Đầu năm 1970, đã có một nhà vật lý của ta đưa ra một lý thuyết vượt lên trên Thuyết tương đối của Einstein. Trong phần mở đầu của công trình, tác giả nhận định về hạn chế thế giới quan duy tâm của Einstein và cho rằng mình đạt được kết quả tốt hơn nhờ được soi sáng bởi một triết thuyết tiên tiến hơn. Công trình được gửi ra nước ngoài thẩm định, nhưng hình như không có hồi âm. Đến thời Đổi mới, tâm trạng này có vẻ bớt đi, nhưng có một thời gian thấy nói nhiều đến các giá trị châu Á và thành công của các nước con rồng. Khổng giáo được nói đến như đặc điểm chung của ta và các nước đó cùng với Nhật Bản. Năm 1998 xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính ở nhiều nước châu Á và đề tài này cũng phai nhạt dần. Các nhận định về văn minh phương Tây trên sách báo của ta về cơ bản không có mấy đổi thay: khủng hoảng và bế tắc của họ thỉnh thoảng được minh chứng bằng trích dẫn các phê phán từ chính bài viết của các học giả phương Tây. Tuy nhiên, thái độ chủ yếu là im lặng và lảng tránh đề tài này.
Người ta có thể cảm nhận được thái độ ấy qua sự giới hạn bàn luận về các lĩnh vực thuần túy chuyên môn như tin học, kỹ thuật, quản trị kinh doanh, du lịch... Trong khi đó nhiều biến đổi hình thức lặng lẽ được thực hiện theo cách mô phỏng bắt chước phương Tây: các đại học quốc gia được tổ chức theo khuôn mẫu của nước khác - hệ thống bằng cấp được sửa lại cho tương đồng với thiên hạ, mũ áo của các cử nhân trong ngày lễ tốt nghiệp cũng giống với đại học Oxford hay Cambridge. Các nhận định tự đánh giá mình khá mâu thuẫn: bên cạnh vài nhận định về ưu thế trí tuệ nào đó của ta trong nền kinh tế tri thức đang hình thành và sự hân hoan tự tin trước huy chương vàng của các học sinh đem về sau các kỳ Olympic quốc tế lại là các lời kêu ca về sự xuống cấp của nền giáo dục và khoa học. Một bộ phận dân chúng giàu lên, có nhà cao cửa rộng và đi du lịch sang các nước tự so sánh mình với thiên hạ và thấy mình chẳng kém ai: ôtô, nhà lầu và điện thoại cầm tay của họ còn sang nhiều giáo sư đại học ở Paris hay London. Các cổ động viên bóng đá với kèn trống cùng các cô gái giơ cao hàng chữ: “Em yêu anh Hồng Sơn?” trông cũng rất giống quang cảnh sân vận động của Ý hay Tây Ban Nha. Mặt khác, các cuộc lễ hội tưng bừng và tốn kém với khăn đống áo dài và hương khói nghi ngút diễn ra liên tục quanh năm ở khắp nơi. Phim ảnh truyền hình nói về vấn đề tranh chấp vai vế họ tộc ở nông thôn đã làm kinh ngạc những ai đã từng chứng kiến cuộc đấu tranh triệt để chống tàn dư phong kiến mấy chục năm về trước.
Tôi không có ý kêu ca các hiện tượng này như các tiêu cực cần loại bỏ. Sự đa dạng của các tình huống tuy không được như mong muốn, nhưng chưa chắc đã tệ hơn sự nhất thể hóa tẻ nhạt của một cộng đồng cùng đọc một loại sách, cùng xem một loại phim ảnh, cùng hát một loại bài hát và cùng chọn một màu xe máy. Tôi nêu vài hình ảnh khá hỗn độn ở đây chỉ để nói rằng đang có một sự bất định khá lớn trong nhận thức về mình và về người. Có vẻ như chúng ta đang không biết rõ mình là ai và thiên hạ là những ai, tương quan giữa ta và thế giới xung quanh là thế nào? Chưa biết mình biết người thì làm sao biết được học ai, học cái gì và học thế nào? Ở đây tôi không đề cập đến quan hệ ngoại giao là công việc của chính phủ xử lý các quan hệ mang tính nhà nước với các quốc gia khác. Tôi muốn nói tới cái nhìn văn hóa của người Việt Nam về mình và về người trong cái thế giới phức tạp và biến động này.
