TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.288.695
Truy câp hiện tại 1.729
Những đại biểu Quốc hội khóa I hy sinh vì nước
Ngày cập nhật 21/05/2021
Trưởng Ban TT QH đầu tiên của nước Việt Nam DCCH Nguyễn Văn Tố (ngoài cùng bên trái)
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Những đại biểu Quốc hội hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì nhiệm vụ kháng chiến xứng đáng là đại biểu của nhân dân Việt Nam anh dũng.
Nhân dịp bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, xin điểm lại một số Đại biểu Quốc hội khóa I đã anh dũng hy sinh vì dân vì nước trong những ngày Kháng chiếm chống Pháp.
 

Đại biểu Nguyễn Văn Tố sinh năm 1889 tại Hà Nội, hy sinh vào tháng 10/1947 tại Việt Bắc. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ông là hội trưởng Hội Truyền bá học quốc ngữ thành lập theo chủ trương của Đảng. Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội trong Chính phủ Lâm thời. Ngày 6/1/1946, trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội tại Nam Định. Ngày 2/3/1946, tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, ông được bầu là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Toàn quốc kháng chiến nổ ra (19/12/1946), ông được cử là Phó chủ tịch Ủy ban tản cư và di cư. Tháng 10/1947, thực dân Pháp mở cuộc tiến công quy mô vào căn cứ địa Việt Bắc, ông bị giặc bắt và hy sinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bật khóc khi nhớ về ông và Người đã viết văn tế với những lời lẽ trân trọng: “Nhớ cụ xưa/ Văn chương thuần tuý, học vấn cao sâu/ Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết/ Mở mang văn hoá, cụ dốc một lòng/ Phú quý, công danh cụ nào có thiết…./ Cụ dù hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt…”.

Đại biểu Nguyễn Văn Luyện sinh năm 1898 tại Bắc Ninh, hy sinh năm 1946 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Y Đông Dương và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y khoa tại Pháp. Tại cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội. Tại Quốc hội khóa I, ông là Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội. Trong trận chiến bảo vệ Thủ đô ngày 19/12/1946, ông cùng 2 người con trai là tự vệ thành cầm súng chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Với sự hy sinh anh dũng đó, ông được truy tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất.

Đại biểu Trần Kim Xuyến sinh năm 1921 tại Hà Tĩnh, hy sinh năm 1947 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Quốc học Vinh (Nghệ An) và sau đó tham gia các hoạt động yêu nước ở Bắc Giang và Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Ngày 22/8/1945, ông được cử giữ chức vụ Đổng lý văn phòng của Bộ, kiêm chức Phó Giám đốc Nha thông tin Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn giao ông tham gia thành lập Đài Phát thanh quốc gia cùng ông Trần Lâm, ông Chu Văn Tích. Tháng 1/1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I tại Bắc Giang. Sáng ngày 3/3/1947, ông hy sinh vì bom đạn của giặc Pháp khi ở lại chuyên chở tài liệu của Nha thông tin đến nơi an toàn. Ngày 23/4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 32/SL truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho ông.

Đại biểu Lý Chính Thắng (tên thật là Nguyễn Đắc Huỳnh) sinh năm 1917 tại Hà Tĩnh, hy sinh năm 1946 tại Chiến khu An Phú Đông gần Sài Gòn. Đầu năm 1929, ông gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ và sau đó là An Nam Cộng sản đảng. Sau đó, khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập vào năm 1930, ông đã gia nhập Đảng và đổi tên là Lý Chính Thắng. Tiếp đó, ông tham gia Thành ủy kiêm thư ký công đoàn Sài Gòn - Gia Định. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, ông giữ chức vụ Ủy viên Thành bộ Việt Minh Sài Gòn - Chợ Lớn. Tháng 10/1945, ông làm Tổng Thư kí Tổng Công đoàn Nam Bộ và tham gia sáng lập báo “Cảm tử” của Tổng Công đoàn Nam Bộ. Tháng 11/1945, ông lập trạm đón tiếp công nhân từ Sài Gòn ra An Phú Đông và biến nơi đây thành chiến khu kháng chiến chống Pháp. Tháng 1/1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn. Giặc Pháp tấn công Chiến khu An Phú Đông, ông được cử làm chỉ huy trưởng mặt trận phía Đông. Trong một trận đánh, ông bị thương, bị giặc Pháp bắt và hy sinh vào ngày 30/9/1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ngày 25/4/1949 truy tặng Huân chương độc lập hạng Nhì cho ông.

Đại biểu Thái Văn Lung sinh năm 1916 tại Gia Định, hy sinh năm 1946 tại Gia Định. Ông có bằng Cử nhân Khoa Luật tại Đại học Paris và từng theo học Trường Sĩ quan Pháo binh ở Pháp. Tháng 3/1945, ông làm việc tại Tòa thượng thẩm Sài Gòn. Tháng 6/1945, ông tham gia sáng lập lực lượng Thanh niên Tiền phong và phụ trách làm huấn luyện quân sự. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 23/9/1945, ông bị giặc Pháp bắt nhưng trốn thoát được. Ông trở ra ngoại thành Sài Gòn và được cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Thủ Đức, xây dựng tổ chức lực lượng vũ trang của huyện và được nhân dân quen gọi là bộ đội Thái Văn Lung. Sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, ông trở thành một trong những đại biểu Quốc hội khóa I thuộc Gia Định. Ông bị giặc Pháp bắt trong một trận đánh và hy sinh vào ngày 1/7/1946.

Đại biểu Lê Thế Hiếu sinh năm 1892 tại Quảng Trị, hy sinh năm 1947 tại Quảng Trị. Ông sớm giác ngộ và tham gia cách mạng. Năm 1929, ông bị giặc bắt và bị đày lên Lao Bảo và sau đó là nhà lao Vinh vào năm 1933. Đến năm 1936, phong trào Bình dân ở Pháp thắng thế, ông được thả và tiếp tục tham gia phong trào cách mạng. Cuối năm 1939, giặc bắt ông và giam ở Đắc Lây rồi Đắc Tô cho đến ngày Nhật đảo chính Pháp (3/1945). Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của tỉnh Quảng Trị. Tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa I, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội. Tháng 5/1947, ông hy sinh khi đụng độ với giặc Pháp đang chúng đi càn để phá hoại vùng căn cứ Chợ Cạn, phá hoại mùa màng, khủng bố nhân dân.

Tên tuổi các đại biểu Quốc hội hy sinh vì nước còn nối dài như: Đại biểu Siểng (đại biểu Quốc hội tại Biên Hoà), người dân tộc Khơ Me, bị giặc giết hại năm 1947; đại biểu Nguyễn Văn Triết (đại biểu Quốc hội tại Thủ Dầu Một) bị giặc giết hại vào tháng 4/1948; đại biểu Huỳnh Bá Nhung (đại biểu Quốc hội tại Rạch Giá) bị giặc giết hại vào tháng 11/1953…

Tôn vinh những vị đại biểu Quốc hội đã hy sinh vì nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Đối với các vị ấy, nhân dân, Quốc hội, Chính phủ đều mến yêu mãi mãi. Các vị đại biểu kể trên đã từ trần vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì nhiệm vụ kháng chiến, xứng đáng là đại biểu của nhân dân Việt Nam anh dũng”.

Văn nghệ số 21/2021

Nguồn: baovannghe.com.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày