Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lâm Phương Thanh và Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam Arthur Erken chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Lâm Phương Thanh khẳng định, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, là yếu tố cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
Trải qua hơn 50 năm, công tác DS-KHHGĐ của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng như: Tốc độ gia tăng dân số ngày càng giảm dần; mức sinh giảm mạnh và đã đạt được mức sinh thay thế với số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,03 con, ít hơn 3 lần số con cách đây 50 năm; tuổi thọ bình quân của người dân tăng lên, từ 40 tuổi (1960) lên 73 tuổi (2012); sức khỏe bà mẹ và trẻ em được cải thiện...
Để đạt được kết quả trên, Đảng và Nhà nước đã có những định hướng chính sách phù hợp, kịp thời với từng giai đoạn phát triển của đất nước, từng bước được điều chỉnh theo hướng bao quát, toàn diện hơn, chú trọng nâng cao chất lượng dân số thích ứng với những biến đổi về cơ cấu dân số. Các quan điểm, định hướng chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn hiện nay và tiếp theo được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết số 47-NQ/TW, ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị về ''Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ và Kết luận số 44-KL/TW, ngày 1/4/2009 của Bộ Chính trị về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 47- NQ/TW.
Tuy nhiên theo đồng chí Lâm Phương Thanh, mặc dù đã đạt được một số kết quả nổi bật, song công tác DS-KHHGĐ của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức gay gắt. Hiện nay, quy mô dân số Việt Nam đã gần 90 triệu người, là quốc gia đông dân thứ 13 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng dân số tuy đã giảm nhiều song quy mô dân số còn khá lớn, đồng thời là nước nằm trong nhóm các nước có mật độ dân số cao nhất thế giới. Chất lượng dân số ở mức trung bình.
Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn: tốc độ già hóa dân số nhanh; mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục tăng cao; chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên rất đáng lo ngại; sự bất bình đẳng giới vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để…
|
Hội thảo “Một số định hướng chính sách dân số Việt Nam trong giai đoạn mới” tổ chức ngày 16/10 tại Hà Nội. Ảnh:ĐT
|
Tại Hội thảo, ông Arthur Erken Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ, Hội thảo là cơ hội để các đại biểu tham dự thảo luận những vấn đề quan trọng về dân số và phát triển giúp xác định các trọng tâm chính sách đối với Việt Nam sau năm 2015 khi các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về cơ bản đã đạt được.
Bên cạnh đó, ông Arthur Erken cũng đưa ra một số thông điệp như Việt Nam cần phải có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa để tập trung vào việc giải quyết những nhu cầu chưa được đáp ứng bằng việc đảm bảo tiếp cận phổ cập tới sức khỏe sinh sản và tình dục toàn diện, có chất lượng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số và những nhóm dân số có trình độ học vấn thấp; Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng nên việc đầu tư cho thanh niên trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội có chất lượng, bao gồm cả sức khỏe sinh sản và tình dục, giáo dục, đào tạo nghề và cơ hội việc làm có thể mang lại những lợi ích giúp phát triển bền vững.
Theo ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), định hướng chính sách dân số thời gian tới tập trung vào 5 nội dung chính là: Quy mô dân số; cơ cấu dân số; chất lượng dân số; di cư và đô thị hóa; quản lý dân cư. Trong đó, định hướng về quy mô dân số sẽ đạt mức sinh thay thế tại các vùng chưa đạt là Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Trung du, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; duy trì mức sinh thấp hợp lý đối với những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế; tiếp tục tăng cường cung cấp dịch vụ KHHGĐ hướng đến đối tượng phụ nữ từ 15-49 tuổi, vị thành niên, thanh niên, người di cư, vùng sâu, vùng xa, vùng biển, đảo và ven biển, nhóm yếu thế dễ bị tổn thương…
Về cơ cấu dân số, mặc dù Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dân số còn hạn chế. Cùng với đó, do thời gian chuyển đổi từ già hóa dân số sang dân số già tại Việt Nam rất nhanh nên để thích ứng với vấn đề già hóa dân số phải xây dựng hệ thống lão khoa trên toàn quốc; xây dựng các mô hình chăm sóc tại gia đình và cộng đồng; kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác người cao tuổi trong cả nước….
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận về thực trạng về tình hình dân số ở Việt Nam, đặc biệt tập trung vào xu hướng biến động mức sinh ở Việt Nam trong 10 năm gần đây; mức sinh thấp đang và sẽ đặt ra vấn đề gì cho Việt Nam: khuyến nghị và chính sách; một số kinh nghiệm ứng phó chính sách với sự thay đổi mức sinh của Hàn Quốc, một quốc gia châu Á đã trải qua các thời kỳ mức sinh biến động tương tự Việt Nam; thảo luận về định hướng chỉ đạo của Đảng về chính sách dân số trong tình hình mới.
Ý kiến đóng góp của các đại biểu trong việc giải quyết những khó khăn, thách thức về công tác DS-KHHGĐ ở Việt Nam tại Hội thảo này sẽ làm cơ sở chuẩn bị cho việc Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW và năm 2015, giúp cho Đảng và Nhà nước kịp thời có những định hướng chính sách phù hợp về công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới, góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…/.