh về tim mạch, bệnh thần kinh và tăng tỷ lệ tử vong ở người già.
Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, gia tăng chi phí liên quan đến khám, chữa bệnh. Ô nhiễm không khí với tác động từ bụi mịn và bụi siêu mịn, ô nhiễm đất với ảnh hưởng từ sản xuất nông nghiệp, ô nhiễm kim loại nặng, ô nhiễm vi sinh... tác động tiêu cực đến sức khỏe con người thông qua đường hít thở, ăn, uống và tiếp xúc trực tiếp với đất, nguồn nước trong quá trình sinh hoạt và lao động.
Dịch bệnh, đại dịch có mức độ nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng đối với sức khỏe của con người, gây ra tình trạng tử vong cao và tăng nhanh. Chẳng hạn, gần đây nhất phải kể đến đại dịch COVID-19. Tính đến ngày 24-2-2023, tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam là 11.526.810 ca và có 43.186 ca tử vong(1). Đại dịch gây tác động trực tiếp đến ngành y tế, giáo dục, đến hoạt động sản xuất, kinh doanh ở cấp độ quốc gia.
Hai là, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế, thu nhập, việc làm, an ninh lương thực, hệ thống kết cấu hạ tầng... của người dân và cộng đồng. Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm khó khăn về sinh kế, phá hủy nhà cửa, tài sản, hệ thống kết cấu hạ tầng, gây ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, xâm nhập mặn kéo dài, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và dân sinh, đặc biệt là ở miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đất đai nông nghiệp cùng với ô nhiễm đất, suy giảm chất lượng đất, đất bị thoái hóa có độ phì kém, mất cân bằng dinh dưỡng do bị rửa trôi, xói mòn, hoang hóa, ngập úng, trượt lở,... làm giảm năng suất cây trồng, năng suất nông nghiệp, năng suất lao động, dẫn đến giảm thu nhập của người nông dân và tác động tiêu cực đến an ninh lương thực của Việt Nam.
Bên cạnh việc xả thải ra môi trường đất và nước, việc lạm dụng các hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc kháng sinh trong trồng trọt và chăn nuôi; hóa chất trong chế biến và bảo quản thực phẩm cũng gây ảnh hưởng to lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.
Dịch bệnh, đại dịch tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế của đất nước, nhanh chóng gây giảm sút tốc độ tăng trưởng kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đại dịch cũng làm cho nhiều người rơi vào cảnh nghèo cùng cực, làm tăng tỷ lệ nghèo, cận nghèo, thất nghiệp. Các biện pháp khẩn cấp về y tế cùng với phong tỏa, giãn cách, cấm tập trung đông người... đã gây đứt gãy giao dịch kinh tế, đình đốn sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong hoạt động xuất, nhập khẩu, vận tải, du lịch, đe dọa đóng cửa doanh nghiệp, gây mất việc làm, giảm thu nhập của người lao động. Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh dịch bệnh, đại dịch.
Ba là, gây ra các vấn đề xã hội khác, như di cư, giảm sút chất lượng giáo dục - đào tạo, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Biến đổi khí hậu với hệ quả là thảm họa thiên tai gây ra rủi ro thương tích, có thể cướp đi quyền sống của người dân vùng bị thiên tai, thúc đẩy di cư của người dân khu vực bị tác động, dẫn đến chuyển đổi việc làm từ nông nghiệp sang các ngành khác, gây áp lực lên kết cấu hạ tầng đô thị và an sinh xã hội ở khu vực có số lượng người nhập cư lớn, nhất là ở các đô thị. Biến đổi khí hậu cũng làm giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của người dân khi hạ tầng giao thông bị phá hủy do mưa lũ, sạt lở đất.
Dịch bệnh, đại dịch cũng gây nên tâm lý lo âu, kỳ thị trong xã hội; gia tăng phân biệt đối xử và bất bình đẳng xã hội. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng bất lợi đến việc đi học của trẻ em. Trong đại dịch COVID-19, ngành giáo dục - đào tạo phải dừng việc đến trường, dạy và học trực tiếp, chuyển sang giảng dạy trực tuyến,... gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và đào tạo.
