TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Quốc tế đồng loạt đưa tin về thành công của Đại hội Đảng
Ngày cập nhật 20/01/2011

Báo chí quốc tế đã đồng loạt đưa tin về kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh giá cao ý nghĩa của kết quả này đối với sự phát triển của Việt Nam trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21.

Theo hãng tin Xinhua của Trung Quốc, sau 10 ngày làm việc, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam đã bế mạc ngày 19/1 sau khi bầu lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản và đạt được sự đồng thuận về các vấn đề chính trị, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn 2011-2020.

Cùng các hãng tin quốc tế lớn như BBC, Reuters, AP, AFP, RIA Novosti, Voice of Russsia hay những tờ báo lớn khác của phương Tây trong đó có New York Times, Wall Street Journal, báo chí trong khu vực hôm qua đồng loạt đưa tin ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá mới.

Các hãng tin đăng chi tiết tiểu sử Đồng chí Nguyễn Phú Trọng: ông sinh năm 1944 ở Hà Nội, Việt Nam; tháng 12/1997, tại Hội nghị Trung ương 4 khoá 8 được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị; đầu năm 2000 giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội; tại Đại hội lần thứ IX tháng 4/2001 và Đại hội lần thứ X tháng 4/2006, liên tiếp được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tại Kỳ họp thứ IX Quốc hội Việt Nam khóa 11/6/2006, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.

BBC nhấn mạnh: Tại lễ bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc XI sáng 19/1 ở Hà Nội, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã ra mắt Đại hội XI và báo giới, cam kết rằng ông và Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới sẽ tăng cường đoàn kết, thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động, luôn luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị để đạt mục tiêu trước mắt là đến năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Ông Nguyễn Phú Trọng cũng thừa nhận là còn "không ít khó khăn, thách thức đang ở phía trước".

Trước đó, ngày 18/1, Đại hội đã công bố kết quả bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá mới. Các ông: Nguyễn Tấn Dũng, ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội; Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư đã tái cử. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ nghỉ hưu, không tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương khoá mới.

Ngày 19/1, Trưởng Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Gia Thụy nhấn mạnh Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiện lớn mở đầu cho thập niên thứ hai của thế kỷ 21.

AFP chú ý tới chi tiết là trong Bộ chính trị mới, lần đầu tiên từ năm 1996 có một phụ nữ và cũng là một người sắc tộc thiểu số đó là bà Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch Quốc hội. Bốn ủy viên mới còn lại là các ông Đinh Thế Huynh, Tổng biên tập báo Nhân Dân; Ngô Văn Dụ, Chánh văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ và Trần Đại Quang, Thứ trưởng Bộ Công An. Trong cuộc họp báo quốc tế đầu tiên với cương vị Tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng cam kết sẽ đẩy mạnh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

Hãng tin ABC của Australia dẫn lời Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Việt Nam học người Australia và đang là Giáo sư danh dự giảng dạy tại Đại học New South Wales, nhận định Đại hội Đảng toàn quốc khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam "có sự đổi mới và cải tổ chính trị trong nước này". Danh sách Bộ Chính trị khóa XI gồm 14 người, Ban chấp hành Trung ương khóa XI gồm 175 Ủy viên chính thức và 25 Ủy viên dự khuyết cũng đã được công bố đầy đủ. Tỉ lệ đại biểu đắc cử trẻ (dưới 50 tuổi) bao gồm cả ủy viên Trung ương chính thức và dự khuyết có tăng lên (đạt 18%). Riêng tỉ lệ đại biểu nữ đắc cử đạt gần 10% so với 8% tại Đại hội Đảng lần trước. Ủy viên Trung ương chính thức trẻ nhất là 41 tuổi, ủy viên Trung ương dự khuyết trẻ nhất là 35 tuổi.

Ông Thayer nhận định việc một số người trúng cử vào BCH Trung ương đứng đầu trong các viện nghiên cứu cho thấy Việt Nam ngày càng chú trọng phát triển nền kinh tế dựa vào tri thức.

Hãng tin AFP dẫn lời một số nhà kinh tế, như ông Alan Pham thuộc công ty VinaSecurities, cho rằng với ban lãnh đạo mới, Việt Nam sẽ quản lý tốt hơn nền kinh tế và họ đã học được nhiều bài học từ những xáo trộn vừa qua. Một số nhà doanh nghiệp được hãng tin Bloomberg News trích dẫn, như ông Ngô Thế Triệu, điều hành Quỹ đầu tư cân bằng Prudential, cũng nghĩ rằng kết quả đại hội là tín hiệu tốt đối với thị trường nói chung, vì nay chính phủ đã nhận thức rõ những nguy cơ.

Theo BBC, kinh tế Việt Nam đã được dần dần tự do hóa sau hơn hai thập niên áp dụng chế độ tập trung kiểm soát. Khi Việt Nam mở cửa cho các sức mạnh của thị trường và kinh tế toàn cầu, các công ty tư đã trở thành động lực thúc đẩy để giúp cho tăng trưởng hàng năm đạt được tỉ lệ trung bình 7% trong 20 năm qua. Tại đại hội Đảng lần này, các đại biểu đã quyết định cho phép những người chủ doanh nghiệp tư được gia nhập đảng lần đầu tiên - một sự thừa nhận về vai trò quan trọng của các doanh nghiệp này đối với kinh tế đất nước. Đại hội Đảng đã bày tỏ quan tâm về nền kinh tế nhưng tỏ ý lạc quan là tình trạng mất cân bằng sẽ được khắc phục.

Reuters đưa tin các nhà phân tích tài chính hoan nghênh những thông báo về nhân sự trong ban lãnh đạo mới và bày tỏ sự tin tưởng là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết để khắc phục những vấn đề kinh tế bức thiết như lạm phát và thâm hụt mậu dịch. Hãng tin dẫn lời Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Thạo tại cuộc họp báo hôm qua nói rằng một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô để duy trì tốc độ tăng trưởng.

Nguyễn Viết (Nguồn: Dân trí)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 3.471