Suốt cả nhiệm kỳ 1996-2000, Đảng bộ đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trên nhiều mặt cả về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả rất đáng phấn khởi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bảo đảm cho các tổ chức Đảng nâng cao năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Với cương vị là Bí thư Đảng ủy Dân Chính Đảng, tôi luôn luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi để tìm ra những cách làm mới, mang những nét mới sinh động, sáng tạo để tạo ra lực hút, hướng mạnh vào nhiệm vụ xây dựng kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phải nâng vai trò lãnh đạo của Đảng lên ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới.
Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thể hiện trên các vấn đề sau:
- Nổi bật nhất là việc triển khai nghiên cứu các chuyên đề đối với từng loại hình tổ chức Đảng.
Trước thực trạng của Đảng bộ DCĐ có nhiều tổ chức cơ sở Đảng ở các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài còn rất mới mẽ, nên công tác Đảng ở đó còn rất lúng túng. Thậm chí có nơi chi bộ Đảng phải sinh hoạt bí mật (chi bộ khách sạn Century) vì Tổng giám đốc là người nước ngoài bằng nhiều lý do sản xuất kinh doanh nên đã cản trở các tổ chức chính trị như Đảng, các đoàn thể hoạt động. Điều đó làm cho tôi suy nghĩ trăn trở rất nhiều. Tôi đã trực tiếp làm việc với nhiều Tổng giám đốc là người nước ngoài phân tích có tình có lý về sự ích lợi của các hoạt động của Đảng các đoàn thể cũng chính là để sản xuất kinh doanh tốt hơn, lợi nhuận được nhiều hơn và cả đôi bên đều hưởng lợi nên họ đã đồng tình. Từ đó, tôi đã tập trung tâm sức nghiên cứu, đi sâu xuống các đơn vị liên doanh với nước ngoài để khảo sát, viết thành báo cáo chuyên đề về công tác Đảng trong các đơn vị liên doanh với nước ngoài và đã tổ chức hội nghị thành công.
Phát huy thắng lợi trên, các năm sau mỗi năm đều phấn đấu hoàn thành một chuyên đề như: Công tác Đảng và các đoàn thể trong các trường học theo chỉ thị 34 của Bộ chính trị; công tác Đảng trong các doanh nghiệp nhà nước theo quy định 49 của Trung ương; công tác Đảng trong các đơn vị hành chính sự nghiệp theo quy định 54 của Trung ương.
Việc triển khai nghiên cứu các chuyên đề trên thể hiện tính sáng tạo, tìm tòi trên cơ sở tiếp cận thực tiễn, từ đó nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo của cấp ủy và đảng viên, có tác dụng sâu sắc thúc đẩy hoạt động xây dựng Đảng ở các tổ chức cơ sở Đảng và toàn Đảng bộ. Các chuyên đề trên đã giúp cho các chi đảng bộ cơ sở xác định được cụ thể hơn cách thức, phương pháp, nội dung lãnh đạo của Đảng đối với cơ sở nhất là đối với công tác Đảng trong doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài - lĩnh vực còn rất mới mẻ mà cơ sở hoạt động còn rất lúng túng; giúp cho các doanh nghiệp nhà nước nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh có lãi, nộp ngân sách nhà nước ngày càng cao; giúp cho các đơn vị hành chính sự nghiệp các trường học nâng cao năng lực làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc đề ra phương hướng nhiệm vụ sát đúng và điều hành tổ chức thực hiện tốt. Việc đi sâu nghiên cứu các chuyên đề và tổ chức thực hiện đã từng bước tạo ra sự phát triển đồng đều trong các khối, góp phần xây dựng Đảng bộ DCĐ ngày càng lớn mạnh. Đó là cách làm rất đổi mới, sáng tạo và đúng hướng, đi vào chiều sâu trong công tác xây dựng Đảng. Việc làm này đã được Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cao. Bản thân tôi là người khởi xướng, nghiên cứu chấp bút và tổ chức thực hiện cảm thấy rất phấn khởi với những kết quả đã đạt được.