Một số thành tựu đạt được và những vấn đề đặt ra trong quá trình bảo đảm an ninh con người, an ninh xã hội, an toàn xã hội trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ở Việt Nam
Trong quá trình phát triển, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, trong đó chú trọng bảo đảm ANCN, ANXH, ATXH trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, góp phần bảo đảm quyền con người, làm cho người dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, nhiều chính sách, pháp luật của Nhà nước được ban hành, bổ sung, sửa đổi những nội dung liên quan đến trợ giúp xã hội theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng mức trợ cấp thường xuyên, trong đó có nhiều quy định về trợ giúp xã hội cho người khó khăn, yếu thế ở những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt.
Để ứng phó kịp thời với đại dịch COVID-19, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách để hỗ trợ người dân(2). Ngoài ra, còn có các chính sách, chương trình về nhà ở xã hội, chương trình về dinh dưỡng cộng đồng, chương trình về dạy nghề... hỗ trợ người dân trước những tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh.
Những chính sách trên đã mang lại những kết quả tích cực trong việc bảo đảm ANCN, ANXH, ATXH trước những rủi ro, những mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng được tăng cường, đã ngăn chặn được một số bệnh dịch nguy hiểm, không để xảy ra dịch trên quy mô lớn, nhất là ở các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn, bao gồm cả hạ tầng trạm y tế, bệnh viện và cán bộ y tế. Trợ giúp xã hội cũng ngày càng được mở rộng về đối tượng thụ hưởng, mức chuẩn trợ cấp xã hội được điều chỉnh tăng lên, góp phần ổn định cuộc sống cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên hằng năm, đạt 3,509 triệu người năm 2021 (bao phủ 3,5% dân số), tăng gần 2,5 lần so với năm 2010 (1,5 triệu người); trong đó trên 55% là người cao tuổi. Việc hỗ trợ đột xuất cho người dân khi gặp rủi ro do thiên tai và dịch bệnh cũng được thực hiện tốt. Trong 2 năm (từ năm 2020 đến năm 2022), Việt Nam đã chi 86 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 56 triệu lượt người dân và gần 1 triệu lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thông qua chính sách an sinh xã hội. Nhà nước cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ về nhà ở và điều kiện sống cho người nghèo, người có thu nhập thấp ở vùng bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt từ nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa. Đến hết năm 2020, các chính sách và chương trình về cải thiện nhà ở đã hỗ trợ chỗ ở cho 648.000 hộ nghèo nông thôn, trên 18.000 nghìn hộ phòng, tránh bão, lũ lụt khu vực miền Trung; 52.000 hộ dân vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long...(3).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc bảo đảm ANCN, ANXH, ATXH trước những rủi ro, mối đe dọa an ninh phi truyền thống vẫn còn một số hạn chế: Phạm vi bao phủ của bảo hiểm xã hội vẫn còn thấp, trong khi các rủi ro về lao động, việc làm, ốm đau... ngày càng đa dạng và có xu hướng tăng nhanh. Trợ giúp đột xuất vẫn chưa thực sự hiệu quả, kịp thời ở một số vùng, địa phương, cơ sở khi xảy ra tình huống khủng hoảng, thiên tai, dịch bệnh... Bảo hiểm y tế chưa phát triển các gói bảo hiểm y tế đặc thù về rủi ro do dịch bệnh. Chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong ứng phó với rủi ro dịch bệnh nguy hiểm, khó kiểm soát như đại dịch COVID-19. Nhà ở cho người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu chưa bảo đảm an toàn.