Vấn đề biết mình biết người về phương diện văn hóa là một chủ đề hết sức khó khăn đòi hỏi huy động trí tuệ của bộ phận hiểu biết nhất của cộng đồng cùng nhau suy ngẫm và thảo luận. Khó khăn là ở chỗ phải vượt qua cảm xúc tự ái dân tộc và dùng lý trí tỉnh táo để phân tích suy xét. Khó khăn còn ở ngay việc có coi chuyện biết mình biết người là quan trọng và cần thiết hay không.
Việc biết người chẳng phải dễ dàng vì phải vượt qua rào cản khác biệt văn hóa để hiểu người cho đúng. Không thể hiểu được người bằng trực giác thông qua sử dụng các ý niệm văn hóa của mình để xét đoán họ. Cần phải tìm hiểu đặc điểm lịch sử hình thành văn hóa của họ để nhận biết nội hàm các giá trị văn hóa mà họ tôn thờ. Chỉ sau khi hiểu biết kỹ càng rồi mới có thể quyết định học hỏi cái gì và không học cái gì. Chẳng hạn như phải hiểu tính duy lý của phương Tây say mê truy tầm chân lý mới hiểu được vì sao họ sản sinh ra nhiều học thuyết đến thế, đồng thời họ lại coi mọi học thuyết chỉ có giá trị nhất thời trong tiến trình không có hạn định thời gian nhằm tiếp cận với cái Chân tuyệt đối. Mỗi học thuyết đều bị mọi người tra vấn về lý luận, thử thách bằng thực tiễn. Khi học thuyết đứng vững được một thời gian, tác giả của nó được tôn vinh theo tài năng. Đến khi gặp thực tiễn mới bác bỏ học thuyết ấy, họ lại nhiệt thành xây dựng học thuyết khác tốt hơn để thay thế cái cũ, nhưng vẫn tôn vinh tác giả của học thuyết cũ về công lao đã đóng góp. Họ ý thức rõ ràng con người không phải thánh thần nên luôn sai lầm, vì vậy họ khích lệ việc tự do thảo luận tranh cãi để sáng tỏ chân ngụy. Họ coi như thế là thái độ khoa học.
Văn hóa truyền thống của chúng ta không có đặc điểm ấy: chúng ta tiếp thu các học thuyết Khổng giáo hay Phật giáo không nhằm mục đích truy tầm chân lý tuyệt đối mà tin tưởng ở giá trị cứu đời tạo phúc cho muôn dân của các học thuyết ấy; chúng ta không coi tác giả của các học thuyết ấy là các người thường, mà tôn kính họ như các vị thánh. Ngày nay chúng ta có thể xem xét lựa chọn duy trì hay không duy trì ý niệm ấy của chúng ta về học thuyết, chúng ta có thể xem xét lựa chọn học tập hay không học tập kiểu cách tự do thảo luận của họ, nhưng ông ta sẽ sai lầm về nhận thức nếu dùng ý niệm duy cảm của ta để hiểu các hoạt động duy lý của họ.