Sau việc tiến hành khảo sát các tổ chức cơ sở Đảng để xây dựng các chuyên đề, khi có nghị quyết Trung ương III (khóa 8) ra đời, tôi đã có chủ trương tiến hành khảo sát đội ngũ cán bộ chủ chốt trong toàn Đảng bộ DCĐ từ trưởng phó phòng trở lên để nắm chắc thực trạng đội ngũ, đánh giá đúng thực chất điểm mạnh, yếu của cán bộ. Từ đó đề ra phương hướng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa của thời kỳ mới, đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục và kế thừa vững vàng cho những năm tới. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp ủy, các chi đảng bộ trực thuộc làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả trước mắt và lâu dài. Đồng thời, Thường vụ Đảng ủy DCĐ đã tham gia ý kiến với ban tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan về việc đề bạt, bổ nhiệm, điều động, khen thưởng kỷ luật đối với cán bộ là đảng viên trong khối thuộc diện tỉnh quản lý. Từ kết quả khảo sát 916 cán bộ chủ chốt một cách công phu, tỉ mỉ, tôi đã thống kê và phát hiện có tới hơn 50% đội ngũ cán bộ chủ chốt đang có trình độ sơ cấp lý luận chính trị nên có cơ sở kiến nghị với Thường vụ Tỉnh ủy xin mở 4 lớp trung cấp chính trị tại chức với hơn 400 cán bộ và được Thường vụ Tỉnh ủy chấp nhận. Sau đó Đảng ủy DCĐ đã phối hợp với trường cán bộ Nguyễn Chí Thanh liên tục mở các lớp bồi dưỡng và cả 4 lớp đều hoàn thành đạt kết quả tốt. Đây cũng là thành công của sự đổi mới, rất năng động và sáng tạo.
- Về đổi mới trong công tác phát triển đảng viên.
Đầu nhiệm kỳ, toàn Đảng bộ DCĐ mới chỉ có 1310 đảng viên trên tổng số gần 10.000 cán bộ công nhân viên. Tỷ lệ đảng viên mới chỉ chiếm 13% là quá thấp. Vì vậy, tôi đã cùng các đồng chí trong cơ quan Đảng ủy tích cực khảo sát và đã xây dựng được chuyên đề về công tác phát triển Đảng nhằm tăng thêm sinh lực mới cho Đảng, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, đảm bảo sự kế thừa và phát triển Đảng. Với nhiều chủ trương và biện pháp tích cực, đổi mới, sáng tạo, như: Tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề bàn về công tác phát triển Đảng trong Đoàn Thanh niên, trong hội CCB Dân Chính Đảng...; phân chỉ tiêu hàng năm cho các chi đảng bộ cơ sở trực thuộc; liên tục phát động các đợt kết nạp Đảng nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại, nhất là phát động kết nạp đảng viên mới thứ 1000 nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Bác Hồ (19/5/1890-19/5/2000). Đặc biệt, cải tiến thủ tục xét kết nạp của Thường vụ Đảng ủy là khi có đủ 10 hồ sơ là Thường vụ Đảng ủy họp ngay để xét nên rất nhanh chóng. Trong 5 năm 1996-2000 đã mở 12 lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng cho trên 1500 quần chúng ưu tú. Kết quả phát triển Đảng năm sau đều cao hơn năm trước, nhất là năm 1999 toàn Đảng bộ đã kết nạp được 210 đảng viên mới, xấp xỉ số lượng kết nạp Đảng của cả 5 năm nhiệm kỳ trước. Năm 2000 đã tổ chức trọng thể lễ kết nạp đảng viên thứ 1000 là đồng chí Hoàng Đức Kim thuộc chi bộ y học cổ truyền dân tộc (Đảng bộ sở Y tế) - Thông qua công tác phát triển Đảng đã nâng được 10 chi bộ lên thành Đảng bộ. Điển hình như Chi bộ Nhà máy bia đầu nhiệm kỳ mới có 15 đảng viên, do vị trí quan trọng của Nhà máy nên Thường vụ Đảng ủy DCĐ giao chỉ tiêu kết nạp 5 đảng viên/ năm và 3 năm sau là nâng lên thành Đảng bộ đã có tác động rất tích cực. Đây chính là chiến công của sự năng động và sáng tạo.