Quan điểm và giải pháp bảo đảm an ninh con người, an ninh xã hội, an toàn xã hội trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống
Ở trong nước, những vấn đề an ninh phi truyền thống được dự báo tiếp tục diễn biến ngày càng nhanh, phức tạp; biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh khó lường và có những tác động mạnh hơn so với giai đoạn trước đây, làm suy giảm nguồn lực, gián đoạn hoạt động sản xuất và thương mại quốc tế, đặc biệt là trong những ngành mà Việt Nam có tiềm năng và có kim ngạch xuất khẩu lớn, như nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập, đời sống của người dân, cộng đồng; làm tăng gánh nặng của Nhà nước trong thực hiện chính sách xã hội.
Bối cảnh mới cho thấy, bảo đảm nguồn lực tốt nhất là phát triển bền vững, độc lập, tự chủ các lĩnh vực, ngành, mặt hàng chiến lược, thiết yếu, như hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở..., hệ thống dự trữ quốc gia, trang thiết bị, hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm, thuốc men... Bên cạnh đó, để chủ động ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, đòi hỏi đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong công tác dự báo, thu thập dữ liệu, thông tin và điều hành quản lý xã hội.
Trong thời gian tới, trước những diễn biến phức tạp của các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhằm bảo đảm ANCN, ANXH, ATXH, cần thống nhất một số quan điểm cơ bản:
Thứ nhất, bảo đảm ANCN, ANXH, ATXH trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống là nhiệm vụ quan trọng trong quản lý phát triển xã hội và thực hiện chính sách xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm, chú trọng các nhóm dễ bị tổn thương, như trẻ em, người cao tuổi, người neo đơn, người ốm đau, bệnh tật, người khuyết tật, người nghèo, người ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...; là cơ sở, điều kiện để quản lý phát triển xã hội bền vững ở Việt Nam.
Thứ hai, thực hiện tốt việc gắn kết chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội. Bố trí đủ nguồn lực, điều kiện cho việc thực hiện các chính sách bảo đảm ANCN, ANXH, ATXH. Đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống y tế, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, dịch vụ xã hội, hỗ trợ người lao động, người dễ bị tổn thương trước các cú sốc lớn. Đầu tư và nâng cấp năng lực, khả năng phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, không chỉ trong ngắn hạn và ở phạm vi địa phương, mà còn là một chương trình tổng thể, dài hạn và ở tầm quốc gia.
Thứ ba, lấy chủ động phòng ngừa và phòng tránh là chính, góp phần để người dân ứng phó kịp thời, thích ứng linh hoạt và hiệu quả trước các rủi ro. Từng bước chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; ngăn chặn gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, giải quyết cơ bản các vấn đề môi trường trọng điểm cấp bách, từng bước cải thiện chất lượng môi trường sống; chủ động phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh, đại dịch...; chú trọng nâng cao sức mạnh, năng lực tổng hợp của quốc gia, cộng đồng; khả năng của cá nhân; chủ động triển khai biện pháp, lực lượng, tăng cường hợp tác trong việc ngăn chặn, đẩy lùi, hạn chế tối đa thiệt hại trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Thứ tư, coi bảo đảm ANCN, ANXH, ATXH trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm nguồn lực thực hiện tương xứng khả năng, điều kiện phát triển kinh tế; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và rõ ràng giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương, đồng thời xác định rõ trách nhiệm đi đôi với quyền hạn của người đứng đầu; kết hợp phát huy vai trò của cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội và hợp tác quốc tế.
