Chiều cạnh giới trong thực hiện chính sách an sinh xã hội
Trong những năm qua, một số quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) đã tính đến các đặc thù về giới, như giảm thời gian đóng BHXH đối với lao động, trong đó có lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn để được hưởng lương hưu (khoản 1, Điều 85, Luật Bảo hiểm xã hội); tăng thời gian nghỉ chế độ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng; chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; thời gian hưởng chế độ khi khám thai, thời gian hưởng chế độ khi sảy thai; nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai; trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận con nuôi. Đáng chú ý, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 còn quy định lao động nữ đi làm trước thời hạn nghỉ sinh con, sau khi đã nghỉ hết 4 tháng, nhưng phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý thì “Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định” (khoản 2, Điều 40, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014). Luật cũng quy định lao động nữ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản, theo đó lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định, “trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày” (khoản 1, Điều 41, Luật Bảo hiểm xã hội).
Nhìn từ quan điểm giới, điểm nổi bật là lần đầu tiên Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định chế độ nghỉ thai sản đối với nam giới khi vợ sinh con, với mức nghỉ từ 5 ngày đến 14 ngày tùy trường hợp sinh con. Đồng thời, “Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con” (Điều 38, Luật Bảo hiểm xã hội). Quy định nghỉ chế độ thai sản đối với nam giới không chỉ thể hiện quan điểm bình đẳng giới trong chính sách an sinh xã hội, mà còn tạo điều kiện cho nam giới chia sẻ trách nhiệm với các thành viên trong gia đình, hiểu thêm nỗi vất vả của phụ nữ khi mang thai, sinh nở; từ đó thấu hiểu và yêu thương vợ con hơn.
Bên cạnh đó, chính sách an sinh xã hội còn hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia, với mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn, mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng(1).
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã bảo đảm nguyên tắc “ưu tiên phụ nữ hưởng lợi”. Cụ thể, Chương trình xác định đối tượng hưởng lợi ưu tiên là phụ nữ và luôn bảo đảm có sự tham gia của phụ nữ. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2030 cũng xác định nhóm đối tượng đầu tiên là hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Trong các dự án thành phần của Chương trình, đã thể hiện quan điểm giới khi ưu tiên các công trình có nhiều người hưởng lợi là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, dân tộc thiểu số, phụ nữ. Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ 1-1-2021, đã nâng tuổi về hưu của phụ nữ lên 60 tuổi, nam 62 tuổi, theo đó tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ (khoản 2, Điều 169 Bộ luật Lao động). Có thể xem đây là bước tiến mới trong tiến trình bình đẳng giới về chính sách an sinh xã hội. Điều này không chỉ rút ngắn khoảng cách tuổi về hưu giữa nam và nữ so với trước đó (55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam), mà còn phát huy và sử dụng được nguồn nhân lực nữ với bề dày kinh nghiệm, kỹ năng, sức sáng tạo và cống hiến cho xã hội thêm 5 năm so với Bộ luật Lao động năm 2012.
Một số vấn đề đặt ra và định hướng giải pháp
Một là, chính sách an sinh xã hội cần quan tâm đến nhóm lao động dễ bị tổn thương, lao động làm việc ở khu vực phi chính thức, đặc biệt trong các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản (NLNTS); trong đó, lao động nữ đối diện với nhiều rủi ro. Lao động phi chính thức ở khu vực nông thôn làm việc trong các ngành này đều ở mức trên 96%. Riêng ngành NLNTS, con số này còn đạt mức 99%. Nghĩa là người lao động nếu làm việc trong các ngành này, đặc biệt ở khu vực nông thôn, thì sẽ phải làm các công việc dễ bị tổn thương và không được bảo trợ bởi chính sách, pháp luật về lao động. Trên thực tế, lao động phi chính thức sẽ phải đối mặt với tình trạng không bảo đảm về việc làm, yếu thế trong thỏa thuận tiền lương, không được hưởng các chế độ phúc lợi và không được bảo đảm đầy đủ các điều kiện lao động. Việt Nam là quốc gia có khu vực kinh tế phi chính thức lớn và người lao động trong khu vực này dù vẫn được trả công, nhưng không thuộc diện bao phủ của BHXH bắt buộc. Việc làm phi chính thức chiếm 57,9% việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp (61,1% đối với nam và 54,3 đối với nữ), và 76,2% trong tổng cơ cấu việc làm (77,3% đối với nam và 75,2% đối với nữ). Vì vậy, phụ nữ có nguy cơ chịu thiệt thòi, chịu rủi ro nhiều hơn nam giới. Kết quả nghiên cứu về thị trường lao động Việt Nam trong 10 năm tới cho thấy, 70% số việc làm có rủi ro cao, 18% có rủi ro trung bình và 12% có rủi ro thấp. Theo đó, rủi ro được hiểu là những công việc có thể bị thay thế bằng các hệ thống máy móc tự động hóa. Lao động nữ, lao động có trình độ thấp và lao động ở những ngành, nghề có tiền lương thấp sẽ chịu tác động nhiều nhất. Lao động có trình độ học vấn càng thấp thì nguy cơ bị thay thế bởi máy móc càng cao. Lao động nữ có rủi ro cao hơn 2,4 lần so với lao động nam. Lao động phi chính thức thường làm các công việc giản đơn, ít đòi hỏi trình độ kỹ năng hoặc trình độ chuyên môn kỹ thuật. Khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỷ trọng cao nhất các nhóm nghề.