- Công tác chỉ đạo đại hội tổ chức cơ sở Đảng nhiệm kỳ cũng có nhiều đổi mới, kiên quyết tập trung vào 3 mặt. Xây dựng báo cáo chính trị, nhân sự cấp ủy và ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy. Điều quan trọng là tôi đã chuẩn bị cả 87 bài phát biểu chỉ đạo cho cả 87 chi đảng bộ trực thuộc. Vấn đề đặt ra là nội dung bài phát biểu làm sao cho sát thực tế và thật sâu sắc. Đặc biệt với đại hội của các cơ sở có nhiều đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh là đảng viên của Đảng bộ DCĐ, tôi phải chuẩn bị rất công phu, thận trọng, chu đáo nên nhiều đêm phải thức trắng để chuẩn bị văn bản. Nhìn chung, dư luận của các chi đảng bộ cơ sở trực thuộc đều rất hoan nghênh các bài phát biểu chỉ đạo do tôi chuẩn bị và đều đánh giá những bài phát biểu chỉ đạo của bí thư Đảng ủy DCĐ là sâu sắc, đúng đắn.
- Để đánh giá đúng thực chất của các chi bộ, đảng bộ cơ sở, Thường vụ Đảng ủy DCĐ đã có nhiều cải tiến về quy trình xem xét và công nhận đơn vị trong sạch vững mạnh. Với cương vị là Bí thư Đảng ủy, tôi đã đề xuất và cùng với Thường vụ Đảng ủy DCĐ cải tiến quy trình xét duyệt và công nhận đơn vị TSVM. Đó là tổ chức hội nghị tham mưu của các ngành nội chính để phát hiện về các vụ việc tiêu cực của các đơn vị; hội nghị tham mưu của lãnh đạo các đoàn thể công đoàn, đoàn TNCS Hồ Chí Minh và hội CCB cấp tỉnh để đánh giá chất lượng của các đoàn thể ở các cơ sở phải từ khá trở lên và hội nghị tham mưu của các ban Đảng phát hiện các đơn vị còn yếu về mặt xây dựng Đảng. Phải qua 3 hội nghị tham mưu đó phát hiện các đơn vị có dính đến vụ việc tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ, các đoàn thể chưa đạt loại khá trở lên đều phải gạt ra để xem xét sau. Số đơn vị không hề có khuyết điểm qua các hội nghị tham mưu, tập thể Thường vụ Đảng ủy xét rồi đưa ra hội nghị toàn ban chấp hành xét và quyết định theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số. Nhờ cách làm đổi mới, thận trọng, chặt chẽ hết sức khách quan, vô tư và nghiêm túc nên sau khi công nhận đơn vị TSVM được dư luận đồng tình và hoan nghênh. Đối với các đơn vị đạt tiêu chuẩn TSVM đều được khen thưởng theo quy định của TW là 5 năm 2 lần. Nhưng ở Đảng bộ DCĐ còn xét và khen thưởng những đơn vị đạt TSVM liên tục 5 năm, 10 năm đã có tác dụng rất tốt. Hằng năm, tổng kết công tác Đảng đều có khen thưởng đảng viên xuất sắc.
- Do Thường vụ Đảng ủy DCĐ có đổi mới trong việc xét và công nhận các chi đảng bộ cơ sở đạt TSVM phải đảm bảo các đoàn thể phải đạt từ khá trở lên nên Thường vụ Đảng ủy luôn coi trọng sự lãnh đạo của Đảng đối với các đoàn thể trong Đảng bộ. Nhờ vậy, hoạt động của các đoàn thể đạt nhiều kết quả tốt, tạo nên khối đoàn kết thống nhất cao.