Từ quan điểm định hướng trên, có thể xác định một số giải pháp trong thời gian tới như sau:
Một là, tuyên truyền nâng cao nhận thức về an ninh con người, an ninh xã hội, an toàn xã hội trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Đảng và Nhà nước cần tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, làm rõ tầm quan trọng, nguyên tắc, nội dung của bảo đảm ANCN, ANXH, ATXH trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Đẩy mạnh việc nghiên cứu, tìm hiểu những thành tựu, mô hình, kinh nghiệm trên thế giới và vận dụng một cách phù hợp, sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam. Tổng kết, đánh giá các mô hình trong thực tiễn ở một số địa phương, rút ra cách làm hay, mô hình điển hình, kinh nghiệm tốt, từ đó, nâng cao tư duy, năng lực quản trị xã hội trong bảo đảm ANCN, ANXH, ATXH trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là ở các địa phương và cấp cơ sở, tránh tình trạng thiếu tầm nhìn và không nhất quán trong việc ban hành chính sách, biện pháp ứng phó.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, thu hút sự quan tâm và tham gia của các chủ thể, phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội trong bảo đảm ANCN, ANXH, ATXH. Bên cạnh các kênh báo chí truyền thông, tăng cường các chương trình giáo dục, tập huấn, hội thảo, chiến dịch truyền thông... Từ đó, giúp người dân chủ động có biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp với tình huống nảy sinh. Các hướng dẫn, cảnh báo cần được làm ngắn gọn, dễ hiểu và rõ ràng, phổ biến nhanh chóng thông tin đến mọi khu vực, người dân.
Hai là, hoàn thiện các chính sách bảo đảm an ninh con người, an ninh xã hội, an toàn xã hội trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và giải quyết khó khăn về kinh tế cho người dân, cộng đồng khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng. Đẩy mạnh hỗ trợ cho người yếu thế và người nghèo, người dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường các quỹ cứu trợ xã hội nhiều cấp độ để hỗ trợ kịp thời cho người dân khi bị rủi ro. Thực hiện bảo hiểm rủi ro khí hậu, lũ lụt, hạn hán đối với các đối tượng dễ bị tổn thương.
Nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của y tế dự phòng, y tế cơ sở để chủ động phòng, chống dịch bệnh. Nâng cao chất lượng dự báo, giám sát, phát hiện, ngăn ngừa và khống chế có hiệu quả dịch bệnh. Đầu tư phát triển mạnh hệ thống y tế cơ sở, tăng cường bác sĩ và nhân viên y tế cho tuyến cơ sở để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trong việc phòng các bệnh ban đầu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh... Bảo đảm trạm y tế cấp xã/phường có đủ trang thiết bị y tế và thuốc thiết yếu để sơ cứu bước đầu cho người dân khi bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh. Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Hoàn thiện quy hoạch hệ thống bệnh viện, xây dựng thêm bệnh viện tuyến trên ở một số vùng, địa phương trọng điểm.
Hoàn thiện các chính sách hỗ trợ bảo hiểm, hỗ trợ vốn khôi phục sản xuất và thu nhập, hỗ trợ chuyển đổi ngành, nghề cho người dân sau các “cú sốc” do các mối đe dọa an ninh phi truyền thống tác động. Giải quyết tốt vấn đề về nhà ở cho người lao động tự do, công nhân khu công nghiệp và người lao động nhập cư tại các khu đô thị lớn. Đổi mới công tác đào tạo, đào tạo lại nghề cho lao động bị ảnh hưởng, mất việc làm. Tăng cường chính sách, chương trình hỗ trợ tạo việc làm cho người bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... Hỗ trợ việc chuyển đổi việc làm thông qua mở các lớp đào tạo lại miễn phí các kỹ năng làm việc; đẩy mạnh thông tin thị trường lao động; phát triển dịch vụ tìm việc làm.
Ba là, đổi mới hoạt động quản lý xã hội nhằm chủ động, kịp thời ứng phó với tình huống khẩn cấp từ các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Xây dựng bộ máy, hệ thống dự báo, cảnh báo khủng hoảng, sự cố bất thường, khẩn cấp từ sớm, từ xa các rủi ro, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Xây dựng, hoàn thiện các quy trình ứng phó tự động cho những trường hợp khẩn cấp để có thể triển khai ngay các biện pháp ứng phó khi có khủng hoảng, đại dịch hay các thảm họa khác. Tăng cường việc liên kết, phối hợp giữa các vùng, địa phương, tránh tình trạng ách tắc trong lưu thông, phân phối hàng hóa giữa các vùng, địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính khả thi của các chính sách xã hội, kinh tế, y tế, giáo dục... trong điều kiện mới. Các chuỗi sản xuất cần tổ chức theo những liên kết đa phương, đa dạng hoặc liên kết song song, tránh bị đứt gãy khi xảy ra khủng hoảng, tình huống khẩn cấp.
Xây dựng, tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội linh hoạt, thích ứng với các rủi ro do thiên tai, dịch bệnh...; chuyên nghiệp hóa công tác xã hội để ứng phó kịp thời với các trường hợp khẩn cấp. Tăng cường hỗ trợ cho người yếu thế, người nghèo, người dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thiết lập chuỗi các dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện, bao gồm các dịch vụ phòng ngừa và can thiệp đáp ứng trong tình huống khủng hoảng, khẩn cấp.
Bốn là, huy động các nguồn lực và bảo đảm các điều kiện cho việc thực hiện các chính sách bảo đảm an ninh con người, an ninh xã hội, an toàn xã hội trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Tăng nguồn vốn ngân sách đầu tư và đa dạng hóa các nguồn vốn huy động cho các chương trình, kế hoạch, dự trữ quốc gia nhằm bảo đảm ANCN, ANXH, ATXH. Nhà nước bảo đảm trợ giúp xã hội cho người dân ứng phó kịp thời, linh hoạt với các tác động từ các yếu tố an ninh phi truyền thống. Thành lập, phát triển các quỹ phòng ngừa rủi ro, quỹ phát triển xã hội bền vững ở các địa phương với cơ chế quản lý hoạt động minh bạch, linh hoạt để huy động hiệu quả các nguồn đóng góp, đặc biệt là trong những trường hợp cấp bách, khẩn cấp kịp thời bảo đảm ANCN, ANXH, ATXH. Tăng cường vai trò tham gia của khu vực tư nhân, các hình thức đối tác công - tư trong huy động nguồn lực thực hiện các chính sách bảo đảm ANCN, ANXH, ATXH trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Tăng cường dự trữ quốc gia, dự trữ mặt hàng chiến lược, thiết yếu để chủ động ứng phó, từ sớm, từ xa trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Hoàn thiện chính sách, quy định về hoạt động từ thiện, thiện nguyện, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình.
Năm là, đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh con người, an ninh xã hội, an toàn xã hội trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu dự báo, năng lực đánh giá, phân tích, dự báo rủi ro, theo dõi chặt chẽ và chủ động nắm bắt những tình huống khẩn cấp, tránh bị động, bất ngờ trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trên cơ sở đó chủ động, kịp thời đề ra chủ trương, biện pháp ứng phó phù hợp. Có những dự báo sớm diễn biến của mối đe dọa an ninh phi truyền thống và xây dựng những biện pháp ứng phó với các tình huống có khả năng sẽ xảy ra để hạn chế rủi ro cho người dân và xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ - thông tin trong thống kê, dự báo, cảnh báo, ứng phó với thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh... Hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ số.
Tăng cường các chương trình nghiên cứu liên quan đến biến đổi khí hậu để đưa ra đánh giá toàn diện hơn về tác động của biến đổi khí hậu (ngắn hạn và dài hạn) đối với ANCN, ANXH, ATXH. Đẩy mạnh áp dụng các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản lý môi trường, dự báo và cảnh báo sớm ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với từng khu vực, từng loại hình thời tiết, từng vùng đất bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm sinh kế của người dân và an ninh lương thực./.
------------------------------------
(1) Theo Cổng thông tin của Bộ Y tế về đại dịch COVID-19, http://covid19.gov.vn, truy cập ngày 24-2-2023
(2) Như Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020, của Chính phủ, về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, ngày 24-9-2021, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 24-9-2021, của Chính phủ, về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, ngày 1-10-2021, của Thủ tướng Chính phủ, quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp...
(3) Theo Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả thực hiện chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, định hướng hoàn thiện chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Hội nghị trực tuyến về “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”, ngày 16-12-2022