Các địa phương có nhiều lao động phi chính thức cần có kế hoạch/chiến lược thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư góp phần tạo việc làm cho người lao động.
Trong khu vực chính thức có đến 20,8% lao động làm công hưởng lương có ký hợp đồng lao động, nhưng không được đóng BHXH bắt buộc. Điều này đặt ra thách thức cho các nhà quản lý. Có đến 97,8% lao động phi chính thức không tham gia vào bất kỳ một loại hình bảo hiểm nào, 35,5% trong số họ là lao động làm công hưởng lương. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ (2,1%) người lao động phi chính thức cho biết họ có tham gia BHXH tự nguyện. Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện của người lao động tăng rất chậm (từ 1,6% năm 2019 lên 2,1% năm 2021). Điều này cho thấy nhiều người lao động chưa nhận thức được tầm quan trọng của BHXH trong đời sống.
Hiện nay, người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng các chế độ, như chế độ hưu trí; trợ cấp BHXH một lần và chế độ tử tuất mà không được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản nên chưa thực sự hấp dẫn đông đảo người lao động phi chính thức tham gia. Do đó, để cải thiện vấn đề này đối với hình thức bảo hiểm tự nguyện thì cần bổ sung các chế độ được hưởng.
Hai là, chính sách thai sản đối với lao động nữ mặc dù có cải thiện, nhưng diện bao phủ của chế độ thai sản thấp. Thực tế năm 2019, chỉ có 30% phụ nữ trong lực lượng lao động được hưởng chế độ thai sản, 70% phụ nữ còn lại đứng ngoài chính sách này gồm các đối tượng lao động nữ làm nông nghiệp, nghề tự do... Chính sách bảo vệ thai sản không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập và thời gian làm việc của phụ nữ, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ, trẻ em và sự phát triển bền vững của nguồn nhân lực đất nước.
Ba là, Việt Nam vẫn là một nước mà đa số người dân làm nông nghiệp, nhưng bảo hiểm nông nghiệp còn rất hạn chế. Ngoài những vấn đề đã nói ở trên, thì với những lao động làm việc trong lĩnh vực NLNTS, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn ít ỏi. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sửa đổi, điều chỉnh chính sách để hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, như Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, của Chính phủ, ngày 18-4-2018 về bảo hiểm nông nghiệp, Quyết định số 22-QĐ/TTg, ngày 26-6-2019, của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, Quyết định số 13/2022/QĐ-CP, ngày 9-5-2022, của Thủ tướng Chính phủ, về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; trong đó, quy định rõ cơ chế lãi suất cho vay khi bán cùng gói bảo hiểm, nhưng việc triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Theo số liệu thống kê năm 2020, cả nước có khoảng 1% số cây trồng, 0,24% đàn trâu/bò, 0,1% đàn lợn và 0,04% số gia cầm được bảo hiểm(2). Những con số này cho thấy, thị trường bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển, vẫn bị bỏ ngỏ. Do vậy, bên cạnh đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về bảo hiểm nông nghiệp, Nhà nước có thể vừa hỗ trợ chính sách mở cho doanh nghiệp, vừa đầu tư khoa học kỹ thuật cho nông dân; đặt doanh nghiệp bảo hiểm ở vị trí trung gian, đứng ra bán dịch vụ cho nông dân. Khi gặp thiên tai, dịch bệnh... dẫn tới thiệt hại thì bảo hiểm chịu một phần theo khả năng trách nhiệm đã đăng ký, còn lại sẽ do Nhà nước đảm nhận. Chỉ khi mở rộng bảo hiểm nông nghiệp thì người lao động trong lĩnh vực NLNTS mới không chịu thiệt hại do những rủi ro bất thường từ thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.