- Thông qua hoạt động của các đoàn thể, Đảng ủy đã lãnh đạo và động viên toàn thể đoàn viên, hội viên cùng với đảng viên tham gia tích cực vào các phong trào chung của Đảng bộ, như các phong trào "đền ơn đáp nghĩa", nhân đạo từ thiện, phong trào ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt v.v... Nổi bật là dịp kỷ niệm 50 năm ngày thương binh liệt sĩ, Đảng ủy đã huy động đảng viên, cán bộ công nhân viên đóng góp được 170 triệu đồng đã xây dựng ngôi nhà tình nghĩa cho thương binh hạng 1/4 Hồ Văn Ổi ở A Lưới và 3 nhà tình nghĩa cho 3 bà mẹ VN anh hùng là bà Bùi Thị Lòng ở xã Phong Chương (Phong Điền), bà Hoàng Thị Chạc ở xã Quảng Thái (Quảng Điền), bà Võ Thị Thỏa ở xã Phú Đa (Phú Vang) và tặng các sổ tiết kiệm tình nghĩa cho 1 số đối tượng chính sách của 9 huyện, thành phố. Đã vận động quyên góp ủng hộ và giúp đỡ đồng bào Nam bộ bị nạn trong cơn bão số 5 là 300 triệu. Đặc biệt, trong cơn đại hồng thủy cuối năm 1999 ở Thừa Thiên Huế, Thường vụ Đảng ủy ra lời kêu gọi rất thắm thiết, yêu cầu mỗi người trong Đảng bộ ủng hộ từ 1 ngày lương trở lên để giúp đồng bào bị nạn. Nổi bật nhất là đơn vị Cục đầu tư phát triển do chị Nguyễn Thị Hoa làm giám đốc đã tự nguyện ủng hộ bình quân mỗi người 8 ngày lương. Toàn Đảng bộ đã quyên góp được 711 triệu đồng và nhiều hiện vật với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. Trong cơn lũ lịch sử ấy, riêng Đảng bộ DCĐ bị thiệt hại: 1 người bị chết, 5 người bị thương, 92 nhà bị sập, nhiều tài sản bị cuốn trôi. Thường vụ Đảng ủy đã có chủ trương chỉ để 2 đồng chí nữ trực ở cơ quan, còn tất cả cán bộ công nhân viên cơ quan Đảng ủy DCĐ từ bí thư trở xuống đều về giúp các gia đình bị nạn dựng lại nhà cửa. Và chỉ đạo Đoàn thanh niên DCĐ tổ chức đội xung kích tình nguyện hơn 100 đoàn viên cùng với cán bộ cơ quan Đảng ủy về giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt dựng mới và sửa chữa được hơn 20 nhà và trực tiếp chuyển số lượng lớn hàng hóa như gạo, mì cua, áo quần, chăn màn, sách vở đến tận tay nhân dân, được Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương rất hoan nghênh. Đặc biệt, với cương vị là ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, bí thư Đảng ủy DCĐ, ngay sau khi cơn đại hồng thủy xảy ra, đến ngày thứ 2, tôi đã 1 mình lội trong cơn lũ nước ngập đến ngực để đến các doanh nghiệp: Công ty Bia, khách sạn Hương Giang, Xí nghiệp In Thống kê và sản xuất bao bì... để trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo. Khi về đến cơ quan Đảng ủy ở tại Tam Tòa thì được biết ngay khi lũ lụt xảy ra, đ/c Lê Hữu Hùng và cô Yến đưa cả chồng, đến cơ quan chuyển đồ đạc tài liệu lên cao đảm bảo an toàn tuyệt đối làm cho tôi rất phấn khởi và khâm phục. Về phong trào mua công trái xây dựng Tổ quốc, toàn Đảng bộ đã hăng hái mua trên 3,4 tỷ đồng là thành tích rất nổi bật.
- Về công tác kiểm tra cũng có nhiều
đổi mới.