Việc nghiên cứu văn hóa phương Tây đối chiếu với văn hóa dân tộc để tham khảo học tập luôn là việc cần thiết cho lợi ích dân tộc, nhất là khi các giá trị văn hóa phương Tây luôn ở vị thế áp đặt trong cái thế giới mà ta đang sống. Nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc hẳn đã nghĩ như thế mới tìm thấy con đường cứu nước chống lại thực dân Pháp trong một học thuyết cách mạng của phương Tây. Trong quá trình nghiên cứu sẽ tìm ra cái hay của người để học, cái dở của mình để bỏ; đồng thời cũng sẽ tìm thấy được cái hay của ta để phát huy, cái dở của người để tránh. Thế nhưng ở nước ta hiện nay hầu như không thấy có các khảo cứu như vậy. Người đọc quan tâm tìm hiểu văn hóa phương Tây không thể tìm được các sách biên khảo khoa học, giới thiệu một cách nghiêm túc các học thuyết quan trọng. Không nói chi tới các nhà tư tưởng cổ đại như Aristote, Platon..., ngay cả các nhà tư tưởng cận đại của Phong trào ánh sáng người đọc cũng không thể có được các tài liệu bằng tiếng Việt: bản dịch các tác phẩm kinh điển quan trọng cùng với sự giới thiệu mang tính khoa học của các nhà nghiên cứu. Khoảng trống về đề tài quan trọng này là điều không thể chấp nhận được với một đất nước đang muốn xây dựng nền kinh tế tri thức và mở rộng quan hệ kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hóa với các nước phát triển.
Vấn đề biết mình trong tương quan so sánh với người thông qua sự tiếp xúc Đông - Tây đã được đặt ra ngay từ thời Nguyễn Trường Tộ viết bản điều trần hay sớm hơn nữa với Cao Bá Quát, Phạm Phú Thứ và nhiều tên tuổi khác. Trên báo Tiếng Dân các nhà yêu nước xứ Quảng cũng đưa ra phân tích cái hay cái dở của người Việt Nam. Ngoài cái dở hư học các cụ còn chỉ ra tính ham làm quan, làm quan thì hay ăn tiền, ưa xu nịnh. Xem ra những cái dở này vẫn còn đeo đuổi chúng ta cho tới bây giờ. Khoảng hai chục năm trước đây ông Trần Đình Hượu đã có những nghiên cứu rất sâu sắc về con người Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Các nghiên cứu đó được tập hợp lại trong một cuốn sách xuất bản năm 1995 cũng là năm tác giả qua đời. Năm 1996 tôi tình cờ mua cuốn sách ấy mà chẳng biết ông là ai. Cuốn sách khiến tôi rất thán phục và ngưỡng mộ tác giả vì sự minh triết vượt trước thời gian của ông. Phần lớn các phân tích của ông bây giờ vẫn còn mang tính thời sự nóng bỏng, bất chấp những đổi thay đã diễn ra hơn mươi năm qua. Thế nhưng tác phẩm của ông có lẽ chỉ được một số ít người đọc quan tâm và đánh giá cao, công chúng hầu như không biết đến nó. Không thấy ai chê bai phê phán, nhưng cũng chẳng ai thảo luận hay đề cập tới một cách nghiêm túc. Phải chăng công chúng bây giờ không quan tâm, còn những người hiểu biết thì muốn né tránh các chủ đề như vậy? Phải chăng đặc điểm chung của chúng ta là không ưa suy ngẫm và thảo luận, mà thiên về hành động ứng biến mau lẹ theo kiểu đi tắt đón đầu? Tôi hiểu rằng không thể chờ đợi chủ đề này lại hấp dẫn với một công chúng rộng rãi đang say mê phim truyền hình tình cảm Hàn Quốc, nhưng lẽ nào nó không làm băn khoăn trí tuệ của thiểu số ưu tú được coi là “muối” của cộng đồng?
So sánh sự khác biệt giữa mình và người một cách tỉnh táo để nhìn ra cái hay cái dở, rồi từ đó tự tu chỉnh biến đổi văn hóa của mình theo hướng tiến bộ văn minh - đó là công việc mà mỗi dân tộc đều phải làm, nếu không muốn cam chịu số phận tụt hậu trong quá trình toàn cầu hóa...