Bốn là, hiện tượng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH cho người lao động khá phổ biến. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, đến cuối năm 2021, tổng số nợ BHXH bắt buộc trong cả nước là hơn 10.200 tỷ đồng. Đây là khoản nợ rất khó đòi do hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản, giải thể hay chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn... Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội vừa công khai gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nợ, chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tính đến thời điểm cuối tháng 1-2023(3). Còn theo số liệu thống kê từ Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, tính tới ngày 30-6-2022, trên địa bàn có 46.414 đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp trên 1 tháng của 703.840 lao động với tổng số nợ lên đến 3.873 tỷ đồng. Số nợ này tăng so với các năm trước (số nợ năm 2021 là 2.241 tỷ đồng, năm 2020 là 1.513 tỷ đồng). Đồng thời, phân loại nợ BHXH tại Thành phố Hồ Chí Minh năm nay cho thấy, tổng số tiền nợ từ 1 đến dưới 3 tháng là 1.484 tỷ đồng; từ 3 đến dưới 6 tháng là 294 tỷ đồng; từ 6 đến dưới 12 tháng là 290 tỷ đồng; từ 12 tháng trở lên 1.805 tỷ đồng(4). Ngay cả một số đơn vị trong ngành ngân hàng cũng nợ tiền BHXH của người lao động, như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)(5). Việc các doanh nghiệp nợ, chậm đóng BHXH kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Cụ thể, người lao động không được BHXH chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất; không nhận được trợ cấp thất nghiệp...
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; đề cao việc thực hiện phúc lợi xã hội, an sinh xã hội gắn với tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm tính bền vững trong các chính sách xã hội, chú trọng bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm. Với quan điểm phát triển xã hội như vậy, Đại hội XIII của Đảng đã xác định chỉ tiêu: phấn đấu đến năm 2030 có 60% lực lượng lao động tham gia BHXH; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh hoàn thiện hệ thống luật pháp về BHXH, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân, thì điều quan trọng là phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, kết hợp hài hòa nguyên tắc đóng góp và thụ hưởng; công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Bên cạnh đó, cũng cần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là cho những người yếu thế, người nghèo. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Đồng thời, nghiêm khắc xử lý những đơn vị nợ, chậm và trốn đóng các loại hình bảo hiểm cho người lao động./.
--------------------------------------
(1) Xem: điểm a, khoản 1, Điều 12 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH, ngày 18-2-2016, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện
(2) Hà Anh: “Vì sao nông dân chưa mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp?”, Báo Dân Việt điện tử, ngày 10-4-2022, https://thegioitiepthi.danviet.vn/vi-sao-nong-dan-chua-man-ma-voi-bao-hiem-nong-nghiep-20220410060859597.htm
(3) “60.000 đơn vị, doanh nghiệp tại Hà Nội nợ bảo hiểm xã hội hơn 1.500 tỷ”, Tạp chí VnEconomy, ngày 16-2-2023, https://vneconomy.vn/60-000-don-vi-doanh-nghiep-tai-ha-noi-no-bao-hiem-xa-hoi-hon-1-500-ty.htm
(4) “Người lao động “than trời” vì doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT...”; Báo Thanh Niên điện tử, ngày 5-8-2022, https://thanhnien.vn/nguoi-lao-dong-than-troi-vi-doanh-nghiep-no-bhxh-bhyt-1851485031.htm
(5) “Nợ đóng BHXH cho 1.250 lao động, Agribank bị “điểm tên””, Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo điện tử, ngày 16-2-2023, https://sohuutritue.net.vn/no-dong-bhxh-cho-1250-lao-dong-agribank-bi-diem-ten-d156342.html