Tôi nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy DCĐ, điều trước tiên mà tôi cảm thấy rất căng thẳng là có tới hàng chục chi đảng bộ có các vụ việc nổi cộm tồn đọng chưa được giải quyết. Có vụ mất đoàn kết nghiêm trọng kéo dài tới 2 nhiệm kỳ vẫn không tiến hành đại hội được như chi bộ Tòa án tỉnh. Các vụ việc tiêu cực, mất đoàn kết nghiêm trọng ở Công ty thương nghiệp miền núi, Cục Hải quan, chi cục quản lý thị trường, công ty xuất nhập khẩu, Sở Tư pháp, Sở Thể dục thể thao, ban tổ chức chính quyền... phải giải quyết rất phức tạp. Có vài cơ quan phải giải quyết từ trong cấp ủy rồi ra đảng viên, ra quần chúng, phải tiến hành kiểm điểm mỗi vụ nổi cộm liên tục 7 buổi, có buổi tiến hành tới 1-2 giờ sáng mới xong để kết thúc cho gọn. Có vụ phải giải quyết 3-4 tháng, thậm chí có vụ việc phải giải quyết hàng năm khá công phu và rất thận trọng như vụ ở Tòa án tỉnh tiến hành từ đầu năm 1996 đến cuối năm mới tiến hành đại hội thành công. Thường vụ Đảng ủy đã kiên quyết giải quyết, vụ việc với yêu cầu đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đấu tranh với những sai lầm khuyết điểm để giúp đỡ cho đồng chí mình nhưng phải đứng trên quan điểm chung để xem xét 1 cách toàn diện với thái độ khách quan, công minh, có lý có tình. Phấn đấu toàn cấp ủy, cả chi đảng bộ là 1 tiếng nói thống nhất, thể hiện là 1 khối thống nhất, phải bảo vệ sự đoàn kết như bảo vệ con ngươi của mắt mình. Ban Thường vụ Đảng ủy đã tập trung giải quyết rất công phu và đạt kết quả tốt. Tất cả các vụ việc nổi cộm đều giải quyết một cách xong xuôi và êm đẹp, được dư luận đồng tình, hoan nghênh. Các đơn vị có vụ việc đều ra sức sửa chữa khuyết điểm và ngày càng tiến bộ.
Từ tình hình trên đặt ra cho Thường vụ Đảng ủy phải tăng cường sự lãnh đạo, có kế hoạch định kỳ kiểm tra giám sát mọi hoạt động của cán bộ đảng viên trong việc chấp hành chỉ thị nghị quyết của Đảng, pháp luật của nhà nước, nhất là theo dõi hoạt động của đảng viên ở nơi cư trú.
- Về mặt công tác chính trị tư tưởng được Thường vụ Đảng ủy xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để chống tiêu cực và mất đoàn kết nội bộ. Phải thường xuyên tổ chức học tập quán triệt các nghị quyết của Đảng các cấp, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh, chú trọng giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng. Đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị học tập các nghị quyết rất nghiêm túc. Không máy móc tách đảng viên học riêng mà Đảng ủy tổ chức học chung cả đảng viên và quần chúng. Các đảng bộ trực thuộc tương đối lớn thì Đảng ủy cơ sở ở đó tổ chức học tập riêng. Các chi bộ thì ghép thành từng cụm giao cho 1 chi bộ đăng cai. Tổ chức theo cụm là một biện pháp bảo đảm 100% đảng viên cán bộ công nhân viên chức được học. Về giảng viên, suốt cả nhiệm kỳ tôi đều là giảng viên chính và duy nhất. Đặc biệt, với nghị quyết TW6 (lần 2) tôi đã trực tiếp giảng cho toàn Đảng bộ trong đó có 2300 đảng viên đảm bảo 100% đều tham gia học. Công tác tuyên truyền thời sự báo chí cũng được quan tâm. Tất cả các chi bộ đều có báo nhân dân, báo Thừa Thiên Huế, tạp chí cộng sản, tạp chí xây dựng Đảng... được tổ chức đọc trong sinh hoạt chi