TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.292.622
Truy câp hiện tại 1.725
Giải quyết vấn đề lợi ích dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn đổi mới hiện nay
Ngày cập nhật 02/11/2016

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nghiên cứu giải quyết lợi ích giữa dân tộc và quốc tế trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích dân tộc. Đây là quan điểm nhất quán của Người và được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong mọi quyết sách phát triển đất nước.

gay từ khi tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, rồi hoạt động ở Quốc tế Cộng sản, Người luôn tuân thủ sự chỉ đạo và phân công của Quốc tế Cộng sản, nhưng cũng sáng tạo dựa trên cơ sở thực tiễn cách mạng Việt Nam và Đông Dương. Hồ Chí Minh coi cách mạng Việt Nam nằm trong phạm trù cách mạng vô sản thế giới, nhưng trong điều kiện là một nước thuộc địa (mất quyền dân tộc), Người luôn khẳng định, cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc. Vì vậy, trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930), với mục tiêu giải phóng dân tộc, Người đặt vấn đề dân tộc lên trên vấn đề giai cấp. Người kiên trì quan điểm của mình cho đến khi đường lối cách mạng giải phóng dân tộc chính thức trở thành đường lối của cách mạng Việt Nam.

Năm 1941, sau khi về nước nắm vai trò lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc và chuẩn bị lực lượng giành chính quyền, vấn đề lợi ích dân tộc càng được đề cao trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người khẳng định: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”(1), quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Tư tưởng phục vụ quyền lợi dân tộc của Người ngày càng được quán triệt và thấm nhuần trong những người cộng sản Việt Nam và đấy chính là động lực vô cùng quan trọng để Đảng và nhân dân ta vượt qua những khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công để nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Từ khi giành được chính quyền, Hồ Chí Minh cho rằng, sự viện trợ, giúp đỡ của bầu bạn quốc tế là rất quan trọng nhưng không thể trông chờ vào đó mà cần tự lực cánh sinh, tự lực tự cường: “...muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”(2). Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước là thách thức lớn đối với vận mệnh dân tộc. Vì vậy, việc tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa là rất cần thiết nhằm góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Bằng những hoạt động tích cực, Hồ Chí Minh góp phần củng cố tình đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lợi ích dân tộc còn được coi là tiêu chí để phân biệt bạn - thù, là cơ sở để phân hóa kẻ thù và tập hợp lực lượng. Người cho rằng: “Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù. Đối với mình, những tư tưởng và hành động có lợi ích cho Tổ quốc, cho đồng bào là bạn. Những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc và đồng bào là kẻ thù”(3).

Từ cuối thập niên 50 của thế kỷ XX, đứng vững trên lập trường nguyên tắc, chú trọng vận động, thuyết phục, kiên trì chờ đợi, đấu tranh có lý có tình, cùng với nghệ thuật ứng xử khôn khéo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng góp quan trọng vào việc giữ được quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với hai nước lớn xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc. Trong xử lý mối quan hệ quốc tế, Hồ Chí Minh cho rằng, phải bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài của dân tộc, phải tăng cường tình đoàn kết quốc tế, tránh gây mất đoàn kết. Người nói: “Vì đoàn kết mà phải tranh đấu... phải làm sao trong Đảng và trong nhân dân giữ được lòng yêu mến và biết ơn các nước bạn anh em”(4). Luôn đặt lợi ích của Việt Nam lên trên hết, nhưng Hồ Chí Minh kiên quyết chống tư tưởng dân tộc vị kỷ, dân tộc hẹp hòi. Thậm chí đối với nước thù địch, Nguời cũng tính tới lợi ích của họ, ứng xử độ lượng. Tháng 7-1946, trong thư gửi Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại, Người khẳng định, nếu nước Pháp không thừa nhận độc lập của Việt Nam, đó sẽ là một thiệt thòi cho nước Pháp và cho cả nước Việt Nam nữa. Song đối với nước Pháp sự thiệt thòi sẽ là vĩnh viễn.

Trong quan hệ quốc tế, đối với bạn bè, đồng chí của Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn thuỷ chung, chân thành xây dựng mối quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Với những đối tượng cụ thể, Người tìm những điểm tương đồng để khơi dậy tình hữu ái và tinh thần hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, ít ra cũng làm cho họ không công khai chống lại ta, Hồ Chí Minh từng nhận xét về nhân dân Pháp, họ đều yêu chuộng những đức lành như: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Trả lời một nhà báo Mỹ, Hồ Chí Minh nói, Người đã đến nước Mỹ, hiểu nhân dân Mỹ rất trọng chính nghĩa và có nhiều tài năng. Nhân dân Việt Nam coi nhân dân Mỹ là bạn của mình; chúng tôi chống là chống chính sách can thiệp...

Một điểm đáng lưu ý trong tư tưởng Hồ Chí Minh đó là, Việt Nam sẵn sàng mở rộng hợp tác với tất cả các nước, trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Trong bản thông cáo về “Chính sách ngoại giao của Chính phủ lâm thời”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ vấn đề hợp tác với từng đối tượng. Đối với các nước đồng minh chống phát-xít: “Việt Nam hết sức thân thiện và thành thực hợp tác trên lập trường bình đẳng, tương ái”. Đối với kiều dân Pháp thực sự tôn trọng độc lập của Việt Nam thì tính mệnh và tài sản của họ được bảo vệ theo luật pháp quốc tế, còn “riêng với chính phủ Pháp Đờ Gôn, chủ trương thống trị Việt Nam, thì kiên quyết chống lại. Đối với các nước láng giềng, như Trung Hoa, vốn có quan hệ lịch sử lâu đời thì “thắt chặt tình thân ái, khiến hai dân tộc Việt - Hoa tương trợ mà cùng tiến hóa”, với Ai Lao và Cao Miên cùng chung số phận với Việt Nam thì “tương trợ để thực hiện và củng cố sự độc lập, giúp đỡ lẫn nhau để kiến thiết và sánh vai ngang hàng mà tiến hóa”; Với các nước nhỏ khác đấu tranh vì độc lập dân tộc trên toàn cầu, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng thân thiện, hợp tác chặt chẽ trên nguyên tắc bình đẳng để ủng hộ lẫn nhau trong xây dựng và giữ vững nền độc lập. Có thể coi, Thông cáo chính sách ngoại giao (3-10-1945) như một giác thư của Nhà nước Việt Nam gửi đến cộng đồng quốc tế, khẳng định những quan điểm dân chủ, tiến bộ, nhân đạo, hòa bình và sẵn sàng hợp tác của nhân dân ta với cộng đồng quốc tế. Các quan điểm đó hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển của quan hệ quốc tế sau chiến tranh, đồng thời cũng phù hợp với nguyện vọng của nhân dân các nước trên thế giới.

Bằng những hoạt động tích cực của mình, Hồ Chí Minh đã làm cho bạn bè trên thế giới biết đến khát vọng, ý chí độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam, bày tỏ quan điểm thiện chí sẵn sàng hợp tác của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tháng 1-1950, trong Tuyên bố khi đi thăm nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”(5). Quan điểm đó vừa phù hợp với thực tế lịch sử khi đó, vừa giữ bản sắc truyền thống Việt Nam, vừa đúng với luật pháp và quy định quốc tế. Do đó, giúp vừa phát huy được tiềm năng sức mạnh của dân tộc, vừa tận dụng được sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Ngày nay, quan điểm của Hồ Chí Minh về hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi vẫn là một trong những quan điểm mang tính quyết định đến thành công của ngoại giao Việt Nam, đồng thời quan điểm đó còn mang tính thời đại, trở thành tư tưởng chủ đạo trong hợp tác quốc tế của các nước trên thế giới.

Quán triệt và vận dụng những tư tưởng trên của Hồ Chí Minh, Đảng ta khẳng định, lợi ích cao nhất của dân tộc và cũng là lợi ích cao nhất của giai cấp công nhân là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; ra sức phát triển kinh tế, làm cho dân giàu, nước mạnh, giữ vững độc lập và thống nhất. Bước sang giai đoạn mới, việc xác định lợi ích quốc gia dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trong.

Trong suốt 30 năm đổi mới, quan điểm của Đảng ta về lợi ích quốc gia, dân tộc là liên tục và nhất quán, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Việc coi trọng mục tiêu phát triển và đổi mới tư duy về mục tiêu an ninh là hạt nhân cốt lõi của lợi ích quốc gia Việt Nam trong giai đoạn này. Lợi ích đó nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Những thành công trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hoạt động đối ngoại thời gian qua đã cho thấy nhận thức của Đảng về lợi ích quốc gia là đúng đắn.

Đảng ta xác định lợi ích quốc gia dựa trên từng thời điểm lịch sử nhất định, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Việt Nam và xu hướng phát triển của tình hình thế giới. Đảng ta đặt lợi ích và mục tiêu quốc gia thông qua mối tương quan lực lượng và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Việt Nam với các đối tác tại một thời điểm nhất định, trên cơ sở quan điểm của Đảng về bản sắc dân tộc cũng như các chuẩn mực quốc tế. Thông qua đó, Đảng xác định nhu cầu và khả năng, thế và lực của quốc gia, dân tộc, từ đó cụ thể hóa nội dung lợi ích quốc gia tại thời điểm lịch sử tương ứng. Đồng thời, lợi ích quốc gia, dân tộc luôn gắn liền với hạnh phúc của nhân dân, phồn vinh của quốc gia, chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo và điều đó trở thành giá trị độc đáo trong mục tiêu cách mạng của Việt Nam.

Đảng ta hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo sự thống nhất và hòa quyện giữa lợi ích của giai cấp và lợi ích của dân tộc, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc là nguyên tắc cao nhất của các hoạt động lãnh đạo của mình. Nói cách khác, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc là nguyên tắc mà tất cả các hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân đều phải tuân thủ. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm về lợi ích quốc gia nhất quán, xuyên suốt trên, về sự “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm mục tiêu cao nhất”(6), trở thành kim chỉ nam trong đường lối phát triển đất nước, nhất là đối với công tác đối ngoại của Đảng ta./.

------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 9

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 293

(3) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 6, tr. 18

(4) Đinh Xuân Lý: Tiến trình hội nhập Việt Nam - ASEAN, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 189 - 190

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 11

(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 65

Nguyễn Văn Nguyên ThS, Giảng viên Học viện Ngân hàng
 

 

Nguồn TCCS
Các tin khác
Xem tin theo ngày