Ngày 15.10, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với Công ty CP Phygital Labs và Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng triển khai giải pháp du lịch trải nghiệm đa tương tác tại Hải Vân Quan.
Theo đó, di tích Hải Vân Quan được số hóa bản đồ du lịch 3D, kiến tạo hành trình khám phá văn hóa qua các câu chuyện và nhiệm vụ check-in tại 9 địa điểm đặc biệt. Đây là một giải pháp công nghệ mới nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị khi bước vào một “thế giới”- nơi văn hóa, lịch sử và công nghệ hòa quyện.
Bản đồ số 3D tái hiện toàn cảnh thiên nhiên hùng vĩ của đỉnh Hải Vân Quan để du khách có thể chiêm ngưỡng, khám phá chi tiết lịch sử phong phú của công trình qua các thời kỳ, từ quá trình hình thành đến những sự kiện quan trọng trong lịch sử bảo vệ lãnh thổ.
Điểm nổi bật là sự kết hợp giữa thực tế và công nghệ, giúp tăng cường trải nghiệm tương tác. Du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để chạm vào bảng check-in gắn chip NFC tại các điểm tham quan, từ đó truy cập ngay thông tin về từng khu vực, sự kiện lịch sử và giá trị văn hóa của mỗi điểm tại Hải Vân Quan.
Sau khi trải nghiệm hành trình check-in ở 9 điểm tham quan khi sử dụng điện thoại thông minh quét mã NFC, du khách sẽ nhận được huy hiệu số - chứng nhận kỹ thuật số cho hành trình của họ. Huy hiệu này không chỉ là một kỷ niệm độc đáo lưu lại việc du khách đã chính thức chinh phục “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Ngoài ra, bản đồ du lịch số 3D còn giúp du khách khám phá từ xa qua việc tương tác với 9 điểm di tích quan trọng của Hải Vân Quan ở bất cứ đâu trên thế giới. Mỗi điểm đến được đi kèm với các câu chuyện lịch sử sinh động và hình ảnh chi tiết, giúp người dùng cảm nhận như đang thực sự bước vào hành trình khám phá di sản mà không cần di chuyển. Link truy cập tại https://nomion.io/projects/haivanquan
Theo đại diện Phygital Labs, chỉ sau 20 ngày triển khai tại Hải Vân Quan, giải pháp du lịch đa tương tác kết hợp công nghệ số với di sản văn hóa đã thu hút hơn 2.000 lượt check-in và tạo ra 200 khoảnh khắc đáng nhớ. Không chỉ hấp dẫn du khách trong nước mà cả quốc tế, giải pháp này giúp du khách lưu giữ và chia sẻ trải nghiệm trên trang cá nhân và website. Điều này tạo động lực cho du khách khám phá đủ 9 địa điểm, đồng thời lan tỏa những câu chuyện và cảm hứng tích cực về di sản Việt Nam đến cộng đồng.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết: Dự án thí điểm nền tảng check-in và ghi nhận sự hiện diện của khách du lịch tại di tích Hải Vân Quan do Trung tâm vừa triển khai không chỉ tập trung vào quảng bá di sản mà còn mở rộng tiềm năng phát triển kinh tế số, phát triển công nghiệp văn hóa thông qua việc ứng dụng công nghệ số vào du lịch.
Trung tâm kỳ vọng việc phối hợp với Phygital Labs sẽ tiếp tục đưa ra những công nghệ, những trải nghiệm mới giúp cho du khách tăng tính trải nghiệm khi tham quan tại Quần thể Di tích Cố đô Huế. Qua đó, góp phần lan tỏa về các giá trị văn hóa, giá trị lịch sử của vùng đất, con người Huế đến với du khách trong nước và quốc tế.
Di tích Hải Vân Quan đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng tổ chức trùng tu với kinh phí 42 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của 2 địa phương. Đến nay, công trình đã hoàn thành và mở cửa đón khách tham quan từ tháng 8.2024. Hiện hai địa phương cũng đã thống nhất một số nội dung và đang xây dựng phương án quản lý, khai thác để phát huy hiệu quả di tích quốc gia Hải Vân Quan.