bộ, đọc trước giờ làm việc hằng ngày và chuyền tay cho nhau đọc. Đảng ủy cũng thường xuyên kiểm tra và nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng của đảng viên cán bộ công nhân viên để xử lý. Đảng ủy thường xuyên coi trọng và làm tốt công tác giáo dục, đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Đã coi trọng việc bồi dưỡng lý luận chính trị. Đã mở hàng chục lớp bồi dưỡng cấp ủy viên và nghiệp vụ công tác Đảng. Qua đó, nâng cao nhận thức lên 1 bước mới. Do vậy, công tác chính trị tư tưởng ở 1 đảng bộ lớn như đảng bộ DCĐ tỉnh thì tính tích cực, nhạy bén sáng tạo của Đảng ủy là hết sức quan trọng. Điển hình là nhân dịp khánh thành bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên Huế, Thường vụ Đảng ủy DCĐ mà tôi là người khởi xướng mở cuộc vận động quyên góp được 162 triệu, đúc tượng Bác Hồ hết 100 triệu đặt tại vị trí trang trọng ở bảo tàng Hồ Chí Minh và cũng trong buổi lễ đó, Đảng bộ DCĐ là đơn vị duy nhất được Thường vụ Tỉnh ủy cho tiến hành báo công trước tượng đài Bác Hồ trong buổi lễ và hàng năm báo công trở thành truyền thống mỗi lần kỷ niệm ngày sinh nhật Bác. Với số tiền còn lại, Thường vụ Đảng ủy đã đúc tượng đồng Nguyễn Tất Thành đem tặng khu bảo tồn di tích Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Đó là những việc làm thể hiện tình cảm sâu nặng của đảng viên, cán bộ CNV trong toàn Đảng bộ đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Về phong trào văn hóa văn nghệ, TDTT phát triển khá đồng đều và đạt nhiều thành tích đáng phấn khởi. Tôi là người có sáng kiến tổ chức giải cầu lông - bóng bàn truyền thống cán bộ Dân Chính Đảng mở rộng từ năm 1996 đến nay, hằng năm đều duy trì tốt và ngày càng phát triển, tạo được khí thế mới, vui tươi, phấn khởi trong toàn Đảng bộ.
- Về đối ngoại, được sự đồng ý của Thường vụ Tỉnh ủy và Vụ 2 ban Tổ chức TƯ, tôi đã khởi xướng, đảng ủy đã tổ chức thành công hội nghị chuyên đề bàn về công tác xây dựng Đảng trong các đảng bộ DCĐ - doanh nghiệp nhà nước các tỉnh thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Kết quả hội nghị đã có tiếng vang lớn và nâng cao uy tín của Đảng bộ DCĐ Thừa Thiên Huế trong khu vực. Và các năm sau tôi là người cùng với lãnh đạo Vụ 2 đứng ra tổ chức hội nghị trao đổi công tác xây dựng Đảng các đảng bộ DCĐ-DNNN khu vực miền Trung và Tây Nguyên ở các tỉnh.
Với tình cảm Bình Trị Thiên là con 1 nhà, tôi đã có sáng kiến tổ chức việc giao lưu hàng năm giữa 3 cơ quan Đảng ủy DCĐ 3 tỉnh có tác dụng rất tốt. Hằng năm, vào dịp Tết nguyên Đán, năm nào tôi cũng đi thăm chúc Tết tất cả các đ/c bí thư và giám đốc của 87 đầu mối trực thuộc. Việc làm này thể hiện tình cảm rất tốt đẹp.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, là bí thư tôi đã cùng với Đảng ủy, Thường vụ Đảng ủy có nhiều đổi mới về nội dung cũng như phương thức lãnh đạo và phong cách công tác được đ/c Ngô Yên Thi lúc đó là Ủy viên TW Đảng, bí thư Tỉnh ủy đánh giá rất cao trong bài phát biểu chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy tại Đại hội lần thứ 3 của đảng bộ DCĐ.
Trương Công Nhật
Nguyên UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Đảng uyrDaan Chính Đảng (nhiệm kỳ 1996 - 2000)